TÁNH THẤY VỐN KHÔNG Ô NHIỄM, CHẲNG PHẢI HÒA HỢP CHẲNG PHẢI KHÔNG HÒA HỢP

TÁNH THẤY VỐN KHÔNG Ô NHIỄM, CHẲNG PHẢI HÒA HỢP CHẲNG PHẢI KHÔNG HÒA HỢP

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Ở cái thấy, ở cái sáng, nơi nào là ranh giới? A Nan, nếu bên cái sáng ắt không có cái thấy thì hai cái chẳng tiếp xúc được với nhau. Cái thấy tự chẳng biết tướng sáng ở đâu, thì ranh giới làm sao thành lập? Đối với cái tối, cái thông, cái bít cũng là như vậy.
TÁNH THẤY VỐN KHÔNG Ô NHIỄM, CHẲNG PHẢI HÒA HỢP CHẲNG PHẢI KHÔNG HÒA HỢP

A Nan, nay ta vì ông lấy hai sự việc ấy lui tới, kết hợp mà chỉ rõ.

A Nan, như cái vọng thấy biệt nghiệp của chúng sanh kia, thấy nơi ngọn đèn hiện ra bóng tròn, tuy hiện giống như tiền cảnh mà rốt cuộc là do bệnh nhặm của người ấy tạo thành. Nhặm thì mắt lòa, chẳng phải có sắc tướng được tạo ra. Nhưng cái thấy được mắt nhặm thì cái thấy ấy không có lỗi lầm.

So với ông hôm nay dùng con mắt xem núi sông, cõi nước và các chúng sanh, đều là do cái thấy bị bệnh từ vô thủy tạo thành. Cái thấy và cái được thấy giống như có cảnh trước mắt, nguyên là tánh giác sáng tỏ của ta có bệnh nhặm mà thành năng kiến sở kiến.

Những sự thấy biết đều là bệnh nhặm, còn bản giác minh tâm biết các duyên thì chẳng phải bệnh. Cái biết và cái được biết đều là bệnh nhặm, còn cái bản giác thì không ở trong bệnh nhặm. Đây mới thật là tánh thấy hằng thấy, làm sao còn gọi được là thấy, nghe, hay, biết?

Thế nên, nay ông thấy ta và ông cùng mười loại chúng sanh thế gian đều là cái thấy bị nhặm, chứ chẳng phải cái thấy được bệnh nhặm. Tánh thấy chân thật kia vốn chẳng hề nhặm nên không gọi là thấy nữa.

Thấy mọi thứ ta, người, thế giới đều là cái thấy bị bệnh nhặm phân đôi chủ khách tạo thành. Cái thấy ấy lấy một trung tâm là cái tôi và những cái khác với cái tôi, ở ngoài cái tôi thì gọi là cái khác. Đây là cái thấy bị bệnh nhặm từ vô thủy.

Nhưng cái thấy bị bệnh nhặm ấy luôn luôn ở trong, hay nguyên là, tánh giác sáng tỏ, bản giác minh tâm chưa từng có năng sở. Như hoa đốm giữa hư không luôn luôn ở trong, hay nguyên là, hư không chưa từng có hoa đốm.

Vì mọi sự nguyên là tánh thấy, vốn chẳng hề có bệnh nhặm, cho nên khi thấy mà không có bệnh nhặm, không có trung tâm và những cái ngoài trung tâm, không có cái thấy và cái được thấy, ngay khi ấy cái thấy bị bệnh nhặm hoàn nguyên lại cái thấy chân thật hay tánh thấy.

Khi hoàn nguyên lại được tánh thấy vốn chẳng hề nhặm thì lúc ấy cũng chẳng gọi là thấy nữa, vì mọi tướng thấy hoàn toàn dứt bặt.

Thấy mà không có một trung tâm và những vật ở ngoài trung tâm ấy, thì đây là tánh thấy không trung tâm cũng không đối tượng

Đây chính là ‘‘xa ma tha quán chiếu vi mật’’ ngay tại đây và bây giờ.

A Nan, cái vọng thấy đồng phận của chúng sanh so với cái vọng thấy biệt nghiệp của một người thì người trong một nước kia cũng đồng như một người bị bệnh mắt. Người thấy bóng tròn là do mắt nhặm hư vọng sanh ra, còn các chúng sanh kia đồng thấy những điềm không lành hiện ra, là do nghiệp chướng xấu ác đồng phận sanh khởi. Cả hai đều do vọng thấy từ vô thủy sanh ra.

Như vậy ba ngàn châu trong cõi Diêm Phù Đề, cùng bốn biển lớn, thế giới Ta Bà, cho đến các cõi hữu lậu trong mười phương cùng các chúng sanh đồng là diệu tâm giác minh vô lậu, nhưng do cái bệnh duyên hư vọng tạo thành thấy nghe hay biết hòa hợp vọng sanh, hòa hợp vọng tử.

Nếu xa lìa các bệnh duyên hòa hợp và chẳng hòa hợp này, tức thì diệt trừ trở lại các nhân sanh tử, đây là tánh giác ngộ vốn viên mãn chẳng sanh chẳng diệt, bản tâm vốn giác thanh tịnh thường trụ vậy.

Mình, người, chúng sanh, thế giới đều là vọng thấy biệt nghiệp và đồng phận, do bệnh mắt nhậm từ vô thủy. Bệnh nhặm vọng thấy là cái thấy phân biệt tạo thành mình, người, chúng sanh, thế giới. Tất cả mọi cái có đều do tâm phân biệt, cái thấy phân biệt mà có. Cho nên trừ bỏ được cái thấy phân biệt do nghiệp thì bệnh vọng thấy tiêu tan, cái xưa nay vốn là như thế hiện ra.

Mình, người, chúng sanh, thế giới mười phương đồng là diệu tâm giác minh vô lậu, đồng là tánh giác ngộ vốn viên mãn chẳng sanh chẳng diệt. Tánh giác ấy xưa có, nay có, mai có, chưa từng không hiện hữu, chưa từng lìa hỏi chúng sanh một niệm.

Thế nhưng trong một niệm căn bệnh phân biệt khởi lên, bất giác khởi lên, thành ra vọng thấy, vọng nghe, vọng hay vọng biết. Những cái vọng thấy, vọng nghe, vọng nghĩ, vọng biết này, những phân biệt hư vọng này hòa hợp tạo thành sanh tử hư vọng. Pháp giới nhất chân trở thành một trường sanh tử khổ đau do phân biệt.

Cũng trong một niệm không phân biệt, giác khởi lên, cái vọng thấy phân biệt, vọng nghe phân biệt, vọng nghĩ phân biệt…dừng lại, tánh thấy hay tánh giác bổn nhiên lộ bày. Chỉ một niệm ngay đây, hiện giờ không phân biệt thì tánh thấy lộ bày. Đây là một vị giải thoát, một vị Giác ngộ.

Thực sự và trực tiếp thấy được tánh thấy không phân biệt này, đây là cái thấy được nền tảng, thấy được Pháp thân, tức Kiến đạo vị. Rồi trên tánh thấy nền tảng không phân biệt này, có con đường tu tập tịnh hóa các tập khí phân biệt để đi đến quả. Cái thấy được nền tảng là thấy được tấm gương tâm vốn giác ngộ, viên mãn, chẳng sanh chẳng diệt. Con đường tu tập là đưa những hình bóng trong gương trở lại gương, bóng thành gương bao nhiêu, tướng thành tánh bao nhiêu thì sự chứng biết tấm gương rộng tới đó.

Con đường giác ngộ chia ra những cấp độ hay những địa. Những cấp độ này được thiết lập tùy theo cái vọng thấy phân biệt tiêu tan được bao nhiêu, bóng tiêu tan được bao nhiêu, và do đó tánh thấy hiển lộ được bao nhiêu, gương hiển bày được bao nhiêu.

A Nan, tuy trước đây ông đã ngộ bản giác diệu minh chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tự nhiên, nhưng còn chưa rõ cội nguồn của tánh giác ấy vốn chẳng phải hòa hợp sanh chẳng phải không hòa hợp.

Cội nguồn của tánh giác ấy chẳng phải hòa hợp sanh, nghĩa là cội nguồn tánh giác là vô sanh; nhưng chẳng phải không hòa hợp, nghĩa là cội nguồn tánh giác vô ngại đối với sanh.

Hãy tham thiền cho đến tận cội nguồn vô sanh mà không ngại đối với sanh này.

Như Lai nay lại lấy tiền trần để hỏi ông. Nay ông còn lấy tất cả tính nhân duyên hòa hợp của vọng tưởng thế gian mà tự nghi lầm rằng chứng tâm giác ngộ là do hòa hợp mà phát khởi.

Vậy nay tánh thấy thanh tịnh mầu diệu của ông là cùng hòa với sáng hay hòa với tối? Là cùng hòa với thông hay hòa với bít? Nếu hòa với sáng mà nay ông đang thấy sáng thì cái sáng hiện tiền này xen lẫn với cái thấy ở chỗ nào? Nếu có thể phân biệt được tướng của cái thấy, thì hình tượng của cái xen lẫn là thế nào?

Nếu cái sáng chẳng phải là cái thấy thì làm sao thấy được cái sáng? Nếu cái sáng tức là cái thấy thì làm sao thấy được cái thấy? Nếu cái thấy cùng khắp thì còn chỗ nào để hòa được với cái sáng? Nếu cái sáng đầy khắp thì lẽ ra không hòa được với cái thấy. Cái thấy đã khác với cái sáng thì khi xen lẫn tất phải làm mất tính cách của cái sáng. Cái thấy xen vào làm mất tính cách của cái sáng mà nói hòa với cái sáng là không đúng nghĩa.

Đối với cái tối, cái thông cái bít lại cũng như vậy.

Trước đây ngài A Nan đã ngộ bản giác diệu minh chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tự nhiên. Nhưng nhân duyên và tự nhiên chỉ là sự chấp tướng ở phần thô, nên còn chưa rõ, sự chấp tướng ở phần tế, tức là hòa hợp và không hòa hợp.

Cả đoạn kinh này nói về không thể có chuyện hòa, vì tánh giác đâu phải là một tướng dù vi tế, để hòa với một tướng khác. Với cái Vô tướng Vô sanh thì không thể nói chuyện hòa hợp hay chẳng hòa hợp.

Lại nữa, A Nan, hiện nay tánh thấy thanh tịnh mầu diệu của ông hợp với cái sáng, hợp với cái tối, hợp với cái thông, hay hợp với cái bít? Nếu hợp với cái sáng thì đến khi tối, cái sáng đã mất rồi, cái thấy đó không hợp với cái tối thì làm sao thấy được cái tối? Nếu khi thấy tối mà không hợp với cái tối thì khi sáng, vì cũng không hợp với cái sáng nên lẽ ra cũng không thấy được cái sáng. Đã không thấy được sáng thì làm sao nói được hợp với cái sáng và rõ biết cái sáng chẳng phải là tối.

Đối với cái tối, cái thông, cái bít, cũng lại như vậy.

Hòa không được, hợp cũng không được. Bởi vì như ở trên nói, chớ nghi lầm rằng chứng tâm giác ngộ là do hòa hợp mà phát khởi, tâm giác ngộ không do hòa hợp mà phát khởi, vì tâm giác ngộ là vô sanh. Vốn vô sanh thì có gì để nói là hòa, là hợp?

A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nay con suy nghĩ, tâm vốn giác ngộ mầu diệu này, cùng các duyên trần và các tâm niệm nhớ nghĩ mà không hòa hợp chăng?

Phật dạy: Nay ông lại nói tánh giác chẳng phải hòa hợp, thì Ta lại hỏi ông, nếu tánh thấy mầu diệu này chẳng hòa hợp, là chẳng hòa hợp với cái sáng, chẳng hòa hợp với cái tối, chẳng hòa hợp với cái thông, hay chẳng hòa hợp với cái bít?

Nếu chẳng hòa với cái sáng, thì giữa cái thấy và cái sáng ắt phải có ranh giới. Ông hãy xem kỹ, nơi nào là cái sáng, nơi nào là cái thấy? Ở cái thấy, ở cái sáng, nơi nào là ranh giới? A Nan, nếu bên cái sáng ắt không có cái thấy thì hai cái chẳng tiếp xúc được với nhau. Cái thấy tự chẳng biết tướng sáng ở đâu, thì ranh giới làm sao thành lập? Đối với cái tối, cái thông, cái bít cũng là như vậy.

Lại nếu tánh thấy mầu diệu này không hòa hợp, là chẳng hợp với cái sáng, chẳng hòa hợp với cái tối, chẳng hòa hợp với cái thông, hay chẳng hòa hợp với cái bít? Nếu chẳng hợp với cái sáng thì cái thấy và cái sáng trái nghịch nhau, như lỗ tai và cái sáng, không tiếp xúc nhau được. Nếu vậy thì cái thấy không biết tướng sáng ở đâu, làm sao phân biệt nghĩa hợp hay không hợp? Đối với cái tối, cái thông, cái bít cũng lại như vậy.

Ở trên là không hòa hợp, ở đây là chẳng phải không hòa hợp, nếu tánh thấy không hòa hợp được với tiền trần, tánh thấy làm sao thấy cái gì được, cho nên tánh thấy cũng chẳng phải không hòa hợp.

Lấy thí dụ tấm gương. Tấm gương không hòa hợp với các bóng trong gương: các bóng trong gương chẳng thể ‘dính’ vào gương. Nhưng cũng chẳng phải không hòa hợp: tấm gương không phải không có gì, tấm gương để cho các bóng hiện hình. Và các bóng tuy có, nhưng như huyễn.

Một thí dụ khác là mặt trăng trong nước. Nước không hòa hợp với mặt trăng: mặt trăng không ở trong nước. Nước chẳng phải không hòa hợp với mặt trăng: nước có bóng trăng trong đó. Tình trạng không hòa hợp và chẳng phải không hòa hợp này là bóng trăng như huyễn, không thể đụng chạm, nắm bắt.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan