TINH TÚY CỦA TỈNH THỨC - MỘT PHƯƠNG PHÁP HỘ TRÌ BẢN TÁNH CỦA TÁNH GIÁC – MIPHAM RINPOCHE

TINH TÚY CỦA TỈNH THỨC

MỘT PHƯƠNG PHÁP HỘ TRÌ BẢN TÁNH CỦA TÁNH GIÁC

MIPHAM RINPOCHE

-------o0o-------

Bạn có thể đã nhận biết khuôn mặt của tánh giác, nhưng trừ phi bạn an trụ chỉ trong cái ấy, suy nghĩ theo khái niệm sẽ làm gián đoạn nó và sẽ khó cho tánh giác xuất hiện trần trụi. Thế nên ở điểm này, cốt yếu là an trụ nghỉ ngơi không lấy hay bỏ những niệm tưởng của bạn và tiếp tục an trụ lập đi lập lại trong trạng thái của tánh giác không...
TINH TÚY CỦA TỈNH THỨC - MỘT PHƯƠNG PHÁP HỘ TRÌ BẢN TÁNH CỦA TÁNH GIÁC – MIPHAM RINPOCHE

Tiểu sử: Mipham Rinpoche hay Mipham Jamyang Namgyal Gyamtso (1946-1912) sinh ra ở vùng Derge ở miền đông Tây Tạng. Năm mười lăm tuổi, ngài thực hiện mười tám tháng nhập thất chuyên sâu về Đức Văn Thù. Sau này ngài tâm sự với một số học trò của mình rằng từ đó trở đi ngài luôn có thể hiểu được bất kỳ văn bản nào ngài đọc. Patrul Rinpoche đã dạy ngài về chương thứ chín nổi tiếng của Bồ Tát Hạnh, ‘Trí huệ’, và chính ngài xác nhận rằng chỉ sau năm ngày giảng dạy, Mipham Rinpoche đã hoàn toàn thông thạo cả từ ngữ lẫn ý nghĩa của bản văn. Mipham Rinpoche cũng nhận và làm chủ vô số giáo lý và trao truyền từ Jamyang Khyentsé Wangpo và Jamgön Kongtrul, cũng như từ các đạo sư của tất cả các truyền thống trên khắp Tây Tạng. Ngài luôn ghi nhớ lời khuyên nổi tiếng của Je Tsongkhapa rằng giáo lý trước hết nên được coi là hướng dẫn thực tế cho đời sống chứ không chỉ đơn thuần là những suy đoán mang tính trí thức. Mipham Rinpoche đã có tác động to lớn trong việc đánh thức lại lòng tôn kính và sự quan tâm sâu sắc đối với giáo lý Nyingma và Dzogchen. Đóng góp của ông cho phong trào Rimé là không thể đánh giá được.

-------o0o-------

Đảnh lễ bậc Bảo hộ Bổn nguyên vinh quang

Khi bạn thực hành hộ trì tánh giác, ba giai đọan nhận biết, tu tập, và đạt được an vững sẽ dần dần xảy ra.

Trước hết, hãy xem xét kỹ lưỡng khuôn mặt tự nhiên và trần trụi của tánh giác nhờ những giáo huấn miệng của thầy của bạn cho đến khi bạn có thể thấy nó vượt ngoài những giả định.

Đã chắc chắn xác quyết nó, cốt yếu là bạn đơn giản hộ trì bản tánh của chỉ cái ấy. Chỉ nhận ra nó thì không đủ – bạn phải hoàn thiện sự tu tập theo cách sau:

Bạn có thể đã nhận biết khuôn mặt của tánh giác, nhưng trừ phi bạn an trụ chỉ trong cái ấy, suy nghĩ theo khái niệm sẽ làm gián đoạn nó và sẽ khó cho tánh giác xuất hiện trần trụi. Thế nên ở điểm này, cốt yếu là an trụ nghỉ ngơi không lấy hay bỏ những niệm tưởng của bạn và tiếp tục an trụ lập đi lập lại trong trạng thái của tánh giác không tạo tác.

Khi bạn đã thực hành điều này lập đi lập lại, năng lực của những cơn sóng niệm tưởng yếu đi, khi ấy khuôn mặt của tánh giác trở nên sắc nét hơn và dễ hộ trì hơn.

Đó là khi bạn an trụ trong trạng thái thiền định nếu có thể càng nhiều càng tốt và chánh niệm nhớ lại khuôn mặt của tánh giác trong thời gian sau thiền định. Khi bạn càng quen với điều này, sức mạnh của tánh giác sẽ tăng trưởng.

Ban đầu, khi một niệm tưởng xảy ra, bạn không cần áp dụng một phương thuốc đối trị để dừng nó. Bằng cách để mặc nó, ở điểm nào đó nó giải thoát một cách tự nhiên - như cái nút thắt của con rắn tự mở chính nó.

Khi bạn trở nên thành thạo hơn, sự xảy ra của một niệm tưởng sẽ gây ra xáo động nhỏ nhưng tức khắc tan biến vào chính nó – giống như một nét vẽ trên mặt nước.

Khi bạn tu tập như vậy, bạn có kinh nghiệm siêu vượt lợi và hại, ở điểm ấy những xảy ra của niệm tưởng không gây ra vấn đề nào cả. Như thế, bạn sẽ thoát khỏi hi vọng và lo sợ về có hoặc không có những niệm tưởng xảy ra – giống như một tên trộm vào một căn nhà trống không.

Thực hành hơn nữa, bạn hoàn thiện sự tu hành đến độ, cuối cùng, niệm tưởng khái niệm về nền tảng của tất cả, cùng với những xung động thúc đẩy của nó, tan vào pháp thân không tạo tác. Đây là sự đạt đến chỗ trú ngụ tự nhiên của tánh giác.

Cũng như bạn không thế tìm thấy bất kỳ cục đá tầm thường nào trên hòn đảo bằng vàng dù bạn cố gắng tìm chúng, tất cả xuất hiện và hiện hữu sẽ được kinh nghiệm là thế giới của pháp thân. Đạt được vững chắc kiên cố là khi mọi sự đã trở thành thanh tịnh trùm khắp.

Cũng vậy như niệm tưởng khái niệm dần dần suy thoái dưới thần lực của tánh giác trong lúc ban ngày, vào ban đêm bạn không cần áp dụng những giáo huấn khác, nhưng chỉ đơn giản hiểu sự nhận biết những giấc mộng và những quang minh của giấc ngủ cạn và sâu tương ứng với nhau như thế nào.

Cho đến khi bạn đạt đến vững chắc kiên cố, bằng mọi phương tiện hãy tiếp tục với với sự chuyên cần không xao lãng, giống như dòng chảy bền vững của một con sông.

Được dạy bởi Mipham. Nguyện công đức tốt lành tăng trưởng.

-------o0o-------

Trích: MỘT PHƯƠNG PHÁP HỘ TRÌ BẢN TÁNH CỦA TÁNH GIÁC

Tác giả: MIPHAM RINPOCHE

Erick Pema Kunsang dịch Anh

Ban dịch thuật Tại đây và Bây giờ dịch Việt

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan