NGÔN NGỮ XÉT NHƯ MỘT HƯỚNG DẪN CHO LẬP LUẬN ĐẠO ĐỨC

NGÔN NGỮ XÉT NHƯ MỘT HƯỚNG DẪN CHO LẬP LUẬN ĐẠO ĐỨC

Richard Paul - Linda Elder

-----o0o-----

Để phát triển như những nhà tư duy đạo đức, ta phải có một lập trường mới đối với chính mình. Ta phải nhận ra các ý niệm được ta dùng để nhìn và trải nghiệm thế giới, ta phải học cách tư duy với các ý niệm của chính mình. Ta phải học cách tư duy với các ý niệm thay thế và bên trong các “thế giới quan” thay thế khác. Như những nhà ngữ nghĩa học thường nói: “Từ không phải...
NGÔN NGỮ XÉT NHƯ MỘT HƯỚNG DẪN CHO LẬP LUẬN ĐẠO ĐỨC

NGÔN NGỮ XÉT NHƯ MỘT HƯỚNG DẪN CHO LẬP LUẬN ĐẠO ĐỨC

Richard Paul - Linda Elder

-----o0o-----

Để phát triển như những nhà tư duy đạo đức, ta phải có một lập trường mới đối với chính mình.

Các ý niệm đối với con người thì giống như không khí ta thở. Ta phóng chiếu chúng ra khắp mọi nơi. Song, ta hiếm khi nào chú ý điều này. Ta sử dụng các từ và các ý niệm mà các từ biểu đạt để tạo ra một bức tranh về thế giới. Những gì ta kinh nghiệm thì ta đều kinh nghiệm thông qua các ý niệm, thường được lọc một cách thiếu phê phán thành các loại “tốt” và “xấu”. Ta tự cho mình là tốt mà không hề phê phán, phản biện. Và ta cũng không hề phê phán, phản biện gì khi cho kẻ thù mình là xấu. Ta chọn các từ tích cực để phủ lên những điều “không thể biện minh” mà ta làm. Ta chọn các từ tiêu cực để lên án thậm chí cả những điều tốt mà kẻ thù ta thực hiện. Ta thường nhìn thế giới theo một cách bị bóp méo, vì lợi ích của mình. Những sự khái niệm hóa của ta thường nảy sinh từ việc ta bị nhồi sọ hay bị quy định về mặt xã hội (những lòng trung thành của ta được trình bày bằng những từ tích cực, dĩ nhiên là ta cũng không hề phê phán, phản biện chúng).

Thế thì, các ý niệm là những con đường dẫn ta đi đến cả thực tại lẫn sự tự lừa mình. Điển hình, ta thường không nhận ra mình đang tham gia vào việc kiến tạo ý niệm thuộc loại nào đó, hoặc tốt hoặc xấu. Trong cuộc sống hằng ngày, ta không kinh nghiệm thấy mình đang định hình những gì ta nhìn và kiến tạo thế giới vì lợi ích của ta.

Đối với người có tinh thần không phản biện, điều đó giống như việc con người trong thế giới đi đến với ta bằng các nhãn hiệu ta gán cho bản tính cố hữu của họ. CHÚNG là “những kẻ khủng bố”. TA là “các chiến sĩ tự do”. Tất thảy chúng ta đều từng có lúc là nạn nhân của một ảo tưởng không thể tránh được về tính khách quan. Vì vậy, ta xem người khác như không có chung một bản tính người, mà hoàn toàn xem họ như “những người bạn” hoặc như “những kẻ thù”, và tương ứng là “tốt” “xấu”. Ý hệ, sự tự lừa mình và huyền thoại đóng một vai trò lớn trong bản sắc của ta và cách ta tư duy và phán đoán. Tuy nhiên, tâm trí ta vận hành như thể ta hoàn toàn là những nhà quan sát trung lập về thực tại. Và trên hết, ta thường trở nên tự cho mình là đúng khi các ý niệm của ta bị thách thức.

Để phát triển như những nhà tư duy đạo đức, ta phải có một lập trường mới đối với chính mình. Ta phải nhận ra các ý niệm được ta dùng để nhìn và trải nghiệm thế giới, ta phải học cách tư duy với các ý niệm của chính mình. Ta phải học cách tư duy với các ý niệm thay thế và bên trong các “thế giới quan” thay thế khác. Như những nhà ngữ nghĩa học thường nói: “Từ không phải là vật! Từ không phải là vật!” Nếu ta bị dính mắc vào một nhóm khái niệm (ý niệm, từ) thì tư duy của ta bị mắc bẫy. Từ và vật sẽ trở thành một và cùng một thứ trong tâm trí ta. Rồi ta sẽ không thể hành động như những con người tự do, có đạo đức.

Các ý niệm ta đã và đang hình thành trong kinh nghiệm cá nhân thường có bản tính lấy cái Tôi làm trung tâm. Các ý niệm ta kế thừa từ sự nhồi sọ của xã hội thường mang bản tính lấy xã hội làm trung tâm. Cả hai đều có thể giới hạn đáng kể nhận thức của ta. Đó là nơi việc hiểu biết các thuật ngữ đạo đức trong ngôn ngữ mẹ của ta có thể giúp ích.

Các ý tưởng ta học được từ các bộ môn học thuật và từ việc nghiên cứu những sự phân biệt cố hữu trong những cách dùng ngôn ngữ có thể đưa ta vượt ra khỏi bản tính lấy cái Tôi làm trung tâm và ý hệ xã hội. Khi ta học cách tư duy một cách lịch sử, một cách xã hội, một cách nhân học, một cách khoa học và một cách triết học, ta có thể nhìn thấy sự vô tri, định kiến, những sự rập khuôn, những ảo tưởng và những sự thiên lệch trong tư duy cá nhân của mình và trong tư duy chung trong xã hội mình.

Hơn nữa, việc kiểm soát được những phân biệt đạo đức nằm mặc nhiên trong cách dùng ngôn ngữ đã được xác lập có thể có một ảnh hưởng lớn đến cách ta định hình kinh nghiệm của mình. Chẳng hạn, thông qua sự kiểm soát đó, ta sẽ phân biệt đạo đức học với tôn giáo, qui ước xã hội và chính trị. Năng lực này sẽ tác động đến những phán đoán ta đưa ra và cách ta diễn giải các tình huống.

Các khái niệm đạo đức cốt lõi nằm trong các ngôn ngữ tự nhiên

Để lý luận tốt qua một câu hỏi hay vấn đề đạo đức đòi hỏi rằng ta phải nhận diện và áp dụng các khái niệm đạo đức có liên quan. Nhưng, ta tìm những khái niệm đó ở đâu? Chúng nằm sẵn trong mọi ngôn ngữ tự nhiên. Để nhận ra chúng, ta chỉ cần nhìn vào một hành động thiện, gồm: thúc đẩy sự tử tế, lòng cảm thông, sự thấu hiểu, tinh thần cởi mở, sự kiên nhẫn, khoan dung, tha thứ, nhân từ, nhân ái, ân cần, quan tâm, lễ phép, tôn trọng, rộng lượng, nhân hậu, đồng cảm, công bằng, không thiên lệch, vô tư, chính trực và bình đẳng.

Việc làm gây hại gồm: thiếu quan tâm, vị kỷ, lấy cái tôi làm trung tâm, tàn bạo, bất công, tham lam, thống trị, ích kỷ, không tôn trọng, định kiến, hẹp hòi, khinh suất, đạo đức giả, không tử tế, không nhạy cảm, keo kiệt, hung ác, hiểm độc, căm ghét, ác ý, thù hận, nhẫn tâm, hám lợi, không dung thứ, phân biệt đối xử, sô-vanh, bần tiện, hai mặt, không chân thật, tàn nhẫn, vô cảm, xấu xa, độc ác, bất khoan dung, không công bằng, sủng ái, nhỏ nhen, vụn vặt, bất lương, xảo trá, lừa lọc, giả dối, lừa gạt, cuồng tín, gian xảo, bạo lực, ác dâm, gian lận, dối trá.

Để hành động có đạo đức, ta phải hiểu và trở nên nhạy cảm với các ý niệm như ở trên, sao cho làm rõ được sự khác nhau giữa hành động có đạo đức và vô đạo đức. Nếu ta muốn hành động có đạo đức và vô đạo đức. Nếu ta muốn hành động để tối đa hóa cái tốt và giảm tối thiểu sự tổn hại ta gây ra cho người khác, ta phải học cách kiểm soát và đánh giá các tư tưởng, cảm xúc, tâm thế và hành động của mình. Ta phải trở nên lão luyện trong việc nhận ra khi nào mình đang lấy cái tôi làm trung tâm hay đang hành động bên trong một góc nhìn tư lợi và /hoặc tự lừa mình. Ta phải nhận ra việc con người hành động mà không tôn trọng đến quyền và nhu cầu của người khác là thông thường đến như thế nào. Ta phải nhận ra ta thường cư xử hệt như những người ta lên án biết bao nhiêu. Ta phải nhìn thấy “cái tốt đẹp” nơi kẻ thù của mình và “cái xấu” nơi chính mình. Như William Graham Summer đã nói, “không bao giờ có chuyện ta thì tốt còn người khác là xấu”.

-----o0o-----

Trích: Cẩm Nang Tư Duy Đạo Đức - Dựa Trên Các Khái Niệm Và Công Cụ Tư Duy Phản Biện

Tác giả: Richard Paul – Linda Elder

Chuyển ngữ: Hoàng Nguyễn Đăng Sơn

NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2016

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan