Pháp thân không có hình tướng, chẳng thể dùng âm thanh tìm cầu

Có vị tăng hỏi Tổ Hoàng Bá: Đã nói: “Tánh tức là thấy, thấy tức là Tánh”. Nếu như Tánh vốn không chướng ngại, không giới hạn, thì sao cách vật chẳng thấy?. Lại như trong hư không, gần thì thấy, xa thì không thấy, là thế nào?.
Pháp thân không có hình tướng, chẳng thể dùng âm thanh tìm cầu

PHÁP THÂN KHÔNG CÓ HÌNH TƯỚNG, CHẲNG THỂ DÙNG ÂM THANH TÌM CẦU

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

---☼☼☼---

Có vị tăng hỏi Tổ Hoàng Bá: Đã nói: “Tánh tức là thấy, thấy tức là Tánh”. Nếu như Tánh vốn không chướng ngại, không giới hạn, thì sao cách vật chẳng thấy?. Lại như trong hư không, gần thì thấy, xa thì không thấy, là thế nào?.

Tổ Hoàng Bá nói: Đó là ông vọng sanh dị kiến. Nếu cách vật thì nói là không thấy, không có vật ngăn ngại thì nói là thấy rồi cho là Tánh có cách ngại thì quả chẳng hiểu gì cả. Tánh chẳng phải thấy, chẳng phải không thấy. Pháp cũng chẳng phải thấy, chẳng phải không thấy. Như người thấy Tánh, thì chỗ nào mà chẳng phải là bổn tánh của mình?. Nên chỉ sáu đường, bốn loại, núi sông, đất đai đều là cái Tánh trong sạch sáng suốt của ta. Thế mới nói: Thấy sắc tức là thấy Tâm. Sắc và Tâm chẳng hai, chỉ vì giữ lấy cái tướng mà khởi sanh thấy, nghe, hay, biết. Trừ bỏ vật trước mặt mới cho là thấy, đó là sa vào kiến giải nương theo sự thấy, nghe, hay, biết của hàng nhị thừa. Trong hư không mà gần thì thấy, đó là sa vào kiến giải nương theo sự thấy, nghe, hay, biết của hàng nhị thừa. Trong hư không mà gần thì thấy, xa thì chẳng thấy, đó thuộc về ngoại đạo. Rõ ràng là: Đạo chẳng ở trong cũng chẳng ở ngoài, chẳng gần cũng chẳng xa. Quá gần mà không thể thấy, đó là tánh của muôn sự muôn vật. Quá gần mà còn không thấy, huống là nói “xa nên chẳng thể thấy” thì đâu có ý nghĩa gì?.

☼☼☼

Thiền sư Tùy Chân Pháp Vi lên toà thuyết pháp:

Pháp thân không có hình tướng, chẳng thể dùng âm thanh tìm cầu. Diệu Đạo tuyệt hết lời nói, đâu phải lấy văn tự mà hiểu. Cho dù siêu Phật, vượt Tổ, vẫn còn rơi vào thềm hực. Dù cho nói diệu, bàn huyền, rốt cuộc cũng treo môi răng. Cần phải: chỗ công đức chẳng hưởng chút công lao, hình ảnh vết tích chẳng còn lưu lại, cây khô hang lạnh rốt thảy vô tri, người huyễn ngựa gỗ hình thức đều không. Chừng ấy mới thỏng tay vào chợ, chuyển cái thân thú nầy đi. Không thấy Đạo, thì:

Đây đất vô lậu nào ở được

Đành về cát lạnh khói sương nằm.

☼☼☼

Ngài Linh Vân thượng đường (lên pháp tòa) dạy:

Hỡi các nhân giả: Hể có dài có ngắn là chẳng có thường. Hãy xem bốn mùa hoa cỏ, hoa nở lá rơi. Xưa nay, trời người bảy nẽo, đất nước gió lửa, thành hoại chuyển vần, nhân quả nối nhau, ba đường ác khổ, vậy mà mảy lông cọng tóc chưa từng thêm bớt, chỉ có cái gốc thiền thức là thường còn. Hạng thượng căn gặp bạn lành soi sáng, ngay đây là giải thoát, trước mắt là đạo tràng. Bậc trung, bậc hạ si mê ám độn, chẳng soi suốt được, mê chìm trong ba cõi, luân chuyển tử sanh. Đức Thích Tôn vì họ, tất cả trời người, mà dạy dỗ chứng minh, tỏ bày Đạo vô thượng. Các ông lại am hiểu chăng?.

Có nhà sư hỏi: Làm sao để ra khỏi sanh lão bệnh tử?

Ngài đáp: Núi xanh nguyên chẳng động

Mây lững mặc tới lui.

☼☼☼

Thiền sư Viên Chiếu lên tòa giảng, nói:

Hãy xem! Ánh sáng tốt lành rực rỡ chiếu sáng cả đại thiên thế giới! Trăm ức vi trần cõi nước, trăm ức biển lớn, trăm ức núi Tu di, trăm ức mặt trời, mặt trăng, trăm ức bốn châu thiên hạ cho đến cõi Phật vi trần đều ở trong ánh sáng phát hiện ra cùng một lúc. Các nhân giả! Có thấy chăng? Như thấy được, thì chính các ông tự thân đang ở trong ánh sáng tốt lành ấy. Không thấy được, chớ nói là ánh sáng tốt lành chẳng có chiếu soi!.

---☼☼☼---

Trích: "Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông"

Việt Dịch : Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế thiền sư

Biên tập : Chúng đệ tử Đời Thứ Ba Tây Tạng Tự

Ấn bản lần thứ nhất 1997

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan