THA LỰC - SÔNG LỬA SÔNG NƯỚC - TAITETSU UNNO

THA LỰC

SÔNG LỬA SÔNG NƯỚC - TAITETSU UNNO

Người dịch: An Cư

-----o0o-----

Thay vì trốn chạy khỏi những xúc cảm khó khăn (hay bám vào những xúc cảm thích thú), người thực hành sự chú tâm trần trụi trở nên có thể chứa đựng bất kỳ phản ứng nào : để mở không gian cho nó, nhưng không hoàn toàn gắn bó với nó nhờ sự hiện diện đồng thời của tỉnh giác không phê phán.
THA LỰC - SÔNG LỬA SÔNG NƯỚC - TAITETSU UNNO

Công việc, sự vận hành của Bổn Nguyện Nguyên Sơ, lòng bi của Phật Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ được gọi là Tha Lực. Nhưng cái “tha” này không đối nghịch với cái “tự” trong nghĩa nhị nguyên. Điều này trở nên rõ ràng khi chúng ta hiểu rằng điểm bắt đầu của Phật giáo Tịnh Độ không phải là Phật A Di Đà mà là Bồ tát Pháp Tạng. Là một Bồ tát, Pháp Tạng thấy sâu xa những khổ đau vô biên của tất cả chúng sanh, gắn bó với chúng sanh một cách trọn vẹn, hiểu biết nguyên nhân của những khổ đau, tìm ra một cách để diệt trừ chúng và chuẩn bị sự thực hành cho mỗi chúng sanh đạt đến giải thoát. Khi Bổn Nguyện đã viên mãn, Phật Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ trở thành một thực tại.

Bồ tát Pháp Tạng ở ngay đây với mỗi chúng ta trong những chiến đấu của chúng ta, chia xẻ những đớn đau và hy vọng của chúng ta, ở bên cạnh chúng ta và giúp đỡ chúng ta trong hành trình tâm linh của chúng ta. Pháp Tạng sẽ không nghỉ ngơi cho đến bao giờ cho cuộc đời của chúng ta đạt đến sự toàn thiện trọn vẹn với giải thoát và tự do. Khi chúng ta đạt đến giải thoát và tự do như vậy, bấy giờ Phật A Di Đà trở thành một thực tại sống. Tiến trình này gói gọn trong sự sống của niệm Phật, “nam mô A Di Đà Phật”. Nam mô là cái tự ngã lang thang, lạc lõng, tìm một cách thực hiện tiềm năng trọn vẹn nhất của nó. A Di Đà Phật là lòng đại bi kêu gọi tất cả chúng sanh mê mờ lạc lõng đến với chính nó. Khi hoàn toàn thả neo vào một lòng bi như vậy, người ta nở hoa thành một con người chân thật, thật sự và thành thật, điều đó xảy ra tự nhiên và tự phát.

Tha Lực, bấy giờ là công việc của đại bi tự hiến dâng trọn vẹn cho mỗi hình thức đời sống. Nó vượt khỏi sự hiểu biết bình thường của tâm hồn nhỏ hẹp, vướng mắc với đủ loại phân biệt hư vọng, giả dối. Như thế, Tha Lực không thể xem là một đối tượng trong khuôn khổ quy ước chủ thể-khách thể. Nó tác động, vận hành ở tận nền tảng của đời sống, phá hủy tất cả mọi tính toán phân biệt nhị nguyên của chúng ta (hakarai).

Sự cảm kích “cái kia” (tha) như là bất nhị được Saichi (1850-1933), một myokonin, một người nguồn gốc tầm thường nhưng cái nhìn thì quán triệt, diễn tả đầy kinh nghiệm :

Trong Tha Lực
Không có tự lực
Không có tha lực
Tất cả là Tha Lực.

Đối với Saichi, tự lực và Tha Lực là những phân biệt tùy tiện do con người tạo ra. Bởi vì lòng bi của A Di Đà là vô biên, vượt khỏi nắm bắt theo ý niệm, nó được gọi là đại bi (karuna). Lòng bi này không phân biệt với trí huệ (prajna). Tĩnh từ “đại” nói lên tâm thức và tấm lòng của Phật bao trùm, tiêu dung mọi loại nhị nguyên – ta và người, tốt và xấu, đời sống và cái chết v.v... – chuyển hóa chúng thành những cội nguồn của đời sống năng động và sáng tạo. Làm thế nào người ta có thể cảm thông sự vận hành của Tha Lực ?

