LÀM THẾ NÀO ĐỂ QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC - BẰNG HỮU CHI GIAO - DALE CARNEGIE

LÀM THẾ NÀO ĐỂ QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC

BẰNG HỮU CHI GIAO - DALE CARNEGIE

-----o0o-----

“Có mặt ở đó, tôi yêu cầu được xem tài liệu đó. Cái séc một triệu đôla! Tôi nói với ông ta, theo tôi biết, chưa bao giờ có ai giao một cái séc đồ sộ như vậy, và tôi sẽ kể cho các hướng đạo sinh của tôi là tôi đã tận mắt nhìn thấy cái séc một triệu đôla! Ông ta vui vẻ đưa cho tôi xem. Tôi ngắm nghía và yêu cầu ông chủ tấm séc giải thích cho tôi những sự kiện đã thúc đẩy...
LÀM THẾ NÀO ĐỂ QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC - BẰNG HỮU CHI GIAO - DALE CARNEGIE

Những khách mời của Theodore Roosevelt rất ngạc nhiên về kiến thức rộng và phong phú của ông. Roosevelt biết nói với chú cao bồi, người nông dân, nhà chính trị cũng như với nhà ngoại giao. Bí mật của ông? Khi ông đợi một người đến thăm, thì tối hôm trước ông đã thức khuya để nghiên cứu đề tài mà vị khách đặc biệt quan tâm.

Roosevelt biết rằng, giống như tất cả những ai muốn được lòng dân, để tìm lối đi vào lòng người, thì cần phải nói chuyện về điều gì mà người ta yêu thích nhất.

William Lyon Phelps, giáo sư văn học ở đại học Yale, hiểu sự thật này từ lúc còn rất trẻ.

“Tôi lên tám tuổi, và đi nghỉ hè ở nhà dì tôi, ông kể lại trong cuốn sách của ông Tiểu luận về bản chất con người. Một buổi tối, một người đàn ông lớn tuổi đến thăm chúng tôi. Sau khi chào hỏi dì tôi, ông đã dành cho tôi mọi sự chăm chú. Thời ấy, tôi say mê những con tàu, và vị khách biết nói chuyện làm cho tôi thấy vô cùng thú vị. Sau khi ông ra về, tôi tha hồ hân hoan về chuyện đó. Một con người thật tuyệt! Ông yêu quí những con tàu, ông hiểu biết những con tàu nhiều quá! Dì tôi cho tôi biết ông làm trạng sư ở New York và ông hoàn toàn thờ ơ với những con tàu. Nhưng thế thì, tôi kêu lên, tại sao ông chỉ nói về cái đó? - Bởi vì đó là một con người có giáo dục, dì tôi trả lời. Ông thấy con quá quan tâm đến những con tàu, và ông ta nói chuyện về cái mà con yêu thích. Ông đã thành công khi chiều lòng người.”

Và William Lyon Phelps nói thêm: “Tôi không bao giờ quên lời nhận xét của dì tôi”.

Lúc này tôi đang có trước mắt tôi một bức thư của ông Edward L. Chalif, hoạt động tích cực cho phong trào hướng đạo.

“Một ngày nọ, ông viết cho tôi, tôi được tin một nhà hoạt động hướng đạo lớn sắp đến châu Âu, và vì tôi muốn đến thăm một trong các con trai tôi tham dự ở đó, tôi quyết định đi tìm ông chủ tịch một hãng lớn để yêu cầu ông tài trợ cho chuyến đi của tôi.

“Đúng lúc, tình cờ tôi biết ông chủ tịch cho làm cái séc một triệu đôla để chuyển đi sau khi thu tiền.

“Có mặt ở đó, tôi yêu cầu được xem tài liệu đó. Cái séc một triệu đôla! Tôi nói với ông ta, theo tôi biết, chưa bao giờ có ai giao một cái séc đồ sộ như vậy, và tôi sẽ kể cho các hướng đạo sinh của tôi là tôi đã tận mắt nhìn thấy cái séc một triệu đôla! Ông ta vui vẻ đưa cho tôi xem. Tôi ngắm nghía và yêu cầu ông chủ tấm séc giải thích cho tôi những sự kiện đã thúc đẩy ông việc chuyển giao đó”.

Anh chú ý là ông Chalif còn chưa bắt đầu nói về các hướng đạo sinh của ông, đến nhà hoạt động Jamboree, và mục đích cuộc viếng thăm của ông. Ông nói về cái gì người đối thoại quan tâm. Hãy xem, ông ta đã được phần thưởng về sự khôn khéo của ông:

“Một lúc sau, ông chủ tịch nói với tôi: “Ô! Về chuyện gì, về đề tài gì mà anh muốn thăm tôi?” Tôi trình bày yêu cầu của tôi.

“Tôi vô cùng ngạc nhiên, ông Chalif tiếp tục, khi ông chủ tịch không chỉ đáp ứng điều tôi yêu cầu, mà còn giúp tôi nhiều hơn nữa. Tôi chỉ tính chuyến đi cho một đứa con trai của tôi, nhưng ông lại bao chi phí cho cả năm đứa và tôi nữa, và ông trao cho tôi một bức thư tín dụng một ngàn đôla, bảo đảm cho tôi ở châu Âu bảy tuần lễ. Ông cũng cho tôi những bức thư giới thiệu với giám đốc các chi nhánh. Khi chúng tôi đến Paris - ông đã có mặt ở đó - ông tiếp chúng tôi và tự tay lái xe cho chúng tôi đi trong thành phố.

“Từ thời kỳ ấy, ông đã tạo thuận lợi cho một số hướng đạo sinh chúng tôi và ông luôn luôn có một vai trò trong phong trào của chúng tôi.

“Nhưng tôi biết, nếu tôi không khám phá ra trước cái gì quan hệ đến ông để ông có thái độ thuận lợi từ đầu, thì tôi chẳng thu được một phần mười những gì tôi nhận được”.

Edward E. Harriman ở Hagerstown, bang Maryland, đã quyết định sống ở thung lũng xinh đẹp Cumberland của Maryland, sau khi kết thúc quân dịch. Khổ thay, ở thời kỳ đó, số công việc làm trong vùng bị giới hạn. Harriman khám phá, sau một cuộc điều tra nhanh, một nhà kinh doanh nổi tiếng. R.J. Funkhouser, sở hữu và điều khiển một số cơ sở kinh doanh ở thung lũng. Gia tài đồ sộ của ông ta đã khêu gợi sự tò mò của Harriman, nhưng Funkhouser lại không để cho những người tìm việc làm tiếp cận ông. Harriman đã kể lại mình làm như thế nào để có một cuộc nói chuyện với ông ta.

“Khi hỏi một số người, tôi biết là quyền lực và đồng tiền là hai động lực chính của đời ông. Và để tự bảo vệ khỏi sự dòm ngó của những người như tôi, ông núp ở đằng sau sự nghiêm khắc của một nữ thư ký tin cậy. Tôi bắt đầu tìm hiểu những lợi ích và tham vọng của bà này là gì. Và tôi đến thăm bà ta ở văn phòng mà không báo trước. Bà đã làm việc bên cạnh ông Funkhouser trong mười lăm năm. Khi tôi giải thích cho bà là tôi có một đề xuất với ông chủ, làm cho ông thành công về chính trị và lý tài, thì bà ta rất vui mừng. Tôi nói thêm là nếu bà muốn, bà có thể đóng góp tích cực cho thành công này. Bà vội thu xếp cho tôi một cuộc nói chuyện với ông Funkhouser.

“Tôi bước vào văn phòng mênh mông của giám đốc, dự định là không yêu cầu liền một việc làm. Ông Funkhouser ngồi phía sau một chiếc bàn lớn chạm trổ, và với giọng nói như sấm, ông hỏi tôi: “Thế nào, anh bạn trẻ? - Ông Funkhouser, tôi nói, tôi tin là tôi có thể giúp ông thu được nhiều tiền”. Ông đứng phắt dậy và mời tôi ngồi vào một trong những chiếc ghế bành lớn nhồi nệm. Tôi trình bày những ý kiến và những thẩm định vốn có để minh họa. Tôi giải thích tôi có thể đóng góp như thế nào vào thành công cá nhân và công việc kinh doanh của ông. R.J. - tôi gọi ông như vậy - gắn bó liền với những dịch vụ của tôi và trong hơn hai mươi năm tôi tổ chức thành công các đợt thực tập trong các cơ sở kinh doanh của ông và nhìn chung, chúng tôi đều thịnh vượng”.

Nói với những người khác điều gì quan hệ với họ nhiều hơn bản thân anh. Howard Z. Herzig, chuyên gia về giao tiếp bên trong của các cơ sở kinh doanh, đã luôn luôn áp dụng nguyên lý này. Khi người ta hỏi ông rút ra được điều gì bổ ích, ông trả lời không chỉ ông nhận được từ mỗi người một phần cống hiến khác nhau, mà còn cho phép ông mở rộng tầm nhìn.

_Hãy nói với người đối thoại với anh điều gì người ấy quan tâm._

-----o0o-----

Trích “Bằng Hữu Chi Giao”

Tác giả: Dale Carnegie

Người dịch: Hoàng Nhân

Nhà Xuất Bản Trẻ

Bài viết liên quan