PHẨM PHẬT QUỐC (1)-THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BỒ TÁT QUA KINH DUY MA CẬT-ĐƯƠNG ĐẠO

PHẨM PHẬT QUỐC

THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BỒ TÁT QUA KINH DUY MA CẬT

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Bồ tát là người đã phát Bồ đề tâm, tức là tâm cầu đạt đến Giác Ngộ để cứu giúp tất cả chúng sanh. Cầu Giác Ngộ, đó là Trí huệ. Cứu giúp chúng sanh, đó là Đại bi. Trí huệ là biết tất cả các pháp đều là Tự Tánh Không và Đại bi là từ bi với tất cả chúng sanh mà không bỏ họ quay cuồng mờ mịt trong sanh tử.
PHẨM PHẬT QUỐC (1)-THỰC HÀNH CON ĐƯỜNG BỒ TÁT QUA KINH DUY MA CẬT-ĐƯƠNG ĐẠO

 

Như vậy tôi nghe: Một thời, Phật ở thành Tỳ Da Ly, nơi vườn cây Am La, cùng chúng Đại Tỳ kheo tám ngàn người, ba vạn hai ngàn Bồ Tát, những vị khắp thế giới biết đến. Đại bổn hạnh đều trọn thành tựu. Oai thần của chư Phật kiến lập nên, làm bức thành hộ pháp, thọ trì chánh pháp, có thể nói phương pháp như sư tử hống, danh tiếng nghe khắp mười phương. Mọi người không mời mà làm bạn khiến cho an ổn. Tiếp nối hưng long Tam Bảo, khiến cho không dứt, hàng phục ma oán, chế ngự các ngoại đạo. Trọn đã thanh tịnh, lìa dứt phiền não phủ che, tâm thường an trụ giải thoát vô ngại. Niệm, Định, Tổng trì, Biện tài chẳng đoạn. Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ và phương tiện lực, không gì chẳng đủ. Đã đạt đến vô sanh pháp nhẫn, vô sở đắc với tất cả các pháp, bèn tùy thuận chuyển pháp luân bất thối. Khéo hiểu rõ pháp tướng, biết căn cơ chúng sanh. Bao trùm đại chúng, được vô sở úy.

Công đức và trí tuệ, dùng để tu tâm. Tướng tốt trang nghiêm thân, hình sắc bậc nhất. Bỏ các trang sức đẹp đẽ của thế gian. Danh tiếng cao xa, vượt cả núi Tu Di. Tin sâu kiên cố, như thể kim cương. Pháp bảo chiếu khắp, như mưa cam lồ. Tiếng nói các ngài, vi diệu đệ nhất.

Thâm nhập duyên khởi, đoạn các tà kiến. Không còn thói quen kiến chấp có không. Diễn pháp vô úy, như sư tử hống. Sự giảng thuyết của các ngài như sấm sét. Không có lượng, vượt quá lượng, các pháp báu tích tập được như của vị thuyền trưởng của biển cả. Thấu rõ nghĩa thâm diệu của các pháp. Khéo biết chỗ qua lại trong các nẻo của chúng sanh cùng hành động trong tâm ý của họ. Gần với Huệ tự tại, Mười Lực, Vô Úy, Mười Tám Pháp Bất Cộng của Phật. Đã đóng bít tất cả cửa của những nẻo dữ mà hiện thân sanh trong năm đường. Làm Đại Y Vương, khéo trị các bệnh. Tùy bệnh cho thuốc, khiến được lành mạnh. Vô lượng công đức đều thành tựu, vô lượng cõi Phật đều nghiêm tịnh. Những ai thấy và nghe các ngài, không ai không được lợi ích. Những việc làm của các ngài chẳng phải uổng phí. Tất cả công đức như vậy đều trọn đầy đủ.

 

Bồ tát là người đã phát Bồ đề tâm, tức là tâm cầu đạt đến Giác Ngộ để cứu giúp tất cả chúng sanh. Cầu Giác Ngộ, đó là Trí huệ. Cứu giúp chúng sanh, đó là Đại bi. Trí huệ là biết tất cả các pháp đều là Tự Tánh Không và Đại bi là từ bi với tất cả chúng sanh mà không bỏ họ quay cuồng mờ mịt trong sanh tử.

Những vị Bồ tát nói ở đây là Đại Bồ tát, tức là những vị đã chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn, đã chấm dứt hẳn sanh tử bằng cách thấy tất cả pháp đều không sanh, và do đó mà đầy đủ tất cả công đức. Những gì ngài Duy Ma Cật làm và nói ở sau, chỉ là để giải rộng tâm giải thoát và hạnh cứu độ của Bồ tát nói trong đoạn mở đầu này.

 

Danh hiệu các ngài là: Đẳng Quan Bồ tát, Bất Đẳng Quan Bồ tát, Đẳng Bất Đẳng Quan Bồ tát, Định Tự Tại Vương Bồ tát, Pháp Tự Tại Vương Bồ tát, Pháp Tướng Bồ tát, Quang Tướng Bồ tát, Quang Nghiêm Bồ tát, Đại Nghiêm Bồ tát, Bảo Tích Bồ tát, Biện Tích Bồ tát, Bảo Thủ Bồ tát, Bảo Ấn Thủ Bồ tát, Thường Cử Thủ Bồ tát, Thường Hạ Thủ Bồ tát, Thường Thảm Bồ tát, Hỷ Căn Bồ tát, Hỷ Vương Bồ tát, Biện Âm Bồ tát, Hư Không Tạng Bồ tát, Chấp Bảo Cự Bồ tát, Bảo Dõng Bồ tát, Bảo Kiến Bồ tát, Đế Võng Bồ tát, Minh Võng Bồ tát, Vô Duyên Quán Bồ tát, Huệ Tích Bồ tát, Bảo Thắng Bồ tát, Thiên Vương Bồ tát, Hoại Ma Bồ tát, Điện Đức Bồ tát, Tự Tại Vương Bồ tát, Công Đức Tướng Nghiêm Bồ tát, Sư Tử Hống Bồ tát, Lôi Âm Bồ tát, Sơn Tướng Kích Âm Bồ tát, Hương Tượng Bồ tát, Bạch Hương Tượng Bồ tát, Thường Tinh Tấn Bồ tát, Bất Hưu Tức Bồ tát, Diệu Sanh Bồ tát, Hoa Nghiêm Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát, Đắc Đại Thế Bồ tát, Phạm Võng Bồ tát, Bảo Trượng Bồ tát, Vô Thắng Bồ tát, Nghiêm Độ Bồ tát, Kim Kế Bồ tát, Châu Kế Bồ tát, Di Lặc Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Pháp vương tử Bồ tát... Cả thảy như vậy ba vạn hai ngàn ngài.

Lại có một vạn Phạm Thiên Vương, Thi Khí... từ Bốn Châu Thiên Hạ, đến chỗ Phật để nghe Pháp. Lại có một vạn hai ngàn Thiên Đế cũng từ Bốn Châu Thiên Hạ đến trong hội. Lại còn chư Thiên oai lực lớn, Long thần, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già v.v... đều đến trong hội. Các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di đều đến trong hội.

Bấy giờ, Phật nói pháp cho vô lượng trăm nghìn chúng cung kính bao quanh. Ngài như núi chúa Tu Di, hiển hiện nơi biển cả, ngồi yên nơi tòa sư tử nghiêm sức bằng các thứ báu, che trùm tất cả đại chúng đến trong pháp hội.

Khi ấy, trong thành Tỳ Da Ly có con nhà trưởng giả, tên là Bảo Tích cùng năm trăm con trưởng giả đồng cầm lọng bảy báu đến chỗ Phật, đầu và mặt đảnh lễ dưới chân Phật. Mỗi người đem lọng báu của mình cùng cúng dường Phật. Oai thần của Phật khiến các lọng báu hợp thành một lọng, trùm khắp thế giới tam thiên đại thiên. Tướng bao la của thế giới này đều hiện đủ trong đó.

Lại nữa, các núi Tu Di, Tuyết Sơn, Mục chơn lân đà, Ma ha mục chơn lân đà, Hương sơn, Hắc sơn, Thiết vi sơn, Đại thiết vi sơn, biển cả sông suối, cùng mặt trời mặt trăng, Thiên cung, Long cung, cung các tôn thần, thuộc thế giới Tam thiên Đại thiên này, thảy hiện trong lọng báu. Và chư Phật mười phương, chư Phật thuyết pháp cũng hiện trong lọng báu đó.

 

Oai thần của Phật khiến các lọng báu hợp thành một lọng, trùm khắp thế giới tam thiên đại thiên, và tất cả phàm thánh, trời người, tất cả mọi sự mọi vật đều hiện trong một lọng báu đó. Đây là nói một phần chỗ chứng biết của Tâm Phật, tức là Đại Viên Cảnh Trí, Trí như tấm gương lớn bao trùm và soi chiếu, hiển hiện mọi sự vật.

Phẩm này là phẩm Phật Quốc, Cõi Nước của Phật. Cõi Phật ấy là sự biểu hiện của “Cái Một trong tất cả và tất cả trong cái Một”, hay còn gọi là Nhất Chân Pháp Giới.

Sự thực hành của bồ tát* nhằm đạt đến cội nguồn của tâm. Khi đạt đến cội nguồn của tâm (hay bản tánh của tâm thức), thì tâm và những biểu hiện của nó là một, tánh và tướng là một, tâm và cảnh là một. Bởi thế Nhất Chân Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm được chỉ rõ là Nhất Tâm.

Người ta đạt đến cội nguồn Nhất Tâm này bằng ba con đường chính của tâm - theo kinh Viên Giác - là Định hay Chỉ (samatha), Quán (vipasyana) và Thiền (dhyana), phối hợp với các Hạnh (phát xuất từ lòng Bi).

Nhu cầu đạt đến Nhất Tâm, hay thấy được, đạt được pháp giới tánh này rất khẩn thiết, cấp bách và duy nhất quan trọng bởi vì nếu không thấy được tánh của tất cả các pháp thì mỗi người mãi mãi sống trong xung đột, tranh chấp, không bao giờ có được an vui. Người này hơn thua với người khác, người này có những kinh nghiệm (vật chất và tâm linh) khác với người khác. “Tôi và cái của tôi”, “việc làm của tôi” xung đột, tranh chấp với “tôi và cái của tôi”, “việc làm của tôi” của người khác. Không những xung đột tranh chấp với những người khác, chúng ta còn xung đột tranh chấp với thiên nhiên và với chính mình. Hợp nhất tất cả lọng báu thành một lọng báu, hợp nhất tất cả các pháp vào pháp tánh, trong đó xung đột, đua tranh là vô nghĩa, đó là mục đích tối hậu của mỗi người và đó cũng là Cõi Phật. Kinh này mở đầu bằng cõi tịnh độ của Phật (tức là vị đạt đến hoàn toàn Pháp Tánh) nơi Tất Cả là Một, Một là Tất Cả, và hiển bày con đường đạt đến Cõi Phật ở ngay nhân gian này, hay nói cách khác đạt đến chỗ chứng ngộ sanh tử tức Niết Bàn.

 

Bấy giờ tất cả đại chúng thấy thần lực Phật, tán thán chưa từng có, chắp tay lễ Phật, chiêm ngưỡng tôn nhan, mắt chẳng xao lìa. Con nhà trưởng giả Bảo Tích bèn ở trước Phật, tụng bài kệ rằng:

“Mắt trong, dài, rộng như sen xanh

Tâm tịnh đã vượt các thiền định,

Lâu chứa tịnh nghiệp lường không xiết,

Dùng Tịch độ chúng, tận đảnh lễ.

Đã thấy Đại thánh dùng thần biến

Khắp hiện mười phương vô lượng cõi,

Trong đó chư Phật diễn nói Pháp

Ngay đó tất cả đều thấy, nghe.

Pháp lực Pháp Vương vượt quần sanh,

Thường đem kho Pháp thí tất cả,

Hay khéo phân biệt tướng các pháp,

Trong Đệ nhất nghĩa hằng bất động.

Đã được tự tại nơi các pháp,

Thế nên đảnh lễ bậc Pháp vương,

Thuyết pháp chẳng Có cũng chẳng Không,

Bởi do nhân duyên các pháp sanh

Không ngã, không tạo, không người thọ,

Mà nghiệp thiện ác cũng chẳng mất.

Trước dẹp Ma tại cội Bồ đề,

Được cam lồ Diệt, thành Giác Ngộ,

Đã không tâm ý, không thọ hành,

Mà dẹp tan hết các ngoại đạo.

Ba lần chuyển pháp cõi Đại Thiên,

Pháp ấy xưa nay thường thanh tịnh,

Trời người đắc đạo, đó là chứng,

Tam Bảo ngay đó hiện thế gian.

Đem diệu pháp ấy độ quần sanh,

Đã thọ, không thối, thường tịch nhiên

Đại Y Vương diệt lão, bệnh, tử

Đảnh lễ biển Pháp, đức vô biên,

Khen chê chẳng động, như Tu Di,

Với người thiện, ác thảy đều Từ;

Tâm hạnh bình đẳng, như hư không,

Ai nghe Nhân Bảo, chẳng kính vâng?

Nay dâng Thế Tôn lọng báu này

Trong đó cõi Tam thiên hiện đủ

Cung điện chư Thiên, Long, Thần ở

Càn thát bà thảy với Dạ xoa

Mọi vật thế gian thấy trong đó

Thập lực từ bi hiện biến hóa

Chúng thấy hy hữu đều ngợi Phật.

Nay con cúi lạy Tam giới Tôn,

Đại thánh Pháp Vương chúng đều quy.

Tâm tịnh nhìn Phật ai cũng vui

Mỗi thấy Thế Tôn ở trước mình,

Đó là thần lực pháp bất cọng.

Phật dùng một âm diễn thuyết Pháp,

Chúng sanh tùy loại đều được hiểu

Đều cho Thế Tôn đồng tiếng mình.

Đó là thần lực pháp bất cọng.

Phật dùng một âm diễn thuyết Pháp

Chúng sanh mỗi mỗi tùy chỗ hiểu,

Thảy được thọ, hành đều lợi lạc

Đó là thần lực pháp bất cọng.

Phật dùng một âm diễn thuyết Pháp,

Có kẻ kinh sợ, hoặc vui vẻ,

Hoặc sanh chán lìa, hoặc dứt nghi,

Đó là thần lực pháp bất cọng.

Đảnh lễ Bậc Thập Lực, Đại Tinh Tấn.

Đảnh lễ Bậc Đắc Vô Sở Úy.

Đảnh lễ Bậc Trụ bất cọng pháp.

Đảnh lễ Đại Đạo sư tất cả.

Đảnh lễ Bậc Dứt mọi trói buộc.

Đảnh lễ Bậc Đã đến bờ kia.

Đảnh lễ Bậc độ các thế gian.

Đảnh lễ Vĩnh Ly đường sanh tử.

Biết rõ tướng đến đi chúng sanh,

Khéo nơi các pháp được giải thoát,

Chẳng nhiễm thế gian như hoa sen,

Thường khéo vào trong hạnh không tịch

Thấu tướng các pháp, không ngăn ngại,

Đảnh lễ Như Không không chỗ nương.”

 

Đây là bài kệ tụng tán thán đức Phật, bậc giải thoát, bậc trọn vẹn đạt đến Phật tánh, như thế, cũng tức là bài kệ hiển bày những công đức của Phật tánh và Phật tánh thì vốn sẵn đủ nơi mỗi chúng sanh. Bởi thế qua bài kệ này chúng ta có thể có một sô ý niệm về Phật tánh là thế nào, và y vào đó mà thực hành để tương ưng được với Phật tánh nơi mình. Thí dụ câu: “Hay khéo phân biệt tướng các pháp. Trong đệ nhất nghĩa hằng bất động”. Hay câu “Đảnh lễ Như Không không chỗ nương”.

 

Bấy giờ, con nhà trưởng giả Bảo Tích nói kệ tụng xong, bạch Phật rằng: “Thế Tôn, năm trăm con nhà trưởng giả chúng con đều đã phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, nay muốn nghe làm thế nào để được sự thanh tịnh của quốc độ Phật. Xin Thế Tôn nói cho các hạnh thực hiện Tịnh Độ của Bồ tát.”

Phật bảo: “Lành thay, Bảo Tích. Ngươi đã vì các Bồ tát mà hỏi Như Lai hạnh Tịnh Độ của Bồ tát. Hãy nghe kỹ! Hãy nghe kỹ! Khéo suy nghĩ ghi nhớ, ta sẽ vì ngươi nói ra.”

Lúc ấy, Bảo Tích và năm trăm con nhà trưởng giả vâng lời dạy, cung kính lóng nghe.

Phật nói với Bảo Tích: “Tất cả chúng sanh là cõi Phật của Bồ tát. Tại sao như thế? Bồ tát tùy chỗ giáo hóa chúng sanh mà giữ lấy cõi Phật; tùy chỗ điều phục chúng sanh mà giữ lấy cõi Phật; tùy các chúng sanh hợp với quốc độ nào để được vào trí huệ Phật mà giữ lấy cõi Phật; tùy các chúng sanh hợp với quốc độ nào để phát khởi căn Bồ tát mà giữ lấy cõi Phật. Tại sao như thế? Bồ tát giữ gìn cõi nước thanh tịnh đều vì lợi lạc cho chúng sanh. Ví như có người muốn tạo lập nhà cửa cung điện nơi khoảng đất trống thì tùy ý không ngại. Còn nếu ở nơi hư không, rốt chẳng thành tựu. Bồ tát như vậy: vì thành tựu chúng sanh, nên nguyện giử lấy cõi nước Phật. Nguyện giữ lấy cõi nước Phật chẳng phải ở nơi hư không.

 

Bồ tát là người nỗ lực đạt đến giác ngộ - tức là chứng cho được, thực hiện cho được cõi Phật thanh tịnh, nơi không có tất cả phiền não, khổ đau - vì tất cả chúng sanh. Như thế, bồ tát luôn luôn hành hai điều là Trí huệ và Đại bi. Trí huệ là thấy thật tướng của chúng sanh (nói rộng ra là của tất cả các pháp) và Đại bi là không bỏ chúng sanh.

Trong ý nghĩa đó, tại sao chúng sanh là cõi Phật của bồ tát? Về mặt trí huệ - tức Chân đế, chân lý tuyệt đối - thì như kinh Hoa Nghiêm nói, “Tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không sai khác.” Nghĩa là, trong trí huệ, thật tướng của chúng sanh tức là Phật, tức là Tâm và cũng là cõi Phật thanh tịnh. Bởi thế, giữ gìn thật tướng của chúng sanh nghĩa là giữ gìn cõi Phật và muốn giữ gìn cõi Phật thì phải giữ gìn thật tướng của chúng sanh. Cái thấy biết tất cả sắc là sắc Phật, tất cả âm thanh là âm thanh Phật, tất cả núi sông đất đai là là biểu hiện của thân Phật thanh tịnh, tất cả chúng sanh bổn lai là Phật, cái thấy biết ấy khiến chúng ta giải thoát và đưa chúng ta vào cõi Tịnh Độ của Phật: tất cả đều là vàng ròng, trong đó không còn chỗ cho phân chia, phiền não.

Về mặt đại bi - tức là Tục đế, chân lý tương đối - tuy ở trong trí huệ rốt ráo là như thế, nhưng tất cả chúng sanh còn chưa chứng ngộ được như vậy, vẫn còn lang thang luân lạc chìm nổi trong biển cả sanh tử nghiệp báo khổ đau do chưa thấy được “Tâm, Phật, chúng sanh cả ba không sai khác”, nên bồ tát phải giúp đỡ chúng sanh đạt đến đó. Tận lực giúp đỡ chúng sanh trải qua nhiều kiếp, công việc đó vô vàn gian khổ khó khăn, nhưng cũng nhờ vô số chúng sanh mà bồ tát đạt được vô số công đức. Chúng sanh là tạng công đức của của bồ tát, như thế nghĩa là “chúng sanh là cõi Phật của bồ tát”. Cũng nhờ thành tựu cho chúng sanh bằng đủ mọi phương tiện, mà bồ tát giữ lấy cõi Phật, nghĩa là việc giữ lấy cõi Phật - tức “Tâm, Phật, chúng sanh cả ba không sai khác" - của bồ tát là nhờ vào chúng sanh, vào việc làm lợi lạc cho chúng sanh.

Như thế cõi Phậtchúng sanh có một tương quan biện chứng. Cõi Phật càng được giữ gìn, càng thanh tịnh khi sự giúp đỡ cho chúng sanh càng sâu, càng rộng, và chúng sanh càng được lợi lạc khi cõi Phật càng được giữ gìn, càng thanh tịnh. Cõi Phật ấy vừa là tâm xưa nay thanh tịnh của bồ tát (chánh báo) vừa là cõi Tịnh độ do tâm thanh tịnh của Bồ tát ứng hiện ra (y báo) để độ cho chúng sanh khi bồ tát đã đạt đến rốt ráo, nghĩa là thành Phật.

Tóm lại, cõi Phật thanh tịnh có hai loại:

- Do trí huệ thấu suốt tánh Không, tức pháp tánh mà Bồ tát chứng được Pháp thân. Pháp thân này là tuyệt đối thanh tịnh, chung như nhau của tất cả chư Phật, đó là cõi Phật vốn thanh tịnh, tức là pháp giới vốn thanh tịnh. Do tịnh hóa tâm mình bằng tánh Không mà Bồ tát đạt được cõi Phật thanh tịnh tức Pháp thân này: “Tùy tâm mình tịnh tức cõi Phật tịnh”.

- Do công đức mà Bồ tát có được Sắc thân, gồm Báo thân và Hóa thân. Nhờ năng lực của Báo thân và Hóa thân, Bồ tát khi thành Phật hóa hiện ra một cõi Phật theo ý nguyện từ trước của mình để độ những người có duyên có cùng tịnh nghiệp sanh về cõi nước đó: “Khi Bồ tát thành Phật, chúng sanh (không dua nịnh, đầy đủ công đức, hành Mười Thiện v.v...) sanh sang nước mình”.

(*Trong sách này, chữ bồ tát viết thường để chỉ những người bắt đầu đi vào Bồ tát đạo, còn chữ Bồ tát viết hoa để chỉ những vị Bồ tát đúng nghĩa, tức là Bồ tát bất thối chuyển.)

 

-----oo0oo-----

Trích: Thực Hành Con Đường Bồ Tát Qua Kinh Duy Ma Cật

Giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức, 2015

Ảnh: Nguồn internet

 

Bài viết liên quan