NHỮNG YẾU TỐ TÂM LINH TRONG NHÂN CÁCH CHÚNG TA - NIỀM VUI

 
Niềm vui là một thứ khác trong những phản chiếu quí giá, trong những tia sáng óng ánh dọi xuống từ mặt trời Tâm linh ấy để làm rực sáng và làm sống động nhân cách con người. Niềm vui cho thấy nguồn gốc tâm linh của nó ở điều này: hạnh phúc thanh thản là một trong những đặc trưng cốt yếu của Tâm linh. Thật vậy, Thực thể Tối cao toàn năng, toàn trí và yêu thương tất cả, với...
NHỮNG YẾU TỐ TÂM LINH TRONG NHÂN CÁCH CHÚNG TA - NIỀM VUI
Niềm vui là một thứ khác trong những phản chiếu quí giá, trong những tia sáng óng ánh dọi xuống từ mặt trời Tâm linh ấy để làm rực sáng và làm sống động nhân cách con người. Niềm vui cho thấy nguồn gốc tâm linh của nó ở điều này: hạnh phúc thanh thản là một trong những đặc trưng cốt yếu của Tâm linh.
 
Thật vậy, Thực thể Tối cao toàn năng, toàn trí và yêu thương tất cả, với tất cả những sự hoàn thiện ấy, không thể có trong bản thân mình một thiếu hụt nào, một sự vô thức nào, một đau khổ nào, một ham muốn nào. Nó chỉ có thể được cảm nhận như hoàn toàn thỏa mãn, hoàn toàn hạnh phúc. Về điểm này, tất cả các quan niệm tâm linh của phương Đông cũng như của phương Tây đều ăn khớp nhau. Đối với người Ấn Độ, ba mặt cốt yếu của Tâm linh là: Sat – Chit – Ananda, nghĩa là Thực thể - Ý thức – Cực lạc.
 
Những văn bản khác, như Upanishad, thì ghi là: Atman Shivam – Advaitam, nghĩa là: An bình, Cực lạc, Thống nhất.
Trong quan niệm Kitô giáo, thuộc tính của Thượng đế thường được nêu lên và tôn kính nhất là niềm vinh quang của ngài, mà vinh quang bao hàm cả cực lạc. Hạnh phúc có ý thức thấm đượm tình yêu ấy được Dante ngợi ca vào cuối tác phẩm Thiên đường.
Ôi, ánh sáng vĩnh hằng chỉ ngự ở Ngài,
Chỉ có nó mới hiểu ngài và chỉ có ngài hiểu nó
Và vì hiểu, nên yêu thương ngài và mỉm cười với ngài.
 
Niềm hạnh phúc thần thánh ấy, khi biểu hiện ra trong cá tính chúng ta, trong cái Tôi cao cả của chúng ta, mang vẻ một niềm vui thuần khiết, rồi khi dần dần đi xuống, xuyên qua những trình độ khác nhau của nhân cách, thì giảm bớt đi, bị khúc xạ đi, trộn lẫn với những yếu tố khác. Vì thế, nó có bộ mặt của những niềm vui và những sự thỏa mãn của con người, thuộc những bản chất khác nhau, những giá trị khác nhau, những mức độ khác nhau, cho tới khi nó đi vào thân thể và biểu hiện ra ở đó như một hạnh phúc thể chất và một niềm vui thích do những ấn tượng giác quan và sự thỏa mãn những nhu cầu và bản năng tự nhiên tạo ra.
 
Khốn thay, con người với thói vị kỷ, tham lam và nhu cầu ràng buộc nó đã làm nhiễm bẩn sự thuần khiết tự nhiên ban đầu của niềm vui và khoái cảm, và đã lao vào nhiều cái quá mức, xấu xa và lạc điệu mà đó chính là nguồn gốc của những cái ác và những đau khổ. Nó thường làm khô kiệt trong bản thân nó những nguồn gốc của niềm vui cao cả, của niềm hoan hỉ trong sáng, đi tìm những sự thỏa mãn và những hạnh phúc, lao vào sự tìm kiếm một cách vô độ và không dừng lại những khoái lạc dễ dãi nhất và dễ đạt tới nhất: hưởng thụ nhục dục, thỏa mãn tham vọng, thỏa mãn với những sự chinh phục và những chiến thắng vật chất. Nhưng nó không tìm được một sự lắng dịu bền vững: những sự thỏa mãn ấy đều tạm bợ, thay đổi, bấp bênh, không hoàn hảo và thường gây ra những phản ứng chán chường hoặc tỏ ra tầm thường ảo giác.
 
Nhưng bản chất cao cả hiện thực của con người không thể bị phá hủy, vì theo bản chất, thực chất của nó, là không thể phá hủy được, mặc dầu có thể tạm thời bị ru ngủ hay tê liệt. Nó vùng vẫy trong nhà tù của nó. Nó đem lại cho những ai lãng quên hay phủ nhận nó một cảm giác khổ sở, một nỗi lo âu, một sự dai dứt tinh tế nhưng dai dẳng, khiến con người muốn dập tắt đi bằng cách lại lao vào một cuộc theo đuổi vô độ những hoạt động bên ngoài cuồng nhiệt . Nhưng vô ích. Lúc đó, bắt đầu một sự trở lui về, một sự đi lên, lúc đầu thật nặng nề và miễn cưỡng, nhưng chẳng bao lâu sẽ cảm thấy thoải mái vì một niềm vui ngày càng cao hơn và mạnh hơn. Lúc đó con người bắt đầu thay thế niềm hoan hỉ tâm linh cho những khoái lạc thể chất.
Niềm vui tâm linh có những tính chất riêng của nó và khác rõ rệt với những loại niềm vui khác. Nó thắm đượm sự bình an, sự yên ổn, sự lắng dịu hoàn toàn mà ở những khoái lạc rộn ràng, những cơn say dữ dội không có. Nếu những khoái lạc và những vị kỷ đem lại một cảm giác mệt mỏi và kiệt sức tiếp theo đó, thì niềm vui tâm linh không những không gây ra những phản ứng như vậy, mà còn làm sống động và bồi bổ cơ thể.
 
Cuối cùng, nếu những khoái lạc vị kỷ hướng tới chỗ tách chúng ta khỏi người khác, làm cho chúng ta quên hết mọi cái khác, giam chúng ta vào sự hưởng thụ thỏa mãn cá nhân nhỏ bé, hoặc một mình hoặc “hai kẻ vị kỷ” , thì niềm vui thật sự, do bản chất của nó, lại mở rộng ra, thông cảm với người khác hơn, và gợi lên ý muốn hăng hái làm cho người khác tham dự vào niềm hoan hỉ riêng của chúng ta.
 
Một tính chất khác của niềm vui tâm linh, mà thoạt nhìn có vẻ như nghịch lý, là khả năng cùng tồn tại của nó với đau khổ. Điều đó thật dễ hiểu nếu người ta nhớ lại tính phức hợp về cấu tạo bên trong của con người. Tôi đã nói rõ chúng ta là phức hợp đến mức nào vì được cấu tạo bằng rất nhiều yếu tố có bản chất khác nhau. Ngay cả khi chỉ nói tới sự phân chia đơn giản nhất nhân cách và cá tính tâm linh thôi, người ta cũng có thể nhận thấy rằng ở những người nằm trong một giai đoạn phát triển trung gian của họ, ở những người tuy được thức tỉnh về ý thức tâm linh nhưng vẫn còn mang nhiều yếu tố nhân cách thông thường, có một sự phân đôi tương đối mạnh mẽ trong cách cảm nhận và phản ứng của họ. Vì thế người ta hiểu được tại sao có thể xảy ra trình trạng những người đó bị đau khổ về nhân cách, nhưng cá tính của họ- tức là tâm hồn – lại hứng khởi lên trong ánh sáng tâm linh. Sự cùng tồn tại của đau khổ và niềm vui ấy đã được một nữ tu sĩ lớn, bà xơ Blanche de la Charité, diễn đạt khá hay: “Đau khổ và bất hạnh, không phải là một”.
 
Bây giờ ta hãy nói tới giá trị giáo dục của niềm vui. Một số quan niệm tôn giáo phần nào chật hẹp và tách biệt đã có cái sai là đánh giá quá cao sự đau khổ. Coi niềm vui như một cái gì xấu xa, đáng ngờ, là một sai lầm tâm linh gây ra nhiều tổn hại, vì nó đã gạt nhiều người khỏi tôn giáo và tính tâm linh, khi những thứ này được trình bày dưới một hình thức ít ràng buộc. Cần phải làm ngược lại, tất nhiên không che giấu mặt nghiêm chỉnh, khắc khổ của sự đi lên tâm linh. Cần phải nhấn mạnh mặt vui vẻ, những sự bù đắp lớn trong sự đi lên ấy, chỉ ra tại sao cho chúng ta phải hoặc muốn từ bỏ mọi thỏa mãn cá nhân, thì chúng ta lại được ban cho một niềm vui rộng lớn hơn, đẹp hơn, sáng láng hơn như để bù đắp lại một cách dồi dào. Điều đó làm cho tính tâm linh hiện ra dưới một vẻ khác và làm cho nó hấp dẫn hơn đối với những ai mới đi những bước đầu tiên theo con đường đó.
 
Nhưng niềm vui tâm linh không phải chỉ là tốt lành, chính đáng, cao cả; nó cũng là một bổn phận thật sự.
Dante viết trong II Convivio:
Trong tất cả mọi hành động của mình, đức hạnh phải là vui chứ không được buồn. Nếu tặng phẩm (của Thượng đế) không được tạo ra cũng như không được nhận lĩnh trong niềm vui, thì nó không chứng tỏ một đức hạnh hoàn hảo và mạnh mẽ.
Thánh Francois d’Assise khẳng định rằng “kẻ phục vụ Thượng đế không được có bộ mặt buồn và mang một bộ mặt u ẩn”.
Để vui, không phải là dễ. Vì thế, ta hãy xem có những trở ngại chính nào và những phương thuốc tốt nào đối với điều này. Những trở ngại trước hết là nỗi đau khổ, những nỗi bất hạnh nảy sinh trong cuộc sống chúng ta và, đôi khi, còn do một sự thỏa mãn vì chúng ta đau khổ. Nếu chúng ta xem xét những khó khăn ấy với một tấm lòng chân thành và khách quan, thì chúng ta có thể nhận ra rằng điều làm chúng ta đau khổ nhất chính là thái độ của chúng ta. Là cách phản ứng của chúng ta đối với những hoàn cảnh, những sự kiện ấy, và nguồn gốc đau khổ của chúng ta thường nằm chủ yếu trong sự nổi loạn của chúng ta. Rõ ràng thái độ đó làm cho đau khổ của chúng ta buốt nhói hơn. Hơn nữa, chúng ta thường có một thái độ tầm thường khi đứng trước những bó buộc nhỏ bé, những mũi châm nhỏ của cuộc đời; chúng ta để cho mình bực bội với những điều đó quá dễ dàng.
 
Một trở ngại khác đối với niềm vui, phụ thuộc vào chúng ta, là những đòi hỏi quá mức của chúng ta. Chúng ta hay đòi hỏi đối với người khác và các hoàn cảnh. Khi có thái độ như vậy, chúng ta thường phàn nàn, oán thán, đả kích, và tiếc thay, những điều đó thường xảy tới.
 
Một ứng xử khác đối lập với niềm vui là coi mọi cái quá nghiêm túc, coi cuộc sống là bi kịch.
Cuối cùng, một thái độ gắn liền với thái độ trên đây: chúng ta tự coi chính bản thân mình một cách quá nghiêm túc, chúng ta tự ràng buộc vào một kiểu thỏa mãn nào đó, thậm chí một sự thỏa mãn đặc biệt, khiến cho chúng ta đau khổ một khi không thỏa mãn.
 
Mẫu số chung cho tất cả những trở ngại ấy là thói vị kỷ và hậu quả của nó là một sự động lòng không lành mạnh đối với chính chúng ta. Nhưng đó là những trở ngại mà chúng ta có thể chiến thắng được và điều đó không khó khăn khi chúng ta quyết làm như vậy. Sự chấp nhận sẽ thay thế cho sự nổi loạn; sự hào hiệp, kiên nhẫn và bình thản sẽ thay cho sự ty tiện và đả kích. Chúng ta có bổn phận là không được để mình bực tức vì những mũi kim châm nhỏ.
 
Chấp nhận và hào hiệp đưa chúng ta tới chỗ ca ngợi và biết ơn đối với tất cả những gì tốt lành trong cuộc sống, bất chấp những bất hạnh và những điều nặng nề. Những đức tin ấy sẽ phát triển lên và sẽ làm nở tung bông hoa niềm vui trong chúng ta.
 
Coi các sự kiện là quá quan trọng hoặc coi cuộc sống là bi kịch, những thái độ đó cũng có thể dễ bị loại bỏ bằng cách có một thái độ ngược lại, bằng cách tự chế giễu bản thân mình. Cần phải nhìn vào nhân cách mình từ một chỗ cao hơn đôi chút, thấy nó thật khôi hài trong những phản ứng cũng như trong những uốn éo của nó, xác lập những cân đối đúng và ý nghĩa của những giá trị đúng; rồi với lòng khoan dung, làm cho người khác những gì chúng ta đã làm được đối với bản thân mình.
 
Bây giờ ta hãy bàn tới cách trau dồi niềm vui.
Niềm vui tâm linh là một bằng chứng mới về quan niệm tâm linh của chúng ta về cuộc sống. Nó đòi hỏi chúng ta phải hết sức chú ý tới cứu cánh vinh quang đem lại mục đích và ý nghĩa chính cuộc sống ấy. Ý thức về mục tiêu vinh quang của cuộc sống cao hơn và hiện thực hơn ấy là nguồn vui lớn nhất và vô tận.
 
Thánh Paul từng nói rằng:
Tôi coi những đau khổ hiện thời không thể nào sánh được với niềm vinh quang phải được biểu hiện ra ở chúng ta.
Về phần mình, thánh Francois d’Assise nói: “Điều tốt lành lớn nhất chờ đợi tôi là mọi đau khổ chỉ là một niềm vui”.
Còn có những nguồn vui khác nữa: tự nhiên luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ ta, mà mọi người luôn luôn có thể tiếp cận nó; nghệ thuật, theo một nghĩa nào đó, hoàn thiện cho tự nhiên, vì ở đó con người đạt tới một yếu tố tâm linh – tất nhiên tôi nói tới những nghệ sĩ chân chính, những người đã thức tỉnh bản chất tâm linh của mình – và tìm thấy tấm gương của người khác. Tác dụng gợi ý và sáng tạo của một khuôn mẫu sống động là không thể ước lượng được. Nếu chúng ta không có cơ may tiếp xúc với một khuôn mẫu tâm linh và niềm vui, chúng ta có thể nghĩ tới những ai đã biết đưa ra một tấm gương và giúp đỡ chúng ta cả bằng những trước tác.
 
