PHẨM IX: HỘ PHÁP - ĐÀN KINH – TINH HOA VÀ TRÍ TUỆ - GIẢ ĐỀ THAO

PHẨM IX: HỘ PHÁP

ĐÀN KINH – TINH HOA VÀ TRÍ TUỆ

GIẢ ĐỀ THAO

-----o0o-----

Trở về vấn đề chính. Tại sao Lục Tổ khước từ thỉnh cầu của Võ Tắc Thiên? Người bình thường sẽ nghĩ đến kinh thành, gặp Hoàng đế là cơ hội tốt để hoằng dương chánh pháp, truyền bá Thiền tông.
PHẨM IX: HỘ PHÁP - ĐÀN KINH – TINH HOA VÀ TRÍ TUỆ - GIẢ ĐỀ THAO

Trở về vấn đề chính. Tại sao Lục Tổ khước từ thỉnh cầu của Võ Tắc Thiên? Người bình thường sẽ nghĩ đến kinh thành, gặp Hoàng đế là cơ hội tốt để hoằng dương chánh pháp, truyền bá Thiền tông. Trên thế gian này có rất nhiều người sợ không ai biết đến mình, nếu được các nhân vật lớn để mắt đến thì tuyệt đối không bỏ qua cơ hội. Họ đi Đông về Tây, vào Bắc ra Nam, làm đủ mọi chuyện để khẳng định tên tuổi, nâng cao danh vọng của mình. Nhưng tất cả những việc làm ấy hoàn toàn không liên quan gì đến việc kiến tánh. Đạo không ở đâu mà là ở tâm người. Phải khai ngộ, phải tu hành mới gặp được đạo, thấy được tánh. Lục Tổ không đến kinh thành, không gặp Võ Tắc Thiên chẳng lẽ không có lý do của Ngài sao? Ở đây chúng ta nhìn rõ được định lực và công phu tu hành của Lục Tổ, biểu hiện trí huệ thậm thâm vi diệu của Lục tổ.

Địa vị của Thần Tú cao biết bao nhiêu, thế lực cũng vô cùng lớn, ngoài việc không được truyền y bát thì cái gì Thần Tú cũng hoàn hảo cả, Lục Tổ không sao bằng được. Lục Tổ là người miền nam, không có thể lực, địa vị chính trị, pháp truyền thừa cũng khác với Thần Tú, nếu Tổ đến Lạc Dương chắc chắn sẽ sanh nhiều mâu thuẫn ngoài ý muốn. Như trong “Đàn Kinh” cũng có đề cập đến “nhị tông chủ tuy vong bị ngã” (hai vị tông chủ, tức Thần Tú và Huệ Năng, không phân biệt ta nguời), nhưng “đồ lữ cánh khởi ái tắng” (môn đồ thì lại yêu ghét khác nhau). Lục Tổ thân ở Quảng Đông, nhưng không ít lần bị người phương Bắc truy sát. Nếu Lục Tổ đến kinh thành, cũng là đến nơi Thần Tú có thế lực mạnh nhất, được ủng hộ nhiều nhất, có tín đồ cuồng nhiệt nhất thì không biết việc gì sẽ xảy ra. Nếu bảo Lục Tổ vì Pháp quên thân, đến Trung Nguyên thuyết pháp, như vậy thì sẽ khơi dậy tranh chấp, không có ích gì cho Phật giáo cả. Hai phái Thiền này đều xuất phát từ Ngũ tổ, đều là đệ tử của Ngũ tổ cả. Mặt khác, Huệ Năng đến phương bắc chưa hẳn đã thành công. Không muốn gây ra những phiền phức không đáng nên Lục Tố đã không đi. Người đại trí đại huệ mới đưa ra được quyết định sáng suốt này. Nếu người còn có tâm tư lợi thì có làm được không?

Những câu trả lời của Lục Tổ với Tiết Giản cũng rất lý thú, ví dụ khi Tiết Giản hỏi về việc tọa thiền.

Người học Phật từ xưa đến nay đều nghĩ rằng, nếu muốn học đạo thì phải học tọa thiền, tập định. Đây là một chủ trương được truyền thừa từ Ấn Độ. Thiền phương Bắc của Ngài Thần Tú cũng chủ trương tọa thiền. Họ cho rằng muốn giải thoát, muốn ra khỏi sinh tử luân hồi thì không thể thiếu ngồi thiền, nhập định. Thế nhưng Lục Tổ lại chủ trương khác. Ngài bảo “Chỉ luận kiến tánh, không luận thiền định giải thoát”. Tại sao vậy? Vì “đạo do tâm ngộ, há tại ngồi ư?”. Không có trí huệ, không minh tâm kiến tánh dù có ngồi trăm đời ngàn kiếp thì cũng chẳng ích gì. Lúc Tổ lại dẫn kinh Kim Cang làm ví dụ: “Nếu nói Như Lai hoặc ngồi hoặc nằm, đó là tà đạo”. Tại sao như thế? Là vì “vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ” (không có nơi đến, cũng chẳng có nơi đi).

Nhìn Phật bằng hình thức, bằng những biểu hiện bên ngoài thì không phải chánh đạo. Đạo lý của Phật không nằm ở ngồi, nằm, đi, đúng, sống, chết... nếu nhìn Phật bằng hình thức bên ngoài là sai lầm. Phật không ở trên hình tướng, “kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai” (Nhìn thấy các tướng không phải là tướng, tức đã nhìn thấy Như Lai). Thế khi xem Hoài Nhượng tiếp độ của Mã Tổ, bạn sẽ thấy được điều này. Phật, Phật tính là “vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ”, anh ngồi thiền tập định, một mặt là chấp vào tướng, hai là vẫn còn có chỗ đến đi, điều này rõ ràng không phải là thiền, mà có chăng chỉ là phàm phu thiền. Dù cho anh đắc tứ thiền bát định thì còn lẩn quẩn trong vòng phàm phu, không khai mở được trí huệ. Chính vì thế phải nhớ rõ câu nói của Lục Tổ: “Đạo do tâm ngộ”.

Trong Thiền tông, khi đã thực sự kiến tính rồi thì mới thấy bao nhiêu công lao tọa thiền nhận định của mình từ trước đến giờ thật không có ích lợi gì. Từ mình bổn lai đã thành Phật, dùng biết bao công sức như thế cũng chỉ để biết: “Hôm nay mới biết ta chính là ta”. Vào thời Ngũ Đại, có một Tỳ khưu ni sau khi chúng đạo đã đọc bài kệ sau:

Cánh nhật tầm xuân bất kiến xuân

Mang hài đạp phá lãnh đầu vân

Quy lại khuộc bả mai hoa khứu

Xuân tại chi đầu dĩ thập phân

(Suốt ngày tìm xuân nhưng chẳng thấy xuân

Dày mòn đạp nát mây trên đỉnh núi

Trở về nhặt lấy cành mai ngửi

Xuân đã tràn ngập đầu cành).

Không sanh, không diệt hoàn toàn không phải tách ly khỏi sanh diệt. Tất cả pháp ở thế gian đều đang sanh diệt. Đi sâu vào Phật pháp, kiến đạo rồi, bạn sẽ nhìn thấy trong sanh diệt cái bất sanh bất diệt. Các pháp đều do nhân duyên sanh, đều là giả lập, giả danh. Một khi nhân duyên không còn thì cũng tan rã. Nhưng khi có giả danh, giả lập thì nó có tác dụng của tự mình. Nếu chúng ta từ khước sự giả lập, cái giả danh này thì không tìm được bất cứ thứ gì trên thế gian. Bài kệ trên đã bao hàm toàn bộ Tam tạng kinh điển của Phật giáo. Cuối cùng chúng ngộ là gì? Là: “Xuân tại chi đầu dĩ thập phân”, tất cả đều hiện ra quá rõ ràng, không cần tìm cầu gì nữa. Mùa xuân vốn có sẵn ở đây!

Lục Tổ rất tinh tế nghệ thuật khai thị minh ám. Người bình thường luôn cho rằng minh (sáng rõ) và ám (mờ tối) là hai thế đối lập, nên luôn đối lập phiền não với Bồ đề, nhưng “đạo vốn không sáng tối. Sáng tối chỉ là ý nghĩa thay thế”.

Nếu bạn ở trong sáng tối đối lập mà tìm ra đạo thì sai rồi. Vẫn là câu nói: “Tất cả các pháp đều không lìa tự tánh”. Sáng cũng là nó, tối cũng là nó (tức là tự tánh). Trong “bão kính tam muội”, Động Sơn có viết hai cầu có thể làm chú giải cho phần thuyết kinh này của Lục Tô: “Trời tối, vạn vật cũng mờ tối, nhưng tự tính của anh không tối, nó vẫn sáng rõ! Trời sáng, ánh mặt trời mọi chiếu khắp nơi, tự tính của anh không vì thế mà sáng thêm lên. Tại sao vậy? Tối sáng đều là khách trần, đều là ngoại cảnh, đều là pháp sanh trong tự tính, còn tự tính thì chưa từng bị động”.

Có vị tăng hỏi Đại Tùng Pháp Chân Thiền Sư rằng:

- Kiếp hỏa thiêu đốt, đại thiên đều cháy sạch, không biết cái này hoại hay không hoại? Tự tính của chúng ta có bị lửa thiêu đốt hay không? Có bị hoại hay không? Pháp Chân đáp:

– Hoại! Vị tăng ấy không hiểu hỏi lại:

- Vậy thì bất đắc dĩ phải để nó đi, phải để nó hoại sao?

Pháp Chân nói:

 – Đúng vậy.

Vị tăng ấy không phục, cho rằng tự tính thì phải bất sanh bất diệt, làm sao hoại được? Thế là đến thỉnh giáo Thiền sư Đầu Tử Đại Đồng, thuật lại việc vấn đáp với Thiền sư Pháp Chân Đầu Tử nghe xong với hướng về phía Tây lễ bái, nói:

- Không ngờ Tứ Xuyên có Cổ Phật xuất thế.

Thiền sư Đại Tùng Pháp Chân cũng là người Tứ Xuyên. Diệu lý bên trong hai công án này không thể nói ra bằng ngôn ngữ mà phải dùng tâm để lãnh hội.

“Hoại” mà các Thiền sư trao đổi với nhau ấy là hoại trong đạo hay hoại ngoài đạo? Nếu như “hoại” ở ngoài đạo vậy thì “đạo” là gì? Nếu “hoại” trong đạo vậy thì “đạo” cũng hoại hay sao? Thành và hoại là tướng tương đối. Thể bất hoại Kim cang bao hàm hoại và bất hoại ở tầng thứ thấp. Nếu bạn hiểu thấu lý lẽ này thì thành cũng là nó, hoại cũng là nó, diệt cũng là nó... Bạn đã tự do tự tại, không còn bị ràng buộc, vướng bận bất cứ thứ gì? Nhưng cần nói rõ điều này, khi vị tăng kia chấp chặt vào “bất hoại” thì những đại tông sư như Đại Tùng Pháp Chân, Đầu Tử Đại Đồng... phải phá cái “bất” hoại của ông ta bằng một chữ “hoại”. Đây chính là một nghệ thuật tiếp cơ, đối cơ của Thiền tông, hoàn toàn không phải dùng để tranh luận về hoại và bất hoại trên mặt văn từ ngôn ngữ.

Người tu hành dùng trí huệ để phá trừ phiền não, đấy là cách nói của giáo lý kinh điển. Điều này không có gì sai cả. Nhưng Thiền tông không dừng lại ở đó mà nâng cao hơn một tầng bật nữa. Lục Tổ cho rằng trên mặt thể của phiền não tức Bồ đề, Bồ đề tức phiền não, vì thế Thiền tông ở một nấc cao hơn cho rằng cần đoạn phiền não. Nếu đoạn phiền não thì chẳng khác nào đoạn luôn Bồ đề, vì thế không tôn sùng Bồ đề cũng không chê bai phiền não, mà chỉ chú trọng vào minh tâm kiến tánh.

Người kiến đạo là người có khí phách, có sức mạnh nội tại. Tiêu chuẩn kiểm nghiệm công năng tu hành của một người là gì? Tục ngữ có câu: “Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm tra chân lý”. Đối với người tu hành, muốn hiểu họ tu tập như thế nào thì phải nhìn vào ngôn ngữ, hành vi của họ. Có nhiều người viết sách, lập tông phái, lập thuyết... mới nhìn vào, lý lẽ rất hợp chánh pháp lý luân rất chặt chẽ, nhưng việc làm thực tiễn thì không được như vậy. Chính vì thế Lục Tổ luôn nhắc chúng ta phải “tâm hành”, phải áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, phải thể hiện lời dạy của Phật trong ba nghiệp thân, khẩu, ý hằng ngày.

Lục Tổ là người kiến đạo, lại là Tổ sư, là pháp vương đương thời, Ngài có sức mạnh nội tại vô cùng thâm diệu.

Võ Tắc Thiên là một hoàng đế tài ba, là nhân vương, làm chủ một quốc gia rộng lớn, thế nhưng không chi phối được Lục tổ. Chúng ta phải thể hội sức mạnh nội tại của việc kiến đạo, là pháp vương không thể bị thế lực của nhân vương chi phối. Sức mạnh của Phật pháp vượt qua quyền uy thế gian.

-----o0o-----

Trích: “Đàn Kinh – Tinh Hoa Và Trí Tuệ”

Tác giả: Giả Đề Thao

Biên Dịch: Tô Thanh Tú

NXB Từ Điển Bách Khoa – 2012

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan