SOI LẠI BẢN THÂN LÀ NHƯ THẾ NÀO? Trích “Xá Lợi Toàn Thân - Bài Pháp Vô Ngôn”. Tác giả: Trần Đức.

Tác giả:

Trần Đức vốn là người khao khát học hỏi và trăn trở về đời sống tinh thần, gần đây anh đã tình cờ được tham dự vào công tác duy tu bảo quản hai bức xá lợi toàn thân tại chùa Đậu. Kinh ngạc trước sự huyền bí mà hai bức xá lợi toàn thân của hai vị thiền sư, anh đã tự mình đi tìm hiểu sâu hơn về hành trạng của hai cụ, rồi cảm tác mà viết lên cuốn sách Bài Pháp Vô Ngôn. Suối nguồn tâm linh mát lành mà tiền nhân đã khơi gợi trong tác giả đã khiến anh viết nên những trang đầy hoài cảm và thao thức về con đường mà tiền nhân đã đi.

Dù cuốn sách chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả, người đọc có thể cảm nhận được một sự rúng động tâm linh, niềm kính trọng sâu sắc và sự cảm phục của tác giả dành cho tiền nhân.

Anh còn là dịch giả các cuốn sách về tâm linh của tác giả Eckhart Tolle:

Đi Vào Thực Tại (2021)

Bí Mật Của Milton (2023)

Hiện Diện Bên Con (2023)

—o0o—

Sự thị hiện xá lợi toàn thân của hai vị thiền sư như trả lời cho hậu thế câu hỏi: Ai có thể tu giác ngộ?

Thiền sư Đạo Chân (thế danh - Vũ Khắc Minh) thị hiện là một người giác ngộ từ khi chưa xuất gia hay chỉ mới xuất gia một thời gian ngắn và mang danh phận Sa di. Còn thiền sư Đạo Tâm (thế danh - Vũ Khắc Trường) xuất gia từ sớm và giác ngộ trong danh phận cao tột - Tăng thống.

Quả là ngộ đạo không của riêng ai, ai cũng có thể đi vào đạo từ chỗ của mình, bất kể địa vị danh phận là gì. Vấn đề nằm ở chỗ thường soi lại bản thân? Hãy thường hướng ngoại tìm cầu?

Nhưng soi lại bản thân là soi như thế nào?

Không phải trong cuộc sống ai cũng tự kiểm điểm và rút kinh nghiệm để trưởng thành hơn hay sao, đó có phải là soi lại bản thân không? Trên thực tế thuật ngữ soi lại bản thân được dùng trong nhà thiền với một ý nghĩa sâu sắc hơn thế, thậm chí không liên quan đến việc kiểm điểm hay rút kinh nghiệm trong cuộc sống mà ta đề cập ở trên.

Ngược lại với soi lại bản thân là hướng ngoại tìm cầu.Hướng ngoại tìm cầu là do trong lòng không được thỏa mãn, do trong lòng luôn bất an nên lao đi tìm kiếm bên ngoài để mong được thỏa mãn. Và để khoả lấp sự bất an đó từ sáng tới tối, từ lúc trẻ cho tới lúc già, chúng ta loay hoay tìm cách sắp đặt lại cuộc sống, tìm cách làm cho “cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”....
SOI LẠI BẢN THÂN LÀ NHƯ THẾ NÀO? Trích “Xá Lợi Toàn Thân - Bài Pháp Vô Ngôn”. Tác giả: Trần Đức.

Ngược lại với soi lại bản thân là hướng ngoại tìm cầu.

Hướng ngoại tìm cầu là do trong lòng không được thỏa mãn, do trong lòng luôn bất an nên lao đi tìm kiếm bên ngoài để mong được thỏa mãn. Và để khoả lấp sự bất an đó từ sáng tới tối, từ lúc trẻ cho tới lúc già, chúng ta loay hoay tìm cách sắp đặt lại cuộc sống, tìm cách làm cho “cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”. Rồi một ngày khi thần chết tìm đến chúng ta vẫn chưa hết loay hoay trong sự bất toàn. Đó là biểu hiện cho thân phận đầy bất hạnh của con người nói chung. Chúng ta dành cả đời vất vả long đong để tìm bình an, tìm giải thoát. Như thể ta tự đốt mình trong biển lửa những mong tìm kiếm sự mát mẻ an lành.

Biểu hiện có tính đại diện của hướng ngoại tìm cầu đó chính là dòng suy nghĩ không ngừng lưu chuyển trong đầu con người. Hay như đã nói trong phần trước, chúng ta bị dòng suy nghĩ không chủ đích đó chiếm hữu. Những suy nghĩ này sinh khởi từ tâm thức bất toàn và chính nó lại là nguồn nuôi dưỡng cho sự bất toàn ấy ngày càng lớn mạnh hơn.

Nhìn lại cuộc sống của chính mình, liệu chúng ta có thấy rõ điều này?

Tình trạng nan giải đó của con người được nhà thiền gọi chung là hướng ngoại tìm cầu. Là không thể ngồi yên, là người ở đây nhưng tâm ở chỗ khác. Là thân đang ở hiện tại nhưng tâm luôn hướng về tương lai hay là hoài niệm nơi quá khứ.

Ngược lại với hướng ngoại tìm cầu là thường soi lại bản thân. Soi lại bản thân là không chạy theo hướng ngoại tìm cầu, không bị cuốn theo dòng suy nghĩ miên man. Là thường soi chiếu, thường biết tâm mình.

Khởi điểm của soi lại bản thân chính là sự nhận ra bản thân thường bị hướng ngoại tìm cầu. Đó là bước khởi đầu của sự chuyển hướng của tâm thức. Vì trên thực tế con người thường không biết việc gì thực sự đang diễn ra nơi thân thể, nơi tâm trí ngay giây phút này. Những gì con người nhận ra chỉ là chút ký ức mờ nhạt của sự kiện đã xảy ra ở phút giây trước đó.

Điều này có đúng chăng?

Chỉ cần dừng việc đọc lại và nhận diện xem chuyện gì đang xảy ra với thân thể, tâm trí mình ngay lúc này?

Ta sẽ dừng được bao lâu trong sự nhận biết mà không vướng bận suy tư? Hay vừa nói “dừng lại” tức thì các suy nghĩ nổi lên và ta bị cuốn vào những suy tư diễn giải hay những phân tích vẩn vơ? Hay thậm chí không thể dừng lại vì muốn đọc xem câu tiếp theo là gì?

Bạn có muốn thử lại một lần nữa chăng?

***

Nhận ra tình trạng hiện thời của dòng tâm thức đang diễn ra nơi mình chính là điểm khởi đầu của hành trình trở về, của việc soi lại bản thân.

Hành trình này thực sự không đơn giản việc quán tính của dòng tâm trí cuồn cuộn tuôn chảy qua ta được tích tụ không biết tự bao giờ, mọi người vẫn nói sự tích tụ đó được cộng dồn trong “vô lượng kiếp”. Đó cũng chính là cái thường được gọi là nghiệp lực.

Ngay cả khi ta có mặt, ngay khi ta soi lại bản thân muôn nghiệp tan biến, ngay khi ta hướng ngoại tìm cầu muôn nghiệp sinh sôi.

Thông thường con người đi qua muôn kiếp nhân sinh mà chưa thực chạm tới điều này.

Trong Trung Bộ Kinh có ghi lại câu chuyện về kẻ sát nhân Ương Quật Ma La (Angulimala) vô cùng hung hãn, giết người vô số nên mọi người đều kinh hãi lánh xa. Một ngày nọ, khi hắn trong cơn điên loạn đi tìm người để sát hại thì bỗng một tu sĩ đang trên con đường phía trước, người đó chính là đức Phật. Ương Quật Ma La liền vung dao chạy đuổi theo, miệng hết lớn, “Tên kia hãy dừng lại” hắn vừa chạy vừa liên tục la lối. Đức Phật vẫn bước đi trong tĩnh lặng rồi ngài cất lời: “Này Ương Quật Ma La, ta đã dừng lại từ lâu, chỉ có ngươi là chưa dừng lại”. Câu nói thốt ra từ tầng sâu thẳm nhất nơi Đức Phật bất giác làm Ương Quật Ma La chết lặng.

Tâm trí quay cuồng của hắn vốn như thác lũ cuốn phăng mọi vật cản trên đường bỗng nhiên im bặt. Một cách vô thức hắn “không thể chấp nhận” được sự thật trước mắt rằng có một sự bình thản xuất hiện trước sự hung hãn vô độ này. Hắn càng “không thể hiểu” câu nói của Đức Phật rằng ngài đã dừng lại từ lâu còn hắn mới là kẻ mải miết với những bước chân chạy điên cuồng.

Bất giác tâm lăng xăng hướng ngoại của Ương Quật Ma La ngưng bặt, ánh sáng phản quan soi chiếu lại bỗng bừng lên. Tay cầm dao buông rơi, kể đại sát nhân Ương Quật Ma La quỳ sụp xuống quy y theo Phật và trở thành tôn giả Ương Quật Ma La. Chẳng bao lâu sau tôn giả Ương Quật Ma La đạt tới trạng thái giải thoát hoàn toàn.

Câu chuyện về sự thức tỉnh của ngài Ương Quật Ma La là được ghi lại trong Trung Bộ Kinh trở thành một trong những câu chuyện sinh động nhất được nhiều người biết đến sau này. Một kẻ giết người vô số bỗng xứng đáng đứng trong tăng đoàn của Phật. Một kẻ trầm luân tột cùng bỗng nhiên thức tỉnh hoàn toàn.

Như đã nói, ngộ đạo vốn không của riêng ai, vấn đề nằm ở chỗ ai là người soi lại bản thân.

Tuy vậy đó cũng chỉ là cách nói như thể dùng ngón tay để chỉ trăng. Sự thực là không hề có người nào ở đó để soi lại bản thân, cũng không có người nào ở đâu để thấy mình ngộ đạo. Vì không có người nào ở đó cả, không có một cái tôi ở đó để thực hiện điều này hay nhận lấy thành quả kia. Chỉ là nhất thể hiện bày và nhận ra chính mình.

 

  • Trích “Xá Lợi Toàn Thân - Bài Pháp Vô Ngôn”. Tác giả: Trần Đức. NXB. Dân Trí và Thiện Tri Thức phát hành, @2023

Bài viết liên quan