TÂM CHỜI ĐÙA - THINLEY NORBU – SỰ NHẢY MÚA ẢO DIỆU

TÂM CHỜI ĐÙA

THINLEY NORBU – SỰ NHẢY MÚA ẢO DIỆU

-----o0o-----

Sự chơi đùa của một người này là sự nghiêm trọng của người khác và sự nghiêm trọng của người này là sự chơi đùa của người khác. Với người lớn, những thanh niên có vẻ chơi đùa, nhưng với thanh niên, những hiện tượng của họ là nghiêm trọng.
TÂM CHỜI ĐÙA - THINLEY NORBU – SỰ NHẢY MÚA ẢO DIỆU

THINLEY NORBU (1931-2011) là một vị Thầy hiện đại nổi bật trong dòng truyền thừa Nyingma. Là con trai cả của Dudjom Rinpoche, Ngài được đào tạo ở Tây Tạng và trở thành người giữ dòng truyền thừa Dudjom Tersar chính. Được công nhận là một hóa thân của Tulku Trimé Özer, một trong bảy người con của Dudjom Lingpa, ông cũng được coi là một hóa thân của Longchenpa. Sau khi sống ở Bhutan, cuối cùng ông định cư ở New York (Mỹ) nơi ông thu nhận đệ tử. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách bằng tiếng Anh. Trong số những người con của ông là Dzongsar Khyentse Rinpoche và Dungse Garab Rinpoche.

-----o0o-----

Sự chơi đùa của một người này là sự nghiêm trọng của người khác và sự nghiêm trọng của người này là sự chơi đùa của người khác. Với người lớn, những thanh niên có vẻ chơi đùa, nhưng với thanh niên, những hiện tượng của họ là nghiêm trọng. Với thanh niên, trẻ em có vẻ chơi đùa, nhưng với trẻ em, những hiện tượng của họ là nghiêm trọng. Sở dĩ như vậy vì trong vô số đời trước, mọi chúng sanh mê lầm với tâm phân chia đã tách lìa những hiện tượng thành những nguyên tố thô và tế, nghĩ rằng trò chơi của họ là nghiêm trọng vì tin nó là thật.

Khi trẻ em chưa lớn và không thể nối kết tâm thức nguyên tố vi tế với những đồ chơi nguyên tố thô của chúng, những món đồ chơi đó trở thành nghiêm trọng. Nếu chúng không thể hiểu sự việc vận hành như thế nào, chúng phát triển một thói quen tức giận thất vọng mà chúng đem theo vào cuộc đời trưởng thành, thay đổi đối tượng của sự thất vọng từ một đồ chơi sang một người. Nếu từ khi sinh ra chứng đã nhận biết rằng trò chơi là chơi đùa chứ không nghiêm trọng, rằng thô và tế là không thể tách lìa, thì dù trẻ em hay người lớn cũng không bao giờ có thất vọng hay tức giận.

Tách lìa luôn luôn là nguyên nhân của thất vọng. Giữa cha mẹ và con cái, bạn và bạn, chồng và vợ, hay thầy và trò, khi chúng ta không thể nối kết với nhau bởi vì thói quen trước kia cứ phân chia chủ thể khỏi đối tượng và thô khỏi tế, mới có thất vọng và tức giận từ đó. Khi chúng ta cảm thấy sự thất vọng và tức giận này chúng ta phải xua tan nó, không phải bằng cách phân chia thêm nữa đối tượng của sự tức giận thất vọng của mình, mà bằng cách thực hành Pháp và bằng thiền định.

Dù không thiền định hay dùng bất kỳ quan niệm Pháp nào, những phẩm tánh tâm linh vẫn hiện hữu từ nguyên thủy. Năng lượng tâm linh thì giống như một khu rừng tự nhiên non trẻ có thể bị cháy tiêu bởi tức giận thất vọng. Như lửa, khi tức giận thất vọng lớn dần, năng lượng tâm linh thanh nhẹ giảm đi như khói. Lửa cháy xong, cả hai năng lượng nguyên tố thô và năng lượng nguyên tố vi tế đều cạn kiệt và chỉ còn lại tro xám của sự buồn rầu trống rỗng. Bấy giờ, thiếu sự nâng đỡ từ những nguyên tố thô của thế giới và từ những nguyên tố tế bên trong, tâm thức chúng ta trở nên yếu ớt và buồn rầu.

Nhưng qua trò chơi, năng lượng tâm linh có thể được duy trì, thế nên chúng ta chớ nghĩ rằng trò chơi luôn luôn là xấu. Dù tâm thức trưởng thành cứng cỏi của chúng ta từ chối trò chơi hay không, mọi sự vẫn là sự phô diễn chơi đùa của tinh túy bí mật tự nhiên của những nguyên tố. Nếu chúng ta nghiêm trọng và cứng cỏi, những nguyên tố vi tế của chúng ta trở nên tắc nghẽn và không thể phản chiếu sự phô diễn trí huệ này. Nếu tâm thức chúng ta an bình, bao la và chơi đùa, không bao giờ có nhiễu loạn giữa những nguyên tố thô và tế.

Khi chúng ta nghiên cứu, nếu chúng ta có một tâm chơi đùa rộng mở, chúng ta có thể hấp thụ điều chúng ta nghiên cứu. Tính mềm dẻo đến từ tâm chơi đùa, thế nên khi tâm chúng ta rỗng rang chúng ta có thể chấp nhận điều được dạy cho chúng ta. Với một tâm nghiêm trọng cứng cỏi, chúng ta không thể học bởi vì tâm ta siết chặt và mất quân bình. Tâm nghiêm trọng của chúng ta thì luôn luôn mệt mỏi, còn tâm chơi đùa của chúng ta thì luôn luôn nghỉ ngơi. Khi không có không gian và nghỉ ngơi, bất cứ cái gì chúng ta học đều bị giới hạn.

Khi chúng ta làm việc, nếu chúng ta có tâm vui đùa rộng mở, chúng ta sẽ không sợ hãi mất mát cái gì, thế nên chúng ta có thể làm việc liên tục cho đến khi đạt được mục đích. Với sự tự tin đến từ tâm chơi đùa, chúng ta không bao giờ ngần ngại và không lầm lỗi. Nghi ngờ và do dự đến từ một tâm quá nghiêm trọng cứng cỏi. Khi chúng ta có sợ hãi hay ngần ngại, sự thích thú công việc của chúng ta giảm sút và chúng ta trở nên lười biếng và yếu ớt, mất tự tin. Nếu chúng ta không có tự tin, bất cứ thứ gì chúng ta làm, bất cứ điều gì chúng ta nói, đều chẳng nhằm. Bởi vì tâm thức chúng ta phân tán và sợ hãi ngần ngại, sự tập trung biến mất. Nếu chúng ta không có tập trung, chúng ta không thể thâm nhập mục tiêu vì tâm thức chúng ta luôn luôn mắc kẹt trước khi đến đích. Khi chúng ta biết rằng chúng ta đã trật đích, chúng ta chán nản thất vọng. Tâm thức chúng ta thậm chí còn hẹp hòi hơn, bất ổn và dễ vỡ hơn do sự thất vọng này và mọi sự lạc mất trong hoàn cảnh sống của chúng ta.

Không có tâm chơi đùa, cho dù chúng ta thấy những vật đẹp đẽ, chúng ta không thể tiếp xúc với chúng bởi vì chúng ta có những sợ hãi và trật đích do thiếu tự tin. Dù chúng ta đọc, chúng ta không thể hấp thụ nghĩa bởi vì chúng ta có những sợ hãi và trật đích do thiếu tự tin. Dù chúng ta được bạn bè chiêu đãi, dư vị không còn bởi vì chúng ta có những sợ hãi và trật đích do thiếu tự tin. Dù chúng ta tìm kiếm sự đồng thuận của những người tâm hồn khoáng đạt, họ không thể tin chúng ta hay nói với chúng ta khi tâm thức cứng cỏi của chúng ta quá nhỏ hẹp bởi vì chúng ta có những sợ hãi và trật đích do thiếu tự tin.

Nếu chúng ta muốn tranh đấu với ai đó, chúng ta không thể chiến thắng khi tâm thức chúng ta quá nghiêm trọng và hạn hẹp. Thậm chí nếu chúng ta gào thét và đá, nếu tâm thức chúng ta cứng nhắc chúng ta cũng không có năng lực. Tâm thức chúng ta phân tán và bị kích thích vì căng thẳng, không thể đi vào mục tiêu của nó. Trong một cuộc tranh luận, lý luận trở nên hỗn loạn trong một tâm thức cứng nhắc, đặc nghẹt bởi vì những tư tưởng bị phân tán và không có không gian rỗng rang cho tâm thức có thể chuyển động. Thế nên nếu chúng ta quá nghiêm trọng và căng thẳng, chúng ta sẽ luôn luôn bị đối thủ đánh bại, kẻ ấy có một tâm thức thư giãn hơn và hiểu rằng tự tin luôn luôn bị mất vì thần kinh kích động.

Nếu chúng ta có tâm thức chơi đùa, chúng ta có thể thấy bằng thiền định rằng mọi hiện tượng đều giống như huyễn thuật. Bất cứ chỗ nào chúng ta đến, chúng ta đều thấy dễ chịu, thích hợp. Nếu chúng ta từ một giai cấp cao, chúng ta có thể làm ở chỗ tiêu chuẩn thấp rất dễ dàng mà không tự cao tự đại hay khó chịu. Nếu chúng ta xuất thân từ một giai cấp thấp, chúng ta có thể liên lạc dễ dàng với những người đẳng cấp cao bởi vì tâm thức chúng ta bao la và chơi đùa. Chúng ta từ bất cứ giai cấp nào, không có mâu thuẫn gì giữa đẳng cấp cao và thấp bởi vì tâm thức chúng ta rộng mở và thư giãn và chúng ta thấy mọi hiện tượng như là sự phô diễn chơi đùa của Tâm Trí Huệ vô ngại.

Nếu chúng ta có tâm chơi đùa, dù chúng ta có nói với những vị lãnh đạo quyền lực, chúng ta có thể nói cũng quyền uy không kém bởi vì tâm thức chúng ta thì tự do và không sợ hãi và chúng ta thấy mọi hiện tượng như là trò phô diễn chơi đùa của Tâm Trí Huệ vô ngại.

Nếu chúng ta có tâm chơi đùa, không có mâu thuẫn giữa thanh tịnh và bất tịnh, thế nên có nhận những thệ nguyện tôn giáo hay không, chúng ta cũng tự động có giới luật thanh tịnh dựa trên tâm thanh tịnh, thoát khỏi những quan niệm xấu. Mục tiêu của những thệ nguyện là chuyển đổi bất tịnh thành thanh tịnh. Với tâm chơi đùa hoàn toàn thanh tịnh, chúng ta không có tư tưởng nghiêm trọng về phá hay giữ những lời nguyện bởi vì chúng ta thấy mọi hiện tượng như là sự phô diễn chơi đùa của Tâm Trí Huệ vô ngại.

Nếu chúng ta có tâm chơi đùa, dù nếu chúng ta bỏ quê hương, chúng ta có thể dễ dàng thích ứng với bất kỳ phong tục nào bởi vì chúng ta không nghiêm trọng về phong tục của xứ sở riêng của mình. Với tâm thức chơi đùa chúng ta có thể thích nghi với mọi chỗ bởi vì chúng ta thấy mọi hiện tượng như là sự phô diễn chơi đùa của Tâm Trí Huệ vô ngại.

Khi chúng ta thực hành, chúng ta cần tâm chơi đùa nghỉ ngơi. Mọi phẩm tính tâm linh đều không thể thấy được và không có chất thể và vốn sẵn ở trong mọi chất thể. Nếu chúng ta quá nghiêm trọng, đối tượng của sự thiền định trở nên xa hơn, phân chia và che ám hơn, nhưng nếu chúng ta có tâm chơi đùa chúng ta có thể luôn luôn thấy rõ ràng, như ao ước trở nên trong sáng khi được để một mình, khỏi những quấy nhiễu.

Nhiều vị thầy và bản văn nói rằng chúng ta phải nghiêm trọng và cần cù trong thực hành của chúng ta. Nhưng cần cù nghiêm trọng không có nghĩa chỉ là kỷ luật khắt khe và hạn hẹp. Nếu chúng ta tách lìa cần cù khỏi không gian rỗng rang, đó là nguyên nhân của vô minh, cần cù đích thật luôn luôn là năng lượng liên tục của tâm chơi đùa rỗng rang. Bất cứ khi nào chúng ta thiền định, nếu chúng ta có thể để cho tâm tự nhiên của chúng ta một mình trong tâm chơi đùa, thì tâm nghiêm trọng bám nắm của chúng ta không thể quấy nhiễu chúng ta. Chúng ta cần một tâm quân bình, giữa bám giữ quá chặt và thư giãn quá lỏng. Khi tâm nghiêm trọng bám giữ không còn, giác ngộ đã gần kề mà không cố gắng.

Một lần nọ có một đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni không thể làm tâm ông yên nghỉ dù chỉ trong một chốc lát giữa tập trung quá chặt và tập trung quá lỏng. Phật hỏi ông, “Trước khi con thành đệ tử của ta, con có bao giờ chơi nhạc?” Người đệ tử trả lời, “Có, con là một người chơi đàn sitar lão luyện.” Phật hỏi, “Một âm thanh êm dịu có đến từ những dây đàn lên quá căng không?” Và ông nói, “Không.” Phật lại hỏi, “Một âm thanh êm dịu có đến từ những dây đàn lên quá lỏng không?” Ông lại trả lời, “Thưa không.” Bấy giờ Phật nói, “Làm thế nào con có được một âm thanh êm dịu?” Ông trả lời, “Một âm thanh êm dịu đến khi đàn sitar được lên dây không quá căng không quá lỏng.” Phật nói, “Con có thể thiền định theo cách ấy chăng, với sự tập trung không quá căng thẳng cũng không quá lỏng?” Khi người đệ tử thiền định với một tâm quân bình như Phật dạy qua ví dụ chơi đàn, ông thấy được bản tánh của Tâm Trí Huệ.

Nếu chúng ta thực hành quán tưởng và không có mong cầu, bấy giờ với bất cứ loại bổn tôn nào chúng ta quán tưởng chúng ta sẽ tự nhiên thấy Bổn Tôn Trí Huệ. Tập trung quá nghiêm trọng là nguyên nhân của tâm bám nắm loạn thần. Nếu chúng ta nỗ lực quán tưởng Bổn Tôn Trí Huệ với đôi mắt nghiêm trọng nghiêng lệch và một tâm thức nắm bắt loạn thần, ngài sẽ trở thành ma quỷ vì nguồn gốc của ngài là nhị nguyên. Nơi nào có nhị nguyên, bèn có từ chối và chấp nhận. Nơi nào có từ chối và chấp nhận, bèn có nguyên nhân của ghét bỏ và bám luyến. Nơi nào có ghét bỏ và bám luyến, bèn có nguyên nhân của sanh tử.

Thế nên dù bất cứ sự thực hành của chúng ta là gì, chúng ta cần tâm chơi đùa, nó luôn luôn không mong cầu và bao la. Tâm chơi đùa không có những sợ hãi vì nó không có đối tượng. Bởi vì nó trọn vẹn tự nhiên và rỗng rang, nó luôn luôn ban cho phúc lạc và ân sủng. Nếu chúng ta có tâm chơi đùa, chúng ta có thể tăng cường năng lượng trí huệ tự nhiên của chúng ta. Năng lượng thanh nhẹ không thể hủy hoại được này thì rất vi tế và uy lực, luôn luôn là một ban phước cho những người khác bởi vì nó không làm hại và không bị chất thể nguyên tố thô của năng lượng những người khác thâm nhập. Bởi vì tính nghiêm trọng là một biểu hiện của những nguyên tố thô, cái gì càng nghiêm trọng càng nặng nề, càng bị kẹt nghẽn trong cái nặng nề và bị chia tách khỏi cái thanh nhẹ. Phật thì hoàn toàn thanh nhẹ và chúng ta không thể nói ngài là nghiêm trọng. Phật thì bao la, tỏa thấm khắp mọi nơi và không bao giờ phân chia.

Nói chung, hệ thống Tiểu thừa dạy cố gắng hàng phục tâm thức và từ bỏ những phẩm chất ham muốn nhờ giới luật. Nhưng là những hành giả của Pháp, chúng ta thường chộp lấy chỉ một từ của giáo lý Phật qua kỷ luật này. Thực ra, Phật pháp là làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh, và chúng sanh thì luôn luôn dựa vào những tính chất ham muốn. Do đó Phật nói các bạn phải dâng cúng mọi tính chất ham muốn cho Tam Bảo. Điều này không có nghĩa là Phật có năm giác quan như chúng ta để nhận những tính chất ham muốn. Phật chỉ đáp ứng với chúng ta để cho chúng ta có thể chơi đùa với những tính chất ham muốn và, qua chơi đùa, tâm chúng ta có thể được giải phóng vào năng lượng thanh tịnh và trong nhẹ của chính nó.

Phật nói rằng bất cứ ai hiểu lòng bi như huyễn thuật và bất cứ ai thực hành giác ngộ như huyễn thuật là hành giả tốt nhất. Qua huyễn thuật, chúng ta có thể chơi đùa khi sử dụng tiềm năng bí mật của những nguyên tố của chúng ta. Khi chúng ta tập trung quá nghiêm trọng, bấy giờ mọi nguyên tố tập hợp với nhau trong quan niệm nghiêm trọng, không gian bên trong trở thành rất đông nghẹt và chật chội, và nơi nào không có không gian, thì có bóng tối. Trong không gian đông nghẹt tối tăm này, không có chỗ cho tâm vô ngại mà quang minh tự nhiên của nó bị đè nén bởi tâm nghiêm túc. Nếu không có quang minh của tâm chơi đùa, thì không thể có Tâm Trí Huệ trong sáng, biện biệt, là sự nương dựa và cội nguồn của mọi phẩm tính và mọi hiện tượng.

-----o0o-----

Trích: “Sự Nhảy Múa Ảo Diệu”

Tác giả: Thinley Norbu

Việt dịch: Nguyễn Nhàn Cát Đằng

Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 2005

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan