THƯỢNG ĐẾ LÀ TÌNH THƯƠNG - SWAMI VIVEKANANDA – TINH HOA TRIẾT HỌC VEDANTA

THƯỢNG ĐẾ LÀ TÌNH THƯƠNG

SWAMI VIVEKANANDA – TINH HOA TRIẾT HỌC VEDANTA

–––––o0o–––––

Do đó, các bạn phải luôn ghi nhớ rằng điều đại nguy hiểm nằm ở chỗ nhận lầm công cụ nhận thức thấp kém thành công cụ nhận thức cao siêu. Đã nhiều lần, bản năng được thế giới xem như là linh cảm, do đó mà có những lời tuyên bố sai lầm về năng khiếu tiên tri. Một gã khờ hoặc một người nửa điên nửa tỉnh luôn nghĩ rằng những thứ hổ lốn trong đầu mình là linh cảm, và...
THƯỢNG ĐẾ LÀ TÌNH THƯƠNG - SWAMI VIVEKANANDA – TINH HOA TRIẾT HỌC VEDANTA

Xin Thượng Đế hãy cho tâm trí của tất cả mọi người đều được cấu tạo đầy đủ bởi bốn yếu tố: triết học, thần bí, cảm xúc và hoạt động! Đó là lý tưởng, lý tưởng của tôi về một người hoàn hảo. Bất cứ người chỉ có một hoặc hai yếu tố trên trong tính cách thì tôi đều xem là người “phiến diện, một chiều”. Và thế gian này hầu như đầy những người “phiến diện, một chiều” như thế; họ chỉ biết con đường mình đang theo đuổi, còn đối với mọi thứ khác họ đều cho là nguy hiểm và đáng kinh tởm. Quân bình được cả bốn yếu tố này một cách hài hòa, đó là lý tưởng của tôi về tôn giáo. Và ta có thể đạt đến lý tưởng này bằng cái mà ở Ấn Độ chúng tôi gọi là yoga – nghĩa là sự hợp nhất. Đối với người thích hoạt động thì đó là sự hợp nhất giữa con người với toàn thể nhân loại, đối với người thần bí thì đó là sự hợp nhất giữa tiểu ngã bé nhỏ với Đại Ngã Tối Cao, đối với người yêu thương thì đó là sự hợp nhất giữa tự thân với Thần Tình Yêu, còn đối với triết gia thì đó là sự hợp nhất của tất cả vạn hữu. Đó là ý nghĩa của yoga. Yoga là một từ Sanskrit, và yoga được chia làm bốn pháp môn với bốn tên gọi khác nhau bằng tiếng Sanskrit. Người đi tìm sự hợp nhất theo pháp môn này được gọi là hành giả yogi. Người đi tìm sự hợp nhất qua hoạt động được gọi là karma yogi. Người đi tìm sự hợp nhất qua tình yêu được gọi là bhakti-yogi. Người đi tìm sự hợp nhất qua điều thần bí được gọi là rāja-yogi. Người đi tìm sự hợp nhất qua triết học được gọi là jnāna-yogi. Bởi vậy, từ yogi bao hàm cả bốn loại người này.

Trước tiên, tôi xin nói về rāja-yoga. Rāja-yoga, hay sự kiểm soát tâm trí, là gì? Ở xứ sở này, các bạn gán cho từ yoga đủ chuyện yêu ma quái đản. Bởi vậy, tôi e rằng mình phải mở đầu bằng cách nói với các bạn nói rằng yoga hoàn toàn không có liên quan gì đến những thứ đó. Không một pháp môn yoga nào từ bỏ lý trí, không một pháp môn yoga nào bắt các bạn phải bịt mắt lại và giao phó lý trí các bạn vào tay của đám tu sĩ thuộc bất cứ loại nào. Không một pháp môn yoga nào bắt các bạn phải tuân phục theo một vị sứ giả siêu nhiên nào hết. Pháp môn yoga nào cũng bắt các bạn phải bám chặt vào lý trí, và giữ nó cho thật chắc.

Chúng ta sẽ thấy trong mọi sinh thể đều có ba công cụ nhận thức. Thứ nhất là bản năng, mà ta thấy phát triển rất cao nơi loài vật; đó là công cụ nhận thức thấp kém nhất. Công cụ nhận thức thứ hai là gì? Là suy luận. Các bạn sẽ thấy nó phát triển rất cao nơi loài người. Trước hết, bản năng là công cụ nhận thức chưa đầy đủ; đối với loài vật thì phạm vi hoạt động rất giới hạn, và bản năng hoạt động trong giới hạn đó. Khi đến với con người thì các bạn sẽ thấy bản năng đó được phát huy phong phú thành lý tính. Phạm vi hoạt động cũng được mở rộng thêm ra. Tuy nhiên lý tính vẫn còn rất nhiều khiếm khuyết. Lý tính chỉ có thể đi một đoạn đường ngắn rồi ngừng lại, nó không thể đi xa thêm nữa; và nếu các bạn cứ ra sức đẩy nó đi tới thì hậu quả là tình trạng lộn xộn vô phương cứu chữa, bản thân lý tính sẽ trở nên phi lý. Luận lý học trở thành một loại lập luận lẩn quẩn lòng vòng. Thử lấy ngay vật chất và lực – là những thứ làm nền tảng cho nhận thức của chúng ta – để làm ví dụ. Vật chất là gì? Đó là cái chịu tác động của lực. Vậy thì lực là gì? Là cái tác động lên vật chất. Các bạn thấy ngay sự phức tạp mà những nhà lý luận gọi là “cái bập bênh”; đó là ý tưởng A phụ thuộc vào ý tưởng B, rồi ý tưởng B đó lại tùy thuộc vào ý tưởng A. Các bạn sẽ thấy một rào chắn kiên cố dựng lên trước lý tính, mà khả năng suy luận không sao vượt qua nổi, thế nhưng nó lại nôn nóng đi vào Cõi Vô Biên ở Bên Kia. Cái thế giới, cái vũ trụ mà giác quan chúng ta cảm nhận được, hay tâm trí ta suy tưởng được có thể nói chỉ là một nguyên tử của Cõi Vô Biên, được chiếu rọi trên bình diện của ý thức; và lý tính chúng ta chỉ hoạt động trong phạm vi hạn hẹp được xác định bởi mạng lưới của ý thức, chứ nó không thể vượt qua giới hạn đó. Bởi vậy, phải có một công cụ nào khác đưa được chúng ta đến cõi bên kia, và công cụ đó được gọi là linh cảm.

Bởi vậy, bản năng, lý tính và linh cảm là ba công cụ nhận thức. Bản năng thuộc về loài vật, lý tính thuộc về con người, còn linh cảm thuộc về các vị thánh triết. Tuy nhiên, nơi mỗi người thì hạt giống của cả ba công cụ nhận thức đó đều có đủ, trong trạng thái phát triển ít hay nhiều. Để các công cụ nhận thức tinh thần này tiến hóa thì những hạt giống phải có sẵn nơi đó rồi. Cần phải nhớ rằng công cụ này là sự phát triển của công cụ kia, do đó, không mâu thuẫn với nó. Chính lý tính phát triển thành linh cảm, nên linh cảm không mâu thuẫn với lý tính mà tựu thành cho lý tính. Những sự vật mà lý tính không sao lĩnh hội được lại được đưa ra ánh sáng nhờ linh cảm, và những sự vật đó không hề mâu thuẫn với lý tính. Người già không mâu thuẫn với trẻ con, mà tựu thành cho đứa trẻ.

Do đó, các bạn phải luôn ghi nhớ rằng điều đại nguy hiểm nằm ở chỗ nhận lầm công cụ nhận thức thấp kém thành công cụ nhận thức cao siêu. Đã nhiều lần, bản năng được thế giới xem như là linh cảm, do đó mà có những lời tuyên bố sai lầm về năng khiếu tiên tri. Một gã khờ hoặc một người nửa điên nửa tỉnh luôn nghĩ rằng những thứ hổ lốn trong đầu mình là linh cảm, và muốn người khác phải nghe theo. Điều nhảm nhí phi lý nhất và mâu thuẫn nhất từng được thuyết giảng trong thế gian chỉ là một thứ biệt ngữ mang tính bản năng của những đầu óc điên khùng rối loạn, đang cố cho đó là ngôn ngữ linh cảm. Trắc nghiệm đầu tiên cho lời giáo huấn chân thực là nó phải không mâu thuẫn với lý tính.

Các bạn sẽ thấy rằng đây là nền tảng của tất cả những pháp môn yoga. Chúng ta hãy xem rāja-yoga, tức pháp môn yoga tâm lý, hay phương thức hợp nhất bằng tâm lý. Đây là một chủ đề rộng lớn, và tôi chỉ có thể chỉ ra cho các bạn thấy ý tưởng trọng tâm của pháp môn yoga này. Chúng ta chỉ có một phương thức thu hoạch tri thức. Từ những người thấp kém nhất đến hành giả yogi cao siêu nhất, tất cả đều sử dụng một phương pháp như nhau, phương pháp đó là tập trung tư tưởng. Nhà hóa học, khi làm việc trong phòng thí nghiệm, tập trung toàn bộ năng lực của tâm trí vào một tiêu điểm, rồi phóng chiếu chúng lên các nguyên tố và phân tích chúng; thế là ông ta đạt được tri thức mới. Nhà thiên văn học cũng tập trung toàn bộ năng lực của tâm trí vào một tiêu điểm, rồi phóng chiếu chúng lên các đối tượng, thông qua một kính viễn vọng; các vì sao cùng những thiên hà cuồn cuộn kéo về phía trước, và hé lộ cho ông ta thấy những điều bí ẩn. Tất cả các trường hợp khác cũng y như vậy với vị giáo sư ngồi trên ghế giảng, với anh sinh viên cầm cuốn sách, hay với tất cả những ai đang làm việc để tìm tri thức. Các bạn đang lắng nghe tôi, nếu như lời tôi nói làm cho các bạn thấy hứng thú thì tâm trí các bạn sẽ tập trung vào đó; giả sử chuông đồng hồ có điểm chăng nữa thì các bạn cũng không nghe thấy, do mê mải tập trung. Các bạn càng tập trung tâm trí thì càng hiểu rõ tôi hơn; còn phần tôi, tôi càng tập trung tình yêu và năng lực của mình thì càng có khả năng diễn đạt những gì cần chuyển tải đến các bạn.

Năng lực tập trung càng mạnh thì thu thập tri thức càng nhiều, bởi vì đây là phương pháp duy nhất để thu thập tri thức. Ngay cả anh thợ đánh giày hèn kém nhất, nếu anh ta tập trung nhiều hơn thì đánh giày sẽ bóng hơn; người đầu bếp tập trung nhiều hơn thì sẽ nấu ăn ngon hơn. Trong việc kiếm tiền hay sùng bái Thượng Đế, hay làm bất cứ việc gì, hễ năng lực tập trung càng mạnh thì kết quả càng tốt đẹp. Đây là tiếng gọi duy nhất, tiếng gõ cửa duy nhất mở ra những cánh cửa thiên nhiên, và để cho ánh sáng tuôn trào ra ngoài như thác lũ. Cái này đây – tức năng lực tập trung tư tưởng - là chìa khóa duy nhất để mở kho tàng tri thức.

Pháp môn rāja-yoga hầu như chỉ chuyên về việc tập trung tư tưởng. Trong tình trạng hiện nay của thể xác của chúng ta, chúng ta đã bị phân tâm quá nhiều, và tâm trí cứ phung phí năng lực vào hàng trăm thứ công việc. Ngay khi tôi cố gắng định tâm và tập trung tâm trí vào một đối tượng tri thức thì hàng ngàn xung động không mong muốn khác cứ ào ạt tràn vào bộ não, hàng ngàn tư tưởng khác cứ ngập tràn trong tâm trí và làm nó rối loạn cả lên. Làm thế nào để kiểm soát và chế ngự tâm trí, đó là toàn bộ chủ đề nghiên cứu trong pháp môn rāja-yoga.

Bây giờ, ta hãy nói về karma-yoga, tức pháp môn đạt đến Thượng Đế bằng hoạt động. Rõ ràng là trong xã hội có nhiều người dường như sinh ra là đã có thiên hướng muốn hoạt động, bằng cách này hay cách khác, tâm trí họ không thể chỉ tập trung vào một bình diện tư tưởng, mà họ cần phải có một ý tưởng được cụ thể hóa thành công việc, thấy được và sờ chạm được. Cũng cần phải có một khoa học cho loại tâm trí này. Mỗi người chúng ta đều tham gia vào một công việc, nhưng phần đông chúng ta đều hoang phí quá nhiều năng lực, bởi vì ta không biết được bí quyết làm việc. Karma-yoga giải thích điều bí ẩn này, đồng thời dạy cho chúng ta biết làm việc ở đâu và làm như thế nào, làm thế nào để vận dụng được tối đa năng lực của chúng ta vào công việc trước mắt.

Nhưng cùng với bí quyết này, chúng ta cũng phải xét đến sự phản kháng to lớn chống lại công việc, đó là: công việc là nguyên nhân gây nên đau khổ. Mọi điều khốn khổ và đau khổ đều xuất phát từ tâm luyến cảm. Tôi muốn làm việc, tôi muốn làm điều tốt cho mọi người, nhưng có đến chín mươi phần trăm hoặc tất cả những người tôi giúp đỡ đều tỏ ra vô ơn bạc nghĩa và chống đối lại tôi, kết quả là tôi đau khổ. Những chuyện như thế làm con người nản chí không muốn làm việc, nỗi sợ hãi khổ đau và khốn khổ làm lãng phí một phần lớn công việc và năng lực của con người. Karma-yoga dạy cho ta cách làm việc chỉ vì công việc, không luyến cảm, không quan tâm ai được giúp đỡ và giúp để làm gì. Một karma-yogi làm việc chỉ vì đó là bản tính hoạt động của họ, bởi vì họ cảm thấy làm thế là tốt, và họ không nhắm đến một mục đích nào khác. Vị trí của họ trong thế gian này là làm người ban phát, và họ không bao giờ quan tâm đến chuyện nhận bất cứ thứ gì. Họ biết rằng họ đang cho đi mà không đòi hỏi có gì đáp lại, do đó, họ vượt qua được mọi khốn khổ. Khổ đau, bất kể nó đến lúc nào, đều là kết quả của tâm luyến cảm.

Kế đó là bhakti-yoga dành cho những người mang bản tính đa cảm, dễ xúc động, những người có lòng yêu thương. Họ muốn yêu thương Thượng Đế; họ tin tưởng và vận dụng đủ mọi thứ nghi thức, hương hoa, đền thờ tráng lệ, hình thức xinh đẹp, cùng tất cả những điều như thế. Các bạn có ý muốn nói rằng họ sai chăng? Có một điều tôi phải nói cho các bạn biết. Các bạn nên nhớ rằng, đặc biệt là ở xứ sở này, tất cả những bậc đạo sư tâm linh vĩ đại của thế giới đều chỉ được sản sinh ra từ những giáo phái có thần thoại và nghi lễ vô cùng phong phú. Tất cả những giáo phái nào cố gắng sùng bái Thượng Đế không cần đến nghi thức cũng đều giày xéo không thương tiếc những điều cao đẹp và tôn nghiêm trong tôn giáo. Tôn giáo của họ là sự cuồng tín – một thứ cực kỳ khô cằn. Lịch sử thế giới đã là chứng nhân thường xuyên cho sự kiện này. Bởi vậy, xin đừng chê bai, chỉ trích những nghi lễ và thần thoại này. Cứ để dân chúng có những thứ đó; ai thích thì cứ để cho họ có những thứ đó. Đừng có phô ra nụ cười chế nhạo rẻ tiền, và nói: “Họ là một lũ khùng, cứ để mặc họ có cái đó đi”. Bởi vì không phải thế. Những bậc vĩ nhân mà tôi gặp trong đời mình, những vị có đời sống tâm linh phát triển kỳ diệu nhất, tất cả đều đã trải qua thanh quy giới luật của những nghi lễ này. Tôi thấy mình không xứng ngồi dưới chân các vị đó, phê phán các vị thật là điều xấu hổ cho tôi! Làm sao tôi biết được những ý tưởng này đã ảnh hưởng đến tâm trí nhân loại ra sao? Tôi phải chấp nhận tư tưởng nào và từ bỏ tư tưởng nào? Chúng ta cứ ưa phê phán mọi thứ trên đời, mà chẳng có lý do xác đáng nào. Cứ để mọi người có tất cả mọi thứ thần thoại mà họ cần, với những linh cảm đẹp đẽ; vì các bạn phải luôn luôn ghi nhớ rằng những bản tính đa cảm không hề quan tâm gì đến những định nghĩa trừu tượng về chân lý. Đối với họ thì Thượng Đế phải là cái gì đó cụ thể là một sự vật duy nhất có thực. Họ cảm nhận được, nghe được, thấy được Ngài và yêu thương Ngài. Hãy để họ có Thượng Đế của riêng mình. Đối với họ thì con người duy lý của các bạn giống như một kẻ ngốc, hễ nhìn thấy một pho tượng đẹp là muốn bẻ ra để xem nó được làm bằng chất liệu gì.

Bhakti-yoga dạy cho họ thương yêu mà không cần đến bất kỳ một động cơ kín đáo nào; họ thương yêu Thượng Đế và thích làm việc thiện vì thấy đó là điều tốt, chứ không phải để lên thiên đàng, để cầu con cái, của cải hay bất cứ thứ gì. Bhakti-yoga dạy cho họ rằng bản thân sự thương yêu đã là phần thưởng tối cao của thương yêu rồi - chính Thượng Đế là Tình Thương. Pháp môn này dạy cho họ dâng đủ mọi thứ lễ vật lên Thượng Đế như là đấng Tạo Hóa, đấng Vô Sở Bất Tại, đấng Toàn Trí, đấng Cai Trị Toàn Năng, là Cha Mẹ.

Thành ngữ tối thượng để diễn tả Ngài, quan niệm tối cao mà tâm trí nhân loại có thể hình dung được Ngài, đó là: Ngài là Thượng Đế của Tình Thương. Bất cứ nơi đâu có tình thương yêu thì đó là Ngài. “Hễ nơi nào có tình thương thì đó là Ngài; đấng Chúa Tể ngự trị nơi nơi ấy”. Nơi nào chồng hôn vợ thì Ngài ở trong nụ hôn đó; nơi nào mẹ hôn con thì Ngài ở trong nụ hôn đó; nơi nào bè bạn nắm tay nhau thì Ngài, đấng Chúa Tể, hiện hữu tại nơi ấy như là Thượng Đế của Tình Thương. Khi nào một bậc vĩ nhân yêu thương và muốn giúp đỡ loài người thì Ngài hiện hữu ở đó, hào phóng ban phát Thương Yêu cho toàn thể loài người. Bất cứ nơi nào cõi lòng rộng mở thì Ngài hiện hữu ở nơi đó. Đó là lời dạy của pháp môn bhakti-yoga.

Cuối cùng, ta đến với các hành giả jnāna-yogi, đó là những triết gia, những nhà tư tưởng, những người muốn vượt cao hơn cõi hữu hình này. Họ là người không thỏa mãn với những sự vật vụn vặt nhỏ bé trong thế gian này. Quan niệm của họ là vượt qua thói quen ăn uống, cùng những sinh hoạt thường ngày. Thậm chí lời giảng dạy của hàng ngàn cuốn sách cũng không làm họ thỏa mãn. Thậm chí tất cả những nền khoa học cũng không làm họ thỏa mãn, giỏi lắm thì chúng chỉ giải thích được cái thế giới nhỏ bé này cho họ. Vậy thì cái gì sẽ làm họ thỏa mãn? Cho dẫu hằng hà sa số cõi thế này cũng không làm họ thỏa mãn, họ xem chúng chỉ là một giọt nước trong cõi đại dương bao la của tồn tại. Linh hồn họ muốn vượt qua tất cả để đi sâu vào tận bản tâm của vạn hữu bằng cách thấy được Thực Tại y như thực – bằng cách thể ngộ được Thực Tại đó, biến thành Nó và hợp nhất với Hằng Hữu Phổ Quát. Đó là triết gia. Nói rằng Thượng Đế là Cha Mẹ, là đấng Sáng Tạo vũ trụ, là đấng Bảo Vệ và đấng Dẫn Đạo vũ trụ thì đối với họ cũng chưa phải là cách diễn tả tương xứng. Đối với các hành giả jnāna-yogi thì Ngài là Sự Sống của đời sống họ, Linh Hồn của linh hồn họ. Thượng Đế là Chân Ngã của họ. Tất cả đều là Thượng Đế, không có gì chẳng phải là Ngài. Tất cả những thành phần mang bản chất phù du tử diệt của họ đều bị những cú đấm trầm trọng của triết học đánh cho tan nát và quét sạch đi. Cái thực sự còn lại cuối cùng chính là Thượng Đế.

Có hai con chim đậu trên cùng một cây, một con đậu trên ngọn, một con đậu dưới thấp. Con chim trên ngọn thì trầm lặng và oai vệ, đắm chìm trong ánh hào quang rực rỡ của mình; con chim ở dưới thấp lúc thì ăn nhầm trái ngọt, lúc thì ăn nhầm trái đắng, nó nhảy nhót từ cành này sang cành kia, lúc thì thấy hạnh phúc, lúc thì thấy đau khổ. Sau một thời gian, con chim ở dưới thấp ăn nhầm một trái đắng và thấy kinh tởm. Nó ngước lên nhìn và thấy con chim kia diệu kỳ trong bộ lông vàng rực rỡ, không ăn trái ngọt mà cũng chẳng ăn trái đắng, không hạnh phúc cũng chẳng khổ đau, cứ trầm tĩnh, tập trung vào Chân Ngã, không thấy gì ngoài Chân Ngã của mình. Con chim ở dưới thèm muốn trạng thái đó, nhưng chẳng bao lâu nó quên đi mất, rồi lại bắt đầu ăn trái cây. Được một hồi, nó lại ăn nhầm một trái cực kỳ đắng khác và thấy đau khổ, nó lại ngước lên nhìn và cố gắng đến gần con chim trên ngọn. Lần nữa, nó lại quên bẵng đi, rồi sau một lúc, nó lại ngước nhìn lên, rồi nó cứ lặp đi lặp lại như thế, cho đến khi nó đến gần con chim xinh đẹp kia, và thấy ánh hào quang từ bộ lông vàng kia phản chiếu chung quanh người nó, nó cảm nhận được sự chuyển hóa và tựa hồ như tan biến đi. Nó càng đến gần thêm nữa, mọi vật chung quanh nó tựa hồ như tan biến mất, rồi cuối cùng nó hiểu được hiện tượng kỳ diệu này. Có thể nói con chim ở dưới thấp chỉ là cái bóng trông như thật, hay chỉ là sự phản chiếu của con chim trên ngọn; tự bản chất, nó lúc nào cũng chính là con chim trên ngọn. Chuyện con chim dưới thấp cứ lần lượt ăn nhằm trái cây ngọt hoặc đắng, hưởng hạnh phúc hoặc chịu khổ đau, chỉ là một ảo ảnh, một giấc mơ mà thôi, con chim chân thực vẫn mãi mãi ở nơi đó, trầm lặng an nhiên, rực rỡ và oai vệ, vượt ngoài mọi ưu sầu, khổ não.

Con chim ở trên ngọn cây là Thượng Đế, đấng Chúa Tể của vũ trụ, còn con chim ở dưới thấp là linh hồn con người, ăn những trái cây ngọt, đắng của trần gian. Thỉnh thoảng, con người phải chịu một cú đấm nặng nề. Họ liền ngừng ăn trong một thời gian và hướng đến một đấng Thượng Đế xa lạ, rồi cơn lũ ánh sáng tràn đến. Họ nghĩ rằng thế gian này chỉ là một tấn tuồng hư huyễn. Thế nhưng giác quan lại lôi họ xuống, và họ lại tiếp tục ăn những trái cây ngọt, đắng của trần gian như trước. Rồi họ lại bị một cú đấm như trời giáng. Tâm hồn họ lại mở rộng ra trước ánh linh quang. Cứ như thế, họ dần dần tiếp cận được với Thượng Đế, và khi càng đến gần thì họ càng thấy cái tự ngã cố hữu của mình tan biến mất. Khi đến đủ gần thì họ thấy mình chính là Thượng Đế chứ không gì khác, rồi tuyên bố: “ Đấng mà tôi đã mô tả cho các bạn như là Sự Sống của vũ trụ này, đấng đang hiện hữu trong nguyên tử, trong mặt trời, mặt trăng - thì Ngài chính là nền tảng cho sự sống của chúng ta, là Linh Hồn của mọi linh hồn. Nói cho đúng hơn thì các bạn chính là Ngài ”.

Đây là lời dạy của pháp môn jnāna-yoga. Nó bảo cho con người biết rằng bản chất họ chính là thần linh. Nó chỉ cho con người thấy nhất thể chân thực của tồn tại, đó là: mỗi người chúng ta đều chính là Thượng Đế Tối Cao đang hiển thị trên thế gian này. Tất cả chúng ta – từ loài sâu bọ thấp kém nhất đang bò dưới chân ta, cho đến những nhân vật tối cao mà chúng ta ngưỡng mộ và kính sợ – đều là những sự hiển lộ của cùng một Thượng Đế.

Cuối cùng, điều khẩn yếu là cần phải thực hành được tất cả những pháp môn yoga này, cứ lý thuyết suông thì cũng chẳng đem lại lợi ích gì. Trước tiên, chúng ta phải nghe thuyết giảng về chúng, rồi chúng ta phải tư duy về chúng. Chúng ta phải suy diễn những tư tưởng đó, khắc chúng trong trí não, chúng ta phải quán tưởng về chúng, thực chứng được chúng, cho đến lúc cuối cùng, khi chúng trở thành toàn bộ đời sống của chúng ta. Tôn giáo không còn là một mớ ý tưởng hay lý thuyết nữa, cũng chẳng phải là sự chấp thuận bằng trí năng, mà nó đi sâu vào chính tự ngã của chúng ta. Khi dùng trí năng để chấp thuận thì hôm nay chúng ta có thể tán đồng nhiều chuyện điên rồ, để rồi hôm sau lại đổi ý hoàn toàn. Nhưng tôn giáo chân thực thì không bao giờ thay đổi. Tôn giáo là tu tập, là thực chứng, chứ không phải là những lời nói suông, cũng chẳng phải là giáo lý hay lý thuyết, cho dù những thứ đó có đẹp đẽ đến máy đi chăng nữa. Tôn giáo là hiện hữu và chuyển hóa, chứ không phải chuyện nghe theo rồi chấp nhận. Đó là sự chuyển hóa của toàn bộ linh hồn thành đức tin. Đó là tôn giáo.

–––––o0o–––––

Trích “Tinh hoa Triết học Vedanta”

Tác giả: Swami Vivekananda

Người dịch: Huỳnh Ngọc Chiến

Nhà Xuất Bản Tri Thức, 2016

Ảnh nguồn Internet

Bài viết liên quan