Một nguồn vui khác là sự kết hợp tâm linh trong tình yêu và tình bạn. Tôi đã nói tới tình yêu, những niềm vui tình bạn, dựa vào một sự kết hợp vô tư, nồng nhiệt, giàu sức sống cũng không kém quan trọng.
Một nguồn vui thường xuyên khác, nếu chúng ta biết phát hiện ra nó, nằm ở công việc, ở hoạt động. Vì, bằng cách này hay cách khác, mỗi người chúng ta thường hoạt động vào những lúc khác nhau trong ngày, nên người ta hiểu rằng làm việc trong sự thanh thản và niềm vui là quan trọng đến mức nào. Ngay cả trong một công việc bạc bẽo, khó nhọc, chúng ta vẫn có thể tìm thấy những cơ hội vui vẻ về tâm linh, để vượt qua những điều đó. Còn đối với những ai có cơ may có một hoạt động không quá bạc bẽo và buồn chán, lại thích hợp với tính khí của mình, thì họ càng dễ làm việc hơn nhiều trong niềm vui và, do đó, đối với họ, hoạt động ấy là một bổn phận lớn hơn. Hãy nhớ lấy những lời khuyên này:
Hãy đưa niềm vui vào những hoạt động của con người,
Khi mọi hoạt động của ngươi đều bình thường, hãy cất lên một bài hát thần thánh trong tâm hồn.
Hãy bắt tay làm mọi cái với nụ cười trên môi, công việc của người sẽ dường như tự nó tiến bước và nụ cười của người sẽ được thưởng bằng một sự hài lòng.
 
M.B. Eddy chỉ ra cho chúng ta một thái độ tuyệt diệu cần có vào buổi sáng:
Buổi sáng khi mở mắt ra, hãy nâng những ý nghĩ của bạn lên trên những bất hòa của cái tôi và vật chất, cho tới nơi cái Tối cao hiện hữu vĩnh hằng.
Hãy chào buổi sáng mai với niềm vui rạng rỡ của lòng biết ơn đối với tất cả những công việc đứng trước bạn, hãy coi mỗi công việc đó như một cơ hội vui thích mới để bạn dựa vào sức mạnh vô tận của Thượng đế và hãy phục vụ những đứa con của Thượng đế với sự vui lòng. Hãy làm việc bằng tình yêu và hãy yêu công việc. Hãy tận tâm, sẵn sàng đón nhận điều tốt lành vô hạn và luôn luôn hiện hữu. Hãy lắng nghe tiếng nói của Thượng đế và, trong một khúc hát về sự ân sủng, hãy đi theo con đường mà Tâm linh thần thánh chỉ cho bạn. Lòng biết ơn sẽ phủ vàng lên mọi cái và bạn sẽ nói: Thượng đế hẳn đã ở nơi này mà con không biết. Đây là ngôi nhà Thượng đế và của Trời.
Ra sức cố gắng vì người khác, phục vụ loài người là một trong những nguồn vui lớn lao. Phục vụ có cái lợi đầu tiên là làm chúng ta tự quên mình đi, đưa chúng ta ra khỏi “nhà tù thép” là Nhân cách chúng ta. Sự hài lòng đúng đắn là to lớn nhường nào khi đó là kết quả của việc làm điều tốt lành cho xung quanh chúng ta, và không có ai tước bỏ được sự hài lòng ấy khỏi chúng ta.
 
Nhưng phương pháp trực tiếp nhất để đạt tới niềm vui tâm linh và tĩnh tâm và suy ngẫm, đi tới cả sự nhập định, kết hợp và đồng nhất với Thực thể Tối cao, niềm vinh quang và chí phúc.
 
Tôi sẽ kết thúc chương này tốt hơn bằng cách dẫn ra hai khổ ba câu thơ được biết tới nhiều của Dante mà chúng ta cần lặp đi lặp lại mỗi buổi sớm mai:
Ôi niềm vui, ôi niềm hoan hỉ khó tả;
Ôi cuộc sống đầy tình yêu và yên lành sâu thẳm;
Ôi sự giàu có chắc chắn và không hề ham muốn gì.
Ánh sáng trí tuệ, tình yêu tràn trề;
Tình yêu cái thiện đích thực, đầy niềm vui thanh thản;
Niềm vui làm mọi đau khổ thăng hoa.
 
----------
Trích dẫn: SỰ PHÁT TRIỂN SIÊU CÁ NHÂN – ROBERTO ASSAGIOLI
Người dịch: HUYỀN GIANG
NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI, 1997

Bài viết liên quan