MÙA XUÂN, ĐỨC PHẬT DI LẶC VÀ HẠNH TRẺ THƠ - NGUYỄN THẾ ĐĂNG

MÙA XUÂN, ĐỨC PHẬT DI LẶC VÀ HẠNH TRẺ THƠ

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

--o0o--

Mùa Xuân là sự trẻ lại, sự tái sinh tươi trẻ của trời đất và của con người. Cũng không biết từ khi nào, ngày mồng một Tết, ngày mở đầu của mùa xuân, là ngày của Phật Di-lặc.
MÙA XUÂN, ĐỨC PHẬT DI LẶC VÀ HẠNH TRẺ THƠ - NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Mùa Xuân là sự trẻ lại, sự tái sinh tươi trẻ của trời đất và của con người. Cũng không biết từ khi nào, ngày mồng một Tết, ngày mở đầu của mùa xuân, là ngày của Phật Di-lặc. Hình ảnh đức Phật Di-lặc tươi mát, trẻ trung đã quen thân với người vùng Đông Á là một ông lão bụng phệ, nét mặt tươi cười trẻ thơ, có các em bé leo trèo trên vai trên cổ, đứa ngoáy tai, đứa rờ mắt, đứa thọc rốn...

Những em bé này tượng trưng cho các giác quan và các đối tượng của giác quan. Với người thường, chúng là những kẻ khuấy động, chọc phá tạo ra cho con người biết bao phiền não, khổ đau.

Phật Di-lặc trẻ trung tươi mát vì ngài đã đạt đến bản tâm của mình, đó cũng là bản tâm của vũ trụ muôn loài, tự do đối với các giác quan, không còn bị nhiễm ô trói buộc bởi các đối tượng của giác quan. Ngài tự do chơi đùa với trần thế, hay để trần thế chơi đùa nơi ngài mà chẳng dính mắc chút gì.

Tuổi đời của ngài là một ông lão, nhưng tâm hồn là một trẻ thơ, bởi vì chỉ có trẻ thơ mới chơi đùa với các trẻ thơ giác quan vô tâm nghịch ngợm. Một trẻ thơ thiêng liêng, viên mãn.

Người giải thoát là người già lắm, vì đã di qua hết Con đường khổ ải dài dằng dặc của sanh tử. Đồng thời cũng là đứa trẻ thơ, vì đã ở trong cội nguồn Vô sanh của sanh tử. Cấp bậc giải thoát là địa thứ tám Bất động địa, còn được gọi là Đồng chân địa, địa của trẻ thơ trinh trắng không từng bị ô nhiễm.

Đây là một hình ảnh biểu trưng cho sự tự do, giải thoát, an vui của đạo Phật. Đã hết rồi Khổ, Tập, Diệt, Đạo; đã hết rồi sanh, lão, bệnh, tử. Chỉ còn sự tự do lồng lộng, tình thương bao la (Maitreya, danh hiệu của Phật Di-lặc, dịch là Từ Thị, bậc lòng từ bao la).

****

Kinh Đại Bát Niết-bàn có chương Anh nhi hạnh, tức là hạnh trẻ thơ, hạnh bé thơ. Con đường khổ đau và già chết đã được đi ngược lại để đến Cội nguồn an vui và trẻ trung bất tử. Cội nguồn an vui và trẻ trung bất tử này chính là Phật tánh mà mỗi chúng sanh đều có.

"Chẳng có thể đứng dậy, đi tới, đi lui, nói chuyện, đây gọi là Anh nhi (bé thơ). Như Lai cũng vậy, chẳng thể khởi dậy, vì Như Lai hoàn toàn chẳng khởi tướng các pháp. Cũng chẳng thể đứng dừng, vì Như Lai chẳng bám giữ tất cả các pháp".

Bậc giải thoát, giác ngộ là một bé thơ, theo nghĩa chẳng thể đứng dậy vì hoàn toàn không vọng lập tướng các pháp. Không hư vọng lập nên tướng các pháp, vì "phàm hễ có tướng đều là hư vọng" (kinh Kim Cương). Không vọng lập tưởng các pháp nghĩa là không vọng lập thế giới sanh tử. Hoàn toàn không khởi lập các tướng của sanh tử tức là hoàn toàn giải thoát. Bậc ấy cũng như một bé thơ, không thể đứng dừng, vì không bám giữ, đứng dừng, chấp trụ vào bất cứ cái gì. Đây là sự không thể nhiễm ô của giải thoát.

Trái lại với bé thơ, ngây thơ, không thể làm gì cả, là người lớn trưởng thành. Người lớn trưởng thành đây là người lớn của thế giới sanh tử, trưởng thành trong thế giới sanh tử. Người lớn thì khơi dậy đủ mọi thứ tướng và khơi dậy đủ mọi thứ phiền não tham, sân, si, kiêu căng, đố kỵ... đối với các tướng vọng lập ấy. Người lớn thì đứng dừng, bám trụ vào tất cả các pháp, nghĩa là đứng dừng bám trụ vào mọi sự vật có bản chất là Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã của thế giới sanh tử.

"Như Lai không thể đến, vì thân Như Lai chẳng có lay động. Cũng không thể đi vì Như Lai đã ở trong Đại Niết-bàn".

Đạt đến và ở trong Đại Niết-bàn, dạt đến trọn vẹn Pháp thân, tức là không ở đâu mà không nơi nào không ở, viên mãn củng khắp. Đến và đi là chuyển động, hoạt động của một cái gì hữu hạn. Cái vô hạn và viên mãn cùng khắp thì không đến, không đi.

Sự không thể đến, không thể đi này được ví với bé thơ, ngồi một cục, không đi đâu không đến đâu, không cần đi đâu không cần đến đâu, vì đâu đâu cũng là "chính mình".

***

"Như Lai không thể nói, vì Như Lai dầu nói pháp cho tất cả chúng sanh nhưng thật ra không có nói gì. Bởi vì pháp có chỗ nói được thì đó là pháp hữu vi, do đây nên không có chỗ nói. Lại không ngôn ngữ, như bé thơ không có ngôn ngữ rõ ràng, dầu có ngôn ngữ mà thật ra không ngôn ngữ. Cũng vậy, ngôn ngữ không rõ ràng chính là bí mật của chư Phật. Dù chư Phật nói nhưng chúng sanh chưa hiểu nên gọi là không ngôn ngữ.

Lại như bé thơ chẳng gọi sự vật bằng một tên duy nhất, vì chưa biết rõ tên đích xác, nhưng chẳng phải vì vậy mà chẳng biết sự vật. Cũng vậy, tuy tất cả chúng sanh chẳng đồng về giống loài, địa phương, ngôn ngữ, Như Lai phương tiện thuận theo ngôn ngữ của họ, làm cho tất cả loài nhờ đó mà được hiểu biết".

Các bậc Giác ngộ luôn luôn nói pháp cho tất cả chúng sanh, khai thị để cho chúng sanh ngộ nhập cái thấy biết của Phật (Tri kiến Phật). Nhưng thật ra các ngài không nói gì, vì các ngài ở trong thật tướng "xưa nay không một vật", thường trụ trong các pháp xưa nay không tịch". Không có ngôn ngữ, không có nói pháp vì không thấy có các pháp được nói đến và các đối tượng để nghe pháp, vì trong Đại Niết-bàn không có các nhị nguyên, chủ thể và đổi tượng, tất cả đồng một vị Niết-bàn.

Chúng ta nhớ lại vị Tổ của phái thiền thứ hai ở Việt Nam có pháp danh là Vô Ngôn Thông. Pháp danh này đồng nghĩa với điều đã nói ở trên.

Chính trong tự do và giải thoát khắp cả này, trong trạng thái "vô sở trụ" này, các ngài không vướng mắc vào danh từ, ngôn ngữ, mà "phương tiện thuận theo ngôn ngữ của họ, làm cho mọi loài được hiểu biết", điều này kinh diển gọi là "Bốn vô ngại giải", tự do vô ngại với pháp, nghĩa, từ, biện; và bốn cái này trở thành phương tiện tự do để nói, khiến cho tất cả đều dược hiểu biết.

***

"Lại bé thơ có thể nói được chữ cái. Cũng vậy, Như Lai nói chữ cái, như nói "bà", "hòa". "Hòa" là hữu vi, "bà' là vô vi. Vì thế mà thí dụ như bé thơ. Như Lai nói "thường", chúng sanh nghe rồi, muốn cầu pháp "thường" dứt được "vô thường". Đây gọi là hạnh bé thơ".

Bé thơ thì thơ ngây, vô tâm, chỉ bập bẹ vài chữ cái. Nhưng những chữ cái ấy là lời chân thật, có thể làm cho chúng sanh dứt được sự vô thường, sự khó, để đạt được pháp thường, sự an vui.

"Cũng vậy, đại Bồ-tát vì chúng sanh nên chẳng biết khổ vui, không kể ngày đêm, tâm bình đẳng đối với chúng sanh, không nghĩ tưởng thân sơ, khác biệt".

Vì như bé thơ, Bồ-tát không phân biệt thân sơ, không tránh khổ tìm vui. Không phân biệt, không lấy bỏ là trí huệ. Vì chúng sanh mà làm việc là lòng bi. Lòng bi mà không phân biệt nghĩa là lòng bi có trí huệ, tức lòng bi ấy thêm bao la vô ngại. Trí huệ không phân biệt mà có lòng bi vì chúng sanh, tức trí huệ ấy càng thêm cụ thể trực tiếp, cắm rễ vào đời sống hiện thực.

"Lại bé thơ chẳng thể tạo tác những việc lớn và việc nhỏ. Cũng vậy, Bồ-tát chẳng tạo nghiệp sanh tử, đây gọi là chẳng làm việc lớn. Bồ-tát chẳng tạo việc nhỏ, đây gọi là tâm Thanh văn, Độc giác. Bồ-tát trọn chẳng thối thất tâm Bồ-đề để tu hành hạnh Thanh văn, Độc giác Phật".

Bồ-tát như bé thơ, chẳng tạo các việc gì. Chẳng tạo nghiệp sanh tử, việc tốt lẫn việc xấu. Việc xấu thì phải chịu quả báo xấu, vào ba nẻo thấp của sanh tử, nhưng việc tốt cũng được những quả báo tốt để lên những cõi cao của sanh tử. Bồ-tát ở trong Không, Vô tướng, Vô tác nên nỗ lực cứu độ chúng sanh, vì không bỏ tâm Bồ-đề, nhưng trong tâm không có tôi cứu độ, người được cứu độ, và hành động cứu độ. Do thế mà làm việc tốt nhất, lợi lạc nhất cho chúng sanh mà không có quả báo, dù là quả báo tốt nhất.

Đó là người vô sự, làm tất cả mà thật ra không làm gì cả. Không làm việc lớn tức là ở trong Không, Vô tướng, Vô tác.

Còn việc nhỏ là đi vào con đường giải thoát an vui cho cá nhân thay vì lo cho sự giải thoát an vui của tất cả. Bồ-tát như đứa bé vô tâm chơi đùa. Việc lớn là tạo nghiệp sanh tử thì không làm, nhưng việc nhỏ là lo cho giải thoát của mình, cho sự thể nhập của mình vào Niết-bàn cũng không làm. Đây là con đường của bé thơ, con đường Trung đạo của sự ngây thơ bổn lai không ô nhiễm. Con đường Trung đạo của Bồ-tát được ví như con đường bé thơ, ngây thơ đi giữa sanh tử của thế gian và Niết-bàn của bậc Thanh văn, Độc giác. Và hơn nữa, con đường đó là Con đường siêu việt, vì "không đi, không đến, không dừng", vì "vô tướng, vô tác". Con đường ấy là con đường chơi đùa, vì như kinh Đại Bát-nhã nói: "Bồ-tát cứu độ chúng sanh thì cũng như tranh đấu với hư không".

Hạnh trẻ thơ là con đường của sự trẻ trung vĩnh cửu, vì không nhiễm ô bởi sanh tử và cũng không mong ước trở về Niết-bàn (Vô tác hay Vô nguyện). Đó là con đường "biết pháp tánh", tức là biết tánh của sanh tử và Niết-bàn, cho nên thường "thọ pháp lạc" (Phẩm Trường Thọ). Đó cũng là con đường của lòng từ bi ngây thơ vô lượng, "lòng từ bi lợi lạc chúng sanh, cho đến loài trùn (giun) kiến cũng ban cho sự không sợ hãi" (Phẩm Tà Chánh).

Đó là con đường của hân hoan bao la, vì không thấy có gì ở ngoài mình, vì trung tâm thì ở khắp tất cả. Đó là trạng thái vốn sẵn của tâm mỗi chúng sanh mà kinh Đại Bát Niết-bàn gọi là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan