PHÁT KHỞI BỒ ĐỀ TÂM ĐOẠN DIỆT CHẤP NGÃ - HE. GARCHEN RINPOCHE VIII – BÌNH GIẢNG 37 PHÁP TU CỦA BỒ TÁT

PHÁT KHỞI BỒ ĐỀ TÂM ĐOẠN DIỆT CHẤP NGÃ

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII – BÌNH GIẢNG 37 PHÁP TU CỦA BỒ TÁT

---o0o---

Hạnh phúc của họ ngắn ngủi và sự vui thú của con người là vô cùng lớn nên chúng ta bám luyến vào hạnh phúc này. Tóm lại, người ta bám luyến vào cõi đời này.
PHÁT KHỞI BỒ ĐỀ TÂM ĐOẠN DIỆT CHẤP NGÃ - HE. GARCHEN RINPOCHE VIII – BÌNH GIẢNG 37 PHÁP TU CỦA BỒ TÁT

     Lạc thú của ba cõi giống như giọt sương đọng trên ngọn cỏ, sẽ tan biến trong chốc lát. Hãy phấn đấu đạt tới trạng thái giải thoát tối thượng vĩnh hằng. Đó là pháp tu của Bồ tát.

Tam giới là các cõi trên mặt đất, ở mặt đất và dưới mặt đất. Tất cả các chúng sinh hữu hình và vô hình trú trong tam giới đều bám luyến vào lạc thú gắn với giác quan. Hạnh phúc của họ ngắn ngủi và sự vui thú của con người là vô cùng lớn nên chúng ta bám luyến vào hạnh phúc này. Tóm lại, người ta bám luyến vào cõi đời này. Nhưng một khi cuộc sống kết thúc, chẳng có lạc thú nào trên cõi đời này lại tiếp diễn và chẳng có lạc thú nào mang lại lợi lạc cho tâm. Để có được sự hạnh phúc tạm thời và nhỏ bé, chúng ta phải chịu nhiều gian khó và đau khổ. Tất cả đều vô thường, thay đổi từng lúc và không có thực chất giống như một giấc mơ. Để cho điều này lừa phỉnh mình là cực kỳ vô minh. Tạm thời, con phải sử dụng thân xác của mình nhưng tâm con phải hiểu việc này một cách đúng đắn. Con phải quán xem hạnh phúc trong tam giới chỉ giống như một giấc mơ là như thế nào. Nó cũng giống như giọt sương đọng trên ngọn cỏ; trước bình minh, có một giọt sương trên ngọn cỏ nhưng sau khi mặt trời mọc, giọt sương biến mất. Bám víu vào thực tại của hạnh phúc trong tam giới là ảo tưởng.

Hạnh phúc trong tam giới là hạnh phúc đã bị ô nhiễm. Đức Phật đã dạy rằng: ‘Mọi thứ bị ô nhiễm đều là nguyên nhân dẫn đến khổ đau’. Chúng ta phải chăm sóc nhu cầu của cơ thể mình bằng cách trải nghiệm các lạc thú giác quan một cách điều hòa. Patrul Rinpoche đã đưa ra ví dụ so sánh về sự bám luyến tột độ vào lạc thú giác quan: ‘Nhãn quan bám luyến vào sắc tướng cũng giống như con bướm đêm bị hấp dẫn bởi lửa của ngọn đèn bơ’. Ngài chỉ ra rằng thoạt đầu có một chút trải nghiệm về hỷ lạc nhưng sau cùng lại là khổ đau. Ví dụ như khi chúng ta ăn đồ ngọt thì cảm thấy rất là ngon nhưng sau đó, chúng ta cứ muốn ăn mãi và đâm ra nghiền, nên chúng ta cứ ăn hoài. Ăn hoài thì sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường, vốn sinh ra mọi thứ khổ đau. Do đó, dựa vào ví dụ ăn đồ ngọt, hãy đánh giá các ưu và khuyết điểm của việc lạm dụng lạc thú ngũ quan. Nếu ưu và khuyết đều như nhau hoặc khuyết nhiều hơn ưu thì con phải buông bỏ hành vi này đi. Ăn đồ ngọt có nhiều khuyết điểm hơn, phải không? Phải quán chiếu tất cả các lạc thú theo cách này. Mới đầu là hỷ lạc nhưng cuối cùng lại là nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Nếu con nghĩ đến các khổ đau ở giai đoạn sau thì tự nhiên con sẽ cẩn trọng.

     Cuộc đời trôi qua nhanh. Lúc đầu là hạnh phúc và cuối cùng là khổ đau. Nếu con nghĩ về khổ đau ở phía sau, con sẽ có thể chống trả được cám dỗ của các lạc thú giác quan. Con phải cẩn thận kẻo không thì các hoạt động của con sẽ trở nên vô tâm. Nếu không cẩn trọng, con sẽ ăn quá nhiều đồ ngọt hay uống rượu vô độ. Chẳng có gì sai trái khi chỉ uống một ít rượu vì nó có tác dụng dược lý. Nếu con uống một chút rượu vào buổi tối thì việc này có thể là hữu ích. Nhưng nếu con uống quá mức và say xỉn thì cuối cùng việc uống rượu sẽ đưa con đến cái chết và thế là xong. Bằng cách sử dụng trí khôn của mình, con hãy nghĩ về việc mình đã thoạt tiên trải nghiệm hạnh phúc như thế nào khi tận hưởng lạc thú ngũ quan. Và rồi hãy xem xét cả mặt lợi lẫn mặt hại. Nếu con suy nghĩ trên một tầm cao hơn thì sẽ thấy các lạc thú của cuộc đời này và hạnh phúc trong Luân hồi thực sự là nguyên nhân của khổ đau. Luân hồi có bản chất là khổ đau. Chỉ có trạng thái bất biến của sự giải thoát, trạng thái của ba thân Phật, mục đích cho cả mình và những người khác là hạnh phúc không thay đổi.

Có năm ví dụ so sánh liên quan đến lạc thú ngũ quan. Bám luyến vào hình tướng thì cũng giống như thiêu thân bị ánh lửa thu hút. Bám luyến vào âm thanh thì cũng giống như nai bị mê hoặc bởi tiếng sáo của thợ săn. Bám luyến vào vị ngọt thì cũng giống như cá cắn phải mồi câu. Bám luyến vào cảm giác thì cũng giống như voi bị kẹt trong đầm lầy. Bám luyến vào hương thơm thì cũng giống như con ong lao đầu vào đóa hoa ăn thịt. Mỗi con vật này phải chịu đựng một loại khổ đau khác nhau và chết vì lòng tham dục. Con vật khá nhất là con nai bị mê hoặc bởi âm thanh. Khi người thợ săn thổi sáo, con nai mê đắm âm thanh ngọt ngào và thế là người thợ săn có thể bắn nó. Con có thể tìm thấy câu chuyện minh họa từng ví dụ so sánh trong cuốn ‘Lời vàng của Thầy tôi’ của Patrul Rinpoche. Ngoài cuốn sách này, toàn bộ đường tu dẫn đến giải thoát được giảng giải trong cuốn ‘Các giai đoạn trên đường tu giác ngộ’ của dòng Gelug cũng như trong cuốn ‘Đạo và Quả’ của dòng Sakya. Dòng Kagyu thì có cuốn ‘Pháp bảo của sự giải thoát’. Tất cả các giai đoạn trên đường tu được trình bày đầy đủ trong những cuốn sách này. Nếu thân xác mê đắm lạc thú vật chất thì con sẽ tiếp tục trôi lăn trong Luân hồi. Mọi lạc thú xác thịt đều là cạm bẫy. Mọi hạnh phúc vật chất trong Luân hồi đều gắn liền với lạc thú vật chất. Ví dụ như con voi cảm thấy rất sung sướng trong vũng bùn mát mẻ nhưng vì quá nặng nên dễ dàng sa lầy và sẽ chết ở đây nếu không thoát ra được. Cũng giống như vậy, chúng ta nghĩ rằng cõi Ta bà là nơi vui thú. Thoạt đầu, chúng ta cảm thấy vui thích, rồi chúng ta sẽ cảm thấy buồn khổ và cuối cùng, chúng ta sẽ không tìm thấy đường thoát như con voi bị lún chìm trong vũng bùn vậy.

     Khi hành giả mới hiểu được rằng Luân hồi có bản chất là khổ đau thì ước nguyện giải thoát khỏi Luân hồi sẽ phát khởi và sẽ tự hỏi mình cần phải làm gì để được giải thoát. Sự chấp ngã phải bị đoạn diệt. Để đoạn diệt sự chấp ngã, chúng ta phải phát khởi Bồ đề tâm. Đây là nơi Bồ tát hạnh bắt đầu. Sự khởi đầu của Bồ tát hạnh được đề cập trong đoạn kệ sau.

---o0o---

Nguồn: Thư Viện Lưu Trữ Giáo Huấn Của Đại Sư Garchen Triptrul Rinpoche

Việt ngữ: Tiểu Nhỏ (Konchog Kunzang Tobgyal) và Trần Lan Anh (Konchog Sherab Dronma).

Bài viết liên quan