NHẬN RA BẢN TÁNH CỦA TÂM PHẢN CHIẾU CẢNH VẬT VÀ CỦA TÂM TRONG LIÊN HỆ VỚI THÂN - ĐẠI ẤN THIỀN XÓA TAN BÓNG TỐI CỦA VÔ MINH - KARMAPA WANGCHUK DORJE

Hãy xem một người mặc cùng một bộ quần áo dày vào mùa hè và mùa đông. Mùa hè thì anh ta cho chúng là nặng, mùa đông thì mỏng và nhẹ. Đâu là căn cứ cho sự gán ghép này ? Không thể có một căn cứ hiện hữu cho tự thân áo quần : đó hoàn toàn là hình tướng. Với mọi cảm giác đều như vậy.
NHẬN RA BẢN TÁNH CỦA TÂM PHẢN CHIẾU CẢNH VẬT VÀ CỦA TÂM TRONG LIÊN HỆ VỚI THÂN - ĐẠI ẤN THIỀN XÓA TAN BÓNG TỐI CỦA VÔ MINH - KARMAPA WANGCHUK DORJE

 

NHẬN RA BẢN TÁNH CỦA TÂM PHẢN CHIẾU CẢNH VẬT VÀ CỦA TÂM TRONG LIÊN HỆ VỚI THÂN

ĐẠI ẤN THIỀN XÓA TAN BÓNG TỐI CỦA VÔ MINH - KARMAPA WANGCHUK DORJE

-----o0o-----

Sự giới thiệu, đưa vào thứ ba là làm cho nhận ra bản tánh của tâm đang phản chiếu một hình tướng và đây là sự không thể tách rời của tâm và cảnh. Khi con nhìn vào loại nào trong năm trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc), đối tượng là rõ ràng không ngăn ngại nhưng con không thể nghĩ nó là vật gì ở bên ngoài, cứng đặc và thực có, và tâm sống động đang nhìn nó thực sự không nắm bắt cái gì – cả hai cái này, tâm và cảnh không phải là một cũng không phải khác. Tuy nhiên con không nên tạo thêm ý niệm chúng không phải một cũng không phải khác.

Làm như thế tức là ngụ ý rằng “sự không phải cả hai” đó là một loại bản chất nội tại thực có trong chúng.

Tương tự, thân và tâm không phải là một cũng không phải khác. Chúng không thể tách rời, một hợp nhất của sáng tỏ và tánh Không, của hình tướng và tánh Không, như sự phản chiếu của mặt trăng trong nước.

Nếu sự phản chiếu hay hình tướng của mặt trăng trong nước và nước là một, thì khi bạn đặt tay trên nó, hình tướng phải còn đó. Nếu chúng là khác, bạn phải có thể lấy hình tướng của mặt trăng khỏi nước.

Hơn nữa, bất cứ cảm giác nào con có, như nóng hay lạnh, cũng chỉ là những hình tướng xuất hiện. Bởi vì con không nhận biết chúng là hình tướng và tánh Không hợp nhất, tâm thức con gán tên, đặt nhãn cho chúng và như thế con có vô số bám nắm. Nhưng ngoài sự gán tên đó, trên cấp độ tối hậu, bất cứ cảm giác thân tâm nào con có đều không có căn cứ thực hữu nào cho sự gán tên. Con phải có được sự quán chiếu này.

Trong một giấc mộng, bạn có một thân và bạn thấy nhiều hình tướng, chúng có vẻ như thực và hiện hữu tự thân. Nhưng khi bạn thức dậy, bạn thấy rằng tất cả là do tâm thức bạn và xuất hiện cho tâm thức bạn. Chúng không có căn cứ thực sự nào cho sự có mặt của chúng hay để cho bạn gán tên “đây là thân tôi” v.v... Cũng đúng như vậy với cái chết khi quy chiếu với những kinh nghiệm của đời sống bạn. Khi bạn thức dậy khỏi vô minh và thấy cái mà bạn cho là cụ thể và thực có thực ra chỉ là trống không mọi hiện hữu.

Tất cả mọi hình tướng, mọi cảnh đều từ tâm. Nếu bạn nghĩ có ma quỷ, bạn sẽ thấy chúng. Nếu bạn không tin nơi chúng, bạn sẽ không thấy chúng. Một lần Jetsun Milarepa đang thiền định trong một hang động, bỗng chú ý đến một lỗ hổng trên vách, ngài thầm hỏi không biết lỗ hổng đó có con ma nào trong đó chăng. Ý nghĩ vừa mới khởi thì một con yêu tinh cỡi trên một con hươu xuất hiện và hỏi ngài, “Tại sao ngài gọi tôi ? Sự chấp ngã của ngài truyền đến tôi. Hãy bình lặng tâm ngài và rồi tôi sẽ bỏ đi.” Tương tự như vậy, chính vì bạn ngu mê nghĩ rằng những hình tướng là những vật thực có, cứng đặc, “ở bên ngoài” mà bạn tin chúng hiện hữu như thế. Điều này không là gì ngoài sự mê tín.

Tất cả hình tướng là những phản chiếu của tâm, không có hiện hữu chân thật, nội tại như cái gì cứng đặc “ở bên ngoài”, hiện hữu tự chúng. Chẳng hạn, có những đại Lama đến Bồ Đề đạo tràng và thấy nó như một cõi trời và dân chúng ở đó là những hóa thần. Với một người ăn xin, nó sẽ xuất hiện như một địa ngục. Và với mỗi người trong họ, đấy là thực tại. Hãy xem một ly nước. Chúng sanh địa ngục thì thấy nó là nước đồng sôi, một quỷ đói thấy là mủ và máu, một con cá thấy là nhà ở, một người thấy là nước và một vị trời thấy là rượu tiên. Mỗi cái thấy này chỉ là một hình tướng xuất hiện cho tâm và từ tâm. Sự vật gì xuất hiện cho bạn, đó chỉ là tâm bạn. Tất cả mọi hình tướng xuất hiện cho tâm và từ tâm, bởi vì chúng xuất hiện như là thật và “ở bên ngoài”, trong khi thực ra không phải như vậy.

Hãy xem một người mặc cùng một bộ quần áo dày vào mùa hè và mùa đông. Mùa hè thì anh ta cho chúng là nặng, mùa đông thì mỏng và nhẹ. Đâu là căn cứ cho sự gán ghép này ? Không thể có một căn cứ hiện hữu cho tự thân áo quần : đó hoàn toàn là hình tướng. Với mọi cảm giác đều như vậy.

Bất cứ hình tướng nào xuất hiện trước mặt con (như một ngón tay chẳng hạn), hãy nhìn vào nó và chú tâm vài phút. Rồi thư giãn sự chú ý một chút. Ban đầu mọi chi tiết còn sắc nét. Nhưng sau một lúc, hình ảnh phai dần ngay nơi chỗ của nó hoặc do con chán hay không muốn nhìn nữa, hoặc mắt con mờ và chảy nước mắt. Nhưng khi con nhìn vào nó một chút nữa, một hình tướng sống động không thể nắm bắt lại hiện ra. Nó lại đến vào chỗ cũ của nó.

Đến đây con cần thấu hiểu rằng tâm của con và những hình tướng đến với tâm và từ tâm là chẳng thể tách biệt. Chúng là sự hợp nhất của hình tướng và tánh Không, rõ ràng mà không có đối vật. Bởi vì có hình tướng phản chiếu này của thực tánh thường trụ của thực tại, cũng được biết như là đặc trưng hiển lộ của tâm, không có hai sự vật tách biệt, khác nhau – tướng bên ngoài và tâm bên trong. Sự vinh quang của chính tâm khởi lên không ngăn ngại : tất cả là như vậy.

Những hình tướng xuất hiện như là những đối tượng để nắm lấy và các thức nắm lấy chúng, cả hai đều là sự khởi sanh của mê lầm. Vào lúc đó, những hình tướng này không thể xem là tách rời một bên, ở ngoài ; chúng xuất hiện vì chúng là sự tự-mê lầm của tâm. Bởi thế, tâm chính là những hình tướng. Ngoài tâm ra, không có vật gì như là một hình tướng có thể được kiến lập dù cho ở cấp độ vi tế nhất có được hiện hữu tự thân như là một đối vật tách biệt.

Một bù nhìn thấy ở xa xuất hiện như một người. Hình tướng xuất hiện này là cái gì, trừ phi đối với tâm bạn ?

Trước kia, vì vô minh hay sự bám nắm của tâm che ám, con không thể thấy điều này. Nhưng bây giờ dòng tâm thức ý niệm bám nắm đã bị cắt đứt, con có thể nhận ra tự tánh của tâm và không có cảnh. Không bám níu vào những hình tướng, con thấy rằng những hình tướng rỡ ràng và rỗng lặng và không làm gì có đối vật. Chúng là những tia sáng của Pháp thân, những hình tướng xuất hiện khởi lên đồng thời với tánh Không, như một chồi cây và cái bóng của nó.

Như thế khi một người bạn của bạn xuất hiện trước bạn, hãy nhìn đích xác hình tướng của anh ta và an trụ trong cái ở đây và bây giờ. Chớ nghĩ, “Ồ, anh ta thật là một người bạn tốt”, hay “Quả là một người bạn quá quắt, anh ta không hề viết thơ.” Chớ bám vào một ý niệm về nhân vật này như là một quan niệm không thay đổi, hiện hữu nội tại, cứng đặc và thực có. Hãy rộng mở rỗng rang, tươi mới và tự nhiên, không hy vọng, lo toan hay thành kiến và hãy chứng nghiệm sự bất khả phân của hình tướng và tánh Không. Hãy an trụ với hình tướng rỗng không của nhân vật và không trụ vào những ý niệm cố định.

Bây giờ hãy hộ trì tánh giác này mà không có bất kỳ tạo tác nào. Hãy thả dây cương cho sáu căn, trần, thức và trau dồi sự thực hành với bất kỳ cái gì xuất hiện với tâm.

Sáu căn, trần, thức là thức, năng lực nhận thức và những đối tượng của các khả năng thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc và suy nghĩ. Chứng nghiệm rằng một thức và một căn và một trần cả ba đều tương thuộc, không có tự tánh riêng và cần thiết cho một nhận thức, như vậy chỉ thoải mái buông xả và tỉnh giác với bất cứ cái gì xảy đến.

Với tâm thức thoải mái và thong dong trong trạng thái này, hãy an trụ không tạo tác trong thực tánh của thực tại. Chớ cố gắng thành tựu an lạc, sáng tỏ, tánh Không hay cái siêu việt. Không đeo bám quá khứ. Không nghĩ đến tương lai. Không có những tư tưởng về hiện tại. Không thiền định bằng ý niệm tri thức. Để tâm con ở nơi cấp độ của nó, cội nguồn của nó, lưu thông tự do trong cái bây giờ và ở đây, không một chút cố gắng hay lo toan, hãy an trụ trong trạng thái tự nhiên của bản tâm. Hãy đặt mình trong trạng thái bất nhị của hình tướng và tánh Không, bất nhị của âm thanh và tánh Không, bất nhị của an lạc và tánh Không, bất nhị của tánh giác và tánh Không, bất nhị của sáng tỏ và tánh Không. Khi con hiểu với tri giác thuần túy, trần trụi sự bất nhị của hình tướng và tánh Không như vậy, nói rõ ra là những hình tướng hiển lộ không ngăn ngại nhưng không thể nắm bắt như thế nào, bấy giờ con có quán chiếu thấu suốt vào những hình tướng (phản chiếu trong tâm). Con đã nhận ra Pháp Thân, nó là sự hợp nhất của tánh Không và hình tướng. Nếu con hộ trì tương tục trạng thái này, con sẽ khai triển những kinh nghiệm và huệ quán vững chắc và thiêng liêng. Nhận ra bản tánh của tâm phản chiếu các hình tướng xuất hiện là sự giới thiệu, khai thị thứ ba. Đó là điểm thứ bảy của thiền quán : hãy trau dồi sự thực hành của con theo cách này.

-----o0o-----

Trích “Đại Ấn Thiền Xóa Tan Bóng Tối Của Vô Minh”

Tác giả: Karmapa Wangchuk Dorje

Người dịch: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức, 2001.

 

Bài viết liên quan