SỰ BẤT KHẢ PHÂN CỦA TƯỚNG VÀ TÂM - Khenchen Konchog Gyaltshen

SỰ BẤT KHẢ PHÂN CỦA TƯỚNG VÀ TÂM

-Khenchen Konchog Gyaltshen

-----o0o-----

Khi bạn nhìn điều gì đó, hãy nhìn tâm liên tục và nhìn những gì bạn thấy trong tâm. Đâu là sự khác biệt giữa chúng? Nếu bạn thấy một bông hoa tuyệt đẹp phản chiếu trong tâm bạn, hãy khảo sát hình ảnh của đóa hoa trong tâm bạn, và bản thân tâm thức. Các sự xuất hiện không xuất hiện hay an trụ ngoài tâm.
SỰ BẤT KHẢ PHÂN CỦA TƯỚNG VÀ TÂM - Khenchen Konchog Gyaltshen

"Sự bất khả phân của hình tướng và tâm thức như giấc mộng đêm qua.

Nó có bốn đặc tính và là sự hợp nhất của hình tướng và tánh Không.

Nó không thể được nói là một vật hay hai.

Đây là lời khuyên tâm huyết của tôi”.

Bài kệ này giải thích bản tánh của tâm theo một cách khác biệt. Trong câu kệ cuối, tâm và tư tưởng khái niệm được giảng dạy như bất khả phân. Ở đây, sự bất khả phân có liên quan với những đối tượng vật lý và với tâm phóng chiếu hình tướng của chúng. Thường thì ta tri giác và tin tưởng vào tất cả những điều này bao quanh ta. Bởi tâm và các đối tượng xuất hiện là “thật có,” ta sống trong một trạng thái nhị nguyên. Nhưng khi ta hiểu chân tánh của tâm, ta thấy rằng tâm tạo dựng-mọi sự như một nhà huyền thuật. Sinh tử chỉ là một trạng thái của tâm và niết bàn cũng là một trạng thái của tâm. Khi ta thấu hiểu điều này, thật dễ nhận ra rằng mọi sự xuất hiện chỉ là một phóng chiếu của tâm.

Khi bạn nhìn điều gì đó, hãy nhìn tâm liên tục và nhìn những gì bạn thấy trong tâm. Đâu là sự khác biệt giữa chúng? Nếu bạn thấy một bông hoa tuyệt đẹp phản chiếu trong tâm bạn, hãy khảo sát hình ảnh của đóa hoa trong tâm bạn, và bản thân tâm thức. Các sự xuất hiện không xuất hiện hay an trụ ngoài tâm.

Giấc mộng đêm qua là ví dụ được đưa ra trong bài kệ này. Hãy giả sử rằng trong một giấc mộng bạn đi tới một nơi tuyệt đẹp, một xứ sở với những ao hồ, bông hoa, và bãi cỏ xanh. Bạn rất an bình và thư thản ở nơi đó. Bạn gặp các bạn hữu và gia đình ở đó, và mọi người đều vui vẻ. Khi bạn thức dậy, mặc dù họ có thể an trụ sống động trong tâm, nhưng mọi điều này chỉ là một hồi ức. Những điều này hiện diện ở đâu? Chúng ở trong tâm hay bên ngoài? Làm sao chiếc hồ lớn này có thể phù hợp với căn phòng của bạn? Mọi sự ta thấy “bên ngoài” chỉ là phóng chiếu của tâm ta. Không nhận ra điều này, ta phóng chiếu các đối tượng và nhận thức các phóng chiếu như các sự vật hiện hữu một cách độc lập. Sau đó ta cố gắng bám chấp vào chúng một cách vô ích. Hãy xem điều này gây nên bao nhiêu đau khổ! Khi ta biết rằngmọi sự là một phóng chiếu của tâm, ta có thể thư thản và thoát khỏi sự tham luyến và thù ghét.

Đôi khi ta khó hiểu được làm thế nào một vật như chiếc bàn cứng chắc thực sự chỉ là tâm ta. Một câu chuyện từ cuộc đời của Đức Milarepa có thể giúp ta hiểu rõ:

Có một lần, hai nhà luận lý đến tranh luận với Milarepa. Milarepa nói: “Tôi đã giải quyết mọi câu hỏi của tôi. Tôi không còn gì chưa giải quyết để thảo luận với quý vị”. Nhưng các nhà luận lý cứ khăng khăng: “Ngài biết ai thực sự giải quyết xong cuộc tranh luận? Hoặc ngài phải đặt câu hỏi và chúng tôi sẽ trả lời, hoặc chúng tôi sẽ đặt câu hỏi và ngài phải trả lời”. Khi ấy Milarepa động lòng và nói: “Nếu quý vị thực sự không nghe tôi, bây giờ tôi sẽ hỏi quý vị một câu xem câu trả lời của ai rành mạch đối với mọi người: Không gian có chất thể hay không?”.

Câu hỏi rất đơn giản này khiến các nhà luận lý lúng túng. Họ không trông chờ ngài hỏi một câu như thế. “Làm thế nào ngài có thể hỏi một câu như thế?” họ đáp lại. “Rõ ràng là không gian không có thực”. Bởi Milarepa đã chứng ngộ và thành tựu trong thực hành Đại Ấn, ngài nhập định như-kim cương và đi tới đi lui trong không gian. Sau đó ngài ngồi xuống trong không gian và thiền định. Milarepa yêu cầu các nhà luận lý di chuyển, nhưng họ chẳng thể chuyển động được. Như thể họ bị giam giữ giữa những tảng đá lớn. Milarepa xuất định và hỏi họ: “Bây giờ quý vị nghĩ gì?” Các nhà luận lý tuyên bố rằng điều này chỉ là một trò bịp bợm của huyền thuật. Milarepa la lên: “Nhưng chính quý vị thấy rằng quý vị không thể di chuyển!”.

Sau đó Milarepa hỏi một câu thứ hai: “Những bức tường đá của hang động này có thật không?”. Các nhà luận lý thảo luận điều này và kết luận rằng tảng đá quả là có thật. Sau đó Milarepa đi vào thiền định như-không gian và đi tới đi lui qua những bức tường của hang động. Ngài nhấc tảng đá khổng lồ lên và ném nó về phía những người khách, nhưng họ không cảm thấy gì hết.

Đối với chúng ta, là những người chưa hoàn tất trong thiền định, những câu chuyện này có thể ích lợi. Nếu không, khó thấy được làm thế nào một chiếc bàn có thể chỉ là một phóng chiếu trong tâm.

Căn nhà nhỏ của Đức Gampopa chỉ có thể chứa khoảng năm người. Có một lần thiền giả Loten tới để thực hiện một lễ cúng dường, và thị giả của Gampopa cho phép ông đi vào và đích thân cúng dường. Khi Loten xuất hiện từ căn nhà, ông hỏi: “Ai xây pho tượng Quán Âm ngàn tay khổng lồ đó? Nó tuyệt đẹp và đầy cảm hứng! Nhưng Đạo sư sống ở đâu?”. Vị thị giả đưa ông vào trong, và lúc này không có pho tượng nào được nhìn thấy, chỉ còn Đạo sư. Pho tượng lớn như ngọn núi Takla Gampo, nhưng nó phù hợp với căn nhà nhỏ của Đạo sư! Điều này cũng minh họa những gì có thể được biểu thị bởi người có tâm hoàn hảo.

Có một ví dụ đơn giản có thể làm sáng tỏ điều này cho bạn. Khi bạn kết bạn với ai, bạn thấy rằng người đó tuyệt đẹp và hoàn hảo và các bạn yêu mến nhau rất nhiều. Cho dù người đó làm gì, bạn nhìn nó thật vui thích. Cho dù người đó phạm một lỗi lầm, bạn chấp nhận vô điều kiện và rất bảo vệ người đó. Tuy nhiên, sau vài năm trôi qua, các điều kiện có thể thay đổi bởi một bất đồng. Sau đó các bạn không chấp nhận nhau nữa, và tình huống xấu hơn. Phóng chiếu trong tâm của bạn về người đó hoàn toàn thay đổi. Cho dù người đó có làm những điều tốt lành, bạn cũng nói họ ngu si, và thấy bất kỳ điều gì họ làm là tiêu cực hay bất lợi. Điều này biểu thị mọi sự là một phóng chiếu trong tâm thức.

Bốn đặc tính của các hiện tượng được đề cập ở đây là:

1. Các hiện tượng thông thường vốn không hiện hữu;

2. Chúng có uy lực, hay có khả năng thực hiện một chức năng;

3. Chúng cũng được thấu hiểu một cách tương tự bởi ý thức của những người trong cộng đồng;

4. Chúng hiện diện bởi phương tiện của sự tương thuộc của nhiều nhân và duyên.

Nếu ta nghiên cứu cẩn trọng, các hiện tượng không hiện hữu một cách độc lập. Cho dù ta làm một tách trà, tách trà đó xuất hiện qua nhiều nhân và duyên. Không có tách trà “thực sự”. Ở đây, uy lực có nghĩa là điều gì đó có khả năng thực hiện một chức năng. Tách trà có thể làm hết khát. Cũng thế, mọi người xung quanh có thể nhận thức tách trà đó. Tuy nhiên, không có sự tương thuộc của nước, bếp lò, ấm pha trà, lá trà, những người chủ trại làm trà phát triển, các tách trà v.v.. thì sẽ không có trà. Mọi hiện tượng tương đối có bốn đặc tính này.

Câu chuyện này có thể giúp ta hiểu rõ bốn đặc tính của các hiện tượng:

Một trăm con khỉ gặp một cái giếng. Chúng nhìn vào, thấy phản chiếu của mặt trăng, và trở nên lo lắng: “Mặt trăng đã rơi xuống chiếc giếng này!”, “Chúng ta phải kéo mặt trăng ra và trả nó về đúng chỗ của nó”. Cùng chia sẻ sự mê lầm là mặt trăng đã bị rơi xuống giếng, chúng quyết định giải cứu nó.

Một con khỉ bám chặt cành của một chiếc cây, và tất cả những con khỉ khác giữ chân hay đuôi của con khỉ ở phía trên, vì thế làm thành một chuỗi dài những con khỉ. Nhưng nhánh cây gãy và tất cả chúng rơi xuống giếng. Sau đó chúng nhìn lên và thấy mặt trăng ở phía sau trong bầu trời. “Chúng ta đã làm điều đó!”, chúng tán thán. “Mặc dù ta sẽ chết ở đây, chúng ta đã sửa sang trái đất và đặt lại mọi sự vào đúng chỗ của chúng”.

Bởi tất cả những con khỉ đó đã nhìn thấy cùng một sự việc, ta có thể nói rằng hiện tượng được tất cả những con khỉ đó hiểu rõ. Nhưng sự phản chiếu trong cái giếng thì tương thuộc - cả mặt trăng trong bầu trời và nước trong giếng đều cần thiết để sự phản chiếu xuất hiện. Nếu không có mặt trăng, chỉ một mình nước không thể phản chiếu bất kỳ điều gì. Và nếu không có nước, mặt trăng không thể bị phản chiếu.

Sự hợp nhất của hình tướng và tánh Không ám chỉ sự bất nhị của hình tướng và tánh Không. Mặc dù các hiện tượng xuất hiện, bản tánh của chúng là tánh Không, và chính tánh Không xuất hiện như hình tướng. Không thể nói chúng là một vật hay hai. Sự hợp nhất của hình tướng và tánh Không chỉ có thể được kinh nghiệm trực tiếp bởi một Bồ Tát ít nhất đã đạt được địa thứ tám. Trong Kim cương thừa, khái niệm này tượng trưng bởi những nhân vật nam và nữ hiển lộ trong sự hợp nhất.

Mọi hiện tượng của sinh tử và niết bàn được bao gồm trong Đại Ấn. Chẳng hạn, giống như một hạt mè ngập tràn chất dầu, mía đường tràn ngập vị ngọt, một bông hoa tràn ngập hương thơm, và sữa ngập tràn chất béo, Đại Ấn tràn ngập khắp mọi chúng sinh. Đại Ấn như không gian, vô sanh tự nguyên thủy. Ta có thể nghĩ những hiện tượng này—những hình thức khác nhau v.v..—không phải là Đại Ấn. Nhưng trong thực tế mọi hiện tượng bên ngoài chẳng hạn như đất, đá, núi, cây cối, rừng, bụi rậm, đàn ông, đàn bà, v.v..—toàn bộ thế giới bên ngoài và bên trong mà ta nhìn thấy—chỉ là những hậu quả của những xu hướng bắt rễ sâu xa của ta. Hãy nhớ trích dẫn trong bài ca kim cương Đáng để Chiêm ngưỡng, của Nagarjuna:

Khi các xu hướng xuất hiện, những hạt giống của các xu hướng xa rộng hơn được gieo trồng.

Nhờ những xu hướng được tích tập này, những mầm chồi-sinh tử được phát triển.

Cũng thế, Đức Jigten Sumgön tôn quý đã nói: “Mặc dù những truyền thống khác nhau kết luận rằng hoặc tâm hoặc thân lang thang trong sinh tử, tôi không giữ một quan điểm đặc biệt trong đó. Nhưng tôi sẽ nói rằng các nhân và duyên khởi sinh thành tư tưởng khái niệm. Do bởi điều đó, các xu hướng hiện thân lang thang [trong sinh tử]”.

Một ảo ảnh, một phô diễn kỳ diệu, một giấc mộng, một thành phố của Càn thát bà, một ảo tưởng: tất cả những điều này là những ví dụ hoàn hảo về các hiện tượng có thể được nhìn thấy nhưng ta biết là không hiện hữu. Cùng cách thế đó, khi ta đã hoàn toàn tịnh hóa các xu hướng sinh tử của ta, mọi nhận thức sai lầm của ta tan biến vào không gian của Đại Ấn. Chân tánh của phiền não là trí tuệ nguyên sơ, nhưng nếu ta không thấu hiểu điều này, ta không thể nói rằng phiền não đó là trí tuệ. Tuy nhiên, thời điểm mà ta hiểu rõ những phiền não không hiện hữu, tự nó là trí tuệ nguyên sơ. Ta không thể tìm thấy trí tuệ tách khỏi những phiền não. Do bởi điều này, sinh tử và niết bàn được cho là bất nhị. Đây là những giáo lý vô cùng sâu xa. Ta sẽ phải thực hiện nhiều nỗ lực để tự thân chứng ngộ những điều đó.

Những trích dẫn sau đây từ Tâm Yếu của các Giáo lý Đại Thừa thì tuyệt đẹp và khiến ta dễ dàng hiểu biết bản chất của thực tại, tính chất bất khả phân của hình tướng và tánh Không. Hãy đọc chúng một cách cẩn trọng và đưa chúng vào thực hành.

Mọi sự tỉnh giác, trong trẻo và kinh nghiệm mà ta có được về các hiện tượng của sinh tử và niết bàn là do bởi sự nhận thức về chúng như vô sinh, trống không và vô ngã. Kinh Đèn Trăng nói:

Bất kỳ điều gì xuất hiện từ những duyên không xuất hiện;

Những việc như thế không có bản chất-thực tại của sự xuất hiện.

Bất kỳ điều gì tùy thuộc vào các điều kiện (duyên) là tánh Không.

Thấu hiểu tánh Không là tận tâm. Và từ Mật điển của Tinh túy Bí mật Bất nhị, Hoàn toàn Chiến thắng:

Bí mật của mọi chư Phật toàn hảo là những hiện tượng phi thường, tráng lệ, đáng ngạc nhiên này luôn luôn xuất hiện từ sự không xuất hiện.

Sự không xuất hiện của chúng thì ở trong chính yếu tố mà chúng xuất hiện. Vì sao điều này như thế? Đó là bởi, khi đã chứng ngộ là tâm/không-tâm, thân/không-thân, sự xuất hiện/không-xuất hiện, mọi hiện tượng của sinh tử và niết bàn được nhận ra là xuất hiện như các cặp ôm chầm bất nhị, ngừng dứt như những cặp ôm chầm bất nhị, và an trú như những cặp ôm chầm bất nhị, và vì thế đó là hành vi cặp ôm chầm bất nhị. Kinh Thiền định Vương nói:

Đã tới lúc để vũ trụ hữu hình xuất hiện,

và là lúc để mọi thế giới trở về không gian,

Nó luôn luôn như thế, và nó sẽ luôn luôn như thế -

hãy biết rằng mọi hiện tượng thì giống y như thế.

Giống như các mạn đà la của những đám mây có thể lập tức

xuất hiện trong một bầu trời không mây,

bất kỳ điều gì xuất hiện từ vô thủy sẽ luôn luôn trở lại –

hãy biết rằng mọi hiện tượng thì y như thế.

Giống như nhiều bọt nước xuất hiện bất ngờ

được một người đang nổi lềnh bềnh trong một con sông nhìn thấy

không có bất kỳ bản chất nào trong cuộc điều tra –

hãy biết rằng mọi hiện tượng thì y như thế.

Giống như mặt trăng, mọc trong một bầu trời trong xanh

xuất hiện phản chiếu trong một cái hồ trong trẻo

nhưng không có chuyển động của mặt trăng vào nước –

hãy biết rằng mọi hiện tượng thì y như thế.

Giống như những người sống trong những vùng núi non

nghe ca hát, trò chuyện, cười, và kêu khóc

vang dội từ những tảng đá, nhưng không nhìn thấy ai –

hãy biết rằng mọi hiện tượng thì y như thế.

Giống như chỉ có những người thật non nớt

vẫn biết ơn sự khát khao của họ sau khi thức dậy

để tìm kiếm người thân yêu trong giấc mộng đã biến mất-

hãy biết rằng mọi hiện tượng thì y như thế.

Giống như các nhà huyễn thuật biết rằng

những hình tướng huyễn hóa khác nhau không thật có

ngựa, voi, và những cỗ xe mà họ tạo lập-

hãy biết rằng mọi hiện tượng thì y như thế.

Giống như một người bị tác động mạnh vì đói khát

nhìn những vũng nước trong những ảo vọng

khi đi bộ vào giữa buổi trưa mùa hạ -

hãy biết rằng mọi hiện tượng thì y như thế.

Giống như một thiếu nữ nhìn thấy mình trong một giấc mộng

hạ sinh một đứa trẻ, sau đó nó chết

thì hạnh phúc khi đứa trẻ sinh ra và đau buồn khi nó chết-

hãy biết rằng mọi hiện tượng thì y như thế.

Như thành phố tưởng tượng của các Càn thát bà,

như một ảo tưởng, như một giấc mộng.

những điều thuộc khái niệm trống không thực thể-

hãy biết rằng mọi hiện tượng thì y như thế.

-----o0o-----

Trích: Một Hướng Dẫn Đầy Đủ Về Con Đường Phật Pháp

Tác Giả: Khenchen Konchog Gyaltshen

Dịch Giả: Khenmo Trinlay Chodron Hiệu Đính, Thanh Liên dịch sang Việt ngữ

NXB: Tủ Sách Liên Hoa Sanh

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan