SỐNG VỚI TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ LÒNG TỪ BI - ĐỨC PHÁP VƯƠNG GYALWANG DRUPA

SỐNG VỚI TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ LÒNG TỪ BI

Đức Pháp Vương Gyalwang Drupa

-----o0o-----

“Lòng từ bi là kho báu bên trong mà mỗi chúng ta cần trân trọng bảo vệ. Hãy học cách ban tặng không do dự, cho đi không hối tiếc và chiến thắng trong cao thượng”- George SandNhiều người không dám yêu thương bản thân mình, họ cho rằng như vậy là ích kỷ và nhu nhược. Tuy nhiên, để thực hành lòng từ bi đối với người khác, trước tiên chúng ta phải biết yêu thương chính mình. Ở đây tôi...
SỐNG VỚI TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ LÒNG TỪ BI - ĐỨC PHÁP VƯƠNG GYALWANG DRUPA

“Lòng từ bi là kho báu bên trong mà mỗi chúng ta cần trân trọng bảo vệ. Hãy học cách ban tặng không do dự, cho đi không hối tiếc và chiến thắng trong cao thượng”

- George Sand

Nhiều người không dám yêu thương bản thân mình, họ cho rằng như vậy là ích kỷ và nhu nhược. Tuy nhiên, để thực hành lòng từ bi đối với người khác, trước tiên chúng ta phải biết yêu thương chính mình. Ở đây tôi không khuyên bạn nuông chiều bản ngã mà nên suy ngẫm về cuộc đời, về động cơ, về mục đích cuộc sống và biết trân trọng cuộc sống quý giá này. Khi đã hiểu bản thân, bạn sẽ nhận ra rằng tất cả mọi người cũng giống như mình. Hiểu biết này giúp bạn có thêm lý do chân chính để phát triển lòng từ bi với tất cả mọi người. Chỉ khi biết cách cải thiện cuộc sống của chính mình, bạn mới có thể giúp đỡ người khác. Đây là công việc đúng đắn và sáng tạo mà chúng ta cần làm ngay. Tôi thích gọi điều này là tâm chí thành. Bạn có thể trở thành một người tử tế và thành tâm, nhưng nếu không biết cách trân quý bản thân mình, sẽ rất khó để bạn có thể yêu thương kẻ khác.

“Con xứng đáng nhận được tình yêu thương như tất cả chúng sinh trên thế gian này”.

– Đức Phật

Tình yêu là gì? Khi ta hiểu và cảm nhận được tình yêu, cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp. Mọi người thường ngộ nhận tình yêu vị kỷ với tình yêu đích thực, lầm lần bản năng và ham muốn dục vọng trí tuệ và tình yêu thương chân thực. Khi biết chia sẻ, phát khởi lòng từ bi, chúng ta sẽ đối xử và giúp đỡ mọi người một cách chân thành vô điều kiện. Tôi tin rằng trong sâu thẳm tim mình, tất cả chúng ta đều có thể nhận ra đâu là tình yêu thương đích thực do đã từng trải nghiệm điều này không chỉ trong hiện đời mà còn từ nhiều kiếp trước.

Hãy nghĩ về những khoảnh khắc yêu thương chân thành vô vị kỷ mà bạn từng trải nghiệm trong đời, dù đó là món quà bạn nhận được từ bên ngoài hay tự mình dành tặng cho ai đó. Hãy sống lại ký ức này và bạn sẽ cảm nhận được sự ấm áp của tình yêu thương. Biết rộng mở trái tim kết nối lại với suối nguồn của tình yêu thương sẽ giúp bạn đón nhận thêm tình yêu và cảm hứng trong cuộc sống hiện tại.

Khi muốn lợi ích cho mọi người, ta cần phải sẽ chia với nhau. Trong thực hành Phật pháp, trước hết chúng ta phải có được sự an lạc rồi mới có thể mang lại hạnh phúc, an lạc cho mọi người. Đây chính là ý nghĩa của tình yêu. Tình yêu là sự sẻ chia: sẻ chia và ban tặng chính là thực hành yêu thương. Cùng với lòng từ bi được vun đắp, bạn sẽ nhận được nguồn an lạc lớn lao. Khi hạnh phúc, lòng nhân ái và sự ân cần đã nhậm vận hiển lộ, bạn có thể chia sẻ niềm vui, hạnh phúc tới tất cả mọi người.

Lòng từ bi

Tôi thường nghĩ rằng, trong thời đại ngày nay, từ “từ bi” nghe có vẻ đậm chất tín ngưỡng, nhưng tôi vẫn thích nói về đề tài này bởi vì từ bi là một điều thực sự cao đẹp. Từ bi là sự hiểu biết, là thấu hiểu hoàn toàn. Lòng từ bi là cha, là mẹ, là cốt tủy của giác ngộ. Đức Phật là hiện thân của lòng từ bi và tình yêu thương. Khi có từ bi, bạn sẽ cho người khác những thứ họ thực sự cần một cách vô điều kiện, hoàn toàn tự do mà không trông đợi bất kỳ sự đáp trả nào.

Tất cả các thiên hạnh đều xuất phát từ tâm từ bi. Đây là nền móng vững chắc để xây dựng các khái niệm về yêu thương, lòng tốt… tất cả mọi thứ đều xuất phát từ đó. Từ bi là cách cả vũ trụ này vận hành, cách con người làm việc và tình bạn gắn kết.

Để thực sự trưởng dưỡng được lòng từ bi, trước tiên bạn hãy vứt bỏ nhãn mác, những cách bạn định danh và đặt điều kiện cho mọi vấn đề. Đồng thời, nghĩ về những nhu cầu chân thật của mình một cách rõ ràng, minh bạch. Nếu nhận ra việc được là chính mình có ý nghĩa thực sự thế nào, bạn sẽ thấy vô cùng hạnh phúc. Đây là nền tảng để bạn tạo dựng tình yêu thương và tâm từ bi chân thật. Điều đó sẽ đem bạn lại cho bạn hạnh phúc tự do, món quà vĩ đại nhất ta có thể tự kiếm tìm trên đời và mang lại cho mọi người.

Trong một thời Pháp, có một học trò đã đặt cho tôi câu hỏi này: “Nếu con chăm sóc người khác, ai sẽ là người chăm sóc con?”. Anh ta lo lắng cho bản thân mình. Đây là một câu hỏi thú vị. Tuy nhiên, trên thực tế, cách tốt nhất để chăm sóc bản thân chính là chăm sóc người khác. Đó là chân lý nhưng chúng ta lại thấy khó khăn thực hiện và thậm chí khó có thể chấp nhận điều này. Chúng ta muốn tự tay chăm sóc chính mình. Đó là cách chúng ta nuôi dưỡng bản ngả, học cách tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Nhưng tiếc thay, đây lại không phải phương thức đúng đắn để phát triển chính mình và giúp đỡ mọi người. Cũng như tình yêu, cảm giác sợ hãi và dễ tổn thương là hoàn toàn tự nhiên. Sợ hãi là đồng minh của bản ngã, nó luôn muốn mọi thứ giữ nguyên trật tự, bất biến thay vì rộng mở đón chào điều mới mẻ bất ngờ. Dĩ nhiên, tâm lý sợ bị tổn thương được xây dựng trên thực tế là tương lai vốn không hề chắc chắn, song nếu chịu khó học hiểu và nhìn thấu tâm lý này, chúng ta sẽ không tự xây lên những rào chắn cản trở tình yêu thương đích thực đến với mình. Cách chúng ta nhìn và định nghĩa tình yêu phản chiếu một phần hình ảnh chính mình. Nhiều người tự kỷ ám thị rằng: “Tôi sẽ chẳng bao giờ tìm được tình yêu”, “Tôi luôn luôn bị khước từ”, “Tôi chỉ muốn được yêu thương”,… Đây là những khuôn mẫu định kiến mà bản ngã tạo ra để giam hãm tâm hồn. Cũng có khi chúng ta tìm thấy tình yêu nhưng lại lo sợ sẽ đánh mất hoặc nghĩ rằng nó không hoàn hảo. Sở dĩ có sự lo lắng này là vì chúng ta luôn cố gắng kiểm soát mọi thứ. Khi bị kiểm soát, đó không còn là tình yêu thương đích thực nữa. Tình yêu thương là sự tự do và biết đón nhận mọi điều xảy ra!

Tình yêu thương và sự tôn trọng

Khi chúng ta tôn trọng lẫn nhau, tình thương sẽ tự đơm hoa kết trái. Đối với tôi, đây là trái ngọt của sự thực hành tâm linh. Ngày nay, con người không muốn trưởng dưỡng tình yêu thương và sự tôn trọng. Trong xã hội vị kỷ, chỉ vì chút lợi ích trước mắt, trong nháy mắt người ta có thể tàn phá những cánh rừng đã tồn tại nhiều thập kỷ, thậm chí nhiều thế kỷ. Chúng ta chăn nuôi và sát hại gia súc hàng loạt để thoải mãn sự khoái khẩu nhất thời. Chúng ta quen lạm dụng chúng sinh khác để đạt được mục đích của mình. Loài người được dạy cách sống ích kỷ, sợ hãi thua thiệt và hướng toàn tâm ý vào sự chiếm hữu, hưởng thụ của cải vật chất.

Thiền định và quán chiếu giúp chúng ta đối trị những cảm xúc này và từng bước nuôi dưỡng tâm vô ngã. Tôi không nghĩ rằng nhiều người thực sự cảm thấy thoải mái với những gì đang diễn ra. Sẽ chẳng hay ho gì khi bạn tiến lên phía trước bằng cách chà đạp lên người khác nhưng đôi khi chúng ta chẳng biết làm gì khác. Bằng cách trưởng dưỡng tâm từ bi, bạn sẽ có được niềm tin để tìm ra một con đường, bạn hiểu rằng những khoảnh khắc hành động với tình yêu thương và sự tôn trọng đáng giá hơn nhiều việc tranh giành ngôi vị số một trái với luân thường đạo lý và các giá trị từ bi – trí tuệ vốn sẵn có nơi tự tánh Phật của mỗi người.

Tình yêu thương có ý nghĩa gì đối với bạn?

Bạn hãy khám phá các cung bậc cảm xúc xung quanh hai chữ “tình yêu”. Có người hạnh phúc, có người buồn khổ và nuối tiếc. Bạn không nên bị trầm chìm trong những khổ đau bất hạnh mà nên chấp nhận nó và cho phép mình bước ra khỏi những thói quen cũ kỹ cảu cảm xúc tiêu cực. Bất cứ việc gì đều có thể xảy ra ngay hôm nay hoặc ngày mai. Vậy, đừng tự “dán nhãn” bản thân và đánh mất niềm tin, hãy rút ra bài học sau mỗi thất bại rồi tự cho mình cơ hội để hàn gắn vết thương.

Bậc Thượng sư, nhà triết học Phật giáo Nagarjuna (Long Thọ) ví lòng bi mẫn cũng giống như “nước đối với công việc đồng áng”. Nước rất cần thiết từ lúc gieo hạt, ươm cây trưởng thành cho đến khi thu hoạch. Cũng như vậy, tiến trình tình yêu thương và lòng bi mẫn là hành trang quý giá nâng đỡ cho ta từ bước khởi đầu đến điểm đến giác ngộ cuối cùng của hành trình tâm linh siêu việt.

Mỗi chúng ta tùy theo tâm nguyện, lý tưởng, mục tiêu sẽ chọn một lối đi trên đường đời. Điều quan trọng con đường đó phải là hành trình của lòng từ bi. Những gì chúng ta nói và làm đều phải xuất phát từ tình yêu thương và lòng bi mẫn thay vì từ động cơ bản ngã tự kỷ. Tất cả những ý tưởng của cuốn sách này không có mục đích nào khác ngoài việc truyền cho bạn niềm cảm hứng để trưởng dưỡng, đồng thời thực hành tâm từ bi trong đời sống. Nghe thì đơn giản, nhưng để thực sự trải nghiệm và thành tựu điều này lại không hề dễ dàng. Trên thực tế, không có vị Phật nào thành tựu chứng ngộ mà không trải qua quá trình tu tập rèn luyện công phu miên mật. Chúng ta cần cố gắng thực hành đều đặn, mỗi ngày một chút, kể cả đối với những hành giả ở mức độ sơ cơ ban đầu.

Nếu muốn, bạn có thể mang lại hòa hợp, an lạc, hiểu biết và giác ngộ cho thế giới này. Giác ngộ nghe có vẻ hơi xa vời nhưng bạn vẫn có thể chia sẻ tình cảm ấm áp với mọi người. Khi có hiểu biết, ta sẽ trở nên cởi mở và linh hoạt. Trên thực tế, có những người mà sự hiện diện của họ luôn mang lại cho chúng ta cảm giác gần gũi, bình an, ấm cúng. Ngược lại, chúng ta cũng thường né tránh những người lạnh lừng, ích kỷ, thiển cận, không có đủ lòng can đảm để yêu thương chính mình và vì thế cũng chẳng có gì để chia sẻ với mọi người.

Nếu chưa biết cách nhìn nhận cuộc sống với tâm từ bi, bạn hãy sớm học lấy điều này. Chúng ta không nên bị mắc kẹt với tư duy cũ kỹ, bởi bản chất cuộc sống là vô thường, luôn ẩn tàng bao cơ hội thực hành và bài pháp tốt đẹp. Chúng ta có khả năng thay đổi bản thân, thay đổi suy nghĩ, thái độ của mình. Đây là những điều tuyệt vời mà chúng ta nên làm để có thể trải nghiệm niềm hạnh phúc, tự do vững bền và chân thật.

Tất cả chúng ta đều có một quỹ thời gian như nhau trên trái đất này. Gây khổ đau hay động viên, mang lại hạnh phúc cho nhau đều là sự lựa chọn của chúng ta. Cuộc sống đôi khi thật căng thẳng và khó khăn. Vì thế, hãy biết vượt qua các khác biệt về văn hóa, tôn giáo hay màu da để cùng mở rộng lòng, ban trải tình thương yêu và truyền cảm hứng khích lệ lẫn nhau. Một vài người tôi gặp dường như tin rằng họ không thể làm như vậy, rằng họ không đủ khả năng. Họ so sánh mình với người khác, nghĩ rằng mình kém cỏi, tiêu cực và vô vọng. Họ bị thoái chí vì không có niềm tin và hiểu biết đúng đắn.

Suy nghĩ rằng chúng ta không thể thay đổi là sai lầm. Chúng ta sẽ không thể tiến xa nếu tự hạ thấp mình. Dù có thể không biết hết mọi thứ nhưng chúng ta cần lạc quan và tự động viên mình. Tại sao lại không thể? Đây là thái độ cần thiết. Nếu thực sự giác ngộ nằm ngoài tầm tay thì chúng ta sẽ chẳng bận tâm. Nhưng sự thật là thẳm sâu trong tim, chúng ta biết mình có tiềm năng đó. Trong cuộc sống, hẳn bạn từng cảm nhận được những khoảnh khắc cho dù ngắn ngủi của sự thăng hoa, của hiểu biết vẹn toàn và chân hạnh phúc. Giờ là lúc ta rộng mở trái tim để chào đón lại những khoảnh khắc đó và nhận ra rằng mang lại hạnh phúc cho người khác chính là kiến tạo hạnh phúc cho bản thân. Khi tỉnh thức, giữ chính niệm trong phút giây hiện tại, ta cùng hòa chung nhịp đập với thế giới quanh mình. Cuộc sống trở nên an hòa khi ta nhận ra mọi thứ về bản chất đều vô thường, không ngừng chảy trôi biến dịch. Hiểu biết đó sẽ giúp ta xả bỏ và nhẹ bước tiến lên trên hành trình tâm linh của mình.

“Chư Phật đạt được Quả vị Phật vì các Ngài luôn không ngừng yêu thương, giúp đỡ mọi người và tất cả chúng sinh”.

Luận giải Bồ đề hạnh của Đức Shantideva

-----o0o-----

Trích Giác Ngộ Mỗi Ngày

Tác giả: Đức Pháp Vương Gyalwang Drupa

Nhà xuất bản Hồng Đức, năm in 2019

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan