TÍNH TÂM LINH Ở THẾ KỶ XX - Roberto Assagioli

TÍNH TÂM LINH Ở THẾ KỶ XX

Roberto Assagioli

-----o0o-----

Tâm linh tự bản thân nó là Tính hiện thực tối cao dưới dạng siêu việt, tức là tuyệt đối, của nó, không có một giới hạn hay quy định cụ thể nào. Như vậy, Tâm linh tự nó vượt qua mọi giới hạn thời gian hay không gian, mọi liên hệ với vật chất. Theo bản chất của nó, Tâm linh là vĩnh hằng, vô hạn, tự do, phổ biến. Tính hiện thực cao nhất và tuyệt đối ấy không thể nào được...
TÍNH TÂM LINH Ở THẾ KỶ XX - Roberto Assagioli

Nhan đề chương này có vẻ nghịch lý. Tôi nghĩ rằng ngay cả những người bi quan, những người chê bai cuộc sống hiện đại, những nhà tiên tri báo trước sự suy đồi, theo kiểu Spengler, cũng coi đó như một điều mỉa mai đáng buồn. Tôi phải thừa nhận rằng những mặt bề ngoài và ồn ào nhất của cái nửa đã được vượt qua của thế kỷ này dường như cho thấy họ có lý. Bức tranh toàn cảnh bên ngoài để lộ ra những tính chất duy vật, thậm chí chống tâm linh một cách rõ rệt.

Thật vậy, người ta có thể thấy rõ, vào đầu thế kỷ này, những xu hướng sau đây: kỹ thuật phát triển nhanh chóng; phúc lợi vật chất ngày càng được coi trọng và tìm kiếm; tiền bạc được coi là thiêng liêng và không ngừng đem lại uy tín cũng như quyền lực; thành công vật chất được coi như dấu hiệu và bằng chứng của giá trị cá nhân.

Trong lĩnh vực văn hóa, người ta nhận thấy có tình trạng không quan tâm tới những giá trị và những lý tưởng truyền thống, ngày càng coi trọng khoa học hơn và gần như chỉ hưởng sự quan tâm sống còn tới thế giới bên ngoài, một thứ triết lý công khai hoặc ngấm ngầm theo kiểu chủ nghĩa thực tế, thực chứng và duy vật chất. Trong đời sống cá nhân và xã hội, người ta coi trọng quá đáng thể thao, sùng bái thân thể, sức mạnh và tài khéo léo của nó. Ngày nay một võ sĩ quyền Anh có thể kiếm được hàng triệu chỉ trong một trận đấu, và một trận đấu bóng đá có thể thu hút tới mười vạn khán giả.

Bất cứ ai quan sát và nghiên cứu cuộc sống đều phải hiểu được những sự kiện mình cảm nhận và, để hiểu được chúng, thì không được dừng lại ở những biểu hiện mang tính bên ngoài, không thể xem xét chúng một cách tách rời và nhất là không được có định kiến ngay lập tức để tán thành hay chống lại chúng. Không được có định kiến mà, trái lại, phải gác bỏ sang một bên những phản ứng và ưu thích cá nhân.

Nếu chúng ta có thái độ như vậy đối với thế kỷ XX, thì thế kỷ này mang một bộ mặt rất khác: thật vậy, chúng ta có thể nhận ra một tinh thần mới, một ánh sáng mới trong những đường nét gồ ghề và rắc rối của nó.

Trước tiên, chúng ta phải xem xét thế kỷ XX theo thế kỷ XIX mà nó đã bắt nguồn từ đó. Cần phải nhớ lại rằng, thế kỷ ấy, nhất là những thập kỷ cuối cùng của nó, đằng sau lớp sơn phết nhân văn chủ nghĩa của nó, đằng sau chủ nghĩa lý tưởng trên lời lẽ của nó, có đủ là tất cả, chỉ trừ tính tâm linh ra. Trong đời sống xã hội, một quan niệm tư sản đã chiếm ưu thế. Về mặt triết học, nó là thực chứng, hay hoài nghi nữa. Về mặt văn học, nó là hiện thực chủ nghĩa, xác thịt, lãng mạn, suy đồi. Nói chung, văn hóa của nó mang tính duy trí tuệ, mà chủ nghĩa duy trí tuệ thì không có tính tâm linh, thậm chí còn là một trong những trở ngại âm ỉ nhất đối với tính tâm linh. Tóm lại, thế kỷ XIX đã mất đi sự tiếp xúc với những sức mạnh sống động, tự nhiên cũng như tâm linh, và đã bước vào một con đường không có lối thoát.

Tâm linh tự bản thân nó là Tính hiện thực tối cao dưới dạng siêu việt, tức là tuyệt đối, của nó, không có một giới hạn hay quy định cụ thể nào. Như vậy, Tâm linh tự nó vượt qua mọi giới hạn thời gian hay không gian, mọi liên hệ với vật chất. Theo bản chất của nó, Tâm linh là vĩnh hằng, vô hạn, tự do, phổ biến. Tính hiện thực cao nhất và tuyệt đối ấy không thể nào được biết tới về mặt trí tuệ vì nó vượt qua trí tuệ con người, nhưng nó lại có thể được nêu thành định đề về mặt lý trí, được phát triển về mặt trực giác và, ở một mức độ nào đó, được thể nghiệm về mặt thần bí.

Tâm linh là yếu tố siêu việt, ưu việt, thường hằng, tự do, nội tâm, sáng tạo, hài hòa và tổng hợp ở trong tất cả những gì biểu hiện ra về mặt cá nhân cũng như tập thể. Chẳng hạn, trong con người, tất cả những gì thúc đẩy con người vượt qua sự độc tôn vị kỷ, những nỗi sợ hãi, sức ỳ, chủ nghĩa hoan lạc của nó, tất cả những gì đưa tới chỗ nó phải sắp xếp, chế ngự, hướng dẫn những sức mạnh hỗn loạn về bản năng cũng như về tình cảm đang tác động trong bản thân nó, tất cả những gì thúc đẩy nó tới chỗ thừa nhận một hiện thực rộng lớn và cao hơn, mang tính xã hội hay mang tính lý tưởng, tới chỗ tự đặt mình vào hiện thực đó bằng cách đẩy lùi những giới hạn của cá nhân mình, tất cả những cái đó đều mang tính tâm linh ở một mức nào đó.

Hiểu từ tâm linh theo nghĩa này, thì những biểu hiện tâm linh chủ yếu là như sau:

- Dũng cảm, khiến cho người ta vượt qua bản năng bảo tồn thể chất;

- Yêu thương và tận tụy đối với một người khác, đối với gia đình, tổ quốc của mình, đối với loài người vượt qua được thói vị kỷ;

- Ý thức trách nhiệm;

- Ý thức hợp tác, tính xã hội, tính đoàn kết;

- Không vụ lợi (vô tư) và, hơn nữa, tận tụy và hy sinh bản thân mình;

- Ý chí, hiểu theo nghĩa chân chính của nó, như nguyên tắc và khả năng tự quyết định, lựa chọn, tự chủ, tổng hợp;

- Hiểu biết, tức là mở rộng lĩnh vực ý thức của chúng ta, tự đồng nhất với những thực thể khác, với những biểu hiện khác của sự sống phổ biến – và nhất là hiểu biết sự sống phổ biến này, lĩnh hội được ý nghĩa và mục đích của nó, thừa nhận một Ý chí, một sức mạnh thông minh, sáng suốt, yêu thương từ Vũ trụ đến, hướng dẫn sự tiến hóa của sự sống phổ biến và đưa nó tới một mục đích vinh quang.

Một mặt đặc trưng khác của thế kỷ XX – thoạt nhìn có vẻ chống tâm linh, nhưng ngược lại, chứa đựng những mầm mống và đã có những trái quả hứa hẹn về phát triển tâm linh – là ưu thế của đời sống xã hội, tập thể đối với đời sống cá nhân.

Đám đống thường tản mạn, bàng quan, đi lùi, lai tạp: cá nhân bị mất đi hay tan đi trong đó; nó có thể có ảo tưởng về tự do, nhưng trên thực tế hoàn toàn trái lại, nó bị những kẻ mị dân chi phối.

Trong cuộc sống xã mới này lại có những mặt tròn lẫn nhau. Nhiều cá nhân kém tiến hóa và kém phân hóa đem thái độ thụ động cũ của họ vào những nhóm xã hội mới. Nhưng điều đó không thể tránh khỏi: họ vẫn sẽ ứng xử như vậy.

