MATSUO BASHO BẬC ĐẠI SƯ THƠ HAIKU - UEDA MAKOTO

MATSUO BASHO BẬC ĐẠI SƯ THƠ HAIKU

UEDA MAKOTO

–––––o0o–––––

Định mệnh đáng buồn thay, Khi con người nằm xuống, Chỉ thành một gốc măng!
MATSUO BASHO BẬC ĐẠI SƯ THƠ HAIKU - UEDA MAKOTO

MATSUO BASHO BẬC ĐẠI SƯ THƠ HAIKU

UEDA MAKOTO

–––––o0o–––––

Đường mòn miền Bắc (Oku no hosomichi 奥の細道, 1689):

“Đường mòn” ở đây có nghĩa ẩn dụ (metaphorical) hơn là văn chương bình thường (literal) và “miền Bắc” sâu thẳm cũng vậy. Về bề mặt, đây là nhật ký đường trường dài nhất của Basho, ghi lại những sự kiện xảy ra trên con đường ông đi vào năm 1689 về miền Bắc đảo Honshuu.Về mặt ẩn dụ thì tập du ký này ghi chép cuộc du hành trong tâm thức của Basho đi tìm cái đẹp tối thượng của thiên nhiên, sự tìm tòi của một người đã lạc lối trong cõi phù thế của xã hội đương thời. Bút ký đã hầu như đi đến chỗ chung cục khi ông đến Ôgaki, nơi đây các người ngưỡng mộ bao quanh ông. Ông đã một lần nữa trở về cõi phù thế ở đấy cho nên ông không thấy việc viết tiếp bút ký ấy có ý nghĩa gì nữa.

Như thế, Đường mòn miền Bắc chỉ mô tả những con người và sự vật mà vẻ đẹp chẳng bao giờ làm vướng mắt của họ không đi ra ngoài phạm vi của thiên nhiên thô lậu, hoang sơ. Chẳng hạn đoạn văn sau đây được thấy ở đầu tập:

Dưới bóng cây hạt dẻ cổ thụ gần khu phố nhà trạm, có một vị sư đang sống cuộc sống lánh đời. Dường như đời ông thật tĩnh lặng, chẳng khác chuyện một nhà thơ ở ẩn đi nhặt hạt dẻ trong núi thời xưa. Ta bèn viết lên trên giấy chữ “hạt dẻ” (lật 栗) theo văn tự Trung Hoa. Nó gồm hai phần, có nghĩa là “phía Tây” (tây 西) và “cái cây” (mộc 木). Có lần Bồ tát Gyôki đã liên tưởng cây hạt dẻ với cõi Tây Phương tịnh độ và ông dùng vật liệu cây ấy để chế ra gậy và cả kèo cột trong nhà mình.

Yo no hito no

Mitsukenu hana ya

Noki no kuri

Có mấy ai trong đời

Chợt tìm ra vẻ đẹp

Chùm hoa dẻ bên hiên.

Bài thơ này có thể giải thích hai lối: văn chương thông thường hoặc ẩn dụ. Chùm hoa dẻ rất bé và không có gì lôi cuốn, nó lại nở vào mùa mưa, cho nên có thể so sánh với cuộc đời của nhà tu đi ở ẩn này. “Đời” (yo) trong văn mạch ám chỉ cõi phù thế (ukiyo). Bài Haiku này gợi ta nhớ đến bài thơ nói về hạt dẻ núi Kiso ở đoạn cuối cùng trong Chuyến viếng thăm thôn Shirashina.

Trong một tiểu đoạn trước đó, Basho đã tỏ lời ca ngợi một nhân vật đã giữ được khoảng cách với cõi phù thế. Ông ta chẳng phải là nhà sư; chỉ là một ông chủ nhà trọ sống bình thường giữa mọi người:

Ngày thứ 13, chúng tôi dùng chân dưới chân núi Nikkô. Ông chủ quán nơi chúng tôi ở trọtự giới thiệu: “Tên tôi là Hotoke (Phật) Monzaemon. Mọi người thương mà đặt biệt hiệu cho tôi như vậy vì lúc nào tôi cũng cố gắng lương thiện trong mọi công việc. Vậy xin các ông cứ qua đêm ở đây và chớ có khách sáo”. Ông làm tôi nghĩ không hiểu ông là một vị Phật nào đã hòa mình vào đống bùn nhơ này để cứu giúp những kẻ hành hương đói khát như chúng tôi. Tôi nhìn ông chăm chú và nhận thấy ông chỉ là một con người chất phác, không thông minh lanh lợi như người đời. Khổng Tử có lần nhận xét rằng kẻ ngu phu với tấm lòng đơn sơ mới dễ tìm về chân lý. Lòng dạ ông chủ quán cũng trong trắng như thế khiến cho ông được mọi người đánh giá cao.

Thay vào một cõi thiên nhiên với bản chất nguyên sơ hoang dã, ở đây là ông chủ quán cứ đeo đẳng cuộc đời lương thiện. Ông là một loại người khó tìm ra nơi thành thị xô bồ. Ông không khôn khéo, còn ngây thơ đằng khác khi ông kể cho khách nghe người ta gọi ông là “ông Phật” mà không e dè rằng thiên hạ sẽ cười mình tự cao tự đại. Nghi ngờ điều này, Basho đã xích lại gần ông để nhìn cho rõ và nhận được rằng chủ quán không phải là một vị Phật nhưng là một loại người có tấm lòng đơn sơ trong trắng từng xuất hiện trước cả thời của Khổng giáo và Phật giáo. Basho thấy nơi ông hình ảnh con người thái cổ chưa bị ác quỷ của nếp sống văn minh làm cho nhơ bẩn.

Dĩ nhiên không phải ai ai Basho gặp trên bước lữ hành cũng đều giống hai nhân vật nói trên. Một số người chưa tỉnh ngộ, còm bám mùi trần tục và đó là chuyện khó tránh. Thế nhưng có viết về họ cũng chẳng bỏ công vì họ chẳng đem lại lợi ích gì cho chủ trưong của ông. Tốt hơn hết, bỏ mặc họ tất cả. Rõ ràng đó là điều Basho đã làm. Theo Sora, bạn đồng hành với Basho và là người đã viết một nhật ký song song cho chuyến đi với nhiều tình tiết cụ thể, thì ở nhiều thị trấn, Basho đã được các samurai cao cấp và thương nhân giàu có tổ chức chiêu đãi. Chẳng hạn khi đến Sakata, ông đã được các tay phú hào thành phố thương mại bên bờ biển Nhật Bản này hết lòng cung phụng. Ở Murakami, một thị trấn kế cận Sakata, ông đã được một samurai chủ thành của địa phương mời đến và trao tặng một món tiền đáng kể. Còn ở Kashiwazaki, một thành phố khác ven biển nữa, ông đã được mời qua đêm tại phủ đệ một tay phú hào nhưng vì thấy bị đối xử thiếu cung kính nên đã bỏ đi, ngay trong lúc trời con đang mưa và người trong phủ hối hả chạy ra kéo giữ. Những con người và sự kiện như thế, nơi người viết du ký bình thường, nếu có nhật ký thì đáng là những tình tiết cần phải ghi chép lại. Thế nhưng Basho không mảy may nhắc tới. Bởi vì Đường lên miền Bắc là một du ký văn học mà tác giả của nó đã tự do chọn lựa tình tiết cần giữ lại theo ý mình.

Không những Basho tự ý bỏ qua một số tài liệu mà ông còn thay đổi một số sự kiện sao cho chúng ăn khớp với điều mình muốn nói. Do đó mà ở một trình độ nào đó, Đường lên miền Bắc là một tập du ký có tính hư cấu. Một lần nữa, nó có cùng lý do: Basho muốn trình bày chủ trương của mình một cách có hiệu quả. Chẳng hạn qua đoạn văn sau đây tả lại những gì đã xảy ra cho Basho khi họ rời Matsushima:

Vào ngày 12, chúng tôi rời Hiraizumi. Từng biết có những thắng cảnh như cây tùng Aneha và chiếc cầu Odae ở gần đấy, chúng tôi đã mượn một con đường vắng vẻ chỉ có thợ săn và tiều phu lui tới. Thế nhưng chẳng bao lâu chúng tôi hoàn toàn bị mất hướng và lựa nhầm một con đường khác, nhờ đó lại tình cờ đến được một bến cảng tên gọi Ishinomaki. Kinkazan180, hòn đảo mà thơ phú ngày xưa ca tụng nơi ấy hoa nở thành vàng hiện ra lờ mờ ở ngoài khơi. Trong lòng vịnh là hàng trăm chiếc thuyền con đang neo, còn trên bãi biển có nhiều ngôi nhà chụm đầu vào nhau, từ đó những đợt khỏi thổi cơm bay lên không ngớt. Không hề hy vọng đến được một thị trấn như thế này! Chúng tôi bèn đi kiếm chỗ trọ nhưng chẳng ai cho ở qua đêm. Cuối cùng đành phải ngủ lại trong một túp lều hoang phế. Ngày hôm sau chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trên một tuyến đường mình hoàn toàn xa lạ. Nhìn hướng con lạch Sode, cánh đồng Obuchi và đầm Mano đằng xa, chúng tôi đi dọc theo con đê dài ngút mắt. Sau đó chúng tôi đi vào vùng đất trũng bao la trong một khu vực thật vắng vẻ tiêu điều để cuối cùng nhận ra một nơi tên gọi Toima. Sau khi ngủ lại một tối ở đây, chúng tôi mới lên đường đi Hiraizumi. Ta nghĩ rằng đoàn mình đã phải vượt đến trên ba mươi dặm.

Đoạn văn nói trên miêu tả thành công tình cảm lẻ loi, không nơi nương tựa của hai người lữ khách nhầm đường, đã đi vào một khu vực lẫn khuất mình hoàn toàn xa lạ.Nó cũng bi kịch hóa cái niềm vui khi cả hai đến được Ishinomaki và vùng lân cận, từng nổi tiếng trong thi phú.Tuy nhiên, trên thực tế hình như Basho và Sora không hề lạc đường. Cây tùng Aneha và chiếc cầu Odae nằm ở phía tây Matsushima, còn Ishinomaki lại ở đằng đông. Không thể nghĩ được rằng hai người lữ khách đầy kinh nghiệm của chúng ta chưa biết điều đó, đến nổi đi về hướng Ishinomaki khi họ muốn viếng Aneha và Odae. Nhật ký của Sora cho thấy họ không hề lạc đường, và hiểu rằng họ đã có kế hoạch đi Ishinomaki từ trước. Thực sự cái tên Ishinomaki đã hiện ra nhiều lần trong một lộ trình mà Sora soạn cho Basho trước khi toàn bộ cuộc lữ hành bắt đầu. Hơn nữa, Basho đã than phiền rằng: “Chúng tôi bèn đi kiếm chỗ trọ nhưng chẳng ai cho ngủ qua đêm”, một điều không đúng sự thật. Có người Basho và Sora tình cờ gặp gỡ trên đường đã đưa họ đến một lữ quán (chứ không phải “túp lều hoang phế”) ở Ishinomaki; và họ đã được cung cấp đầy đủ tiện nghi. Câu kế tiếp “Ngày hôm sau chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trên một tuyến đường mình hoàn toàn xa lạ” cũng không đúng nốt vì đã có hai cư dân Ishinomaki rất thạo đường mà Basho và Sora vừa mới làm quen đã tháp tùng khi họ rời thị trấn.

Có nhiều đoạn tương tự như thế trong Đường mòn miền Bắc. Thử đưa ra dăm thí dụ. Chẳng hạn ở Iizuka, Basho bị một chứng bệnh mạn tính tái phát và hầu như ngất xỉu, nhưng nhật ký của Sora, đặc biệt ghi lại chi tiết ngày hôm đó, lại không hề nhắc đến. Ở Matsushima, du ký của Basho viết là ông choáng ngợp trước vẻ đẹp cảnh sắc đến độ không viết được câu nào, trên thực tế, như ta vừa nói tới bên trên, ông đã để lại một bài Haiku. Ở Kisagata, du ký viết: “Hôm ấy trời trong xanh. Khi mặt trời ban mai tỏa sáng, chúng tôi lên thuyền ra ngoài biển”. Thế nhưng nhật ký của Sora lại chép hôm ấy mưa phùn suốt buổi sáng và họ chỉ lên thuyền sau bữa cơm chiều. Để biện hộ cho những điều tréo cẳng ngỗng như thế thì có giải thích là ký ức của Basho về những sự kiện xảy ra đã trở nên mù mờ khi ông ngồi viết du ký ấy. Đôi trường hợp điều này đã xảy ra nhưng những sửa đổi về các sự kiện mà Basho đã làm, đồng loạt đã đi theo một hướng nhất định cho nên khó thể nói một cách đơn thuần là trí nhớ đã phản bội ông. Hầu như trong mỗi trường hợp tu sửa, ông đều có ý định mỹ hóa hay bi kịch hóa cái kinh nghiệm của một nhà văn trong cuộc hành trình lẻ loi suốt miền Bắc đầy hiểm nghèo. Nhà văn như có vẻ nhắm vào việc đem đến cho chúng ta một kinh nghiệm tâm linh chứ không phải đơn thuần ghi lại những sự kiện xảy ra theo lối văn xuôi. Đó là điều chúng ta ngóng đợi nơi một bút ký văn học. Dù ở một trình độ kém hơn về lượng, Basho cũng đã từng làm như vậy trong những du ký trước đây của ông rồi. Ở điểm này, ông chẳng có chi độc đáo hơn người xưa. Nhật ký cung đình Nhật Bản, bắt đầu với Tsurayuki, không ít thì nhiều đã có tính hư cấu nằm bên trong. Một số hình như đã tuân theo tiền đề là việc mô tả kinh nghiệm nội tâm chứ không phải sự thực bên ngoài mới là quan trọng.

Ngoài ra, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy đối với Basho, đó là một cuộc khám phá vào không gian lẫn thời gian. Khi du hành trên miền Bắc hoang đã, ông đã tìm gặp những con người rắn rỏi, chân chất nhưng ông cũng đã du hành vào quá khứ để có những cuộc đàm thoại trong tưởng tượng với những nhân vật từng xuất hiện ở đấy. Trong một số đoạn của Đường mòn miền Bắc, ông đã rút ngắn việc mô tả nơi chốn để có thể viết nhiều hơn về những biến cố xảy ra có liên hệ với chúng. Đây là đoạn văn mà Basho đã đặt bút ghi khi ông ghé thăm đền thần đạo ở Kanazawa:

Chúng tôi đến viếng đền Tada ở vùng này, nhân đó nhìn thấy mũ trụ của chiến tướng Sanemori và tàn dư manh chiến bào ông mặc dưới lần áo giáp.Theo truyền thuyết, đó là những vật báu mà chủ quân thời trẻ của ông, đại tướng Yoshitomo, đã ban cho. Thực vậy, chúng không giống đồ dùng của một chiến binh bình thường. Hoa văn hình hoa cúc trên mũ trụ được nạm vàng từ bộ phận che trán đến bộ phận che hai tai, tô điểm thêm bằng một cái đầu rồng với hai chiếc sừng cong. Truyền thuyết về việc sau khi Sanemori bị giết chết, đại tướng phe địch Kiso (Minamoto no) Yoshinaka đã gửi phó tướng của mình là Higuchi Jirô đến đền này để cúng dường một bài văn ai điếu và những di vật ấy, thấy như còn hiển hiện.

Muzan ya na

Kabuto no shita no

Kirigirisu

Ôi thảm thiết làm sao

Bên dưới chiếc mũ trụ

Rả rích dế mùa thu

Sanemori là một trang anh hùng thời trung cổ đã từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn chương Nhật Bản, kể cả có một bản tuồng Nô nói về ông. Khi ấy đã ngoài 70, ông nhuộm tóc bạc cho đen để có thể chiến đấu một trận cuối cùng giữa những chiến sĩ trẻ. Nhìn lại mũ trụ và chiến bào trưng bày ở đền thần, Basho để trí tưởng tượng lùi về thế kỷ 12, một thế kỷ đầy chiến tranh và biến loạn mà người ta đòi hỏi hành động anh hùng cùng cực ở mỗi con người trung nghĩa. Sanemori là một trang võ sĩ đã sống hào hùng và chết cũng hào hùng. Trong cung cách của mình, Sanemori đã làm một cuộc hành trình dọc theo “Đường mòn miền Bắc” sâu thẳm. Câu đần của bài Haiku Basho “Ôi thảm thiết làm sao!” đã được trích ra từ ca từ của vở tuồng Nô nhan đề Sanemori, không những ám chỉ tiếng dế mùa thu kêu thê thảm mà còn đả động đến trận chiến cuối cùng của vị lão tướng. Thật là bi thảm nhưng cũng cao thượng xiết bao khi viên tướng già nua đó đã đi hết đoạn đường định mệnh của mình với tất cả quyết tâm và can đảm.

Những cuộc du hành nho nhỏ vào trong quá khứ như vậy đã xảy ra suốt trong chuyến đi dọc Đường mòn miền Bắc. Trong đoạn ghé Yashima, một nơi nằm kề Nikkô, quá khứ được gợi ra trong câu chuyện một nàng công nương chịu ở lại chết cháy trong ngôi nhà để giữ lòng trung trinh với chồng mình. Phần nói về Hiraizumi, ông chỉ nhắc đến ký vãng thời liệt oanh của nó vào thế kỷ thứ 12. Ở Shiogoshi, một ngôi làng nằm ở phía tây Kanazawa, ông chẳng có một câu nào nói về cảnh vật mà chỉ bàn về một bài tanka mà pháp sư Saigyô đã để lại khi ông ghé ghe nơi đây vài thế kỷ trước đó. Đọc hết tất cả những đoạn này, ta có cảm tưởng như Basho thích thú được gặp gỡ những hồn ma trong quá khứ, từng sống nơi đây từ xa xưa, y như việc gặp gỡ những người cùng thời đại với mình. Trong ý nghĩa này, tác giả đã đóng vai trò của kẻ siêu độ cho các vong hồn (deuteragonist), có mặt trong những bản tuồng Nô. Người ấy thường xuất hiện dưới dạng thầy tăng vân du khơi gợi chuyện những hồn ma trong quá khứ tại các địa phương suốt bước đường mình đi. Như vậy, Basho không chỉ là du khách trong cái nghĩa địa lý của nó mà còn trong chiều hướng lịch sử nữa. Ông là một linh môi (cô đồng, medium) gọi hồn người chết và các biến cố đã qua lên gặp độc giả. Và dĩ nhiên, những hình ảnh họ nhìn thấy đều tập trung về một hướng: tất cả đều gợi ra vẻ đẹp và nỗi buồn của thiên nhiên nguyên sơ cũng như những người con người tiền cận đại ngoan cố sống theo cuộc sống của mình.

Nhân vì ngôn ngữ tuồng Nô cần có nhiều chất thơ và tính gợi ý để giúp khán giả ảnh tượng hóa cuộc sống dưới đáy mồ, ngôn ngữ của Đường mòn miền Bắc cũng giản dị minh bạch nhưng đầy ẩn dụ và gợi hình, giúp cho độc giả chia sẻ được với tác giả kinh nghiệm của ông, trên thực tế cũng như trong cảm xúc. Những đoạn văn của nó đầy dẫy hình ảnh đến từ giác quan (sensory images). Hầu hết các câu văn đều ngắn và sắc nét, ít khi thấy có một tiếp-tục-từ nào nằm giữa chúng. Đôi khi có hai hay hơn những câu hay đoạn câu được sắp cạnh bên nhau, giữa chúng chỉ mỗi một chữ “to” (và, and)) duy nhất là mối giây liên kết. Thường có một Haiku xuất hiện ở giữa hay cuối đoạn văn xuôi, tuy chẳng được giải thích chi nhiều nhưng cái lô-gích tình cảm (emotional logic) giữa chúng thì phải nói là trọn vẹn. Tóm lại, ngôn ngữ của du ký Đường mòn miền Bắc có những phẩm chất tương đương với các bài haibun đẹp nhất của Basho. Du ký này vì vậy có thể được đánh giá như tập hợp của 50 bài Haibun giá trị nhất.

Phương pháp “nhảy phóc qua” (leap) dùng trong Haibun dường như đã được khai triển để trở thành một cấu trúc thống nhất cho toàn bộ du ký. Trên bề mặt, cấu trúc thống nhất được Đường mòn miền Bắc là sự thống nhất theo thứ tự thời gian: những phân đoạn mô tả nơi chốn và nhân vật đã được sắp xếp theo một trật tự tùy từng bước chân gặp gỡ của Basho. Thế nhưng, như chúng ta từng thấy, ông tự cho phép mình hết sức thoải mái trong sự chọn lựa những người và những nơi ông muốn đề cập tới. Trong khi tiêu chuẩn cơ bản là chủ trương muốn đề cập, nhà thơ hình như cũng không bỏ qua những yếu tố của cấu trúc. Lúc chọn lựa tư liệu, ông đã nghiên cứu tính chất của từng phân đoạn và cố gắng sao cho chúng được hài hòa trong sự kế tục và bổ túc cho nhau. Kết quả là, giữa hai phân đoạn bên ngoài dường như liên tục vì thứ tự thời gian của nó, bên trong đã trải qua một bước “nhảy phóc”.

Chỉ đơn cử một hai thí dụ. Trong phần đầu của du ký, phân đoạn nói về Yashima đã được nối tiếp bằng phân đoạn nói về Nikkô. Đoạn đầu đề cập tới một nàng công nương trong truyền thuyết đã chịu cho lửa thiêu để tỏ lòng trung trinh với chồng mình; phân đoạn sau nói về ông chủ quán có cái tên hiệu là “Ông Phật” ca ngợi tính trung trực của ông. Dù không thấy Basho có lấy một lời giải thích, khi đọc nó, ta thấy ông đã vô tình làm một bước “nhảy phóc qua” để nối đoạn này với đoạn kia. Cũng vậy, những đoạn nói về Hiraizumi trình bày cảnh nhà thơ đứng giữa một vùng hoang tàn đổ nát và chạnh nhớ quá sứ vàng son của mảnh đất này, đã theo sau một phân đoạn mô tả ông đã một mình thất thểu đi qua những cánh rừng để cuối cùng thấy trước mặt mình hiện ra bến cảng trù phú tên gọi Ishinomaki. Phân đoạn nói về Kanazawa kể lại chuyện Kosugi Isshô 小杉一笑 (1653-1688), một người trẻ tuổi có tấm lòng với thi ca đã lìa bỏ cõi đời vào mùa đông rồi; nó đã được đặt đằng trước phân đoạn nói về chiến tướng Sanemori, người samurai già nua đã can đảm sống theo giới luật của tập đoàn võ sĩ thời trung cổ và bị giết chết trong tư thế xứng đáng như một viên tướng trẻ.

Vài học giả Nhật Bản bình luận rằng Đường mòn miền Bắc có cấu trúc của một renku (liên cú). Nếu xét bằng những thí dụ vừa kể, chúng ta thấy nhận xét của họ có phần nào xác đáng. Cũng như hai câu thơ trong một bài Renku gắn bó được với nhau một dạng thi ca độc đáo, hai phân đoạn trong du ký mỗi bên tác động đến bên kia và tạo nên được một chủ đề hay một bầu không khí đặc thù của chúng - chủ đề và không khí đó sẽ còn biến thiên một chút khi có phân đoạn thứ ba tiếp nối vào.

Năm mươi bài haibun dài ngắn không tương xứng làm thành Đường mòn miền Bắc đã được xây dựng bằng một cách tưởng lỏng lẻo nhưng trên thực chất, chúng có một cấu trúc gắn bó rõ rệt. Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là nó thiếu tính đa dạng (variety). Cũng như các thành viên - tác giả (co-authors) của renku cố tình kết hợp với nhau những chủ đề trong phạm vi rộng lớn như thiên nhiên, đời sống đô thị, tình yêu, tôn giáo, lữ hành vv... trong du ký của ông, Basho cũng, khi thì tả lại phong cảnh cảnh đẹp của bờ biển vùng Đông Bắc, khi thì quay sang bàn về đến những nhân vật đáng lưu ý mà ông gặp, khi thì bày tỏ lòng tôn kính với thần linh được thờ phượng nơi những vùng ông đi qua. Đôi khi, ông còn nhận ra ngay rằng đàn bà và trẻ em của vùng Đông Bắc đã đem đến cho phong cảnh toàn bộ u ám của vùng này một số sắc màu sáng sủa. Đó là phân đoạn đạt được hiệu quả lớn nhất đặt ở cuối du ký: sau một ngày mòn chân trên bờ biển Bắc, nhà thơ đã gặp hai nàng con gái hát rong trong lữ quán ông ghé trọ.
 

Hitotsuya ni

Yuujo mo netari

Hagi to tsuki

Qua đêm mình chung nhà,

Cùng hai cô hát rong,

Như trăng, hoa hagi.

Câu hỏi Basho đã thực sự dùng thủ pháp Renku hay không thật không đáng đặt ra ở đây. Đường mòn miền Bắc đã có sự thống nhất trong tính đa dạng và tính đa dạng trong sự thống nhất, những phẩm chất làm cho nó có cái danh bất tử là một trong những du ký tinh tươm nhất của Nhật Bản.

Sau chuyến lữ hành ghi lại trong Đường mòn miền Bắc, Basho đến trú chân tại nhà của một số bạn bè và đệ tử chung quanh Kyôto, Nara và hồ Biwa. Một trong những bến dừng chân hài lòng nhất của ông là một nếp tranh ở vùng Saga mang tên Ngôi nhà quả hồng rụng, mà Kyorai đã dành cho thầy mình. Trong Nhật ký Saga, ông ghi lại cuộc sống 15 hôm ở đây.

Nhật ký Saga (Saga Nikki, 嵯峨紀行, 1691):

Khó lòng xếp loại Nhật ký Saga như một du ký thông thường mô tả cuộc lữ hành của tác giả nơi này đến nơi khác, ngày này qua ngày khác. Nếu như trong những nhật ký (du ký) trước của ông, thứ tự thời gian được ghi lại lơi là thì nay, mỗi đoạn đều có để lại ngày tháng tỉ mỉ bên trên, điều kiện một tập nhật ký thông thường phải có.

Về những phương diện khác, Nhật ký Saga cũng khác với những nhật ký (5 du ký) vừa kể của Basho. Bắt đầu với nhận xét: rõ ràng tác giả là một lữ khách và đây là tập nhật ký của một lữ khách dù người ấy đang ở nguyên một chỗ. Thực ra, Basho có làm hai chuyến đi ngắn trong 15 hôm ở Saga để viếng một ngôi chùa và ngôi mộ của một bà hoàng phi cũng như ngắm phong cảnh mùa hè từ trên thuyền ở vùng bên nơi ông ở. Tập nhật ký cũng ghi lại cái mà ta có thể gọi là những cuộc du hành trong tưởng tượng: một buổi sáng, Basho trầm tư vể cuộc đời của Saigyô và ngâm nga một vài câu thơ của vị danh tăng, hay một đêm, ông đã nằm mơ thấy Tokoku, người học trò yêu vừa chết năm trước. Ngoài ra ta còn biết rằng tin tức bên ngoài cũng thường xuyên đến nơi ông ở qua những lá thư hay những nhân chứng: một đệ tử từ Edo cho biết anh ta vừa viếng Am Basho, một đệ tử khác đến thăm thầy và kể cho ông nghe chuyến du ngoạn xem hoa anh đào trên núi Yoshino.Theo những gì ghi trong nhật ký, hầu như mỗi ngày Basho đều có khách: Kyorai, Sora, vợ chồng Bonchô, một samurai hay một nhà sư Phật giáo đã liên tiếp đến thăm ông. Nó cũng có hiệu quả như một chuyến lữ hành mà Basho đã làm để đi gặp người này người nọ. Trong trường hợp này, ở Saga, thì những người khác nhau ấy lại đến tìm ông.

Điều quan trọng hơn cả trong Nhật ký Saga là nó giống các du ký của ông về mặt đề tài. Chủ đề của nó đã được gợi ra trong phần đầu của nhật ký, bắt đầu ghi chép kể từ ngày 18 tháng tư năm ấy. Sau một khúc ngắn để trình bày túp lều, nơi ăn chốn ở của mình, đoạn văn dẫn đến một kết thúc: “Ta quên đi sự nghèo túng của mình và sung sướng hưởng một cuộc sống chây lười, thư thái nơi đây”. Nội dung của nhật ký chẳng qua để khẳng định tuyên bố này, nó trình bày một cuộc đời chây lười nhưng thư thái có nghĩa là làm sao. Tất cả những sự kiện xảy ra dưới mái lều là những đoạn đời khác nhau của cuộc sống đó. Tác giả đã tỏ ra hạnh phúc cùng cực khi đứng ở bên ngoài túp lều và những bài Haiku kiểu như:

Te wo uteba

Kodama ni akuru

Natsu no tsuki

Tiếng vỗ bàn tay ta,

Như giục ngày rạng sáng,

Đưa vầng trăng hạ lên.

Ông tỏ ra lắng dịu và nghiêm trang hơn khi, vào giữa đêm khuya, ngắm bụi tre bên cạnh nhà và soạn ra vần Haiku:

Hototogisu

Ôtakeyabu wo

Moru tsukiyo

Tiếng cuốc đâu vọng tới,

Qua những lùm trúc rậm,

Len lỏi ánh trăng thanh.

Trong một tiết mục đáng lý là bi đát, sầu thảm, ông vẫn không thiếu hài hước, như khi viếng mộ của bà hoàng phi, người đã tự sát vào thế kỷ 12:

Uki fushi ya

Take no ko to naru

Hito no hate

Định mệnh đáng buồn thay,

Khi con người nằm xuống,

Chỉ thành một gốc măng!

Ngôi mộ của hoàng phi nằm trong lùm tre, nơi đây mọc ra nhiều gốc măng. Ý tưởng xem sự sống tiếp nối bằng cái chết là điều không ai thoát được, nơi đây đã được nối kết với hình ảnh những gốc măng, quen thuộc với đời sống hằng ngày. Nhà thơ đã đạt đến sự bình yên thanh thản cho dù khi tạo nên hình ảnh ấy, ông đã ngắm ngôi mộ của hoàng phi đáng yêu với tất cả niềm thương cảm cho số phận hẩm hiu của bà. Sự bình yên thanh thản ấy là cơ sở của tất cả những tiết mục nằm trong nhật ký nói về cuộc sống trong túp lều đó.

Khi tác giả có chủ đích viết như thế trong đầu rồi, Nhật ký Saga trở thành một tác phẩm văn học với một chủ đề riêng biệt, không còn là ký sự góp nhặt những gì đã xảy ra trong một ngôi nhà hay trong một quãng thời gian nào đó nữa. Thực vậy, Basho tỏ ra ông đã chọn lựa sự kiện nào cần phải ghi chép và tập trung vào những sự kiện mang đến hiệu quả lớn nhất cho việc trình bày chủ đề mình đặt ra. Ông cũng đã cố gắng duy trì tính nhất trí của cấu trúc: phần đầu được viết với một giọng văn xuôi hình thức và thoải mái; phần giữa bao trùm lên mọi thứ đề tài với một thể văn tự do, có cả văn xuôi lẫn thơ hòa quyện vào nhau; phần chót tóm tắt nội dung với một giọng văn trầm tĩnh hơn. Đại khái thì tất cả như đi theo cấu trúc chính của một renku thông thường. Thế nhưng, dường như tập nhật ký Basho để lại cho chúng ta không phải dưới hình thức cuối cùng của nó. Người ta tự hỏi một là Basho chưa có dịp sửa lại một lần chót hoặc bản thảo định hình đã bị thất lạc. Nhưng dù lý do là thế nào đi nữa, ta cũng thấy là Nhật ký Saga có đôi chút bất cập như thiếu phong phú trong nội dung, chưa đủ thanh lịch trong văn phong và cần có thêm tinh tế trong bút pháp. Đó là chưa nói đến việc thiếu một sự quân bình ảo diệu. Tất cả những yếu tố đó từng được pha trộn vừa vặn đẹp để làm nên Đường mòn miền Bắc.

–––––o0o–––––

Trích “Matsuo Basho Bậc Đại Sư Thơ Haiku”

Tác giả: Ueda Makoto

Biên dịch: Nguyễn Nam Trân

Nhà Xuất Bản Hồng Đức

Bài viết liên quan