THỨC TỈNH TÂM TRÍ – SỰ THỰC VỀ GIÁC NGỘ --ADYASHANTI

THỨC TỈNH TÂM TRÍ – SỰ THỰC VỀ GIÁC NGỘ

-Adyashanti

-----o0o-----

Khi chúng ta thức tỉnh và sự thức tỉnh thâm nhập, bộc lộ ra ở tầng tâm trí, điều chúng ta lần đầu tiên nhận thấy là không có gì trong các mẫu hình tư duy là đúng tuyệt đối. Xin đừng hiểu lầm tôi – tôi không nói rằng tâm trí là vô giá trị hay kém cỏi. Tâm trí, không gì khác ngoài ý nghĩ, là một công cụ như mọi công cụ khác. Nó cũng chỉ là vật dùng như cái búa, cưa, hoặc máy tính.
THỨC TỈNH TÂM TRÍ – SỰ THỰC VỀ GIÁC NGỘ --ADYASHANTI

Khi chúng ta thức tỉnh và sự thức tỉnh thâm nhập, bộc lộ ra ở tầng tâm trí, điều chúng ta lần đầu tiên nhận thấy là không có gì trong các mẫu hình tư duy là đúng tuyệt đối. Xin đừng hiểu lầm tôi – tôi không nói rằng tâm trí là vô giá trị hay kém cỏi. Tâm trí, không gì khác ngoài ý nghĩ, là một công cụ như mọi công cụ khác. Nó cũng chỉ là vật dùng như cái búa, cưa, hoặc máy tính.

Nhưng hầu hết nhân loại đều đang trong trạng thái ý thức mà ở đó, tâm trí dễ bị nhầm lẫn với cái không phải là nó. Tâm trí không được xem là công cụ mà là nguồn gốc của ý thức về bản ngã. Đa số mọi người thường xuyên hỏi tâm trí mình: “Tôi là ai?”, “Cuộc sống là gì?”, “Sự thật là gì?”. Họ nhìn vào tâm trí mình để nó bảo họ điều gì nên và không nên. Điều này thật vớ vẩn! Bạn không vào nhà để xe rồi hỏi cái búa của mình rằng bạn là ai và làm gì là đúng hay sai. Nếu bạn làm thế, và cái búa của bạn biết nói, có lẽ nó sẽ bảo: “Bạn đang đòi hỏi gì tôi thế? Tôi là một dụng cụ không phải để hỏi các câu hỏi kiểu này”.

Nhưng chúng ta lại làm điều đó với tâm trí. Chúng ta quên rằng tâm trí là một công cụ - một công cụ rất mạnh mẽ và hữu ích. Mọi thứ bắt đầu trong tâm trí. Mỗi chiếc xe bạn lái, mọi tòa nhà, mọi khu mua sắm bạn đi vào – tất cả đều bắt đầu như một ý nghĩ trong tâm trí ai đó. Ý nghĩ đó được coi là hữu ích và cần thiết, và ý tưởng được thể hiện thông qua hành động. Vì thế, tâm trí mạnh mẽ và hữu ích.

Nhưng trong ý thức con người, tâm trí không được xem chỉ đơn giản là một công cụ. Thay vào đó, điều xảy ra là tâm trí đã cướp đi thực tại. Nó đã trờ thành hiện thực của chính nó đến mức mà nhân loại tìm kiếm ý thức về bản ngã – hình ảnh cái tôi mà con người nghĩ là mình – trong quá trình tư duy của mình.

Khi ánh sáng thức tỉnh bắt đầu xâm nhập vào tầng tâm trí, chúng ta thấy rằng tâm trí không có thực tại tiềm ẩn trong nó. Đó là một công cụ mà thực tại có thể sử dụng, nhưng nó không phải là thực tại. Bản thân ý nghĩ chỉ là một ý nghĩ. Một ý nghĩ không có sự chân thật tự nó. Bạn có thể có ý nghĩ về một cốc nước, nhưng nếu bạn khát, bạn không thể uống ý nghĩ. Bạn có thể nghĩ đến một cốc nước cho đến khi chết, nhưng để thực sự lấy một cái cốc thật và uống nước là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Bạn có thể lấy cốc và uống nước mà không hề nghĩ đến cốc hay nước. Và thế thì bản thân ý nghĩ là trống rỗng; nó trống rỗng về thực tế. Cùng lắm thì ý nghĩ là biểu tượng. Nó có thể chỉ hướng của sự thật hay một đối tượng, nhưng nhiều ý nghĩ thậm chí còn không làm thế. Nhiều ý nghĩ trong ý thức con người chỉ là ý nghĩ về những ý nghĩ khác – nghĩ về suy nghĩ. Một người ngồi thiền, và có một ý nghĩ là “Mình không nên nghĩ”. Nhưng, tất nhiên, ý nghĩ đó bản thân nó cũng là một ý nghĩ. Thật dễ dàng bị mắc kẹt trong những cái vòng luẩn quẩn suy nghĩ về suy nghĩ.

Khi thức tỉnh ở tầng tâm trí, chúng ta bắt đầu nhận thức vượt qua tâm trí. Chúng ta nhận ra bản thân tâm trí không hề có thực tế, và đây là một nhận thức sâu sắc. Thật dễ dàng để nói rằng tâm trí không có thực tế. Điều này thậm chí có thể dễ hiểu với một số người. Nhưng thấy được tâm trí không có thực tế thì phải cực kỳ triệt để. Triệt để để thấy rằng toàn bộ ý thức của chúng ta về bản ngã và thế giới được tạo ra trong tâm trí. Khi thấy cấu trúc tư duy không hề bao hàm thực tế bên trong, chúng ta đi đến nhận thức rằng cái thế giới mà chúng ta nhận thức qua tâm trí không thể có chút thực tại nào. Điều này thật chấn động; cái tôi mà chúng ta nhìn nhận là mình hóa ra không hề có thực.

Thức tỉnh ở tầng tâm trí là hủy diệt toàn bộ thế giới của bạn. Đây là điều chúng ta không bao giờ có thể lường được. Nó hủy diệt toàn bộ thế giới quan của chúng ta – mọi cách chúng ta được lập trình, mọi mẫu hình niềm tin của chúng ta và của nhân loại, từ thời hiện đại cho đến qua khứ xa xôi – tất cả những thứ đã cấu thành nên thế giới đặc biệt này, cái thỏa thuận mà nhân loại đã nhất trí, việc xem những điều này là đúng, cho đến tận nghĩa đen “Tôi là một con người” hoặc “Có một thế giới tồn tại như thế” hay “Thế giới cần phải theo cách đặc thù như thế”. Thức tỉnh ở tầng tâm trí là hủy diệt hoàn toàn tất cả những điều này, tức là toàn bộ thế giới của chúng ta.

Khi thức tỉnh ở tầng tâm trí, chúng ta bắt đầu nghĩ: “Trời ơi, mình đã nhìn thế giới theo cách hoàn toàn giả tạo, thật đúng là một mớ huyễn ảo. Nó không hề có cơ sở thực tế gì. Cách mình nhìn bản thân cũng hoàn toàn giả tạo”. Không quan trọng là bạn thấy mình giác ngộ hay không, tốt hay xấu, xứng đáng hay không xứng đáng. Không chia rẽ ở tầng tâm trí là hoàn toàn xóa sạch tất cả những dạng thức bản ngã này. Tôi gần như không thể tả rõ sự phá hủy thế giới này ở tầng tinh thần triệt để đến thế nào. Nó là nhận thức rằng không có cái gì gọi là ý nghĩ chân thực và hiểu nó ở cấp độ sâu sắc nhất, thấy rằng mọi mô hình chúng ta tạo ra – thậm chí cả các mô hình tâm linh, các giáo lý – đều là những thứ huyễn ảo.

Chính Đức Phật cũng nói rằng mọi Pháp đều trống rỗng. Pháp là những giáo lý. Pháp là chính những sự thật mà Ngài đang nói. Một trong những sự thật Ngài nói là, tất cả những Pháp này, tất cả những sự thật mà Ngài vừa nói với các phật tử, đều trống rỗng. Sự thật bạn là ai nằm ở chỗ vượt xa những pháp môn tuyệt vời nhất, những bản kinh vĩ đại nhất, những ý tưởng lớn lao nhất có thể từng được nói, viết ra hoặc đọc thấy.

Điều này được trải nghiệm như sự hủy diệt trong tâm. Tôi thường nói với mọi người đừng hiểu nhầm về nó – giác ngộ là một quá trình phá hủy. Nó không liên quan gì đến việc trở nên tốt hơn hoặc ít hay nhiều hơn hạnh phúc. Giác ngộ là sự đổ vỡ của cái không thật. Nó nhìn thấu suốt qua bề mặt giả tạo. Nó là sự xóa sổ hoàn toàn mọi thứ chúng ta tưởng tượng là thật – từ bản thân chúng ta đến thế giới.

Trong quá trình này, chúng ta khám phá ra rằng ngay cả những phát minh lớn lao nhất của những trí tuệ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại cũng chỉ là những giấc mở trẻ con. Chúng ta bắt đầu thấy rằng tất cả triết học và triết gia vĩ đại là một phần của giấc mơ. Sự thức tỉnh ở tầng tâm trí giống như kéo toạc tấm rèm, như Dorothy trong Phù Thủy xứ Oz. Cô mong đợi gặp Oz Vĩ Đại, nhưng khi tấm rèm bị kéo về, hóa ra Oz Vĩ Đại là một người đàn ông kéo đòn bẫy. Nhìn thấu bản chất của tâm trí cũng giống như thế. Nó rất triệt để. Thật bất ngờ khi chúng ta thấy rằng mọi thứ tưởng là sự thật thực ra lại là một phần của trạng thái mê và đang níu giữ trạng thái mê lại.

Không có cái gọi là ý nghĩ giác ngộ. Nhận thấy điều này là một cú sốc cho chúng ta. Trên thực tế, đa số chúng ta tự bảo vệ bản ngã khỏi nhìn thấy sự thật này. Chúng ta nói rằng mình muốn sự thật, nhưng có thực sự như vậy không? Chúng ta nói rằng mình muốn biết thực tại, nhưng khi nó xuất hiện, nó quá khác so với những gì chúng ta tưởng. Nó không phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta; nó không phù hợp với hình dung của chúng ta. Đó là một thứ hoàn toàn vượt xa tưởng tượng. Và không chỉ có thế, nó còn thực sự phá hủy khả năng chúng ta nhìn thế giới theo cách cũ. Nó làm cho thế giới của chúng ta thành một đống đổ nát.

Khi mọi thứ đã xong, chúng ta chỉ còn lại hư vô. Chúng ta hoàn toàn trắng tay, không có gì để bám víu. Như Chúa Jesus đã nói: “Chim có tổ trên cây, cáo có hang dưới đất, nhưng con người không có chỗ để cái đầu nghỉ ngơi”. Không có khái niệm, không có mô hình tư duy nào để bạn có thể nghỉ ngơi trên đó.

-----o0o-----

Trích: Sự Thực Về Giác Ngộ

Tác Giả: Adya Shanti

Dịch Giả: Phạm Hải Anh

NXB. Văn Hóa – Văn Nghệ, Saigonbooks in năm 2018

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan