KHÔNG CÓ SÔNG NÀO ĐỂ VƯỢT QUA - THIỀN SƯ NI ĐẠI HẠNH

Một người khác lại hỏi, nếu cần chứng đạo, có phải lên núi tu tập như Sư bà không? Sư bà trả lời, “Dĩ nhiên là không. Điều cốt tủy là phải đem tâm tu tập, chứ không phải thân. Tôi chỉ tu tập với những khó khăn phải đương đầu, và những gì xảy ra là do hoàn cảnh riêng tôi. Hồi đó tôi nghèo, không còn chỗ nào để đi nên phải tu tập như vậy. Bất kể hoàn cảnh của quý vị như...
KHÔNG CÓ SÔNG NÀO ĐỂ VƯỢT QUA - THIỀN SƯ NI ĐẠI HẠNH

KHÔNG CÓ SÔNG NÀO ĐỂ VƯỢT QUA

THIỀN SƯ NI ĐẠI HẠNH

Zen Master Daehaeng

 

Sư bà Đại Hạnh sinh năm 1927, trong một gia đình quyền quý. Gia thế vốn giàu có, nhưng khi Sư bà ra đời thì hoàn cảnh họ khá bấp bênh. Hoàng gia Nhật quyết tâm thôn tính Đại Hàn nên đem quân đội chiếm đóng từ năm 1904, với chính sách ngày càng tàn bạo và nặng nề. Cha của Sư bà nguyên là tướng quân triều đình của vị vua Đại Hàn cuối cùng nên vẫn tiếp tục chống đối quân Nhật xâm lược. Hậu quả là quân Nhật tịch thu toàn bộ nhà cửa, tài sản, đất đai của gia đình khi Sư bà lên sáu tuổi. Họ chạy thoát mật thám Nhật chỉ trong giây phút, duy có bộ quần áo mặc trên người, vượt sông Han, xây một túp lều trú ẩn trên núi phía nam Hán thành.

Trong một thời gian dài, thức ăn của họ chỉ là những gì xin được hay đi mót lúa ngoài đồng khi đã gặt xong. Sự bóp nghẹt liên tục của Nhật, việc triều đình Đại Hàn sụp đổ, hoàn cảnh bi đát của gia đình đã làm tâm trí cha Sư bà ngập tràn niềm thất vọng và phẫn nộ. Dù vẫn tử tế, hay giúp đỡ người khác nhưng ông lại dồn tất cả sự giận dữ, oán hận lên Sư bà, đứa con gái đầu của mình. Hoang mang, không sao hiểu nổi những gì xảy đến cho mình, Sư bà trốn lánh khỏi túp lều càng nhiều càng tốt. Dù bóng đêm và những âm thanh quái lạ làm Sư bà vô cùng sợ hãi, nhưng Sư bà bắt đầu ngủ ngoài rừng, lấy lá phủ cho ấm.

Khi Sư bà lên tám tuổi thì những ngày lạnh lẽo, đói khát đã kéo dài hai năm. Cho dù cuộc đời quá khổ cực, nhưng trong nội tâm Sư bà lại khởi sự cảm thấy khác hẳn. Nỗi sợ hãi phải sống ngoài núi rừng vào ban đêm đã phai nhạt, dần dần bóng đêm trở nên thoải mái, ấm áp, đẹp đẽ. Trong rừng không có sự khác biệt giữa giàu nghèo, quý tiện, mọi sinh vật sống hỗ tương, hài hòa với nhau. Đem so sánh, thì thế giới bên ngoài tràn ngập sự bất bình đẳng và khổ đau. Nhìn đâu, Sư bà cũng thấy con người sinh ra chỉ để chịu khổ.

Suốt ngày họ sống tách biệt với mọi người để đeo đuổi những điều đến phút chót mới thấy thật là vô ích, y như họ sống qua một đời đến khi bệnh hoạn rồi chết. Cuộc sống chỉ như vậy sao? Hiện hữu đó có ý nghĩa gì? Qua trực giác, Sư bà cảm nhận còn có những điều khác, những gì cốt yếu mà mắt Sư bà không thấy được. Cái đó là gì? Có những ngày liền, Sư bà tựa lưng vào phiến đá hay gốc cây, suy tư tìm tòi, thiết tha mong muốn hiểu được những gì đã tạo nên Sư bà. Càng lớn, cái mong muốn đó càng mãnh liệt khiến đôi khi Sư bà nghĩ thà chết còn hơn là không tìm được câu trả lời cho những thắc mắc này. Ngập chìm trong nỗi nghi vấn, núi rừng quả là nguồn an bình, nuôi dưỡng Sư bà. Bất ngờ một ngày Sư bà tìm được những gì mải hoài tìm kiếm: nó đã có sẵn trong Sư bà, và vẫn luôn ở với Sư bà. Điều đó thật ấm áp, tuyệt diệu biết bao nên Sư bà gọi là Appa, có nghĩa là Cha. Đây không phải là ông cha mà Sư bà không dám để thấy mặt, một ông cha không hề yêu thương Sư bà; nhưng chính bản tâm đã tạo ra Sư bà, chân tính là người sáng tạo đích thực. Sư bà òa khóc, không ngớt gọi ‘Cha ơi, Cha ơi’, lòng tràn ngập niềm vui khi biết cha mẹ đích thực, chân tánh luôn có sẵn, không hề rời Sư bà. Nhiều năm về sau, Sư bà thường cười về việc này và bảo là: Nếu ta không quá trẻ và dốt nát, thì hẳn ta đã gọi là Phật tánh, chân tánh. Nhưng vào lúc đó, ta chỉ biết là một cái gì tràn đầy sự yêu thương, ấm áp nên ta gọi là ‘Cha’. Ta cho ‘Người cha’ mà ta cảm nhận được trong nội tâm chính là cha ta”. Sư bà xem ‘Cha’ là nguồn an ủi và trút hết tình thương vào đó. Mỗi khi Sư bà gọi thầm ‘Cha ơi’, Sư bà cảm thấy như sỏi đá, cây cối, thú vật cùng tất cả mọi thứ trở thành những người bạn thân thiết, quá sức thân thiết đến như cùng một hơi thở. Không hiểu sao Sư bà lại biết là ‘Cha’ có thể trả lời mọi thắc mắc của Sư bà nên phó thác tuyệt đối vào đó. Sư bà sống một cách rất tự nhiên và không hề thử tin tưởng vào một cái gì bên ngoài Sư bà. Thật là tuyệt vời khi từ một người không có gì Sư bà lại nếm được mùi vị bất khả tư nghị của chánh pháp. Sư bà cảm thấy ‘Cha’, cái bản tính vốn có đó, quý báu hơn bất kỳ thứ gì trong cả thế giới nên cứ lặp đi lặp lại: “Con muốn thấy Cha”. Đáp lại lời van nài, một giọng nói sâu thẳm trong chính Sư bà lên tiếng: “Nhìn thử trong gương, ta ở đó”. Bất kể bao nhiêu lần Sư bà nhìn gương, bất kể trong bao lâu, Sư bà chỉ thấy chính khuôn mặt mình. Không còn gì khác. Sư bà cảm thấy ê chề. Chưa bao giờ Sư bà được nghe một bài pháp, học một trang kinh, và không sao hiểu được điều mà Sư bà đang chứng nghiệm. Về sau Sư bà nhớ lại: “Dù cho lúc đó đã mười tám tuổi, ta vẫn không sao hiểu được ý nghĩa thật sự của điều đó”.

Sau khi Đại Hàn được độc lập năm 1945, Sư bà theo tiếng gọi nội tâm và đi về hướng núi Odae. Trong dãy núi đó có một Thiền sư vĩ đại tên là Hanam mà Sư bà đã gặp. Sư bà được gặp Thiền sư Hanam nhiều năm về trước, khi còn là một bé gái, ở với người cậu trong vùng, nên thường lên chùa để viếng Thiền sư. Sư bà nhớ lại: “Ta không hề biết đến những danh xưng về Thiền sư như là: Đại sư, Đại thiền sư, Đại trí tuệ”. Thiền sư là người đứng đầu của giòng thiền Jogye, nhưng Sư vẫn vui đùa với ta, dúi cho ta bánh gạo rang khi không có ai. Sư mang lại lòng từ ái, bi mẫn cho những ai nghèo nàn, khốn khổ bởi họ đã bần cùng, chịu nhiều đau khổ. Với những ai mắt ngời sáng khát khao muốn biết chân lý, Sư đem đến trí tuệ và sự sách tấn. Bất kỳ là hạng người nào, bạn cũng có thể gặp gỡ Sư. Ngôn ngữ của người rất bình dị nhưng luôn hàm chứa thật sâu sắc. Trong sự chứng đắc sâu xa, Sư luôn ấm áp, an bình, như ‘Cha’. Sau khi đến núi Odae, Sư bà xin làm công quả, xin được vào Thiền đường dành cho Tỳ- kheo ni. Sau nhiều ngày ngồi thiền miên mật, Sư cảm thấy tay chân rã rời. Chợt một tư tưởng nổi lên, “Sao ta lại hủy hoại xe như vậy thay vì kéo trâu?” Về sau, Sư bà giải thích, “Thử nghĩ một chiếc xe, có trâu kéo. Nếu muốn đi tới, có nên đánh vào xe không? Không nên, mà chỉ lấy dây mũi, nhẹ nhàng dẫn trâu đi tới trước”. Vì vậy Sư bà bỏ Thiền đường và trở lại rừng sâu. Sư bà tu tập rất miên mật, không bận tâm đến chuyện giữ giới hay không giữ giới, cạo tóc hay để tóc dài, mà chỉ là hướng vào bên trong.

Mùa xuân năm 1950, Sư được thọ giới Sadi. Thiền sư Hanam lại cắt tóc cho Sư bà. Ngài hỏi, “Ngay đây, ai là người thọ giới?” Sư bà trả lời, “Chẳng có lúc nào Ngài trao Giới, mà chẳng có lúc nào con được thọ giới. Hạc chỉ bay về phía núi xanh”. Thiền sư Hanam dạy, “Con phải chết mới thấy được chính con”. Sư bà trả lời, “Cái ngã nào phải chết, ngã nào phải giết?” Thiền Sư hỏi tới, “Tâm con ở đâu?” Sư bà trả lời, “Chắc Ngài khát nước rồi. Xin hãy dùng chút nước”. Cuối cùng Thiền sư hỏi, “Nếu ta là cục nam châm, con là cây đinh, điều gì sẽ xảy ra?” Sư bà trả lời, “Đinh cũng sẽ thành cục nam châm”. Thiền sư rất vui lòng, Ngài dạy, “Xuất cách! Thôi hãy đi theo đường của con”.