Trong cuốn sách đáng chú ý của mình, Những Tư Tưởng Không Có Người Tư Tưởng, trộn lẫn trị liệu pháp thần kinh với nền tảng Phật giáo, Mark Epstein viết :

Thay vì trốn chạy khỏi những xúc cảm khó khăn (hay bám vào những xúc cảm thích thú), người thực hành sự chú tâm trần trụi trở nên có thể chứa đựng bất kỳ phản ứng nào : để mở không gian cho nó, nhưng không hoàn toàn gắn bó với nó nhờ sự hiện diện đồng thời của tỉnh giác không phê phán.

Đây là một miêu tả tuyệt hảo về điều xảy ra trong thực hành thiền định. Người ta kinh nghiệm một không gian rộng mở, thoát khỏi mọi loại phán định giá trị để hóa giải những xúc cảm khó khăn. Một sự tự do và rỗng rang tương tự cũng được tìm thấy trong Phật giáo Chân tông nhưng với những khác biệt căn bản.

Không gian vô biên được ban cho chúng ta bởi lòng đại bi của Phật Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ. Lòng bi này không chỉ không phán định mà còn thấu hiểu trọn vẹn tất cả mọi đam mê nhiễm ô của chúng ta : “Đức Phật đã hiểu tất cả điều đó và kêu gọi chúng ta, những chúng sanh ngu dại của đam mê mù quáng. Như thế, khi chúng ta nhận ra rằng bi nguyện của Tha Lực là để dành cho những chúng sanh như chúng ta, lời nguyện trở nên xác thực hơn và có thể nương dựa hơn.” (Tannisho IX) Điểm này được David Ignatow làm cho sáng tỏ và đơn giản 

Tôi hiện hữu, và như thế Phật và tôi không là một, nhưng cái ấy là dành cho tự ngã làm người của tôi để biết rằng ngài hiện hữu và tôi hiện hữu trong đôi mắt ngài, và tôi được thấu hiểu.

Lòng bi và trí huệ của A Di Đà ban thần lực cho chúng ta, quán đảnh cho chúng ta, khiến chúng ta có thể đương đầu với mọi loại thách thức khó khăn trong cuộc đời.

Sự ban thần lực giải phóng chúng ta để chúng ta thừa nhận một cách công khai những giới hạn và bất toàn của chúng ta, thậm chí những nghiện ngập và loạn thần của chúng ta. Qua công việc của Tha Lực, chúng ta đích thực trở nên chính mình, để chấp nhận những cảm xúc của chúng ta mà không tiếc nuối, hối hận hay cảm thấy phạm tội. Bởi vì không gian này và sự hiểu biết được cung cấp cho chúng ta, những tác phẩm của người Phật giáo Chân tông đầy những tình cảm trong sạch được phơi bày trọn vẹn – vui, buồn, khôi hài, tức giận, ngu dại, hối hận, biết ơn. Giải thoát khỏi những hậu quả vướng bám của quá khứ nghiệp, chúng ta tiến về phía trước một cách tích cực và sáng tạo.

Những điều này được minh họa trong cuộc đời của một người phụ nữ Phật giáo Chân tông tên Haru Matsuda, bà đã để lại nhiều bài thơ tôn giáo để bày tỏ những soi thấy sâu xa nhất của bà vào đời sống. Bà Matsuda là một người Nhật di cư và định cư ở Kona, Hawaii, vào đầu thế kỷ. Những người Nhật ấy tạo thành một cộng đồng quanh một ngôi chùa Chân tông, Kona Hongwanji. Đầy tràn niềm tin, bà diễn tả sự cảm kích của mình trong những bài thơ ngắn theo như phong tục Nhật. Trong vô số bài thơ, có bài như vầy :

Được ôm ấp bởi lòng bi chân thật,
Tôi nguyện không bao giờ than vãn ;
Đang nghĩ như thế,
Tôi lại than vãn.
Sáng nay dụi mắt,
Tôi bắt đầu than vãn ;
Nam mô A Di Đà Phật vọt ra,
Và tôi thật sự tỉnh dậy.

Sống dưới những khó khăn kinh tế gay gắt trong một thế giới nước ngoài đối nghịch, bà Matsuda và gia đình bà làm việc quần quật trong những đồn điền cà phê ở Kona. Bà làm việc từ sáng tới tối, chăm lo nhu cầu cho một gia đình đông người. Đời bà đầy những khó nhọc, thất vọng và than trách, tuy nhiên bà chịu đựng và sung mãn, yêu đời, do lòng bi của A Di Đà thấm nhuần. Công việc của lòng bi mở mắt cho bà trước sự hữu hạn của con người – giới hạn, bất toàn và phải chết – nhưng cái con người hữu hạn đó được chứa đựng trong thần lực nâng đỡ hộ trì tất cả của A Di Đà. Đã được chỉ cho tự ngã chân thật của mình và biết ơn cái thấy thấu suốt này, bà nguyện không bao giờ than vãn. Nhưng ngay lúc đó, bà lại thấy mình đang than vãn. Bà lại được chỉ cho bản tánh chân thật của bà, nhưng cùng lúc bà nhận ra rằng bà đã được chấp nhận bởi lòng đại bi. Nói theo lời của Thân Loan, “Phật đã hiểu tất cả điều đó và kêu gọi chúng ta, những chúng sanh ngu dại của đam mê mù quáng.”

Bài thơ thứ hai còn nói rõ hơn. Trở dậy buổi sáng, bà Matsuda phải cảm thấy bao nhiêu công việc đáng sợ trước mặt, và bà bắt đầu than vãn. Ngay lúc đó, “Nam mô A Di Đà Phật vọt ra.” Qua nhiều năm huân tập sự lắng nghe sâu xa, niệm Phật đã trở nên phần của tiềm thức bà. Giờ đây nó trồi lên để phát lộ thực tại chân thật của bà. Nam mô a Di Đà Phật xác định mỗi nam mô – lạc lõng, mờ rối và than vãn – ở trong đại bi của A Di Đà Phật, Ánh Sáng Vô Lượng và Đời Sống Vô Lượng. Mỗi xướng lên niệm Phật là một lần giải thoát chúng ta vào trong một vũ trụ vô biên và vô hạn.

Khi nam mô A Di Đà Phật chạm vào bà, bà thực sự tỉnh dậy, không chỉ để sửa soạn công việc trong ngày, mà là thức tỉnh với thực tại của thân phận con người. Bây giờ bà xác định những giới hạn của mình, không phải như một trói buộc mà là một khoảnh khắc giải thoát để đi sâu hơn vào đời sống chân thật và thực sự. Với trí huệ và thần lực được ban cho, bà Matsuda vượt qua mọi trở ngại để nuôi nấng năm đứa con, bày tỏ lòng bi với người kém may mắn, và đóng góp vào việc nâng cấp đời sống cộng đồng.

Với một cuộc đời lắng nghe sâu xa, bà Matsuda trở nên một người thực sự thức tỉnh. Nó cho phép bà sống chân chính, đến chỗ thấu triệt bản thân mình, thay vì duy trì một đời sống bề mặt chứa đầy những hy vọng giả tạo. Bà hoàn toàn thức giác sự tự-lừa dối của bà, không phải vì đã đặc biệt thông tuệ hay giác ngộ, mà bởi vì bản tánh chân thật của bà đã được soi sáng bởi Ánh Sáng Vô Lượng và Đời Sống Vô Lượng. Điều này biến cho bà thành một người hoàn toàn giải thoát, như Thân Loan diễn tả :

Trong con người niệm Phật mở ra con đường lớn của tự do không ngăn ngại. Lý do là chư thiên cúi mình trước người thực hành lòng tin chân thật, và những chúng sanh quỷ thần không thể cản ngại con đường. Những hậu quả của nghiệp xấu không thể biến thành quả, và bất cứ hình thức của cái tốt nào cũng không bằng. Như thế, đó gọi là con đường lớn của tự do không ngăn ngại.

Người giải thoát phải sống với những hậu quả của nghiệp quá khứ, nhưng chúng không trở thành những gánh nặng nữa và không có nghiệp tiêu cực nào được tạo ra.

-----o0o-----

Trích “Sông Lửa Sông Nước”

Tác giả: Taitetsu Unno

Người dịch: An Cư

NXB Thiện Tri Thức

Bài viết liên quan