Cần phải thừa nhận công khai nguy cơ chiếm ưu thế quá mức của mặt xã hội và tập thể đối với mặt cá nhân. Giữa hai mặt đó, phải có một sự cân bằng, hay như Keyserling nói đúng hơn, một sự “căng thẳng sáng tạo”.

Ngay từ đầu thế kỷ này, đã xuất hiện những phản ứng mạnh mẽ chống lại các xu hướng duy vật chất và thực chứng chủ nghĩa từng ngự trị ở thế kỷ XIX, trong tất cả các lĩnh vực văn hóa. Trong các khoa sinh học, việc lý giải máy móc về sự tiến hóa theo kiểu Darwin đã bị những quan niệm rộng lớn hơn vượt qua. Trong y học, một biến đổi nhanh chóng đã được thực hiện: cách tiếp cận thuần túy về mặt giải phẫu, bệnh lý, trong đó người ta gán tầm quan trọng lớn nhất cho những tác nhân gây bệnh bên ngoài (vi khuẩn, v.v…) và những thương tổn cục bộ, đã dần dần nhường chỗ cho một quan niệm năng động về sự sống có tổ chức, có tính tới tính khí cá nhân và tác động của những nhân tố và tâm linh đối với thân thể.

Tác động ấy, đôi khi ưu thế ấy, của những năng lượng tâm thần và tâm linh đã được nghiên cứu, và trong một số trường hợp, đã được chứng minh không thể bác bỏ được bởi một khoa học mới: ngoại tâm lý học (parapsychology).

 Trong trường đặc thù của tính tâm linh và tôn giáo, thế kỷ XX đã mang lại những sự phát triển không thể bác bỏ được và những bước tiến hiển nhiên. Ở đây, có thể ghi nhận ba xu hướng chính đang lan rộng và củng cố không ngừng:

1. Xu hướng đi tới sự mở rộng, tới tính phổ biến, tới sự tổng hợp. Thuyết phản trí huệ (anti – intellectulisme) cũng biểu hiện trong lĩnh vực này, dưới hình thức thuyết phản giáo điều (anti – dogmatisme) và thuyết phản hình thức (anti – formalisme). Người ta ngày càng chấp nhận tính tương đối của mọi sự trình bày học thuyết và mọi sự hệ thống hóa hình thức mà người ta ngày càng hiểu rõ tính chất chỉ dẫn và tượng trưng của chúng. Những sự trình bày ấy không phải bị phủ nhận hoặc xóa bỏ vì vốn là thế, mà là được đặt lại đúng chỗ.

Một sự giúp đỡ mạnh mẽ theo hướng này là do sự hiểu biết ngày càng lớn, cả chiều sâu cũng như chiều rộng, về những quan niệm tâm linh của các dân tộc khác, nhất là của phương Đông, mà đứng hàng đầu là của người Ấn Độ. Có thể nói rằng một sự tổng hợp văn hóa và tâm linh thật sự giữa phương Đông và phương Tây đã bắt đầu được thực hiện, mà tầm quan trọng và những hệ quả của điều đó là vô tận: nó có thể dẫn tới sự thống nhất không phải có tính hình thức và bên ngoài, mà là bên trong và sâu sắc của loài người.

2. Xu hướng thứ hai thúc đẩy tới tính bên trong, tới thể nghiệm tâm linh trực tiếp. Nó biểu hiện ra ở mối quan tâm ngày càng tăng đối với thần bí học và những phương pháp cũng như những kỷ luật chiếm lĩnh nội tâm: tập trung, suy ngẫm, lóa sáng, yoga v.v…

3. Xu hướng thứ ba nhằm sống theo tính tâm linh trong cái cụ thể của cuộc sống, trong cái hằng ngày cá nhân cũng như đời sống xã hội.

Ở đây, có hai sự kiện có tầm quan trọng căn bản.

- Người ta đi tới một tính tâm linh toàn vẹn bao hàm toàn bộ con người – không trừ một yếu tố nào, không đối lập giữa trái tim và đầu óc, giữa tâm hồn và thân thể, giữa đời sống nội tâm và đời sống thực tiễn – và mở rộng ra đời sống xã hội. Có thể gọi đó là sự tổng hợp tâm lý tâm linh (psychosynthese spirituelle).

- Chúng ta đang chứng kiến một sự mở rộng nhanh chóng của sự tìm kiếm và thức tỉnh tâm linh, biểu hiện ngày càng tăng ở nhiều người. Người ta không ghi nhận được nhiều biểu hiện có thể nhìn thấy được, vì đây là những sự kiện nội tâm và nhiều người thích che giấu chúng đi. Nhưng tôi có thể đưa ra một bằng chứng có ý nghĩa của nhà tâm lý học và tâm bệnh học C.G.Jung. Trong cuốn sách có nhan đề đặc trưng là Con người trong sự khám phá tâm hồn của nó, ông đưa ra nhận xét sau đây:

Trong ba mươi năm gần đây, nhiều người ở tất cả các nước trên trái đất đã đến khám bệnh ở chỗ tôi. Tôi đã chăm sóc cho hàng trăm bệnh nhân… Trong tất cả những người đang sống nửa thứ hai của đời mình, tức là trên 35 tuổi, tôi không thấy một người nào mà phân tích đến cùng, lại không có vấn đề tìm một cách nhìn tôn giáo về cuộc đời cả.

Theo các nhà quan sát sáng suốt nhất, đây đúng là công việc sinh đẻ ra một kiểu văn minh mới, một Kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người.

Với cách nhìn chung này, chúng ta có thể hiểu được những nhiệm vụ cấp bách hiện nay là những gì, và chúng ta phải bắt tay thực hiện chúng như thế nào. Hãy nhìn thẳng vào tình hình. Thời điểm hiện tại là rất khó khăn. Đó là một thời kỳ chuyển tiếp.

Dưới đây, xin trình bày vắn tắt một vài vấn đề và bổn phận hiện thời:

1. Hiểu những gì đang tới. Đó là cơ sở cần thiết.

2. Giữ vững, tức là dũng cảm và vui vẻ chịu đựng những khó khăn, những phản ứng chống lại và những bất lợi đủ mọi loài, có sẵn trong hoàn cảnh.

3. Xây dựng, hay nói đúng hơn, cộng tác tích cực với việc xây dựng nền văn minh mới.

Sự thống nhất sẽ mang tính chất một tình hữu ái sâu sắc, một tình anh em tâm linh mà không phải là một sự bó buộc bên ngoài. Sự nghiệp của các giới tinh hoa ấy chủ yếu là đưa ra những chỉ dẫn, gợi ra những sáng kiến, giáo dục, soi sáng, nâng trình độ lên trong tất cả các lĩnh vực đời sống và tất cả các hoạt động của con người. Những gì người ta có thể làm được không thể nào tính hết. Vì thế, Hermann Keyserling nói:

 Toàn bộ cơ thể đã bị tháo rời và bị đảo lộn. Tâm hồn đang mở ra một cách tự nhiên; đang xảy ra một cuộc cải cách chung chỉ chờ đợi một dấu ấn tâm linh để đem lại cho nó một hình thức mới. Khả năng vô tận ấy được hé thấy, được cảm nhận bởi hàng triệu người, và rốt cuộc nó sẽ nuôi dưỡng toàn bộ nhiệt tình, toàn bộ tinh thần hy sinh mà chúng ta nhìn thấy ở những nước đang có cách mạng. Lý do của tất cả những điều đó là, xét tận gốc, con người là Tâm linh, ngay cả khi trong ý thức nó chỉ tin vào những sự kiện và những giá trị trần thế…

 Ở giai đoạn lịch sử này, khả năng tiến một bước khổng lồ của Tâm linh trong quá trình đột nhập của nó vào trật tự trần tục là có tính quyết định và độc nhất. Từ nay mọi cái sẽ phụ thuộc tính chủ động của tâm linh, do đó vào tính chủ động cá nhân của con người.

 Nếu đúng là như thế - và chúng ta hết sức tin chắc vào điều đó – thì hãy nồng nhiệt cầu mong rằng tất cả các tâm hồn thức tỉnh, các đầu óc sáng suốt, các trái tim hào hiệp sẽ xứng đáng có được cơ hội tuyệt vời hiện nay để có thể mở ra Kỷ nguyên vinh quang mới của Tâm linh. Và hãy có ý chí thật kiên định để hành động theo hướng đó.

-----o0o-----

Trích “Sự Phát Triển Siêu Cá Nhân”

Huyền Giang dịch,

NXB Khoa Học Xã Hội, 1993.

Ảnh: Ngồn Internet

Bài viết liên quan