Không lâu sau đó, nội chiến xảy ra và đất nuớc lâm vào cảnh hỗn loạn. Chỉ vài tháng sau, Thiền sư Hanam an nhiên thị tịch, trụ thế 75 năm, xuất gia làm đệ tử Phật hơn năm mươi tuổi hạ. Sau khi rời Thiền sư Hanam, Sư bà đến Busan ở khoảng một năm. Sư bà dựng quán ăn cho phu bến tàu và người nghèo; còn làm thợ may, lấy binh phục may đồ dân sự. Trước đây khi sống khổ sở, chịu đựng một mình nên Sư bà cũng chẳng bận tâm. Nhưng bây giờ, thật không thể chịu nổi khi nhìn sự đau khổ kinh khủng của mọi người chung quanh. Dù có thể cho ăn, cho mặc nhiều người; nhưng Sư bà bắt đầu cảm thấy giúp người khác về mặt vật chất chỉ đến một giới hạn. Sư bà hiểu ra rằng mình cần phải tu tập miên mật hơn nên rời Busan và cuộc sống đã tạo dựng ở đó. Chưa bằng lòng với những gì đã hiểu, Sư bà luôn tự vấn, “Mục đích cuộc đời là gì? Tại sao con người phải chịu khổ? Tại sao ta lại có mặt ở đây?” Sư bà tu tập ngày đêm không ngưng nghỉ, không ăn uống, nhưng câu đáp duy nhất chỉ là, “Phải chết mới thấy được chính mình”. Sư bà đã giải đáp câu hỏi này ở nhiều mức độ sâu sắc khác nhau, nhưng Sư bà hiểu mình cần phải đi sâu hơn. Tất cả năng lực của Sư bà chỉ tập trung vào nghi tình này, khi bước chân đưa Sư bà đi khắp đất nước. Mong muốn được biết câu trả lời thật là mãnh liệt, nhưng chẳng có câu trả lời nào từ nội tâm. Sự khao khát biết được câu trả lời tối thượng cho thoại đầu, “Hãy chết mới thấy được chính con”, quá sức mãnh liệt khiến Sư bà cảm thấy cuộc đời không còn có ý nghĩa nếu không biết được câu trả lời. Kết quả là nhiều lần Sư bà đã tự vẫn nhưng không thành. Sư bà bước đi vô định. Điều bận tâm duy nhất là phải chết ở chỗ nào không phiền ai chôn xác. Bước chân Sư bà dừng lại trên vách đá nhìn xuống sông Han. Nhưng ngay giây phút nhìn xuống dòng sông, Sư bà quên hẳn chuyện muốn chết. Hẳn Sư bà phải đứng đó cả nửa ngày trời, nhìn dòng nước. Đột nhiên ra khỏi định, nước mắt Sư bà tuôn trào không sao kềm giữ được. Sư bà hiểu ra rằng, “Nước mắt của ta phải thành cả đại dương, một đại dương ta sẽ uống cạn”. Sư bà khóc trong niềm hân hoan vì thấu hiểu được làm thế nào để tiến tu. Nước mắt đó không chỉ là sự đồng cảm đơn thuần, mà chính là được nhập làm một, tan hòa với mọi nỗi khốn khó, đau khổ của chúng sanh.

Hơn thế nữa, từ đây Sư bà biết khi đã hòa nhập được, Sư bà sẽ thể hiện tính nhất nguyên, từ trong bản thể (foundation) nhập làm một với những ai đang đau khổ. Theo cách này Sư bà có thể giúp không những từng cá nhân mà còn cả hành tinh nữa. Sư bà sống trong rừng thêm mười năm nữa. Chẳng bao giờ Sư bà so sánh mình với người khác, và cũng chưa từng mãn nguyện với những gì mình đã nhận ra. Sư bà chỉ tiếp tục tiến tu trong khi vẫn thành tâm áp dụng cùng thử nghiệm những gì Sư bà đã khám phá, không chấp thủ vào bất cứ kinh nghiệm hay hiểu biết nào. Tu tâm không ngưng nghỉ cùng thử nghiệm những hiểu biết và chứng đạt, Sư bà không hề bận tâm về thân. Khi cảm thấy cần ăn một chút, Sư bà ăn bất cứ cây cỏ gì quanh đó. Đôi khi tìm được nấm dại hay trái rừng; có lần được một nông dân cúng ít đậu khô. Sư bà trải qua nhiều mùa đông ở dưới gốc thông hay trong cái hố đào ở bờ cát gần sông. Có nhiều mùa đông, y phục Sư bà chỉ là một bộ quần áo mùa hè. Da Sư bà bị nứt nẻ và chảy máu thật tệ hại, xương lòi da, Sư bà cột tóc túm lại với dây cây hoàng tinh. Nhưng người nào gặp Sư bà, tâm đều bị chấn động bởi đôi mắt sáng của người. Nhìn lại nhiều năm tu tập của Sư bà, mọi người thường nghĩ Sư bà đã chịu nhiều khổ sở, nhưng riêng Sư bà lại không nghĩ sự tu tập khổ đến như vậy. Sư bà không chủ ý tự dấn thân vào những thử thách gay go của khổ hạnh, nhưng chỉ là vì tất cả mọi chú tâm của Sư bà đều dồn vào bản tâm.

Đối với Sư bà chẳng hề có việc buông xả hay không buông xả. Sư bà chỉ tận dụng tất cả sự tỉnh giác tập trung đến bản thể đã tạo nên Sư bà. Sư bà không hề chú ý đến những việc bên ngoài mà chỉ quán sát những gì chạm đến cái tâm bên trong. Cũng y như ngồi yên lặng trên bải cỏ, nhìn ngắm với tâm bình an. Trong khoảng thời gian một năm, nội việc cố gắng suy nghĩ cũng làm khuấy rộn Sư bà, nên dù tư tưởng có khởi lên, Sư bà cũng không đeo đuổi nữa. Khi tu tập như vậy, đôi lúc câu giải đáp bất ngờ hiện ra, hay có khi mãi về sau mới xuất hiện. Trong lúc tu tập, có nhiều câu hỏi khởi lên từ bên trong, chẳng hạn, “Tại sao một chân của ta lại lớn hơn chân kia?”. Nhưng khi nhìn xuống thì hai chân đều đồng cỡ! Khi những tư tưởng khởi lên như thế, Sư bà tập trung suy nghĩ thật sâu sắc, không cần biết trời sắp tối hay trời lạnh đến chừng nào. Sư bà không chủ ý tu tập như vậy, nhưng nó chỉ đến một cách tự nhiên. Sư bà còn không cảm nhận được thân thể của mình. Dù mắt nhắm nhưng tâm trí bên trong thì thanh tịnh, sáng rỡ. Có lần Sư bà ngồi nhiều ngày không động đậy khiến sau đó thân thể tê cứng, không thể nào nhấc tay chân. Sư bà hồi tưởng lại, “Dù ta té xỉu gần chết hàng chục lần nhưng không chết. Ta không chết đói, không bị lạnh gần chết, cũng chẳng bị thú dữ làm tổn thương. Mỗi khi gần chết, lại có tư tưởng khởi lên giục ta phải đi đến đâu để tìm thứ đang cần. Có lần, đang đi trong đêm, tự nhiên ta không nhấc được chân, y như bị đông cứng. Khi nhìn quanh, mới biết là ta chỉ cách một bước đến bờ vực thẳm. Quý vị có biết cái gì làm chân ta tê cứng như vậy không? Chuyện này xảy đến cho ta quá nhiều lần, ta biết không phải là việc ngẫu nhiên.”

Trong một buổi giảng pháp, Sư bà kể về những kinh nghiệm của mình: “Chính bản tâm của ta đã làm mọi chuyện. Bản tâm đã đưa ta đến những hoàn cảnh nguy hiểm, và cũng chính bản tâm đã giữ ta không bị chết. Ta chưa từng bị thương hay bị hại khi sống trong núi rừng, dù ta chỉ là một người đàn bà bé nhỏ, yếu ớt. Ta vượt qua được mọi thứ trong hơn mười năm, cho dù ta chưa bao giờ mang theo thực phẩm hay chuẩn bị áo quần cho mùa đông. Tất cả đều nhờ sức mạnh của chân tâm.” Có lần Sư bà nói, “Những gì ta thể nghiệm vào thời kỳ cuối của mười năm đó không thể diễn tả được. Cho dù có kể, không ai có thể tin ta. Một lần, con rồng khổng lồ hóa hiện hằng ngàn hình dạng khác nhau, thật là tuyệt đẹp. Ngọc mani rơi ra từ miệng rồng, kết thành xâu chuỗi. Bất chợt ta có cảm tưởng rồng chẳng phải là rồng. Đó chỉ là hóa hiện của một niệm từ bản thể mà thôi. Sau đó, rồng bay lên trời, chỉ để lại một cột lửa khổng lồ. Hình chữ “Vạn” bay trên đầu cột lửa. Toàn cột lửa từ từ chuyển động rồi hình như mọi thứ quanh ta cũng nối kết và chuyển động cùng với cột lửa. Chứng nghiệm được những điều đã trải qua, Sư bà xác nhận được năng lực vô hình của vũ trụ và tự thanh lọc thân tâm để có thể sử dụng năng lực đó. Sư bà cảm nhận hình như mình có thể nắm trong tay quyền sinh sát toàn vũ trụ. Sư bà khởi sự tìm hiểu hành tinh, Thái dương hệ, dãy Ngân hà và vượt cả dãy Ngân hà chúng ta. Sư bà cũng đặc biệt chú ý đến bệnh hoạn vì thấy nó gây quá nhiều đau khổ. Sư bà cũng thử dùng năng lực của tâm để chữa bệnh dân trong vùng, rồi còn xem bệnh đã tác hại như thế nào. Sư bà thử nghiệm, không chỉ với bệnh hoạn mà còn trong những vần đề về gia đình và xã hội.

Về sau, khi vẫn còn trong rừng, Sư bà thấy một nguồn ánh sáng lớn, chói lòa. Lúc đó Sư bà đang ngồi thiền và bất chợt được vây phủ bởi một nguồn ánh sáng vô cùng chói chang. Ánh sáng trải rộng khắp nơi, hằng cây số và Sư bà cảm nhận một niềm an lạc, sung mãn bất khả tư nghị. Khắp nơi phủ đầy ánh sáng, ánh sáng như trùm phủ cả những chỗ nhỏ bé nhất trong không gian. Sau lần chứng nghiệm này, ánh sáng luôn bao phủ Sư bà, Sư bà cảm như mọi thứ, mọi vật đều giúp đỡ Sư bà. Sư bà nói, “Tôi không bao giờ tu tập để thành Phật hay để giác ngộ. Tôi chỉ muốn biết tôi là ai, tôi là gì, tại sao tôi lại được sinh ra. Sau khi hiểu ra thân thể không phải là tôi, ý thức không phải là tôi, sự quyết chí không phải là tôi, tôi chỉ muốn biết thực sự tôi là gì, khi gạt bỏ hết mọi thứ kia.” Có người hỏi Sư bà đã chứng đắc được gì khi tu tập trên núi. Sư bà trả lời, “Mọi người cứ nghĩ có nhiều giai đoạn chứng đắc cụ thể khi tâm đã sáng tỏ. Tuy nhiên trên thực tế, ‘Vô chứng’ mới là nguyên tắc chính cần chứng đạt. Nếu bạn nói đã chứng đạt, đã đến nơi, đã nhận ra được điều gì đó, là bạn đã không chứng đạt, không đến nơi, không thức tỉnh. Không đến, không chứng đắc, không sáng tỏ được điều gì chính là con đường để đến, để chứng đắc, để sáng tỏ.” Một người khác lại hỏi, nếu cần chứng đạo, có phải lên núi tu tập như Sư bà không? Sư bà trả lời, “Dĩ nhiên là không. Điều cốt tủy là phải đem tâm tu tập, chứ không phải thân. Tôi chỉ tu tập với những khó khăn phải đương đầu, và những gì xảy ra là do hoàn cảnh riêng tôi. Hồi đó tôi nghèo, không còn chỗ nào để đi nên phải tu tập như vậy. Bất kể hoàn cảnh của quý vị như thế nào, hãy đem hết tâm mà tu tập.”

Khoảng cuối những năm 1950, Sư bà sống trong một túp lều nhỏ, dưới chùa Sangwon ở núi Chiak chừng vài trăm mét. Sư bà sống thêm mười năm ở đó và trong vùng quanh thành phố Wonju, giúp đỡ những ai Sư bà gặp, và học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm đa dạng. Nghe đồn có Sư bà sống ở đó, nhiều người đến gặp Sư bà xin được giúp đỡ về những khó khăn gặp phải. Khi họ kể về những khổ nạn, Sư bà xem như vấn đề đó là của chính mình. Sư bà lắng nghe và chỉ nói, “Tôi hiểu. Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp”. Người ta từ tạ, biết là những điều khó khăn của mình rồi sẽ được giải quyết.

---*---

Trích "Không Có Sông Nào Để Vượt Qua"

Hạnh Huệ Dịch

 

Bài viết liên quan