PHÁT TÂM - LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH - BỒ TÁT VÔ TRƯỚC

PHÁT TÂM

LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH

Tác giả: BỒ TÁT VÔ TRƯỚC

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Đời Đường, là Ba – la -phả- mật -đa la.

LINH SƠN PHÁP BẢO ĐẠI TẠNG KINH

----o0o----

Bồ-tát phát tâm lấy đại bi làm gốc, nương vào việc làm lợi ích cho các vật, dùng pháp Đại thừa làm niềm tin, lấy chủng trí làm duyên, để mong cầu cho hữu tình. Lấy ham muốn cao cả làm hoàn cảnh để cầu Thừa Vô thượng. Lấy sự giữ gìn Đại thừa làm nơi trụ, an trụ trong giới Bồ-tát, nhận lấy chướng ngại là cái khổ cho phát trụ, ở thừa khác. Lấy tăng thêm điều thiện làm công...
PHÁT TÂM - LUẬN ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM KINH - BỒ TÁT VÔ TRƯỚC

 

Giải thích: Như nói đã phân biệt về chủng tính của Bồ-tát, kế là sẽ nói về tướng phát tâm Bồ-đề của Bồ-tát.

Kệ rằng:

Mạnh mẽ và phương tiện,

Lợi ích và xuất ly,

Bốn lớn, ba công đức,

Tâm khởi do hai nghĩa.

Giải thích: Bồ-tát phát tâm có bốn thứ lớn lao:

1. Lớn lao mạnh mẽ, nghĩa là lời thệ nguyện rộng lớn, tinh tấn sâu sắc, làm việc khó làm tùy theo thời gian lâu dài.

2. Lớn lao phương tiện nghĩa là mặc áo giáp thệ nguyện rộng lớn mãi mãi bất cứ lúc nào cũng sử dụng phương tiện tinh tấn.

3. Lớn lao lợi ích làm việc lợi ích cho mình và người bất cứ lúc nào.

4. Lớn lao ra khỏi nghĩa là cầu quả Bồ-đề Vô thượng.

Hơn nữa, bốn thứ lớn lao nầy đã nói về ba thứ công đức. Nguyện một và nguyện hai đã làm chói sáng hình ảnh bậc trượng phu với công đức mà hạnh ấy đã làm. Nguyện thứ ba làm sáng chói công đức của nghĩa lớn lao. Nguyện thứ tư nói về công đức hưởng quả. Ba công đức nầy, lấy hai nghĩa làm duyên.

Gọi là Bồ-đề Vô thượng và tất cả chúng sinh là vì sự suy nghĩ rồi phát tâm Bồ-đề.

Đã nói về tướng phát tâm, kế là, nói về sự khác nhau của sự phát tâm. Kệ rằng:

Tín hạnh và nương tịnh,

Báo đắc và không chướng,

Phát tâm nương các địa,

Có bốn thứ khác nhau.

Giải thích: Bồ-tát phát tâm nương vào các địa, có bốn thứ khác nhau:

1. Phát tâm tin, hiểu, thực hành làm lợi cho người.

2. Phát tâm nương vào trong sạch là trong bảy địa trước.

3. Phát tâm vì được quả báo nghĩa là ba địa sau.

4. Phát tâm vô ngại là ở địa Như lai.

Đã nói về sự khác nhau của phát tâm, kế là sẽ giải thích rộng.

Hỏi: Sự phát tâm nầy lấy gì làm căn bản? Dựa vào đâu? Tin vào đâu, bởi duyên gì? Trong hoàn cảnh nào? An trụ vào gì? Có những chướng ngại nào? Có những công đức gì? Tự tính là gì? Ra khỏi cái gì? Đâu là chỗ rốt ráo?

Kệ rằng:

Đại bi, và lợi vật,

Đại Pháp nương chủng trí,

 Ham muốn lớn, giữ Đại (Thừa),

Thọ chướng thêm lành,

Phước trí và tu độ,

Từng địa đều tròn đầy,

 Gốc đầu đến rốt ráo,

Thứ lớp hiểu, nên biết.

Giải thích: Bồ-tát phát tâm lấy đại bi làm gốc, nương vào việc làm lợi ích cho các vật, dùng pháp Đại thừa làm niềm tin, lấy chủng trí làm duyên, để mong cầu cho hữu tình. Lấy ham muốn cao cả làm hoàn cảnh để cầu Thừa Vô thượng. Lấy sự giữ gìn Đại thừa làm nơi trụ, an trụ trong giới Bồ-tát, nhận lấy chướng ngại là cái khổ cho phát trụ, ở thừa khác. Lấy tăng thêm điều thiện làm công đức. Lấy phước trí làm tự tính. Lấy tu tập các độ làm ra khỏi. Lấy địa mãn làm chỗ rốt ráo. Ở mỗi địa đều thực hành phương tiện siêng năng tương ưng với mỗi việc làm.

Như vậy, đã phân biệt về sự khác nhau của phát tâm, kế là nói về thọ phát tâm thế tục. Kệ rằng:

Sức bạn và sức nhân,

Sức căn cũng sức nghe,

Bốn sức đều hai phát,

Không bền bỉ và bền.

Giải thích: Do nghe người khác nói pháp, hiểu rõ mà phát tâm thì gọi là nhận phát tâm thế tục. Phát tâm nầy do bốn sức mạnh:

  1. Do sức mạnh của bạn bè mà phát tâm, hay được thuận theo thiện tri thức.

2. Vì sức mạnh của nhân mà phát tâm, là bởi nhân phát tâm đã từng phát tâm trong đời trước, lấy đó làm tính chất.

3. Vì sức mạnh của cội gốc mà phát tâm, là quá khứ đã từng làm các gốc lành đầy đủ.

4. Vì sức mạnh của việc nghe pháp mà phát tâm, là từng nghe nhiều, nhiều thời pháp bất cứ đâu mà các người phát tâm Bồ-đề.

Lại nữa, về tu tập gốc lành mà trong hiện tại, thọ trì các pháp từng được nghe. Lãi nữa, bốn sức mạnh khiến phát tâm kia, gộp chung thành hai thứ:

1. Phát tâm không bền vững, là phát tâm do sức bạn.

2. Phát tâm bền vững, là phát tâm vì ba năng lực như năng lực của nhân, v.v...

Đã nói về phát tâm thế tục. Kế là nói về phát tâm nghĩa đệ nhất. Kệ rằng:

Gần bậc chánh biến tri,

Khéo chứa nhóm phước trí,

Vô phân biệt các pháp,

Trí chân tối thượng sinh.

Giải thích: Phát tâm nghĩa đệ nhất nói về ba thứ cao quý:

1. Dạy dỗ cao quý vì được gần gũi bậc chánh biến tri.

2. Tùy thuận cao quý là khéo gom chứa nhóm phước trí.

3. Đắc quả cao quý là vì sinh trí không còn phân biệt.

4. Phát tâm nầy được gọi là địa vui mừng vì sự cao quý của vui mừng.

Hỏi: Sự cao quý nầy, lấy gì làm nhân? Kệ rằng:

Các pháp và chúng sinh,

Việc làm và Phật thể.

Bốn thứ bình đẳng nầy,

Được vui mừng cao quý.

Giải thích: Bốn thứ bình đẳng là:

1. Pháp bình đẳng, là vì thấu hiểu pháp là vô ngã.

2. Chúng sinh bình đẳng, là vì chứng được mình và người đều bình đẳng.

3. Các việc làm đều bình đẳng, vì giúp kẻ khác hết khổ như chính mình đã hết khổ.

4. Thể tính Phật đều bình đẳng, là vì pháp giới và mình đều chẳng khác nhau, quyết chắc có thể thấu biết.

Đã nói về nhân cao quý, kế là sẽ nói về sự khác nhau của cao quý. Kệ rằng:

Sinh vị và nguyện vị,

Vừa mạnh vừa nương tịnh,

Khéo khác, và xuất khác,

Sáu cao quý cũng thế.

Giải thích: Phát tâm nghĩa đệ nhất có sáu pháp cao quý là:

1. Vị trí sống thù thắng.

2. Vị trí nguyện thù thắng.

3. Mạnh mẽ thù thắng.

4. Nương vào thanh tịnh thù thắng

5. Thiện xảo thù thắng khác.

6. Xuất ly thù thắng khác.

Hỏi: Vì sao gọi sáu pháp nầy là thù thắng?

Kệ rằng:

Sinh thắng có bốn nghĩa

Nguyện lớn có mười thứ.

Mạnh mẽ thường không lui,

Nương tịnh, hai lợi sinh.

Xảo tiện, tiến địa khác.

Khéo tư duy xuất ly,

Sáu đạo lý như thế,

Thứ lớp thành sáu thắng.

Giải thích: Đời sống cao quý có bốn nghĩa là:

1. Hạt giống thù thắng, vì hạt giống tin tưởng vào pháp Đại thừa.

2. Mẹ ruột thù thắng là vì lấy Bát-nhã Ba-la-mật-đa làm mẹ.

3. Thai tạng thù thắng là vì lấy thiền định của Đại thừa làm bào thai.

4. Mẹ nuôi thù thắng là vì lấy đại bi, nuôi lớn làm mẹ nuôi nguyện lớn có mười điều: Là mười đại nguyên như kinh Thập Địa nói. Phát nguyện thù thắng nầy thì thường mạnh mẽ không bao giờ lui sụt. Dù phải làm những việc khó làm vẫn không lui sụt. Nương vào thanh tịnh để làm hai việc lợi người:

1. Biết mình gần với quả Bồ-đề.

2. Biết phương tiện lợi tha.

Xảo phương tiện để tiến lên các địa khác là phương tiện để tiến lên địa trên.

Khéo tư duy việc xuất ly là pháp quán xét đã được lập ra để được an trụ trong các địa. Hỏi: Tư duy là gì?

Đáp: Như đã lập ra giới hạn phạm vi mà phân biệt biết, cho nên phân biệt cũng biết được vô phân biệt.

Đã nói phát tâm rồi, kế là sẽ nói về thí dụ để nói về sự phát tâm ấy. Kệ rằng:

Như đất, như vàng sạch,

Như trăng, như lửa cháy,

Như kho, như rương báu,

Như biển, như kim cương,

Như núi, như thuốc chúa,

Như bạn, như như ý,

Như nhật, như đẹp vui,

Như vua, như kho lẫm,

Như đường, như xe đi,

Như suối, như tiếng vui,

Như nước chảy, như tuyết,

Phát tâm dụ như thế.

Giải thích: Sự phát âm qua những thí dụ như thế, có nghĩa nào tương tự?

Đáp: Như đất bao la kia, người mới phát tâm cũng như vậy, vì tất cả Phật pháp có công năng duy trì.

Ví như vàng sạch, sự phát tâm cũng tương ưng giống như vậy, không lui sụt thoái chí đối với việc làm lợi ích an vui, cho chúng sinh.

Ví như trăng mới mọc, sự siêng năng tương ưng với phát tâm cũng như vậy, bởi pháp lành ngày càng gia tăng.

Thí dụ cho lửa cháy thêm là chỗ nương cao nhất tương ưng với sự phát tâm cũng như vậy, thêm củi cho lửa phừng lên, đó là hình ảnh gôm chứa công hạnh, là chỗ nương cao nhất.

Thí dụ cho kho tàng lớn, Đàn Ba-la-mật tương ưng với phát tâm cũng như vậy, bởi của cải đem cho khắp cùng không bao giờ hết.

Thí dụ rương chứa đồ quý giá là Thi Ba-la-mật tương ưng với phát tâm cũng như vậy, vì công đức pháp bảo đều phát sinh từ đó.

Thí dụ như biển cả là Sằn-đề Ba-la-mật tương ưng với phát tâm cũng như vậy, tâm không rung động vì các việc ngang trái xảy ra.

Thí dụ như kim cương là Tỳ-lê-da Ba-la-mật tương ưng với phát tâm cũng như vậy, mạnh mẽ vững chắc, không gì làm hư hoại được.

Thí dụ như núi chúa là Thiền Ba-la-mật tương ưng với phát tâm cũng như vậy, không có cái gì làm dao động vì nó không rối loạn.

Thí như vua thuốc là bởi Bát-nhã Ba-la-mật tương ưng với phát tâm cũng như vậy, vì thuốc nầy có công năng phá hai thứ bệnh trí và mê.

Thí dụ như bạn lành là có vô số điều tương ưng với phát tâm cũng như vậy, vì không bao giờ xả bỏ chúng sinh bất cứ lúc nào.

Ví như hạt châu như ý là thần thông tương ưng với phát tâm cũng như vậy, vì nó có công năng hiện ra những gì theo ý mình muốn.

Thí như mặt trời rực rỡ gom trong ánh sáng của nó tương ưng với phát tâm cũng vậy, như mặt trời nóng làm cho lúa thóc chín, thành thục chúng sinh cũng như vậy.

Thí như vẻ đẹp niềm vui là tài năng nói tương ưng với phát tâm cũng như vậy, vì nói pháp dẫn dắt chúng sinh.

Thí như quốc vương là năng lực tương ưng với phát tâm cũng như vậy, vì có công năng làm cho chánh đạo không bị hoại nhân.

Thí như kho lẫm là nhóm tương ưng với phát tâm cũng như vậy, là nơi gom nhóm phước trí, pháp tài.

Thí như đường vua đi là phần giác tương ưng với phát tâm cũng như vậy, vì bậc đại thánh đi trước rồi những ai khác mới nối gót theo sau.

Thí dụ như cỗ xe là chỉ quán tương ưng với phát tâm cũng như vậy, vì hai bánh xe chỉ quán lăn đi đầy đủ an vui.

Thí dụ như nước suối phun ra là tổng trì tương ưng với phát tâm cũng như vậy, vì nghe dù nhiều những giáo pháp vẫn không bao giờ cùng tận.

Thí dụ như tiếng reo mừng là pháp ấn tương ưng với phát tâm cũng như vậy, vì mong cầu giải thoát nên nghe một cách vui thích.

Thí như dòng sông là tự tính tương ưng với phát tâm cũng như vậy, là do đạo vô sinh nhẫn tự nhiên tuôn chảy, không do tác ý.

Thí như vừng mây lớn là công năng thành thế giới, phương tiện tương ưng với phát tâm cũng như vậy, chỉ bày tám tướng thành đạo giáo hóa chúng sinh.

Với hai mươi hai thí dụ như vậy là để thí dụ sự phát tâm kia, như bậc Thánh đã nói rộng trong kinh vô tận tuệ, nên biết.

Đã nói thí dụ phát tâm rồi, kế là sẽ nói về lỗi của không phát tâm.

Kệ rằng:

Tư lợi và được phương (tiện),

Hiểu nghĩa cũng chứng thật,

Như thế bốn thời vui.

Tới Niết-bàn buông xả.

Giải thích: Bồ-tát có bốn thứ vui:

1. Suy nghĩ điều lợi ích, an vui là suy nghĩ thời gian nào làm lợi ích cho chúng sinh.

2. Được phương vui nghĩa là cảm thấy vui đến khi chứng được phương tiện thiện xảo.

3. Vui bởi hiểu nghĩa, nghĩa là thấy vui khi hiểu thấu rõ ý nghĩa Đại thừa.

4. Vui chứng ngộ chân thật là vui khi chứng được nhân, pháp đều vô ngã. Nếu ai bỏ chúng sinh mà lo thẳng đến vắng lặng nên biết, người ấy không được bốn thứ vui như vậy của Bồ-tát. Đã quở trách không phát tâm, đối với ai phát tâm nên khen ngợi họ.

Kệ rằng:

Tối sơ phát đại tâm,

Khéo giữ vô biên ác,

Thiện tăng và bị tăng,

Lạc vui khổ cũng vui.

Giải thích: Nếu từ đầu phát tâm Đại Bồ-đề, thì bấy giờ, Bồ-tát nương vào vô số chúng sinh, tức là đã khéo giữ gìn, không gây ra điều ác. Vì vậy, Bồ-tát nầy là người lìa khỏi lo sợ rơi vào đường ác. Lại nữa, thực hành điều thiện và càng thêm lên cho nên đối với vui thường mừng. Tâm thương xót được tăng thêm lên, nên dù gặp cảnh khổ, vẫn thường vui. Do đó, người nầy xa lìa lui sụt đường lành.

Đã khen ngợi sự phát tâm, kế là sẽ nói về nhân phát tâm được không khen ngợi.

Kệ rằng:

Thương kẻ khác hơn mình,

Quên mình lợi chúng sinh,

Không vì mình, ghét người,

Lẽ nào nghiệp bất thiện?

Giải thích: Nếu lược chỉ bày nghĩa đó thì chính là Bồ-tát yêu thương kẻ khác hơn yêu thương mình, do đó quên thân mạng mình và làm lợi ích cho người khác. Không vì lợi mình mà làm tổn hại người khác. Do vậy, nên Bồ-tát mới có công năng dứt hết nghiệp ác của chúng sinh.

Đã nói được không ngợi khen, kế là sẽ nói về được không thoái tâm. Kệ rằng:

Quán pháp biết như huyễn,

Quán sống như vào vườn,

Dù thành hay không thành,

Hay khổ, đều không sợ.

Giải thích: Bồ-tát quán tất cả pháp, biết chúng như huyễn. Vì vậy, nên lúc đang thành tựu lợi ích cho chúng sinh mà có gặp phiền não đi nữa, vẫn không lo sợ. Bồ-tát quán nơi mình đang sống như vào khu vườn, cho nên đang khi thành tựu lợi ích cho chúng sinh, có gặp phiền não đi nữa, vẫn không hề lo sợ. Nếu một người được như vậy thì còn có ý nghĩa gì khiến tâm Bồ-đề lui mất?

Bài viết liên quan