TIẾNG CƯỜI - SUSAN MURPHY - SỢI CHỈ ĐỎ THIỀN

TIẾNG CƯỜI

SUSAN MURPHY - SỢI CHỈ ĐỎ THIỀN – Sự Dính Mắc Của Con Người Trong

Tính Không

Thế Anh dịch - NXB: Hồng Đức, 2018 - Ảnh: nguồn internet

-------o0o-------

Yamada Koun từng nói, “Trên trái đất này, không có sự giúp ích nào lớn lao hơn là để cho bản ngã bị tiêu trừ trong thiền định, để cho cuộc sống vô hạn bên trong chúng ta có cơ hội tiếp quản nó”.
TIẾNG CƯỜI - SUSAN MURPHY - SỢI CHỈ ĐỎ THIỀN

 

Nếu bạn có thời gian tán gẫu, hãy đọc sách.

Nếu bạn có thời gian đọc sách, hãy tản bộ vào vùng núi non, sa mạc, và đại dương.

Nếu bạn có thời gian tản bộ,

Hãy hát và khiêu vũ.

Nếu bạn có thời gian khiêu vũ,

Hãy ngồi tĩnh lặng,

Hỡi bạn, một gã ngốc may mắn và hạnh phúc!

- Nanao Sakaki

---o0o---

Người ta kể rằng có lần Shunryu Suzuki bước ra khỏi thiền đường để gặp người chờ đợi chở ông đến thị trấn Los Altos. Một phụ nữ đứng ở đầu cầu thang gọi với ra tài xế, “Bây giờ anh phải cẩn thận đấy. Đừng để mất kho báu của chúng ta!”. Shunryu Suzuki quay lại, vỗ tay kêu rất lớn và la lên, “Không như thế nữa đâu!” - sau đó ông ngửa cố cười lớn, và vẫn còn cười khi xe đã lăn bánh.

Tiếng cười lớn ấy của Shunryu Suzuki chứng thực rằng sống là ân sủng thuần túy, hoàn toàn tạm bợ, chỉ được trao ban từng khoảnh khắc và chỉ thật sự được trao ban khi thật sự được nhận, với hai bàn tay trắng. Khi chúng ta bám víu vào nó, chúng ta sẽ mất nó, và thời gian là kẻ thù của chúng ta. Nhưng khi chúng ta đem cho không nó, thì lúc ấy cuộc sống là món quà kỳ lạ. Và chúng ta chính là cơ thể của thời gian, tiết lộ bí mật của nó như là bản thân chúng ta, không an trú ở đâu cả, tạo ra tâm trí ấy. Nó xuất hiện từ hư không và không thể bị tách rời khỏi mọi sự vật.

Yamada Koun từng nói, “Trên trái đất này, không có sự giúp ích nào lớn lao hơn là để cho bản ngã bị tiêu trừ trong thiền định, để cho cuộc sống vô hạn bên trong chúng ta có cơ hội tiếp quản nó”. Tiếng cười của Shunryu Suzuki là sự hoàn toàn hài lòng của bản ngã trong sự giảm thiểu tương đối của nó. Chính Thomas Hobbes là người nhận thấy tiếng cười là “vinh quang đột ngột của chúng ta”. Trong mắt ông, cuộc sống có thể ngắn ngủi, đáng kinh tởm, và tàn bạo, nhưng sự lan tỏa, bùng nổ mà không bị kiểm soát của tiếng cười trong lành giúp buông bỏ gánh nặng của việc tự cho mình là quan trọng để đổi lấy một khoảnh khắc thú vị. Tiếng cười là điều tự nhiên giống như sự giác ngộ; giống như những giọt nước mắt, nó bắt đầu hòa tan ranh giới tôi/người khác và lăn tảng đá ra khỏi nấm mồ mà chúng ta tạo ra cho bản ngã của mình.

Ngôi chùa của vị thiền sư tài năng Bạch Ẩn Huệ Hạc tọa lạc gần núi Phú Sĩ với láng giềng là những người nông dân nghèo cần cù, và Bạch Ẩn đã phá vỡ thông lệ để chào đón họ như với các tăng sĩ của ông, nếu họ đến để tham dự các buổi đàm đạo hoặc chỉ để tán gẫu với ông. Có nhiều người là tín đồ của Tịnh Độ tông, với việc tu tập pháp môn niệm Phật - việc liên tục niệm tên Phật A Di Đà là cách để bảo đảm cho sự tái sinh trong cõi Tịnh Thổ không vướng vào đau khổ.

Một phụ nữ cao tuổi, được biết đến qua các ngữ lục, nghe Bạch Ẩn thuyết giáo, “Tâm trí bạn là Tịnh Thổ và thân xác bạn là Phật A Di Đà. Khi Phật A Di Đà xuất hiện, các ngọn núi, các con sông, các khu rừng và các cánh đồng, tất cả đều tỏa ra ánh sáng rực rỡ. Nếu muốn hiểu thì bạn hãy nhìn vào trái tim của mình”. Người phụ nữ cao tuổi này đã đưa gợi ý gây sốc - Phật A Di Đà chính là bạn - vào sâu trong tâm thức và nói “Điều này không quá khó!”. Bà đã ngẫm nghĩ về nó suốt ngày đêm trong khi phải giải quyết công việc của mình. Một hôm, khi đang rửa một chiếc bình sau bữa điểm tâm, nguồn sáng vĩ đại đã làm đảo lộn tâm trí bà. Bà buông chiếc bình, chạy đi gặp Bạch Ẩn, cười và la lớn, “Phật A Di Đà lấp đầy toàn bộ thân xác tôi! Các ngọn núi, các con sông, các khu rừng và các cánh đồng, rực rỡ với ánh sáng. Thật tuyệt diệu!”. Bạch Ẩn vui mừng hỏi, “Bà đang nói về điều gì thế? Có phải là ánh sáng chiếu ra từ bụng bà không?”. Bà đẩy Bạch Ẩn rất mạnh và nói, “Tôi có thể thấy là thầy chưa giác ngộ!”. Bà chấp nhận thái độ của Bạch Ẩn, chấp nhận thử thách và đẩy trả lại ông! Sau đó cả hai cười ngặt nghẽo không thể kiểm soát được và bà giác ngộ hoàn toàn.

 

Tiếng cười đối lúc nổ ra trong những công án quan trọng trong văn học Thiền là vực thẳm khoan dung, nơi mà sự suy nghĩ dựa trên khái niệm rơi vào đó và tan biến, cho phép sự sống vô hạn tiếp quản một vài khoảnh khắc khải thị. Trong Tắc 46 (công án 46) của tuyển tập Thung Dung Lục, Đức Sơn Viên Minh (908-987) phát biểu trước chúng hội, “Hãy tiêu trừ mọi suy nghĩ dựa trên các khái niệm để chư Phật ở ba thế giới có thể mở miệng”.

Ông nói tiếp, “Nhưng có một người sẵn lòng đưa ra một tiếng cười lớn. Nếu bạn có thể nhận biết người ấy, bạn sẽ hoàn thành việc tu tập”.

Bạn đã gặp người ấy chưa, người không thể làm gì khác là đưa ra tiếng cười lớn và khoan dung? Tiếng cười thanh tẩy của Thiền xóa sạch những cản trở tâm linh và đưa chúng ta trở về trọn vẹn với vầng trăng mơ hồ của hoàn cảnh con người hỗn tạp và không tinh khiết, ngay bên cạnh tính nghiêm túc của ý niệm về sự tu tập - điều tự do đi lang thang và trải nghiệm trong thế giới rộng mở của sinh và tử.

Trạng thái tâm trí này có nghĩa là bạn đã từ bỏ những ranh giới của điều gì đó hạn hẹp, trao phó bản thân cho những sự vật của thế gian. Bạn đã tự đặt bản thân vào tầm với thuận tiện của những điều bình thường kỳ diệu - những điều kỳ diệu của gương mặt cuộc sống bình thường hơn và mang lại sự an ủi sâu sắc, là những điều bắt đầu xuất hiện ngay khi chúng ta từ bỏ sự chống đối. Và cái còn lại chỉ là trò chơi đơn thuần trong vai trò là tất cả những gì chúng ta “làm”.

Thiền hoàn trả cho chúng ta hương vị đậm đà của kiểu thức phóng khoáng ấy, mà vào lúc này được nếm trải với sự sâu sắc thâm trầm. Khi được rèn luyện một cách thật nghiêm túc, Thiền khả- hữu-hóa việc xem nhẹ, rất nhẹ, bản thân - đó là điều tuyệt vời của nó. Giống như tất cả mọi trò chơi khác, nó hoàn toàn nghiêm túc, và vì thế nó hoàn toàn có thể tiếp cận được với sự hài hước. Dù có thể cười đùa làm gián đoạn một trò chơi của trẻ em và bạn sẽ nhanh chóng học được tính nghiêm túc cao độ của trò chơi, nhưng việc mạnh mẽ ép buộc bản thân hướng đến “điều gì đó đặc biệt” trong tiến trình thực hành của bạn chỉ có thể làm cho bạn giậm chân tại chỗ suốt nhiều năm trong một bản sao đơn gián của bản chất thật sự của việc buông bỏ.

  • Bình Thường

Bình thường là một từ tinh tế trong Thiền học. Thành ngữ tâm bình thường nổi bật trong Tắc 19 (công án 19 của tuyển tập công án Vô Môn Quan, câu nói "Tâm Bình Thường Là Đạo” của Nam Tuyền, là công án xem xét sự khác biệt giữa việc thôi thúc hoặc khuyến khích bản thân hướng đến một kiểu trạng thái hoặc thành tựu đặc biệt nào đó và việc trực tiếp thể hiện những gì hoàn toàn sẵn có.

Trong công án này, chàng trai trẻ Triệu Châu hỏi đạo sư Nam Tuyền (748-835), “Thế nào là Đạo?” với hàm ý “Tôi phải làm thế nào để nhận biết vấn đề, tôi phải làm thế nào để tiến bộ?”. Khi Phật giáo đến Trung Hoa, “Đạo” nhanh chóng và tự nhiên trở nên có thể hoán đổi với Phật tính, bản chất thiết yếu. Đạo vẫn là một từ, giống như từ Vô, không thể đạt được mà chỉ có thể thể hiện. Nghĩa ban đầu của nó là Con đường, điều khiến cho nó vượt ra khỏi sự giải thích ngay cả khi chúng ta đi theo nó. Thế nhưng việc đi theo nó làm cho nó trở nên rất rõ ràng. Nam Tuyền trả lời, “Tâm bình thường là Đạo”. Tự thân tâm bình thường là “làm thế nào để tiến bộ”. Nhưng trong tâm trí của ông vẫn ghĩ đến một nơi nào đó khác phải đến, Triệu Châu hỏi, “Tôi có nên chỉ đạo bản thân hướng đến nó hay không”. Nam Tuyền nói, “Nếu anh cố gắng chỉ đạo bản thân, anh sẽ đi sai đường”. Bạn có thể chỉ đạo bản thân hướng đến nơi mà bạn hữu hay không? Nhưng nếu điều mà bạn tìm kiếm lại là nơi và điều bạn đã sẵn là như thế, khi ấy tiến bộ ra sao trong việc tu tập? Triệu Châu kiên trì hỏi, “Làm sao tôi có thể hiểu về Đạo nếu không chỉ đạo bản thân?”. Trong câu trả lời, Nam Tuyền loại bỏ hoàn toàn sự cố gắng, “Đạo không phải là đối tượng của việc biết hoặc không biết, đạt được hoặc không đạt được. Biết là ảo giác, và không biết theo nghĩa bình thường là trống không. Nếu bạn thật sự đến được với Đạo đích thực, bạn sẽ nhận thấy nó rộng lớn và vô hạn giống như không gian vũ trụ. Điều này có thể được thảo luận ra sao ở mức độ đạt được và không đạt được, khẳng định và phủ định”. Triệu Châu nhận thấy những lời này rất hữu ích trong việc cảm nhận Đạo đích thực.

Để hiện hữu diễn ra như nó vốn thế, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, bạn phải kiên quyết để cho bản thân liên tục nhượng bộ và lấy lại tư thế trông cậy vào các hoàn cảnh, chỉ việc là chính bạn, giảm thiểu “sự biết”. Đó là hành động tập trung cao độ của việc cho phép, hoặc “đại nghi”, đòi hỏi toàn bộ tâm trí tập trung vào nó. Sự trình bày của Lâm Tế Nghĩa Huyền về đại nghi “nơi gương mặt của bạn” là “Đừng tin vào bất cứ điều gì mà bạn đối mặt với nó!”. Kế đó, ông bớt khắt khe và để cho đại tinh tấn và đại tín tham gia vào, ' Bất cứ điều gì xuất hiện, hãy soi rọi ánh sáng nội tâm của bạn lên trên nó. Hãy tin vào ánh sáng luôn luôn hoạt động bên trong bạn”. Đây là những chỉ dẫn dành cho một cuộc sống gắn kết một cách vui vẻ và nghiêm túc với tâm trí, gần gũi với thực tế.

Cuộc sống phân giải thành kỳ công hoàn hảo của “tâm bình thường” phát triển trong mọi tình huống, như bài thơ giản dị một cách trang nhã của Vô Môn Huệ Khai cho thấy:

Mùa xuân đến cùng với hoa, mùa thu với trăng,

Mùa hè với gió nhẹ, mùa đông với tuyết.

Khi những mối quan tâm vẩn vơ không lơ lửng trong tâm trí bạn,

Lúc ấy là mùa tốt nhất của bạn.

Từ ghép bình thường, trong cụm từ “tâm bình thường” của Nam Tuyền, có nghĩa là “thông thường” và “[xảy ra] hằng ngày” nhưng có từ căn có nghĩa là “liên miên” và “vĩnh viễn”. Thế nên đây là tâm trí trong trạng thái tự nhiên nhất, nguyên thủy, và kiên định. Vì không có điều gì để đạt, nên tâm trí mà chúng ta đã sẵn sở hữu chính là đối tượng mà việc tu tập vạch trần. Nhưng đừng ai nghi ngờ sự sâu sắc của “trò chơi” đã xảy ra ở cấp độ này.

 

  • Bỡn Cợt

Lương Khoan Đại Ngu (Ryokan, 1758-1831), thiền sư hành khất khiêm tốn nổi tiếng, là mộtkiểu thánh bổn mạng của người Nhật Bản của tâm bình thường, dù ông sẽ cười ngất khi được ca ngợi như thế.

 

Mặc dù được đào tạo hoàn chỉnh bởi một đạo sư đã chính thức thừa nhận ông là người thừa kế pháp môn, Lương Khoan từ chối nhận một chỗ trong bất cứ thiết chế tôn giáo nào. Ông là học giả nghiên cứu chuyên sâu kinh Diệu Pháp Liên Hoa và kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, và là nhà thư pháp bậc thầy được yêu mến và tôn kính. Ông cũng thường là bạn cùng chơi của mọi trẻ em ở trong làng, xem đây là một phần quan trọng của bất cứ ngày nào. Ông biết rõ về nghệ thuật tối cao đòi hỏi nhiều công sức của sự vui vẻ trong cuộc sống, điều giúp ông chịu đựng sự cô độc và nghèo túng. Trong tất cả những điều này, ông là người thầy rộng lượng, tận tâm, và hiếu kỳ của chính ông.

Bạn có thể nói rằng ông đã lang lang trên những ngọn đồi của tâm bình thường suốt 40 năm, từ lúc rời tu viện cho đến khi chết. Về cuối đời, ông đã thật sự an trú trong một ngôi nhà biệt cư nhỏ gắn liền với một tu viện, nhưng là vì thể lực của ông không còn cho phép ông duy trì một cuộc sống lang thang. Việc là khách mời của hiện thực là một thông lệ thay đổi và không bị bó buộc giống như những đám mây trên bầu trời thoáng đãng, và phải chịu đựng sự tiêu hao giống như băng tích ở cửa của băng hà.

Ai là người đã nói rằng “Các tên gọi là những khách mời của hiện thực?”

Những lời này đã được truyền lại cho chúng ta từ thời xa xưa,

Nhưng cho dù người ta biết rõ rằng những tên gọi ấy không có thật,

Họ vẫn không thể nhận biết tự thân hiện thực không có nguồn gốc.

Những tên gọi lẫn hiện thực... cả hai đều không quan trọng.

Hãy cứ tìm kiếm một cách tự nhiên niềm hoan lạc trong dòng chảy luôn luôn thay đổi.

Và ông để cho dòng suối ở thung lũng cho thấy nó đã được hoàn thành ra sao, sự tự tại thật sự này được tìm thấy trong việc “không chỉ đạo bản thân” đối với bất cứ điều gì, là dấu hiệu của sự luôn luôn tôn trọng đối với dòng chảy này.

Đối với Lương Khoan, như chúng ta đã thấy ở phần trước, người bảo vệ mang tính giám hộ của phản ứng cởi mở như thế là Người-Không-Bao- Giờ-Khinh-Miệt-Bất-Cứ-Ai (Thường Bất Khinh Bồ tát) - mà phần lớn cuộc đời của ông là để cúi đầu kính ngưỡng vị Bồ tát mà ông yêu quý nhất trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Nhiệm vụ không bao giờ khinh miệt bất cứ ai có thể là một phép tu tập đòi hỏi nhiều công sức, nhưng điều tốt đẹp của nó là nó tránh việc phê phán và thay thế điều ấy bằng sự hiếu kỳ và thân thiện đối với người khác. Vị Bồ tát Thường Bất Khinh điên dại ấy cúi chào tất cả mọi người, kể cả những người tỏ ra sai trái. Một câu chuyện khác trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa kể về những viên ngọc bị lãng quên được khâu vào áo choàng của mọi người bởi người nào đó yêu quý họ, thế nên chúng ta luôn luôn có kho báu để sử dụng vào những lúc khó khăn. Mọi cái cúi chào của Thường Bất Khinh Bồ tát dành cho bạn hoặc cho tôi chỉ là để thôi thúc chúng ta tìm kiếm viên ngọc mà chúng ta luôn luôn sở hữu, cho dù không biết, bất cứ nơi đâu chúng ta hiện diện ở đó. Bạn đã biết về viên ngọc ấy hay chưa?

Một sự vui đùa nghiêm túc và mang lại nhiều thông tin có thể được tìm thấy trong điều này, cũng như trong cuộc sống và trong những việc làm của Lương Khoan - cho dù là trong những câu chuyện, Thường-Bất-Khinh thường được gặp gỡ với những điều gây xúc động mạnh và tiếng cười độc ác hơn là với sự cúi mình đáp lễ. Một thiền sinh - một luật sư ở thành phố Oakland, bang California - nói về thời điểm ông phải đi ngang qua một người thất nghiệp đang tùy tiện quát tháo những người đi ngang. Khi ông đến gần người ấy và bị chửi rủa, ông chỉ nói, “Cảm ơn”. Những sự việc điên rồ được thừa nhận với sự tôn trọng và được đáp trả với sự đúng mực, một sự trao đổi được người ấy nhận biết ngay lập tức và cũng đã mỉm cười. Mọi thứ được an bài vào nơi thích hợp của chúng, bình đẳng và cởi mở. Người ấy đã để cho ông đi qua, sau đó lại tiếp tục việc làm điên rồ của mình.

Lương Khoan có thể chịu đựng những thời khắc khó khăn - ông đã phải như thế, với một cuộc sống bao gồm giá rét, thiếu thốn, nghèo túng. Thỉnh thoảng ông còn phải chịu đựng bệnh tật và sự cô độc hoàn toàn theo cách thức của con người, nhưng ông có khả năng xem sự đau khổ không phải là điều gì đó tác động đến ông hoặc chi phối tâm trí ông, mà chỉ là điều bình thường, không nhắm đến việc gây tổn thương cho cá nhân hoặc có hàm ý cá nhân. Tâm bình thường vẫn sẵn lòng đón nhận đau khổ, trong khi cân bằng điều ấy bằng việc duy trì sự quan tâm và cảnh giác đối với các cảm giác và nhu cầu của những người khác. Khi nhẹ nhàng ngăn chặn sự đau khổ của chính mình, dù dựa trên điều kiện thực tế, ông cũng có thể thừa nhận sự đau khổ của những người khác và ngăn chặn chúng.

Nhưng quan trọng hơn hết là sự ngây ngô đáng yêu này đã cho thấy rõ tâm bình thường có thể thú vị ra sao - cách thức sáng tạo trong việc nó chảy quanh những trở ngại mà nó gặp phải rất độc đáo và thông suốt. Và giống như một đứa trẻ, nó giàu sức tưởng tượng và hiếu kỳ. Có hàng tá những câu chuyện trong những ghi chép trìu mến được gìn giữ bởi những người từng gặp gỡ ông cho thấy năng khiếu chơi đùa với trẻ em của ông. Ông tạo ra những bản liệt kê của cái mà ông cho là Những Điều Thiết Yếu vì ông luôn luôn bỏ lại bất cứ thứ gì ông có cho người khác. Bản danh sách này luôn luôn bao gồm một quả cầu bằng vải để chơi bất cứ lúc nào trẻ em xuất hiện. Ông cũng liệt kê những vật dụng giúp vượt qua địa hình trắc trở, chiếc gậy và dĩ nhiên là cả chiếc bát khất thực, và nếu may mắn thì ông còn liệt kê thêm một vài loại áo ấm hoặc áo mưa.

Và bản liệt kê này luôn luôn kết thúc với lời nhắc nhở cần thiết cho mọi bản liệt kê: “Hãy nhớ bản liệt kê này, nếu không thì bạn sẽ gặp rắc rối”. Một kẻ ngớ ngẩn (giống như bất cứ ai trong chúng ta) luôn luôn sống gần với rắc rối - rắc rối chính là môi trường nghệ thuật của con người, chắc chắn là như thế. Rắc rối, bây giờ bạn nhìn thấy nó, bạn không thể tìm thấy bất cứ điều gì để có thể gọi là đi sai đường! Lương Khoan chấp nhận tất cả những gì xuất hiện, kể cả khó khăn và rắc rối, thể hiện tinh thần thuần túy và sáng tạo của trò chơi.

Tính vui vẻ của Lương Khoan biểu lộ bản chất mơ mộng, giàu trí tưởng tượng, giàu chất thơ, và luôn luôn hiếu kỳ của khả năng tùy thuộc vào điều không biết, dạng vui đùa thuần túy nội tại:

Mọi người đều ăn cơm

Không ai biết tại sao.

Khi tôi nói về điều này vào lúc này,

Người ta cười nhạo tôi.

Họ cười, điều ấy chẳng sao;

Cười là điều mà tôi cũng thích.

Chúng ta cười hoài cười mãi,

Chúng ta chào đón Phật Di Lặc ngay lúc này!

Di Lặc là Phật luôn được sinh ra, luôn xuất hiện, luôn tỉnh thức. Có thể là ngài còn luôn luôn cười. Chắc chắn là ngài cười với Lương Khoan về ý tưởng luôn luôn hiện hữu chứ không chỉ là hiện hữu vào lúc này. Nó còn là sự thân thiết vô tư mà Đức Phật đã nói đến - tính chất của chiếc bát khất thực trống rỗng, chấp nhận tất cả những gì được cúng dường. Do đó, nó kiên quyết gắn bó với tính không thiên vị của pháp, gắn bó với sự sẵn lòng, với sự thân thiện ở bản chất, đối với việc khám phá đâu là thực chất thay vì quyết định thực chất phải ra sao. Chỉ cần cùng di chuyển một cách chính xác với điều này thì sẽ có được dạng thành tựu ở cấp độ cao nhất.

Có lần ông phát hiện được việc cây tre đã bắt đầu trồi lên qua những tấm ván sàn ở hiên nhà ông. Ông đã rất lo lắng là khi nó lớn hơn theo thời gian, nó sẽ chạm đến nóc nhà lợp bằng lá và đâm xuyên qua mái lá, thế nên ông đốt thủng nhiều lỗ trên mái lá cho nó. Không may là toàn bộ mái bị bắt lửa khi ông làm thế, nên Lương Khoan đã tổ chức một tang lễ cho mái nhà. Sau đó, ông tạo ra một hệ thống sàn với những tấm ván trượt kỳ lạ có thể dễ dàng trượt sang một bên khi những măng tre mới xuất hiện cần có khoảng trống phía trên, và hệ thống ấy không có mái nhà - thật là một giải pháp hoàn hảo!

Có lần, túp lều nhỏ của Lương Khoan bị đột nhập và cướp, nhưng toàn bộ tài sản còn lại của ông là chiếc chiếu mà ông đang ngủ trên đó. Khi thức giấc và cảm nhận được sự hiện diện của tên trộm, ông nghĩ, “Thật là một anh chàng tội nghiệp, sau mọi khó khăn như thế mà anh ta lại chẳng kiếm chác được nhiều ở đây”. Thế nên ông giả vờ mê ngủ và lăn sang một bên để cho tên trộm dễ lấy chiếc chiếu hơn, và chiếc chiếu dễ dàng được tên trộm lấy đi. Dĩ nhiên là có một câu chuyện mà mọi người đều biết, kể về việc Lương Khoan trở về nhà và nhìn thấy một tên trộm có dáng vẻ thất vọng đang đứng bên cạnh căn lều đã bị cướp sạch của ông, không còn để trộm nữa. Cảm thấy tội nghiệp cho tên trộm, ông cởi áo choàng ra và trao nó cho anh ta, anh ta chạy đi và để mặc Lương Khoan nằm run lẩy bẩy trên giường. Nhưng ông còn cảm thấy tên trộm tội nghiệp hơn nữa vì đã quên mang theo ánh trăng trên bậu cửa sổ.

Trong tất cả những tình huống này, ông thư thái một cách thoải mái và hào phóng - giống như việc thò một chân ra ngoài chăn cho muỗi đốt vì chúng cũng cần được sống - điều cho thấy khái quát phần lớn cuộc sống khó khăn nhưng nhàn nhã và chia sẻ triệt để của ông. Rõ ràng là ông rất xem trọng bài thơ mà chính đạo sư của ông đã trao cho khi ông rời bỏ ngôi chùa của người thầy ấy vào lúc 32 tuổi:

Lương Khoan thật là một gã khờ dễ mến;

Vào một ngày vô cùng quan trọng.

Tự do và tự tại, để cho mọi điều trôi theo dòng chảy của chúng.

Ai là người có thể hiểu được kia chứ?

Vì thế tôi giao phó cho anh chiếc gậy làm bằng cây dã tử đằng này.

Bất cứ khi nào anh có thể dựa nó vào tường

Hãy để cho nó mang lại sự thanh thản cho giấc ngủ ngắn ban trưa.

Lương Khoan gìn giữ chiếc gậy được tạo dáng một cách bí ẩn này trong suốt 40 năm lang thang, “vân du” với sự giúp đỡ của nó “theo giấc mơ trôi dạt đến nguồn cội”, như một bài thơ đã nói. Ông sống cuộc sống mãn nguyện với việc không có nơi nào cần đi đến và không có điều gì cần đạt được, vì suy cho cùng, như Triệu Châu đã khám phá, đâu là nơi phải đi đến để nhận lấy tất cả những gì mà chúng ta sở hữu? Bất cứ nơi đâu chúng ta đi, chúng ta cũng đều hiện diện ở đó, và bất cứ nơi đâu chúng ta đến, chúng ta vẫn không có nơi nào để hiện diện ngoài nơi đây. Khi chống lại điều này, “chúng ta sẽ đi sai đường”. Không chống lại nó là một sự tự tại cần rèn luyện suốt đời.

Sự khơi gợi trực tiếp của ông đối với tâm bình thường tinh tế, thanh thản, và vô cùng hoàn hảo, điều chỉ có thể được nhận biết qua việc khám phá:

Ban đêm tôi rèn luyện việc thiền định không thực hành.

Bên bờ sông, một con chim hoàng oanh hót trong hàng liễu rủ.

Trong ngôi làng đang yên ngủ một con chó tru lên trong đêm.

Không có điều gì quấy rầy dòng cảm xúc tự do tuôn chảy của tôi

Nhưng làm thế nào để mô tả lại tâm trí này đây?

Bạn và tôi sẽ thừa kế di sản phong phú ấy ra sao? Hoặc có lẽ nên nói sâu hơn, đâu là chuyện vặt vãnh tầm phào mà chúng ta sẽ cho phép nó chiếm dụng cuộc sống của chúng ta triệt để đến mức chúng ta không thể nhìn thấy ánh trăng ở bậu cửa sổ, và để cho bản thân bị lấy cắp hết lần này đến lần khác.

Tâm bình thường này chỉ việc chấp nhận (và khi chấp nhận, nó tiết lộ) món quà luôn luôn được trao và không giới hạn. Tâm trí này tự tin trong mọi mùa. Khi bạn cảm thấy quen thuộc và tự tin, bạn biết rõ cách tìm được đường đi trong bóng tối mà không va phải các đồ vật và có thể chào hỏi những người khác. Lương Khoan gợi nhớ những dòng đầu tiên trong bản dịch tác phẩm Shodoka của Bob OHearn: “An nhiên tự tại theo ý thích của bạn / hiện thực hóa những điều đã được nói bằng cách giữ im lặng / và để cho chân mình lên tiếng / không chạy đến hoặc chạy đi, mà chỉ bước tiếp”.

Như Triệu Châu nói, “Khi đôi giày rơm đã mòn, bạn cứ việc đi tiếp”. Việc tu tập rời bỏ việc “tu tập” và tan biến vào điều gì đó hoàn toàn tự nhiên, và thậm chí là khi cuộc sống này tiến nhanh đến ngày tàn của nó, sự tự do vĩ đại vẫn là việc bạn cứ việc tiếp tục tiến bước. Khi Lương Khoan lìa trần vào tháng 1 năm 1831, bài thơ cuối cùng đã được tìm thấy giữa các đồ vật của ông. Hãy cùng lắng nghe bài thơ tuyệt vời của Vô Môn Huệ Khai phản ánh “tâm bình thường của Nam Tuyền” tinh tế đến mức nào:

Đâu sẽ là di sản của tôi?

Những đóa hoa mùa xuân;

Tiếng gáy của chim cu mùa hè;

Và những chiếc lá đỏ mùa thu.

Và những tiếng la lớn, những tiếng cười, những tiếng khóc đau buồn, tiếng trẻ em chơi đùa, tiếng rì rầm của những giọng nói mãn nguyện mơ hồ trong nắng thu… tất cả đều là những cánh hoa rơi của kiếp nhân sinh.

-------o0o-------

 

Bài viết liên quan