Ở NƠI KẾT THÚC, CÓ MỘT SỰ KHỞI ĐẦU - KRISHNAMURTI - TÂM TRÍ KHÔNG GIỚI HẠN

Ở NƠI KẾT THÚC, CÓ MỘT SỰ KHỞI ĐẦU

KRISHNAMURTI - TÂM TRÍ KHÔNG GIỚI HẠN

-------o0o-------

Ở nơi kết thúc, có một khởi đầu mới. Nếu bạn kết thúc, sẽ có một cái gì đó, cánh cửa sẽ mở ra, nhưng bạn muốn chắc chắn trước khi bạn kết thúc cánh cửa đó sẽ mở.
Ở NƠI KẾT THÚC, CÓ MỘT SỰ KHỞI ĐẦU - KRISHNAMURTI - TÂM TRÍ KHÔNG GIỚI HẠN

Cần phải nói về đau khổ và liệu có thể có một điểm kết thúc của đau khổ hay không cũng như ý nghĩa của cái chết. Đó là một phần cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cũng nên đi sâu vào vấn đề tôn giáo, tôn giáo ngụ ý điều gì, đâu là một tư duy tôn giáo, và thiền định. Chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận với tư cách là hai người bạn, những người đã hiểu biết nhau trong một thời gian, không phản đối nhau, không bào chữa hay buộc tội, mà tìm hiểu, thăm dò một cách nhẹ nhàng, bởi người ta phát hiện ra cái gì là đúng đắn chỉ khi không có một sự chắc chắn nào hết. Người nào bắt đầu với một sự đoan chắc này, người ấy sẽ kết thúc trong sự không đoan chắc. Người nào bắt đầu với sự không đoan chắc này, chất vấn, hoài nghi, thăm dò, người đó sẽ kết thúc với một sự đoan chắc tuyệt đối, không phải một sự đoan chắc tương đối. Vậy thì, đau khổ là gì, liệu có thể kết thúc được nó hay không? Loài người trên khắp thế giới đã đau khổ vô cùng. Hai cuộc chiến tranh thế giới và 5.000 năm trước đã có biết bao nhiêu cuộc chiến tranh, trên thực tế, hằng năm, biết bao nhiêu nước mắt đã tuôn rơi. Loài người đã chịu đựng và tiếp tục phải chịu đựng. Người nghèo trên đất nước này đau khổ. Có bệnh tật, đau đớn, sầu não trong sự tồn tại của nhân loại. Cuộc sống không hề dễ chịu, cuộc sống là một sự hỗn loạn, đau đớn. Người ta ngày càng nhận thức rõ hơn tất cả những điều này. Người ta bắt đầu nhìn thấy rất rõ toàn bộ nhân loại đang phải chịu đựng những gánh nặng giống nhau, cùng có chung một nỗi đau khổ giống nhau, không phải nỗi đau khổ của riêng ai, không phải nỗi đau khổ về cái chết của người con trai hay cái chết của một người anh em ruột thịt, hay sự ra đi của một người vợ người chồng, mà là nỗi đau khổ con người đã tích lũy trong hàng nghìn năm. Nỗi đau khổ của bạn là nỗi khổ đau của nhân loại, nỗi buồn của tất cả loài người, dù bạn sống ở Nga, ở Trung Quốc hay ở đất nước bất hạnh này.

Chúng ta đang đặt câu hỏi, đang chất vấn về nguyên nhân của đau khổ, của nỗi buồn, của sự lo lắng đi kèm với nỗi buồn, sự cô đơn khủng khiếp của nỗi buồn. Giống như khoái lạc, nỗi buồn bị thu hẹp lại thành nỗi buồn của tôi. Khi chúng ta đang quan tâm tới nỗi buồn riêng của chúng ta, chúng ta bỏ qua, chúng ta coi thường, chúng ta không quan tâm tới nỗi buồn của nhân loại, trong khi ý thức của chúng ta là ý thức của nhân loại. Người ta phải hiểu rất rõ điều này bởi vì, khi hiểu rõ bản chất của ý thức, hiểu rõ chúng ta là gì, chúng ta bắt đầu nhìn nỗi đau, sự cô đơn, thất vọng, niềm vui, niềm tin là chung cho toàn nhân loại. Bạn có thể tin vào một loại thánh thần và anh ta có thể tin vào một loại thánh thần khác, nhưng niềm tin là chung, niềm tin là phổ quát và đó là ý thức của chúng ta. Đó là cái mà bạn là. Ngôn ngữ mà bạn nói, thực phẩm mà bạn ăn, khí hậu, quần áo, sự giáo dục, sự lặp lại liên tục của những cụm từ nào đó, nỗi cô đơn, nỗi sợ hãi tột cùng đối với cái chết, là nền tảng mà dựa vào đó tất cả nhân loại đứng lên. Bạn là nhân loại. Ý thức của bạn không phải là của riêng bạn. Nó là ý thức của tất cả nhân loại với những huyền thoại, tín điều, với những hình ảnh, nỗi sợ hãi chung của nhân loại. Điều này rất quan trọng, không phải về mặt trí tuệ hay trên bề mặt ngôn từ, mà đối với trái tim của bạn, với tâm trí của bạn, bởi vì, khi chúng ta tiến tới câu hỏi về cái chết, trước tiên chúng ta phải tìm hiểu bản chất của ý thức, bản chất của chúng ta thực sự là gì, không phải cái mà chúng ta nên là, mà là cái mà chúng ta thực sự là trong đời sống hằng ngày. Thực tế đó là giống nhau ở tất cả mọi người trên thế giới này.

Khi chúng ta tìm hiểu bản chất của đau khổ, chúng ta không bàn về một nỗi đau khổ cụ thể, nhỏ bé, theo nghĩa hẹp của bạn mà là nỗi đau khổ của nhân loại, và bạn chính là nhân loại. Sự tìm hiểu này không mang tính chất ích kỉ. Lắng nghe một cách thật tử tế, tự khám phá về bản chất của đau khổ, tại sao nhân loại khắp thế giới lại phải trải qua những cực hình và khổ đau. Cái gì là khổ đau và tại sao loài người lại không vứt bỏ nó, loại trừ nó? Hãy tự hỏi mình những câu hỏi này. Tại sao bạn lại phải vướng vào một kiểu đau khổ nào đó, một loại muộn phiền, thương tổn nào đó, nỗi buồn khổ do cô đơn, mặc dù bạn đã lập gia đình, đã có con? Bạn vẫn là những kẻ cô đơn. Bạn đã tự tách mình ra. Khi có một nỗi đau buồn lớn, bạn nhận ra bạn cô đơn biết bao. Chúng ta đang chất vấn, phải chăng một trong những nguyên nhân của đau khổ chính là nỗi cô đơn này? Cô đơn là kết quả của cuộc sống thường nhật của chúng ta. Mỗi người trong chúng ta, từ những người có địa vị cao nhất tới những kẻ nghèo hèn nhất, đều hoàn toàn tin rằng mình là một tâm hồn riêng biệt, một thực thể riêng biệt, và tất cả các hành động của mình đều xoay quanh trung tâm điểm là mình. Hoạt động thường ngày của việc lấy mình là trung tâm này chắc chắn sẽ mang lại sự cô lẻ, đơn độc, sự chia tách, phân rẽ. Chúng ta đang chất vấn, phải chăng chính sự cô lập trong cách suy nghĩ, trong cách sống của chúng ta là một trong những nguyên nhân của đau khổ.

Và có phải bám chấp là nguyên nhân của đau khổ? Tôi bám chấp vào vợ tôi, con tôi, vào kỉ niệm của tôi, vào niềm tin của tôi, vào kinh nghiệm của tôi. Tôi bám chấp vào tất cả những thứ đó. Tôi tin và tôi bị bám chấp vào niềm tin đó, rồi khi niềm tin đó bị chất vấn, hoài nghi, bị lung lay, thì lúc đó tôi cảm thấy đau đớn, bất an. Liệu đó có phải là một trong những nguyên nhân của đau khổ? Liệu có thể giải phóng khỏi tất cả những niềm tin đó, không phải là một niềm tin cụ thể nào hay một lý tưởng cụ thể nào, mà hoàn toàn tự do thoát khỏi tất cả những lý tưởng, tất cả niềm tin? Đừng hỏi “nếu ta tự do về tín ngưỡng và lý tưởng, thì bạn sẽ thay thế chúng bằng cái gì?” Đó là một câu hỏi sai lầm. Hãy nhìn xem, sự thật là bất cứ niềm tin, lý tưởng nào cũng chia cắt con người. Chúng ta tin rằng Chúa tồn tại hay không tồn tại. Chúng ta tin vào một hệ tư tưởng nào đó, và sẵn sàng chiến đấu vì nó, giết người vì nó. Chúng ta tin bởi vì nó mang lại cho chúng ta cảm giác về sự an toàn. Bạn có thể tin vào Chúa, như phần lớn các bạn đều như vậy, bởi vì Chúa mang lại cho bạn cảm giác về sự bảo vệ, sự dẫn dắt, sự an toàn. Tâm trí đã phát minh ra, bộ não đã phát minh ra vô số các hình thức của sự an toàn – chủ nghĩa dân tộc, các hình tượng tôn giáo, và cái gọi là sách thiêng. Chúng đều mang tới một phẩm chất nào đó về sự an toàn. Trên thực tế, không có sự an toàn nào hết. Đó chỉ là một ảo ảnh. Nhận ra rằng niềm tin, lý tưởng v.v. là mang tính chất phá hủy, chúng chia tách con người với nhau, nhìn ra chân lý này chính là trở nên có trí huệ. Chỉ có trong trí huệ mới có sự an toàn tuyệt đối, không phải trong niềm tin của bạn, trong huyền thoại và lý tưởng của bạn. Khám phá ra trí huệ này – và rằng trí huệ đó không phải của bạn, cũng chẳng phải của diễn giả, đó là trí huệ — là việc nhìn thấy cái giả ngụy như là giả ngụy và kết thúc sự giả ngụy đó. Nhìn thấy thực tế đó là cái gì, không phải tưởng tượng và trốn khỏi nó mà là nhìn thấy nó là gì trên thực tế, trong sự phát hiện đó, có một sự tỉnh giác. Bởi vậy chúng ta chất vấn, liệu nỗi khổ, niềm đau, sự muộn phiền phải chăng là do sự cô lập về tâm trí, về ý nghĩ và hành động của chúng ta? Phải chăng đau khổ là kết quả của sự bám chấp thường nhật của chúng ta, cách mà chúng ta bị bám chấp vào người khác? Hãy tỉnh giác về tất cả những điều này, hãy nhìn vào sự thật của tất cả những điều này. Hãy phát hiện ra bản chất của sự bám chấp. Nó sinh ra lo lắng, sợ hãi, đau khổ, ghen tuông, thù hận. Tất cả những cái này là hậu quả của sự bám chấp. Bạn đang bám chấp vào vợ mình hoặc chồng mình. Hãy nhìn vào những hậu quả của nó. Bạn phụ thuộc vào người khác, sự phụ thuộc đó mang lại một hình thức của sự an toàn. Khi một người nào đó ra đi, hoặc chết, hoặc từ bỏ bạn, bạn cảm thấy đau đớn, sầu khổ, bạn có sự hoài nghi, thù hận và phiền muộn. Bạn biết điều này chứ. Chẳng có gì mới mẻ hết. Đó là thực tiễn đời sống hằng ngày. Nó có thể không xảy ra với bạn, nhưng nó đang xảy ra với những người khác, với hàng triệu người khác. Trong mối quan hệ của họ, có sự muộn phiền, sợ hãi, khổ đau.

Chúng ta đang hỏi liệu bám chấp có phải là một trong những nguyên nhân của đau khổ? Tôi gắn bó với con trai của mình, và khi nó chết đi, tôi tìm ra các hình thức để giải khuây. Tôi không bao giờ ở lại với nỗi buồn của mình. Sống với nỗi buồn, không phải thoát khỏi nó, không phải tìm kiếm sự thoải mái, không phải trốn chạy đến một hình thức giải trí nào đó, một tôn giáo nào đó hay một cái gì khác, mà là quán sát nó, sống với nó, hiểu bản chất của nó – khi bạn làm vậy, đau khổ sẽ mở ra cánh cửa dẫn tới sự yêu thương. Bạn không phải là người yêu thương bởi vì bạn không bao giờ hiểu được bản chất của đau khổ và sự chấm dứt đau khổ. Bạn trở nên vô minh. Bạn chấp nhận mọi thứ, chấp nhận đau khổ, chấp nhận sợ hãi, bạn chấp nhận bị trấn áp bởi các nhà chính trị, bởi các vị thầy, bởi tất cả những kinh sách và truyền thống. Điều đó có nghĩa là bạn chẳng bao giờ muốn tự do và bạn sợ tự do, sợ hãi những điều chưa biết. Bạn phát hiện rất nhiều những hình thức an ủi, những hư ảnh và ảo vọng.

Giờ đây, sau khi nói về tất cả những đau khổ này, quán sát nó, khi con trai của tôi chết đi, tôi nhận ra rằng tôi đã gắn bó với nó biết bao, rằng tôi đã mất nó mãi mãi và nỗi buồn đó đeo bám tôi. Bạn hiểu điều này chứ? Nó giống như một bông hoa. Bông hoa nở, nó xòe ra, và rồi nó trở nên khô héo. Nó tàn úa vào cuối ngày. Nó có thể tàn vào cuối tuần, nhưng nó trở nên khô héo. Bạn cần phải mang cho bông hoa đó một cơ hội - bông hoa của đau khổ và sự chấm dứt đau khổ. Lúc đó bạn có tình yêu, sức sống, năng lượng, phương hướng. Nơi nào có đau khổ, nơi đó không thể có tình yêu. Một tâm trí, một bộ não chìm trong đau khổ, chìm trong cô đơn, trong cá nhân ích kỉ, làm sao có thể có được tình yêu? Tình yêu không phải là cảm xúc, tình yêu không phải là cảm giác, là một cái gì đó lãng mạn, huyền ảo, là sự an ủi. Nó vô cùng quan trọng, mạnh mẽ như cái chết. Khi có đau khổ, thì không có tình yêu. Hầu hết loài người trên thế giới đều đau khổ và không bao giờ giải thoát được khỏi sự đau khổ. Bởi vậy họ không biết thế nào là tình yêu. Chúng ta đã biến tình yêu thành khoái cảm, thành sự gắn kết về tình dục v.v., thành vô vàn các hình thức khác nhau của lạc thú.

Chúng ta phải truy vấn liệu tình yêu có phải là khoái lạc, tình yêu có phải là ham muốn, tình yêu có phải là suy tư? Liệu tình yêu có thể được vun đắp hay không? Nếu không có tình yêu, thì cảm giác từ bi, ngọn lửa của nó, sự minh triết của nó, cuộc sống sẽ có rất ít ý nghĩa. Bạn có thể phát hiện ra một mục đích cho cuộc đời, bạn có thể hoàn hảo, bạn biết tất cả ngóc ngách của công việc, nhưng không có vẻ đẹp cơ bản này của tình yêu, cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa. Trên thực tế, khi bạn quán sát cuộc sống của mình, bạn đi tới văn phòng hằng ngày trong suốt 50 năm tới, thì điều đó có ý nghĩa gì? Kiếm được một ít tiền, một ít quyền lực, nuôi nấng con cái, giáo dục chúng một cách sai lầm và tiếp tục sự tàn ác kinh khủng này trên thế giới. Bạn có thể đọc tất cả những sách vở trên thế giới này, thăm tất cả các viện bảo tàng trên thế giới, nghe tất cả các buổi đàm thoại như thế này từ các loại diễn giả khác nhau, nhưng nếu không có phẩm chất này, cảm giác tuyệt vời về vẻ đẹp với sự nhạy cảm phi thường của nó, cuộc sống sẽ có rất ít ý nghĩa. Không có điều này, bạn sẽ trở nên ngày càng tệ hại, ngày càng chao đảo trên thế giới. Bạn có yêu người nào đó không? Liệu tình yêu đó có bao hàm sự ghen tuông, chiếm hữu, thống trị, bám chấp? Vậy thì đó không phải là tình yêu. Đó chỉ là một hình thức của khoái cảm, của lạc thú. Nơi nào có đau khổ, nơi đó không thể có tình yêu, và bởi vậy không thể có trí huệ. Tình yêu có trí huệ của nó. Lòng từ bi có phẩm chất của trí huệ thuần khiết, không pha trộn này. Khi có điều đó, thì trí huệ bắt đầu vận hành trên thế giới. Trí huệ đó không phải kết quả của suy tư, suy tư chỉ là một thứ nhỏ bé. Khi bạn nghe tất cả những điều này, khi bạn nhìn thấy sự thật về tất cả điều này – nếu bạn làm vậy – thì phải chăng hương thơm, cảm giác về yêu thương bắt đầu xuất hiện, hay bạn lại quay trở lại với thói quen cũ.

Ngoài ra chúng ta cũng nên nói chuyện với nhau về vấn đề cái chết. Giống như yêu, ghét, đau đớn, buồn khổ và sợ hãi, cái chết cũng là một phần của cuộc sống chúng ta. Bạn có thể trì hoãn nó, bạn có thể nói tôi có mười năm nữa để sống, nhưng ở điểm kết thúc, cái chết luôn ở đó chờ đợi bạn. Tất cả nhân loại đều sợ cái chết hoặc hợp thức hóa nó bằng cách nói rằng cái chết là điều không thể tránh khỏi. Để hiểu về chiều sâu và ý nghĩa toàn vẹn của sự cố phi thường mà chúng ta gọi là cái chết, bạn phải hiểu về bản chất của ý thức chúng ta, bản chất của chúng ta. Nếu bạn không hiểu bạn thực sự là gì, không phải chỉ bằng lời lẽ suông, thì cái chết sẽ trở thành một điều khủng khiếp.

Nếu chúng ta đi sâu vào vấn đề cái chết, chúng ta phải hiểu bạn là gì – một tên gọi, một hình thức, đàn ông hay đàn bà, với những phẩm chất nhất định, những khuynh hướng nhất định, phong cách, ham muốn, nỗi đau khổ, bất an, lo lắng, nhầm lẫn nhất định. Thoát khỏi sự nhầm lẫn này, bạn sẽ phát hiện ra một thứ gì đó bất biến – một sự tuyệt đối, vĩnh cửu, Brahman hoặc Chúa trời. Nhưng cái mà bạn là trên thực tế là một sự chuyển động của suy tư.

Suy tư đó có thể phát hiện ra tư tưởng rằng bạn đã có được tia sáng thần thánh bên trong mình, nhưng nó vẫn chỉ là sự chuyển động của tâm trí. Bởi vậy, cái mà bạn là tách rời khỏi những phản ứng sinh lý của bạn, khác với những gì bạn được giáo dục, khác với sự giàu nghèo của bạn. Trên thực tế, khi bạn tự quán sát chính mình, thì bạn là gì? Chẳng phải bạn là tất cả những thứ này sao? Nếu có một cái gì đó bất biến trong bạn, thì tại sao bạn lại tìm kiếm sự trường tồn trong một thứ gì đó khác? Bạn hiểu câu hỏi này chứ. Như chúng ta đã nói, hãy bắt đầu bằng sự bất định, bắt đầu bằng việc không biết. Đây chính là những gì bạn là. Bạn biết khuôn mặt của mình khi bạn nhìn vào một chiếc gương. Cũng vậy, về mặt nội tâm, bạn là tất cả những sự đấu tranh, đau khổ, mâu thuẫn, nhầm lẫn, buồn phiền. Đó là những gì bạn là trên thực tế. Bởi vậy ý thức của bạn không phải là của bạn mà là nền tảng chung mà tất cả loài người chúng ta tựa vào và chia sẻ. Nếu nhìn thấy rõ ràng điều này, thì cái chết sẽ là gì? Cái chết là sự chấm dứt mọi thứ: khoái lạc của tôi, kí ức của tôi, kinh nghiệm của tôi, những gì gắn bó với tôi, tư tưởng của tôi, niềm tin của tôi, tất cả mọi thứ sẽ kết thúc. Nhưng chúng ta không thích sự kết thúc; với chúng ta kết thúc là đau đớn. Bởi vậy, chúng ta bắt đầu khám phá, tìm kiếm sự khuây khỏa trong tái sinh. Chẳng phải vậy sao? Bạn không bao giờ hỏi cái gì sẽ tái sinh đó sẽ trong kiếp sau. Sự tái sinh đó là gì – kí ức của bạn, kinh nghiệm của bạn, hi vọng của bạn, một cuộc sống tốt đẹp hơn, một ngôi nhà tốt đẹp hơn? Đây là những gì mà bạn đang là vào thời điểm hiện tại. Bạn sẽ hóa thân vào một kiếp sau. Nếu bạn thực sự, thực sự tin tưởng một cách sâu sắc, thực sự cảm thấy rằng đời sau bạn sẽ được sinh ra, thì điều mà bạn đang làm bây giờ là vô cùng quan trọng. Điều mà bạn đang làm bây giờ, điều mà bạn suy nghĩ, điều mà bạn cảm thấy, cách mà bạn phản ứng có vai trò cực kì quan trọng bởi vì nó sẽ định hình nên kiếp sau của bạn. Nhưng bạn không tin. Thực tế là cuộc sống của bạn vào giờ khắc này và bạn không sẵn sàng đối mặt với nó. Cái chết là một cái gì đó bị né tránh. Bạn luôn hỏi điều gì sẽ xảy ra sau khi chết. Nhưng bạn chẳng bao giờ hỏi điều gì sẽ xảy ra trước khi chết, điều gì sẽ xảy ra bây giờ trong cuộc sống của bạn. Cuộc sống của bạn là gì? Công việc, văn phòng, tiền bạc, đau khổ, nỗ lực, trèo lên những nấc thang thành công. Đó là cuộc sống của bạn. Và cái chết đánh một dấu chấm hết cho tất thảy những thứ đó. Vì vậy, liệu có thể, trong khi đang sống, kết thúc được sự bám chấp của bạn, kết thúc được niềm tin của bạn hay không? Kết thúc, liệu bạn có thể làm vậy hay không, cảm nhận vẻ đẹp của sự kết thúc một thứ gì đó một cách tự nguyện mà chẳng có một động cơ nào hết, chẳng có khoái lạc nào hết – liệu bạn có thể làm vậy hay không?

Ở nơi kết thúc, có một khởi đầu mới. Nếu bạn kết thúc, sẽ có một cái gì đó, cánh cửa sẽ mở ra, nhưng bạn muốn chắc chắn trước khi bạn kết thúc cánh cửa đó sẽ mở. Bởi vậy bạn chẳng bao giờ kết thúc, chẳng bao giờ kết thúc mưu cầu của bạn. Hiểu biết về cái chết là để sống một cuộc sống kết thúc về mặt nội tâm.

Giờ đây chúng ta cũng cần trao đổi với nhau về tôn giáo và thiền định. Tôn giáo là gì? Với hầu hết các bạn, tôn giáo là gì? Những niềm tin, những nghi lễ. Nếu bạn là một người theo đạo Thiên Chúa, bạn tin vào một vị cứu tinh, một vị cứu tinh cụ thể, với tất cả các nghi lễ, với tất cả những kiến trúc đẹp đẽ, kì diệu bên trong các nhà thờ, các thánh đường đồ sộ. Bạn đã bao giờ nhìn thấy một thánh đường đang cử hành nghi lễ hay chưa? Đó là một cảnh tượng tráng lệ, với một vẻ đẹp tuyệt mỹ, với sự chính xác hoàn toàn, để gây ấn tượng với những con người đáng thương, những người tin tưởng và thực hiện tất cả những nghi lễ, tịnh hóa hằng ngày, và trên hết là tin vào Chúa trời. Đó là cái mà bạn gọi là tôn giáo, cái hoàn toàn chẳng có gì liên đới tới cuộc sống thường nhật của bạn. Tất cả mọi tôn giáo, có tổ chức hay không có tổ chức, đều nói: “Đừng giết chóc, hãy yêu thương mọi người”. Nhưng bạn vẫn tiếp tục giết chóc, bạn vẫn tiếp tục tôn thờ các vị thần giả ngụy là chủ nghĩa dân tộc của bạn, chủ nghĩa thị tộc của bạn. Bởi vậy, bạn đang chém giết lẫn nhau. Đó là cái mà chúng ta gọi là tôn giáo. Để tìm ra bản chất của tư duy tôn giáo, bạn phải loại bỏ tất cả những thứ trẻ con đó. Bạn sẽ làm vậy chứ? Tất nhiên là không. Bạn sẽ tiếp tục mặc áo lễ, tiếp tục nghi lễ của bạn, trở thành nô lệ của các linh mục. Tôn giáo trở thành một hình thức giải khuây. Liệu bạn có thể vứt bỏ tất cả những thứ đó và không thuộc về một tôn giáo nào hết, không phải là một người Kitô giáo, cũng không phải một người Hindu giáo, một Phật tử, một tín đồ đạo Hồi? Từ bỏ tất cả những thứ đó; đó là một lời tuyên truyền của thế kỉ. Giống như một cái máy tính, bạn đã được lập trình. Khi bạn nói: - “Tôi là một người theo đạo Hồi”, bạn đã được lập trình suốt 5.000 năm qua. Khi bạn đào sâu vào bản chất của tôn giáo, bạn phải thoát khỏi tất cả những thứ này. Bạn có thể làm vậy hay không? Khi bạn tự do thoát khỏi những thứ giả ngụy, ảo ảnh đó, khi bạn bắt đầu tìm hiểu sâu về cái gọi là thiền định, trước đó, bạn không thể tìm hiểu về thiền định. Một tâm trí đang mâu thuẫn, một bộ não đang dần vặt thì không thể thiền định. Bạn phải ngồi xuống 20 phút mỗi ngày, nếu bộ não của bạn đang xung đột, đau đớn, lo lắng, cô đơn, đau khổ, thì đâu là giá trị của thiền? Chúng ta đang đào sâu vào vấn đề thiền là gì, chứ không phải bằng cách nào để có thể thiền. Bạn vừa hỏi: “Hãy cho tôi biết làm cách nào để có thể thiền?”, cái mang lại cho bạn một hệ thống, một phương pháp, một sự thực tập. Bạn có biết cái đang thực tập hằng ngày có ảnh hưởng thế nào đến bộ não của bạn không? Bộ não của bạn trở nên tê liệt, máy móc; nó bị tra tấn, nỗ lực để đạt tới sự tĩnh lặng, một trạng thái trải nghiệm nào đó. Nhưng đó không phải là thiền. Đó chỉ là một hình thức khác của thành tựu, giống như một nhà chính trị trở thành một bộ trưởng. Trong thiền định của bạn, bạn muốn đạt tới sự sáng tỏ, sự tĩnh lặng. Đó là một mô hình lặp đi lặp lại, bạn gọi nó là tôn giáo và người khác gọi nó là thành tựu chính trị. Không có nhiều khác biệt.

Thiền định là gì, từ ngữ đó có ý nghĩa gì? Nếu bạn tra từ điển, bạn sẽ thấy nó có nghĩa là suy ngẫm, có thể suy nghĩ một cách tường minh, không nhầm lẫn, không thiên kiến cá nhân, mà sáng tỏ. Nó cần thấu suốt. Thiền định cũng có nghĩa là sự đo lường, để đo lường. Chúng ta luôn luôn đo lường, cái đang so sánh – tôi là cái này, tôi sẽ là cái kia, tôi sẽ tốt hơn đó là một hình thức của đo lường. Từ “tốt hơn” đã là một sự đo lường. So sánh bạn với người khác cũng là một sự đo lường. Khi bạn nói với con bạn hoặc một người nào đó rằng phải yêu quý anh trai của mình, thì đó là một sự đo lường. Chúng ta sống nhờ sự đo lường; chúng ta luôn luôn so sánh. Đó là một thực tế. Bộ não của bạn đã được ấn định để đo lường – tôi là thế này hôm nay, tôi hi vọng tôi sẽ khác trong thời gian một năm, không phải về mặt thể chất mà về mặt tâm lý. Đó là một sự đo lường.

Giờ thì, sống mà không cần đo lường, hoàn toàn thoát khỏi tất cả sự đo lường chính là một phần của thiền định. Không phải là “tôi đang thực hành điều này, tôi sẽ đạt được một cái gì đó trong năm tới”. Đó là một sự đo lường, đó là bản chất của sự tự cao tự đại. Ở trường phổ thông chúng ta so sánh, trong trường đại học chúng ta so sánh. Chúng ta so sánh mình với người khác, những người thông minh hơn, xinh đẹp hơn về thể chất – sự đo lường liên tục tiếp diễn. Hoặc bạn ý thức được nó, hoặc bạn không nhận ra sự chuyển động này của đo lường. Thiền định là chấm dứt đo lường, chấm dứt so sánh, một cách hoàn toàn. Hãy xem việc này ngụ ý điều gì – rằng không có một dấu hiệu tâm lý nào hết. Ngày mai là một sự đo lường trong thời gian. Bạn hiểu điều này không? Vì vậy đo lường, so sánh, và hành động của ý chí cần phải được chấm dứt hoàn toàn. Không có một hành động nào của ý trong thiền định. Mọi hình thức, mọi hệ thống của thiền định là một hoạt động của ý chí. Ý chí là gì? Tôi sẽ thiền, tôi sẽ ngồi xuống tĩnh lặng, kiểm soát bản thân, thu hẹp suy nghĩ lại và thực tập – tất cả những điều này là hành động của ham muốn, cái là bản chất của ý chí. Trong thiền định, không có một hành động nào của ý chí hết. Bạn có hiểu được vẻ đẹp của tất cả những điều này không? Khi không có đo lường, không có so sánh, không có đạt tới và trở thành, sẽ có sự tĩnh lặng của sự phủ định bản ngã. Sẽ không có bản ngã trong thiền định. Vì vậy, một tâm trí, một bộ não, một bộ não và tâm trí trong hành động thiền định là tổng thể. Tổng thể của đời sống là thiền định, không phải một giai đoạn của thiền định khi bạn tập thiền. Thiền định là sự chuyển động tổng thể của đời sống. Nếu bạn chia tách thiền ra khỏi đời sống: nó là một hình thức của sự thư giãn giống như dùng ma túy. Nếu bạn muốn sử dụng đi sử dụng lại Coca-Cola hoặc bất cứ một thứ cola nào khác, thì trí não của bạn có thể trở nên tê liệt, trong khi đó, thì trong thiền định, khi không có sự đo lường, khi không có hành động của ý chí và tâm trí, bộ não của bạn sẽ hoàn toàn giải phóng khỏi tất cả các hệ thống. Sau đó sẽ có một cảm giác tuyệt vời về tự do. Trong sự tự do đó có một trật tự tuyệt đối, và cái bạn phải có trong cuộc sống. Sau đó, trong trạng thái như vậy của tâm trí, sẽ có sự tĩnh lặng, không mong cầu, không ham muốn đạt tới một tâm trí bình yên, mà là tự do thoát khỏi sự đo lường. Trong sự tự do đó sẽ có trật tự tuyệt đối, sẽ có sự tĩnh lặng.

Vậy thì, có điều gì đó thiêng liêng, không được phát minh ra bằng suy tư hay không? Không có cái gì thiêng liêng trong các ngôi đền, trong các nhà thờ Hồi giáo, trong các nhà thờ Thiên Chúa giáo. Tất cả chỉ là những phát kiến của suy tư. Khi bạn loại bỏ tất cả những thứ đó, liệu có một cái gì đó thiêng liêng vô danh, phi thời gian, một cái gì đó là kết quả của vẻ đẹp tuyệt vời và trật tự toàn vẹn, cái bắt đầu trong đời sống hằng ngày hay không? Đó là lí do tại sao thiền định lại là sự vận động của đời sống. Nếu bạn không hiểu nền tảng của tất cả những thứ này chính là đời sống của chúng ta, những phản ứng và hành xử hằng ngày của chúng ta, thì thiền của bạn chẳng có ý nghĩa gì hết. Bạn có thể ngồi bên bờ sông Hằng hay bất cứ một nơi nào đó và làm tất cả mọi thứ với bản thân mình. Đó không phải là thiền định. Thiền định là một cái gì đó thuộc về đời sống thường nhật. Đó là sự chuyển động của đời sống, và rồi trong sự chuyển động đó có tự do, có trật tự, và bên ngoài cái đó, sự tĩnh lặng hùng tráng thăng hoa. Chỉ khi bạn tới được điểm đó, người ta mới tìm thấy chẳng có một cái gì thiêng liêng tuyệt đối.

New Delhi, ngày 7 tháng Mười một năm 1982.

-------o0o-------

 Tác giả: KRISHNAMURTI

Trích: Tâm Trí Không Giới Hạn;

Ngọc Minh dịch;

NXB Hà Nội, THAIHABOOKS.

Ảnh: nguồn internet.

Bài viết liên quan