NĂM TRỢ DUYÊN CỦA BỒ ĐỀ TÂM - Tai Situpa Thứ 12 - Đánh Thức Vị Phật Đang Ngủ

NĂM TRỢ DUYÊN CỦA BỒ ĐỀ TÂM

Đánh Thức Vị Phật Đang Ngủ - Tai Situpa Thứ 12

---o0o---

Có một số trợ duyên quan trọng cho sự thực hành thành công của bồ đề tâm, và tứ vô lượng tâm. Những điều này được tóm tắt trong năm nguyên tắc. Tất cả năm nguyên tắc này là để áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày. Theo các Kinh điển, nếu những điều này được thực hành đúng thì bồ đề tâm sẽ phát sinh tự nhiên, và không có chướng ngại. Đây là những nguyên tắc chi phối...
NĂM TRỢ DUYÊN CỦA BỒ ĐỀ TÂM - Tai Situpa Thứ 12 - Đánh Thức Vị Phật Đang Ngủ

Có một số trợ duyên quan trọng cho sự thực hành thành công của bồ đề tâm, và tứ vô lượng tâm. Những điều này được tóm tắt trong năm nguyên tắc. Tất cả năm nguyên tắc này là để áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày. Theo các Kinh điển, nếu những điều này được thực hành đúng thì bồ đề tâm sẽ phát sinh tự nhiên, và không có chướng ngại. Đây là những nguyên tắc chi phối hoạt động của bồ tát đạo.

Đầu tiên là giữ giới. Ở khía cạnh tương đối, cá nhân là một tâm hoạt động qua thân và khẩu. Tất cả các hoạt động được khởi xướng từ trong tâm rồi bộc lộ qua lời nói hay là hành động. Do vậy, những hoạt động tích cực và tiêu cực là tương tự như nhau (đều khởi từ tâm). Những hành động tiêu cực như là sát sinh, trộm cắp, nói dối, phỉ báng, và vân vân trở thành những chướng ngại lớn để thực hành bồ đề tâm. Vì vậy, ta cần giữ giới để giảm thiểu những hành động tiêu cực của thân, khẩu, và ý.

Chánh niệm là trợ duyên thứ hai. Điều này nghĩa là phải tỉnh giác về cả tinh thần và thể xác. Đây là cách để khắc phục sự vô minh. Vô minh là nguyên nhân của mọi chướng ngại, và được nuôi dưỡng và hỗ trợ bởi lòng tham ái và tính hiếu chiến. Tham ái là tinh thần và sự hiếu chiến bộc lộ qua thân, do vậy điều cần thiết là nên giữ chánh niệm về bất kỳ tư tưởng, dự định, hay là hoạt động liên quan đến tham ái và sân hận. Chúng ta nên luôn luôn học hỏi để ý thức về các hoạt động của thân, khẩu và ý, và những gì chúng ta bộc lộ qua chúng. Chánh niệm là tỉnh giác về bất kỳ hoạt động nào của thân, khẩu, ý mà có thể tạo ra những chướng ngại.

Có nhiều nhân và duyên giữ chúng ta lại trong luân hồi, chu kỳ không dứt của tái sinh và khổ đau. Nếu chúng ta không tỉnh giác về điều này, chúng ta sẽ chìm sâu trong biển luân hồi.

Trợ duyên thứ ba liên quan đến tám pháp thế gian. Hiểu biết về các pháp thế gian giúp chúng ta duy trì tỉnh giác về những điều dẫn đến chúng ta có thể chìm sâu hơn trong luân hồi. Hiểu biết tám pháp thế gian sẽ giúp chúng ta gia tăng tỉnh giác và tránh được những cạm bẫy tạo ra các chướng ngại. Dĩ nhiên là không thể khắc phục tất cả cùng một lúc, mà chúng ta phải thực hành để dần dần vượt qua chúng.

Thực tế, tám pháp thế gian là bốn cặp, và mỗi cặp chứa đựng hai mặt khác nhau. Cặp đầu tiên nêu ra cần nhận thức được về cảm giác thân thuộc xuất hiện khi chúng ta hạnh phúc – hoặc là – chúng ta bối rối, lo lắng khi chúng ta mất mát. Cặp tiếp theo là chúng ta vui vẻ khi chúng ta cảm thấy thoải mái và trở nên khó chịu khi không thoải mái. Cặp thứ ba là khi nghe điều mình thích thì cho là tốt và chúng ta hoan hỉ, nhưng nếu nghe điều không hay thì chúng ta trở nên bất an. Cặp cuối cùng là khi cầu nguyện khiến chúng ta hạnh phúc, nhưng lăng mạ, khiển trách khiến chúng ta rất khó chịu. Tám loại này trong bốn cặp được biết như là tám pháp thế gian.

Bốn cặp của các cảm xúc trên là khá bình thường trong thực thể tương đối của chúng ta. Đây có lẽ là cảm xúc chung của mọi người. Tuy nhiên nếu không quan tâm về các loại cảm xúc này, chúng có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chúng ta và trở thành năng lượng cực kỳ tiêu cực. Khi chúng ta nhìn lại lịch sử nhiều cuộc chiến tranh đã khởi đầu từ năng lượng tiêu cực này. Hàng trăm ngàn người đã chết trong những cuộc chiến như thế, và nếu bạn xem xét các nguyên do của những thảm họa này, nó thường xuất phát từ một hoặc là nhiều hơn của những loại cảm xúc trên của một cá nhân hay một nhóm người do không quan tâm xem xét, và kiểm soát những loại cảm xúc tiêu cực này. Một vài người hay là một nhóm người do bị mất mát hay là muốn có được vài thứ; có thể họ không thích nghe điều họ đã nghe hay là bị lăng mạ, và họ quyết định trả thù hoặc là dạy cho đối thủ một bài học.

Không có chánh niệm và trí tuệ, cho nên dẫn đến những hành động tiêu cực khủng khiếp. Vì vậy, điều cực kỳ quan trọng là cần ý thức về tiềm năng của các loại cảm xúc đưa đến sự tiêu cực, và cũng để tha thứ. Chúng ta thực hành bồ đề tâm, nên chúng ta phải học cách tha thứ. Chúng ta không nên bị gắn chặt với những điều tốt, dễ chịu. Chúng ta cũng cần học cách để bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại của mình và để tha thứ.

Trợ duyên thứ tư giúp cho việc thực hành bồ đề tâm thành công – đó là phải có phân biệt giữa những điều chúng ta thực sự cần và chúng ta nghĩ là mình cần, và những nỗ lực để có được chúng. Có quá nhiều thứ mà các chúng sinh bình thường như chúng ta muốn có. Dù vậy, vẫn có một sự khác nhau giữa nhu cầu thực sự và nhu cầu do tưởng tượng. Nhu cầu do tưởng tượng một số thứ chúng ta muốn có nhưng lại thực sự không cần thiết. Chúng ta tự tạo ra lo lắng, tham lam, đố kị, và ghen tỵ để cố gắng có được những thứ mà ta nghĩ là ta cần. Chúng ta không suy nghĩ rất cẩn thận về điều này, nên chúng ta không biết chúng thực sự cần hay không. Điều có thể giúp ích ta lúc đó là nhận thức rằng thực phẩm, quần áo, nơi ở, vân vân là những thứ cần thiết cho cuộc sống. Tuy nhiên chúng ta nên luôn luôn tỉnh giác, và với khả năng tốt nhất để không phải có những nỗ lực không cần thiết và tiêu cực để có bất cứ điều gì. Và chúng ta phải canh chừng cẩn thận để chắc chắn rằng chúng ta không lãng phí thời gian và tạo ra sự tiêu cực bằng cách tìm kiếm không ngừng về những thứ chúng ta thực sự không cần. Chánh niệm này là rất quan trọng.

Trợ duyên cuối cùng, thứ năm, là nên có kế sinh nhai đúng đắn. Điều này bao quát khá rộng vì bao gồm cả mọi điều chúng ta làm. Nói một cách đơn giản, là chúng ta không nên kiếm sống bằng cách lừa đảo người khác, hay là trên sự đau khổ của người khác. Ngày nay, có một số cách kiếm sống bằng cách làm hại chúng sinh khác thí dụ như bán thuốc phiện, hay là sát sinh – bán thịt, giết mổ gia súc. Bất cứ việc gì liên quan đến khai thác, bóc lột con người hoặc là môi trường gây hại cho tất cả (chúng sinh nói chung) đều không phải là kế sinh nhai đúng đắn. Điều kiện sống của chúng ta không nên tạo ra đau khổ cho chúng sinh khác, và đây là điều rất quan trọng đối với thực hành bồ đề tâm, bởi vì một vị bồ tát bất cứ khi nào có thể đều cần thực hiện các hoạt động có ý nghĩa và làm lợi lạc cho chúng sinh. Ngay cả trong một số trường hợp cá biệt bất khả kháng, thì ít nhất bạn cũng phải cẩn thận để không tạo ra đau khổ cho chúng sinh khác bằng điều kiện sống và hình thức kiếm sống của bạn. Từ khi khởi đầu hãy làm với khả năng tốt nhất của bạn. Từ đó bạn sẽ tinh tấn.

Thông qua việc thực hành các phương pháp như là năm trợ duyên đặc biệt trên, tinh tấn sẽ diễn ra với bạn một cách tự nhiên. Một dấu hiệu của tinh tấn khi thực hành bồ đề tâm – là sự tiến triển của tính điềm tĩnh, bi mẫn, và hòa nhã. Một vị bồ tát nên phát triển lòng bi mẫn tự nhiên và quan tâm đến người đang chịu đau khổ, tôn trọng và có lòng từ đích thực về những chúng sinh khác, bất chấp thân phận của họ. Các bồ tát có thói quen đặt lợi ích của chúng sinh khác lên hàng đầu và lợi ích của họ là sau cùng. Nếu có những điều tốt đẹp thì bạn sẽ chia sẻ với người khác đầu tiên, và bạn nhận lấy cho mình sau cùng. Thói quen tự nhiên này là một dấu hiệu cho biết người thực hành đang tinh tấn trên con đường thực hành bồ tát đạo. Trạng thái tâm tích cực nên được thực hành liên tục, và cuối cùng chúng sẽ ngấm vào bạn một cách tự nhiên.

---o0o---

Trích: Đánh Thức Vị Phật Đang Ngủ (Awakening The Sleeping Buddha)

Tác Giả: Tại Situpa Thứ Mười Hai

Nhà Xuất Bản Tôn Giáo

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan