SÁU NHU CẦU CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI - TƯ DUY ĐỘT PHÁ – PATRICK KING

Sáu nhu cầu này điều khiển cuộc đời của chúng ta theo những cách chúng ta có thể diễn giải và không bao giờ nghĩ đến. Ở bất kì thời điểm nào, phần lớn chúng ta sẽ xem trọng hai trong số sáu nhu cầu này nhất. Chúng có vai trò vô cùng to lớn trong việc chúng ta phát triển những thói quen hằng ngày và đưa ra các loại lựa chọn và quyết định trong đời.
SÁU NHU CẦU CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI - TƯ DUY ĐỘT PHÁ – PATRICK KING

SÁU NHU CẦU CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI

TƯ DUY ĐỘT PHÁ – PATRICK KING

---***---

Dù đến từ đâu và đang có đạt được điều gì, chúng ta đều bị điều khiển bởi sáu nhu cầu cơ bản của con người.

Cuộc sống có thể rất phức tạp và không phải lúc nào cũng giống nhau. Đây là một khuôn khổ khác từ Tony Robbins và có giá trị đặc biệt hữu ích trong nghiên cứu của tôi về thành công.

Sáu nhu cầu này điều khiển cuộc đời của chúng ta theo những cách chúng ta có thể diễn giải và không bao giờ nghĩ đến. Ở bất kì thời điểm nào, phần lớn chúng ta sẽ xem trọng hai trong số sáu nhu cầu này nhất. Chúng có vai trò vô cùng to lớn trong việc chúng ta phát triển những thói quen hằng ngày và đưa ra các loại lựa chọn và quyết định trong đời.

Nếu hiểu được những khao khát và hành động trong tiềm thức, bạn có thể ngắt mạch những cơn bốc đồng tiêu cực và nhấn mạnh những khoảng cao hứng tích cực của mình. Trong ngôn ngữ loài người, điều này có nghĩa là nếu có thể tách riêng, những nhu cầu của mình, bạn có thể thay thế những thói quen tiêu cực bằng những thói quen tích cực.

Hãy luôn nhớ rằng bạn có thể có những nhu cầu lớn lao hay tầm thường hơn người khác. Điều này cũng không sao vì chỉ cần một vài trong số những nhu cầu đó bổ trợ cho bạn là đủ.

#1: Nhu cầu về sự chắc chắn

Nhu cầu về sự chắc chắn trấn an bạn rằng bạn có thể tránh những nỗi đau và đạt được sự nhẹ nhõm.

Khi dự đoán về sự khỏe mạnh của mình, càng cảm thấy chắc chắn và an tâm, chúng ta càng thoải mái tham gia các hoạt động khác. Đó là lí do chúng ta ham muốn một mức độ an toàn, dễ đoán và yên tâm nhất định trong đời. Chúng rất quan trọng với chúng ta, vì chúng bảo đảm một mục tiêu vô cùng quan trọng: Sống sót.

Càng chắc chắn xung quanh không có nguy hiểm, chúng ta càng có thể thư giãn để tập trung vào những nhu cầu khác.

Sự chắc chắn tạo nên nền tảng cho tháp nhu cầu của chúng ta bởi nó bảo đảm khả năng sống sót, và khi vấn đề này được giải quyết, chúng ta có thể tiếp tục xem xét các nhu cầu khác.

Đây là một cực trong phổ cấp độ khác nhau của sự chắc chắn, nhằm giải thích lí do chúng ta cảm thấy không chắc chắn.

Tuy nhiên, cực còn lại là khi bạn cảm thấy sự chắc chắn đã được thiết lập. Hãy thử nghĩ, bạn có muốn xem một trận bóng rổ nếu biết trước điểm số chung cuộc và mọi thứ sẽ diễn ra trong đó hay không? Hẳn là không. Điều đó sẽ vô cùng nhàm chán và quá dễ đoán.

Mỗi người có những yêu cầu khác nhau về mức độ chắc chắn trong cuộc sống của họ. Ví dụ, tôi có nhu cầu về sự chắc chắn rất thấp so với người khác. Tôi thường xuyên du lịch và không ở một nơi đến năm năm. Do đó, nếu mọi thứ trở nên quá khuôn sáo, tôi sẽ dễ dàng cảm thấy nhàm chán. Tôi cần liên tục thử thách chính mình với nhu cầu tiếp theo, nhưng nó lại mâu thuẫn trực tiếp với nhu cầu về chắc chắn.

Bạn có thường xuyên cảm thấy các thông lệ rất nhàm chán và luôn phải tìm kiếm những thú vui mới vào thời gian rảnh không? Nhu cầu về sự chắc chắn của bạn là gì và bạn có đang thỏa mãn nó hay không?

#2: Nhu cầu về sự bất định và đa dạng

Một phiên bản đối lập của nhu cầu về sự chắc chắn là nhu cầu cho những điều chưa biết và sự đa dạng. Đây là nhu cầu cho những thay đổi và kích thích mới.

Tất cả chúng ta đều có những lúc cần thay đổi cảnh quan. Sự mới lạ hấp dẫn bạn, đơn giản là vì bạn muốn trải nghiệm những điều mới mẻ và bị kết quả làm cho ngạc nhiên, hơn là biết về nó từ trước khi bắt đầu.

Bạn có muốn xem một loại phim lặp đi lặp lại hay không? Đa số mọi người thì không, nhưng nếu bạn muốn làm thế, có thể bạn đoán được mình không cần nhiều sự bất định và đa dạng. Quá nhiều bất định sẽ mang lại nỗi sợ, nhưng không đủ bất định sẽ khiến ta cảm thấy không thỏa mãn.

Đó là lí do phần lớn mọi người thích đi du lịch và thử các món ăn mới. Chúng ta không muốn lặp đi lặp lại những việc giống hệt nhau. Đó là điều khiến cuộc sống lý thú, vì chúng ta không biết mình phải mong đợi những gì.

Chúng ta cần sự hưng phấn mà chỉ những kích thích mới lạ có thể thỏa mãn cho mình. Đối diện với điều đó, những thông lệ khuôn sáo không khác gì cái chết.

Điểm khác biệt của nhu cầu này là mức độ bất định vẫn có thể chấp nhận được, và chúng ta biết rằng sự đa dạng cuối cùng sẽ mang lại cảm giác vui sướng. Hãy so sánh nó với nhu cầu đầu tiên: chúng ta cảm thấy bất định về một mối nguy hiểm khổng lồ sẽ xuất hiện nếu sự an toàn của chúng ta không được bảo đảm.

#3: Nhu cầu trở nên quan trọng và độc đáo

Trong thâm tâm, tất cả chúng ta đều cần cảm thấy mình quan trọng, độc đáo và đặc biệt. Chúng ta không muốn cảm thấy nhỏ nhoi và có cảm giác không ai quan tâm đến mình.

Chúng ta muốn là những bông tuyết đặc biệt trong tưởng tượng của mình. Tất cả chúng ta đều muốn nổi bật một cách tích cực và được biết đến vì một điều gì đó.

Điều này được minh chứng bằng nhiều cách khác nhau. Một số người sẽ làm mọi cách để đạt được những thành tựu học vấn và rút ra ý thức về giá trị của mình trong lĩnh vực đó. Tất cả mọi người đều tạo ra một nhân dạng cho riêng mình dựa trên nhận thức của bản thân về điều khiển họ trở nên đặc biệt.

Nếu bạn thấy một người dường như chỉ ăn mặc để thu hút sự chú ý, đó là vì họ đang tự hào về vẻ ngoài độc đáo của mình. Họ cảm thấy quan trọng vì họ khác biệt với tất cả mọi người. Đây là một khuynh hướng rất tự nhiên, vì không ai khẳng định mục tiêu của mình là trở nên giống hệt người hàng xóm. Tuy nhiên, đẩy mọi việc đến giới hạn quá xa có thể khiến phần lớn mọi người mất đi hứng thú. Bạn có thể nhận ra điều này ở những người ăn mặc kì quái hoặc cần thảo luận liên tục về sự khác biệt của họ.

Thêm vào đó, nếu quá cố gắng để trở nên quan trọng, bạn sẽ mất dần sự đồng cảm với người khác, và điều đó sẽ khiến nhu cầu kế tiếp trở nên khó khăn.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là: Đối với bạn, trở nên khác biệt với người khác quan trọng đến đâu?

#4: Nhu cầu kết nối

Tất cả chúng ta đều có một nhu cầu bản năng là tạo quan hệ và kết nối với người khác. Chúng ta nỗ lực tìm kiếm những mối quan hệ giữa người với người, vì chúng khiến ta cảm thấy được công nhận, trở nên quan trọng và là một thành viên của xã hội. Chúng ta muốn có cảm giác thuộc về và là một phần của một nhóm người nhất định. Một số người vô cùng chú trọng gia đình và thường đi du lịch với cả nhà, trong khi số khác lại là những con sói cô đơn chỉ thích ở một mình. Vài người trong chúng ta thích các môn thể thao đồng đội, trong khi số khác lại thích chạy bộ một mình dọc bờ biển. Ở đâu đó, luôn có phương tiện mang nền tảng của đa số các kết nối này là sự tương đồng và quen thuộc. Bạn có thể gọi chúng là sự thuận tiện hoặc cơ hội, nhưng sự thật là đa số các mối quan hệ đều bắt đầu và phát triển từ đó.

Bạn sẽ dễ dàng thích một người ít nhiều tương tự với mình, vì bạn có thể đồng cảm tốt hơn với họ và cảm thấy tự nhiên hơn. Đây là lí do mà trong phần nhu cầu về sự quan trọng, tôi đã nói rằng chúng ta không thể làm quá sự việc đến mức phá hủy mọi sự tương đồng. Chúng ta có thể khác biệt, nhưng không được quá khác biệt. Nếu không, bạn sẽ chỉ kết nối với những người dị biệt.

Nhu cầu trở nên quan trọng so với nhu cầu kết nối cũng như món súp dành cho Goldilocks, quá nóng hoặc quá nguội đều không ổn. Nếu nhu cầu kết nối không được thỏa mãn, chúng ta sẽ cảm thấy cô đơn và tách rời khỏi mọi người. Nhưng nếu nó được thỏa mãn trọn vẹn, chúng ta sẽ không còn cảm thấy khác biệt hoặc độc đáo, và rồi thiếu luôn cảm giác quan trọng.

#5: Nhu cầu phát triển

Tất cả mọi người đều hi vọng được phát triển và nâng cao năng suất lẫn năng lực của mình. Tất cả mọi người đều hi vọng đạt được mục tiêu của mình và tiến đến mục tiêu tiếp theo. Rất ít người hài lòng với việc chỉ xem ti vi mỗi ngày và bắt đầu lại quá trình đó vào ngày hôm sau. Đa số chúng ta cần cảm giác tiến bộ và thích nỗ lực vì một điều gì đó.

Mọi thứ trên Trái Đất đều tăng trưởng hoặc chết đi. Đó không phải một hệ lưỡng phân sai lệch, và con người cũng không là ngoại lệ. Chúng ta phải cảm thấy mình liên tục lớn lên trong đời và liên tục tiến về phía trước.

Phép thử thật sự xảy ra khi bạn đạt được một mục tiêu đặt ra cho chính mình. Có lẽ đó là một mục tiêu tài chính hay một phong cách sống nhất định, hoặc chỉ là một chiếc máy tính mới. Bạn có cảm thấy thỏa mãn và nghĩ rằng mình không cần tiếp tục vươn lên không? Hay bạn chỉ dịch chuyển cột gôn và bắt đầu lên kế hoạch để vượt qua mục tiêu ban đầu?

Những người có nhu cầu phát triển mạnh mẽ sẽ cảm thấy không hạnh phúc khi quá trình phát triển dừng lại và đến khi họ đặt ra một mục tiêu mới.

Họ đã chạm đến đỉnh núi và không còn ngọn núi nào để chinh phục, nhưng tất cả chúng ta đều cần một điều gì đó để cố gắng, một điều sẽ thách thức chúng ta phát triển và nâng mình lên một đẳng cấp mới. Chúng ta cần phải theo đuổi một điều gì đó và thúc đẩy bản thân. Điều đó có thể cho thấy nhu cầu phát triển của bạn mạnh mẽ đến dường nào. Bạn chỉ đang cố gắng đạt được một mục tiêu cụ thể hay đang hướng đến sự phát triển và tiến bộ liên tục?

Nếu không như vậy, với nhiều người trong số chúng ta, việc sống từ ngày này qua ngày khác mà không có một mục tiêu và chủ đề tổng quát sẽ trở thành một bài tập vô ích.

#6: Nhu cầu cống hiến

Sau cùng, tất cả chúng ta đều cần cảm giác được cống hiến cho xã hội.

Đó có thể là dịch vụ công ích hoặc quyên góp vì một mục đích nào đó, nhưng trong thâm tâm, chúng ta đều muốn tạo ra tác động và sẽ không rời khỏi mảnh đất này mà không được ai quan tâm. Chúng ta muốn lưu dấu trên thế giới trong khoảng thời gian của mình và được ghi nhớ vì đã đóng góp cho xã hội như một phần của nó.

Bao nhiêu người sẽ tham dự lễ tang của chúng ta, và họ quan tâm nhiều đến mức nào?

Điều này giải thích sự phổ biến của các hoạt động tình nguyện và nhân đạo. Đó là một nhu cầu toàn cầu và tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau. Chúng ta muốn cho đi và cống hiến những điều cao cả, đơn giản là vì nó khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu và thỏa mãn cảm giác muốn cống hiến cho thế giới của mình.

Khi thấy một người vô gia cư, bạn sẽ cảm thấy mình nên giúp đỡ họ hay chỉ lờ họ đi?

Chúng ta đã điểm qua sáu nhu cầu cơ bản điều khiển phần lớn các quyết định hằng ngày của mình. Điều đó có ý nghĩa gì với bạn? Bạn phải làm gì với những điều đã biết ngoài việc nhận ra biểu hiện của chúng trong cuộc sống?

Đầu tiên, khuôn khổ này cho thấy chúng ta bị điều khiển bởi những nhu cầu trong tiềm thức. Dù chúng biểu hiện ra sao, những nhu cầu cụ thể của bạn rất ít khi là kết quả mô phỏng từ người khác.

Ví dụ, có thể bạn bè của bạn điên cuồng luyện tập vì họ cần chắc chắn về vẻ ngoài của mình và trở nên quan trọng, còn bạn lại xem nó như một hình thức thỏa mãn nhu cầu phát triển cá nhân. Trong trường hợp này, biểu hiện bên ngoài giống nhau nhưng thỏa mãn những nhu cầu hoàn toàn khác biệt. Mặt khác, bạn có thể có những nhu cầu giống với người khác, nhưng biểu hiện lại hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, dù bạn và bạn bè đều có nhu cầu cao về sự bất định và đa dạng, trong khi bạn thỏa mãn nó qua việc du lịch liên tục, họ lại thay đổi người yêu liên tục.

Bạn cần đánh giá mình đồng tình với nhu cầu nào trong sáu nhu cầu trên, sau đó hãy cố xác định biểu hiện của nó trong cuộc sống hằng ngày của bạn. Những nhu cầu quan trọng nhất của bạn có được thỏa mãn đều đặn không? Nếu không làm cách nào để bạn tăng cảm giác thỏa mãn mỗi ngày?

Thứ hai, thấu hiểu các nhu cầu trong tiềm thức có thể giúp bạn giải thích những hành động và thói quen độc hại của mình. Nó có thể tách riêng những nhu cầu đang được các hành động độc hại kia thỏa mãn. Bằng cách đó, bạn có thể thay thế chúng bằng những hành động tích cực và hiệu quả hơn.

Một ví dụ phổ biến là khi những người nghiện thuốc lá bắt đầu nhai kẹo cao su ngấu nghiến để thỏa mãn cơn nghiện trong miệng họ. Khi biết đây là nguyên nhân, bạn có thể giải quyết nó bằng một cách khác.

Biết được cách làm việc của não bộ khi đối đầu với những tình huống nhất định sẽ giúp bạn xác định cách giải quyết hoặc các hoạt động thay thế. Chúng có thể thỏa mãn các nhu cầu tương tự, nhưng sẽ tạo ra những kết quả đưa bạn đến gần thành công hơn.

Hãy thay thế những hành động kém tích cực với những hành động vừa hữu ích vừa thỏa mãn các nhu cầu nhất định. Hãy buộc bản thân từ bỏ những cách ứng xử độc hại và bảo đảm rằng bạn đang dùng những hành động mang nhiều tính khích lệ hơn để thỏa mãn các nhu cầu của mình. Hiểu rõ bản thân rất quan trọng đối với thành công, vì nếu không có nó, bạn chỉ đang tùy cơ ứng biến mà thôi.

---***---

Trích: “Tư Duy Đột Phá”

Vân Khanh dịch

NXB Thế Giới, 2017

Bài viết liên quan