Ở TRONG TÁNH KHÔNG MÀ CỨU ĐỘ - TRÍCH: THỰC HÀNH KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ - ĐƯƠNG ĐẠO

Ở TRONG TÁNH KHÔNG MÀ CỨU ĐỘ

THỰC HÀNH KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ - ĐƯƠNG ĐẠO

---o0o---

Tất cả các loài chúng sanh, hoặc từ trứng sanh, hoặc từ thai sanh, hoặc từ ướt sanh, hoặc từ hóa sanh, hoặc có sắc, hoặc vô sắc, hoặc có tưởng, hoặc không có tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng chẳng phải không có tưởng, ta đều làm cho nhập Niết Bàn vô dư để được diệt độ.
Ở TRONG TÁNH KHÔNG MÀ CỨU ĐỘ - TRÍCH: THỰC HÀNH KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ - ĐƯƠNG ĐẠO

Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Các đại Bồ tát nên hàng phục tâm như vầy: Tất cả các loài chúng sanh, hoặc từ trứng sanh, hoặc từ thai sanh, hoặc từ ướt sanh, hoặc từ hóa sanh, hoặc có sắc, hoặc vô sắc, hoặc có tưởng, hoặc không có tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng chẳng phải không có tưởng, ta đều làm cho nhập Niết Bàn vô dư để được diệt độ.

Diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sanh như vậy mà thật không có chúng sanh nào được diệt độ. Vì sao thế? Tu Bồ Đề! Nếu Bồ tát có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì chẳng phải Bồ tát.

Bồ tát là người đã phát Bồ đề tâm, nỗ lực đạt đến giác ngộ, tức là chứng ngộ hoàn toàn tánh Không, để cứu độ tất cả chúng sanh, tức là hoạt động bằng lòng bi. Tánh Không và Đại Bi là bước khởi đầu và bước hoàn tất của con đường Bồ tát.

Vấn đề là làm sao hợp nhất tánh Không và hoạt động đại bi trong mỗi bước của con đường Bồ tát. Tánh Không thì xa lìa, thoát khỏi thế gian; còn đại bi thì nối kết, ở trong ba cõi của thế gian sanh tử.

Đây là sự phối hợp, hợp nhất giữa cái thấy (Kiến) tánh Không và hoạt động (Hạnh) của Đại Bi. Cứu độ tất cả chúng sanh, đây là Hạnh; mà không thấy có chúng sanh nào được cứu độ, đây là cái Thấy tánh Không.

Kinh Kim Cương này chỉ bày cho chúng ta cái Thấy tánh Không, đồng thời phối hợp cái Thấy tánh Không ấy với Hạnh Bồ tát để làm đầy đủ hai tích tập: tích tập trí huệ, tức là cái thấy tánh Không; và tích tập phước đức, tức là hạnh Bồ tát.

Tánh Không thì suốt thông vô ngại, không chướng ngại bất kỳ ai hay bất cứ vật gì. Sở dĩ chúng ta không thấy nó bởi vì chúng ta tự lập ra các chướng ngại để tự ngăn che mình. Các tướng chướng ngại do chúng ta tự lập ra ấy là: tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Phá trừ bốn tướng ấy thì tánh Không hiển lộ ngay trước mắt.

Chữ “tướng” này do ngài Cưu Ma La Thập dịch. Ngài Huyền Trang dịch là “tưởng”. Edward Conze dịch từ bản Sanskrit cũng dịch là “tưởng” (perception). Trong bản dịch và bình giảng này, chúng ta dùng cả hai từ “tướng” và “tưởng”. Bởi vì có tướng là do có tưởng, và tưởng dựa trên tướng mà sanh ra. Tướng là cảnh, tưởng là tâm.

Hai phái chính của Đại thừa, làm cơ sở cho các tông phái khác sanh ra, là Trung Đạo hay Trung quán Không tông của Bồ tát Long Thọ và Duy Thức hay Duy Tâm của Bồ tát Thế Thân. Trung Đạo thì chú trọng đến tướng vô tự tánh và Duy Thức chú trọng đến tưởng vô tự tánh. Cả hai nhằm đưa hành giả đến tánh Không, hay Như Lai tánh, hay Phật tánh.

Bồ tát, người thấy hay thông đạt tánh Không thì không có hay đúng hơn đã đoạn trừ một cách căn bản bốn tướng hay bốn tưởng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.

Tại sao tướng ngã vốn là không có? Ngã, hay cái tôi, do năm uẩn duyên khởi hợp thành. Năm uẩn ấy đều là pháp sanh diệt, sanh diệt trong từng khoảnh khắc. Một uẩn đã không có tự tánh thì năm uẩn càng không có tự tánh. Cái tưởng có tôi dựa trên sự vô tự tánh của năm uẩn giả hợp thì làm gì có tự tánh. Không có tự tánh nên là tánh Không. Cho nên ai có thể nói rằng, “sắc này hay thọ này, tưởng này, hành này, thức này chẳng phải là tôi, chẳng phải là của tôi”, người đó bắt đầu bước vào trí huệ Bát nhã.

Tại sao tướng người vốn là không có? Trong năm uẩn giả hợp sanh diệt trong từng khoảnh khắc, tìm ra một con người thì không thể có. Con người ở nơi mình đã không thể có thì con người nơi người khác cũng không thể có. Tướng người là tướng tôi đã in sâu thêm một lớp vào tâm thức, và xã hội lại càng làm cho tướng người hư vọng này càng thêm mạnh.

Tại sao tướng chúng sanh vốn là không có? Khi đã tin sai lầm rằng có tôi, rằng tôi là một người, thì sẽ đến sự phân biệt vi tế, cái tưởng vi tế hơn, ‘tôi là một chúng sanh’. Cái vọng tưởng này đã không còn giới hạn trong xã hội, mà mở ra đến tầm thế giới.

Tại sao tướng thọ giả, hay dịch như Kinh Viên Giác là tướng thọ mạng, vốn là không có? Khi cái tôi đến mức vi tế nhất thì đó là tướng thọ mạng. Do sự tự đồng hóa với cái tôi, trở thành tự đồng hóa với sự tương tục giả tạo của cái tôi đó, bèn đánh mất, quên mất cái thọ mạng không sanh không diệt của chính mình. Thọ mạng không sanh không diệt là chẳng có thọ mạng hữu hạn của một cá nhân nào cả. Thọ mạng ấy chính là thọ mạng của Như Lai, thọ mạng không sanh không diệt của pháp tánh hay tánh Không (Phẩm Như Lai thọ lượng, Kinh Pháp Hoa).

Bốn tướng hay bốn tưởng này là bốn vọng tướng hay bốn vọng tưởng do sự vô minh không biết của chúng ta tự lập ra. Chúng ngăn che chúng ta với thực tại. Giải tan được bốn tấm màn che chướng ấy tức là giải thoát.

Quán thấy thật tướng của bốn tướng là do duyên sanh, nên vô tự tánh, nên là tánh Không. Càng quán thấy sự vô tự tánh của bốn tướng chừng nào thì càng giải thoát chừng ấy, chứng ngộ tánh Không chừng ấy. Cho nên khi làm một việc gì mà không có bốn tướng thì ngay đó là giải thoát.

Tại sao độ hết chúng sanh mà thật không có chúng sanh nào được độ? Bởi vì bốn tướng của ta đã là không có tự tánh thì bốn tướng của chúng sanh cũng không có tự tánh. Tánh Không, vô tự tánh, vô sở hữu, bất khả đắc, thì không thể độ hay được độ bởi tánh Không, vô tự tánh, vô sở hữu, bất khả đắc. Nói như Kinh Đại Bát Nhã thì “chẳng lẽ hư không độ hư không”?

Tánh Không cũng là tánh Như, tất cả là Chân Như thì có ai độ ai? Khi đã là tánh vàng thì mọi hiện hữu đều là vàng, chẳng lẽ vàng độ vàng thành vàng? Do đó mà trải qua nhiều kiếp độ vô lượng chúng sanh cũng chỉ là việc giả vờ bề ngoài, là việc như huyễn, là điều trong mộng.

Một Bồ tát thì độ rất nhiều chúng sanh, đấy là sự tích tập công đức. Nhưng công đức ấy đi liền với sự tích tập trí huệ tánh Không. Thế nên công đức ấy dù lớn đến đâu, công đức ấy vẫn giải thoát, vẫn là tánh Không.

---o0o---

Trích: "Thực Hành Kinh Kim Cương Bát Nhã"

Giảng giải: Đương Đạo

Nhà Xuất  Bản: Thiện Tri Thức, 2015

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan