TRÌ TỤNG THẦN CHÚ KHẨN CẦU NĂNG LỰC GIÁC NGỘ CHUYỂN HÓA MỌI TIÊU CỰC - MỘT HƯỚNG DẪN ĐẦY ĐỦ VỀ CON ĐƯỜNG PHẬT PHÁP - KHENCHEN KONCHOG GYALTSHEN

TRÌ TỤNG THẦN CHÚ KHẨN CẦU NĂNG LỰC GIÁC NGỘ CHUYỂN HÓA MỌI TIÊU CỰC

MỘT HƯỚNG DẪN ĐẦY ĐỦ VỀ CON ĐƯỜNG PHẬT PHÁP - KHENCHEN KONCHOG GYALTSHEN

–––––o0o–––––

“Sự trì tụng kim cương như một ngọn lửa rừng. Trong chốc lát, nó thiêu rụi hai che chướng và mọi bệnh tật, xu hướng và những dön. Nhờ phương tiện của nó, ta nhanh chóng thành tựu năng lực. Đây là lời khuyên tâm huyết của tôi.”
TRÌ TỤNG THẦN CHÚ KHẨN CẦU NĂNG LỰC GIÁC NGỘ CHUYỂN HÓA MỌI TIÊU CỰC - MỘT HƯỚNG DẪN ĐẦY ĐỦ VỀ CON ĐƯỜNG PHẬT PHÁP - KHENCHEN KONCHOG GYALTSHEN

“Sự trì tụng kim cương như một ngọn lửa rừng. Trong chốc lát, nó thiêu rụi hai che chướng và mọi bệnh tật, xu hướng và những dön. Nhờ phương tiện của nó, ta nhanh chóng thành tựu năng lực. Đây là lời khuyên tâm huyết của tôi.”

 CÂU KỆ NÀY BẮT ĐẦU về các thực hành giai đoạn thành tựu Mật thừa. Có hai loại: những thực hành với các dấu hiệu và những thực hành không có dấu hiệu. Thực hành “với các dấu hiệu” bao gồm việc trì tụng các thần chú và thực hiện các thực hành kinh mạch và luân xa (chakra) trong khi quán tưởng các Bổn Tôn yidam. Việc thực hành “không có các dấu hiệu” là thực hành Đại Ấn, sẽ tiếp theo về sau trong quyển sách này.

Trì tụng kim cương là việc hát tụng một thần chú với sự hoàn toàn chánh niệm trong trạng thái Bổn Tôn. Việc hát tụng bao gồm âm thanh, hơi thở, và bản thân thần chú. Bởi đây là một thực hành tịnh hóa, nếu ta sử dụng bốn năng lực được mô tả trong luận giảng cho câu kệ 34, phương pháp này sẽ là vô song cho sự tịnh hóa và cho việc tự thiết lập trong trạng thái giác ngộ. Đây là một thực hành đặc biệt hiệu quả nhanh chóng thiêu đốt khu rừng của những che chướng, những khuynh hướng tiêu cực, và bệnh tật cùng cách thế mà một ngọn lửa rừng hoàn toàn thiêu rụi mọi cây cối, những bãi cỏ, và bụi cây trong con đường của nó. Nó cũng rất hiệu quả bởi ta duy trì thân, ngữ, và tâm ta trong một trạng thái thuần tịnh: hiển lộ về mặt vật lý trong thân tướng một Bổn Tôn tịnh hóa những hình tướng sinh tử, trì tụng thần chú là ngữ của Phật, và tâm được trì giữ trong trạng thái giác ngộ.

Việc trì tụng một thần chú khẩn cầu năng lực giác ngộ chuyển hóa mọi tiêu cực. Vị Bổn Tôn mà ta quán tưởng trước đây đã vun trồng Bồ đề tâm và thực hành trên con đường. Khi đã phát triển tư tưởng vị tha bằng cách nói: “Cầu mong bất kỳ ai chỉ đơn thuần nghe danh hiệu của tôi hay thấy thân tướng tôi được thoát khỏi sinh tử và đạt được giác ngộ,” Bổn Tôn đó đã tịnh hóa mọi che chướng và đạt được giác ngộ toàn hảo; vì thế, thần chú của các ngài có những gia hộ tráng lệ và đa dạng. Do bởi điều này, ta cũng có thể vun trồng Bồ đề tâm và hiển lộ như các Bổn Tôn yidam.

Hai che chướng là những cảm xúc phiền não ngăn che sự giải thoát, và những che chướng vi tế đối với sự giải thoát. Cả hai có thể được tịnh hóa bởi việc trì tụng các thần chú. Tiến hành ra sao? Hãy an trụ trong trạng thái của tự thân một Bổn Tôn chuyển hóa mọi đau khổ và che chướng của ta. Qua năng lực của việc duy trì trong trạng thái giác ngộ, các bệnh tật, những xu hướng tiêu cực, và các quỷ ma, hay các dön, được tiệt trừ một cách tự nhiên. Các dön là những tinh linh xấu ác, các thực thể tạo nên các chướng ngại và mối nguy hại. Đặc biệt là, chúng mang lại các năng lực tiêu cực ảnh hưởng một tâm thức đã lầm lạc và ngây thơ. Khi ta an trụ trong trạng thái Bổn Tôn và hát tụng các thần chú với động lực Bồ đề tâm, những chúng sinh này có thể trở thành những vị Hộ Pháp và tạo ra một môi trường tốt lành cho ta. 

Khi các kết quả của sự thực hành được mô tả theo cách này, đôi khi con người phát triển những hy vọng cao cả rằng mọi vấn đề của họ sẽ được giải quyết một cách dễ dàng. Tuy nhiên, khi ta thực hành những thiền định mạnh mẽ này, có thể là, như một dấu hiệu của sự tịnh hóa, đôi khi nghiệp tiêu cực có thể xảy ra và ta sẽ đối mặt với những chướng ngại về bệnh tật và bất hạnh. Chẳng hạn như, khi Đức Jigten Sumgön gần chấm dứt khóa nhập thất bảy năm, nghiệp tiêu cực chín mùi và ngài mắc bệnh hủi. Ngài nghĩ đến tất cả chúng sinh và quán chiếu: “Ta đã thọ nhận những giáo lý sâu xa và bao la như thế. Bởi điều này, cho dù giờ đây ta có chết đi, ta sẽ thoát khỏi sinh tử. Nhưng khi đó tất cả chúng sinh trong sinh tử sẽ không được che chở khỏi đau khổ vô tận của họ.” Tư tưởng này khiến ngài sinh khởi một lòng bi mẫn lớn lao không thể chịu đựng nổi. Ngài tiếp tục thiền định trong trạng thái đó, và điều này đã xua tan những che chướng còn sót lại của ngài. Trong một ít ngày, ngài đã thành tựu giác ngộ toàn hảo.

Khi những chín mùi như thế xảy ra, ta cần can đảm để đem chúng vào con đường như một dấu hiệu của sự tịnh hóa thay vì nghĩ chúng là các chướng ngại cho thiền định của ta. Khi ta đọc các tiểu truyện của những Đạo sư vĩ đại, ta thấy rằng các ngài đã trải qua những kinh nghiệm tương tự. Thay vì nhìn những vấn đề của mình như các chướng ngại, các ngài đã sử dụng chúng như các nguyên nhân cho sự giác ngộ. Nói chung, không có đau khổ ta không có cảm hứng thực hành Giáo pháp. Khi bạn gặp khó khăn trong cuộc sống trong khi thực hành Pháp, hãy cố nhẫn chịu nó một cách vui vẻ như một cơ hội vĩ đại để tịnh hóa. Ít nhất, đừng sử dụng nó như một bào chữa cho sự từ bỏ việc thực hành Pháp. Điều này sẽ là một chướng ngại tuyệt đối cho việc thực hành của bạn. Không gì chướng ngại to lớn hơn việc từ bỏ Giáo pháp.

Bởi mọi sự được nối kết qua sự tương thuộc, ta biết rằng một bộ đầy đủ các nguyên nhân và điều kiện (duyên) sẽ dễ dàng hiển lộ như một kết quả. Nhưng nếu một nguyên nhân bị lãng quên hay chỉ một phần các điều kiện (duyên) còn hiện diện, kết quả không thể hiển lộ. Vì thế, biết cách quán tưởng thì vô cùng quan trọng khi trì tụng các thần chú. Trước hết, ta cần thiết lập Bồ đề tâm như nền tảng cho thực hành của ta. Sau đó, với chánh niệm hoàn hảo, ta đảm đương thân tướng của một Bổn Tôn và hát tụng thần chú phù hợp với những giáo huấn về thực hành của vị Bổn Tôn đó. Nhưng nếu tâm ta không kiên cố, lang thang trong mọi phương hướng và không thể duy trì sự thuần tịnh, trong sáng và kiên cố, thì việc hát tụng của ta trở thành tương tự việc hót líu lo của một con vẹt.

Với thực hành đúng đắn, năng lực của trí tuệ, lòng bi mẫn, và sự thanh tịnh phát triển nhanh chóng. Khi tâm trở nên trong trẻo, thanh tịnh, và kiên cố, mọi phẩm tính tuyệt hảo của Đức Phật sẽ hiển lộ, và khi đó ta có thể thực hiện các hoạt động để làm lợi lạc tất cả chúng sinh. Như thị, hay bản tánh nội tại, của thân là thân tướng của Bổn Tôn. Như thị của ngữ là việc trì tụng các thần chú thoát khỏi sự xao lãng của việc trò chuyện vẩn vơ v.v.. Như thị của tâm là an định thoát khỏi sự tán loạn tinh thần. Nếu ta thực hành với một tâm tán loạn, ta sẽ không thành tựu được kết quả mà ta hy vọng. Phật quả sẽ không xuất hiện nếu ta thực hành trong một trạng thái bình thường, cho dù ta đã thực hành sáu ba-la-mật trong nhiều kiếp. Nhưng việc thực hành Mật thừa với thị kiến thanh tịnh của trạng thái giác ngộ được hỗ trợ bởi Bồ đề tâm sẽ khiến cho Phật quả nhanh chóng thành tựu. 

Dưới đây là một trì tụng kim cương đơn giản cho mọi hành giả. Thực hành thiền định này được dựa trên việc trì tụng thần chú OM AH HUNG. Ba chữ này là tinh túy và gốc rễ của mọi thần chú khác. Chữ OM trắng có bản tánh của thân trí tuệ của Đức Phật, chữ AH đỏ là ngữ trí tuệ của Đức Phật, và chữ HUNG xanh dương là tâm trí tuệ của Đức Phật. Thực ra có vô số vị Phật, nhưng để làm cho dễ hiểu, các Ngài thường được mô tả như tập trung thành năm gia đình được dựa trên sự tịnh hóa năm phiền não tâm linh nguyên sơ:

 * Khi được tịnh hóa, sự thù oán hay căm ghét được thực hiện trong bản tánh nguyên sơ của nó là Đức Phật Bất Động. Trí tuệ của nó là giác tánh nguyên sơ-như-gương (Đại viên cảnh trí), sự toàn thiện của alaya thuần tịnh.

* Khi được tịnh hóa, tự phụ hay kiêu ngạo được thực hiện trong bản tánh nguyên sơ của nó là Đức Phật Bảo Sanh. Trí tuệ của nó là giác tánh nguyên sơ bình đẳng (Bình đẳng tánh trí), sự toàn thiện của thức phiền não.

s* Khi được tịnh hóa, khát khao hay tham muốn được thực hiện trong bản tánh nguyên sơ của nó là Đức Phật A Di Đà. Trí tuệ của nó là giác tánh nguyên sơ phân biệt (Diệu quan sát trí), sự toàn thiện của thức thứ sáu. 

* Khi được tịnh hóa, sự ganh tị hay thèm muốn được thực hiện trong bản tánh nguyên sơ của nó là Đức Phật Bất Không Thành tựu (Amoghasiddhi). Trí tuệ của nó là giác tánh nguyên sơ hoạt động trùm khắp (Thành sở tác trí), sự toàn thiện của năm cửa của thức giác quan.  

* Khi được tịnh hóa, sự vô minh được thực hiện trong bản tánh nguyên sơ của nó là Đức Phật Tỳ Lô Giá Na. Trí tuệ của nó là giác tánh nguyên sơ mở rộng Giáo pháp (Pháp giới thể tánh trí), sự toàn thiện của thức alaya.  

Mỗi vị Phật cùng có thân, ngữ, và tâm trí tuệ như nhau. Vì thế, nếu ta thực hành một, ta có thể thành tựu cả năm. Chư Phật vô hạn có thể xuất hiện như một, và mỗi vị Phật có thể hiển lộ thành hằng hà sa số hình tướng. Điều này giống như nói rằng vũ trụ có thể được bao gồm trong một nguyên tử duy nhất và một nguyên tử nhỏ bé có thể hiển lộ như toàn thể vũ trụ.

Để thực hành thiền định này, hãy thư thản tâm bạn và hiển lộ thân tướng của một vị Phật mà bạn quen thuộc—Kim Cương Tát Đỏa, Quán Thế Âm, hay Kim Cương Trì, chẳng hạn như vậy. Hãy quán tưởng bản thân bạn hoàn toàn trong thân tướng Bổn Tôn: hình tướng và tánh Không bất khả phân. Sau đó hãy quán tưởng một chữ OM trắng, tượng trưng cho thân trí tuệ, bên trong luân xa đỉnh đầu, trên vị trí lông mày của bạn. Hãy hát thần chú OM AH HUNG trong một chuỗi tròn hay hơn nữa, trong khi ánh sáng trắng phóng chiếu từ chữ OM trắng và hoàn toàn ngập đầy thân thể bạn, tịnh hóa mọi che chướng và nghiệp tiêu cực liên quan đến thân, đặc biệt là sự vô minh.

Kế đó hãy quán tưởng một chữ AH đỏ, tương trưng cho ngữ trí tuệ, ở luân xa cổ họng. Hãy hát thần chú như trước, trong khi ánh sáng đỏ tỏa chiếu và ngập đầy thân bạn, tịnh hóa mọi che chướng và nghiệp tiêu cực liên quan tới ngữ, đặc biệt là sự khát khao và tham luyến.

Kế đó hãy quán tưởng một chữ HUNG xanh dương, tương trưng cho tâm trí tuệ, ở luân xa trái tim trong ngực bạn. Hãy hát thần chú như trước, trong khi ánh sáng xanh dương tỏa chiếu và đầy ngập thân bạn, tịnh hóa mọi che chướng và nghiệp tiêu cực liên quan đến tư tưởng, đặc biệt là sự căm thù và ganh ghét.

Hãy hát thần chú trong bốn vòng. Cùng một lúc từ cả ba chữ, ba màu của ánh sáng chiếu rọi và ngập đầy vũ trụ với lòng bi mẫn và trí tuệ. Trước hết, các ánh sáng tịnh hóa vũ trụ bên ngoài và chuyển hóa nó thành một cõi thuần tịnh. Sau đó ánh sáng chạm vào mỗi một và mọi chúng sinh, tịnh hóa mọi ô nhiễm và nghiệp tiêu cực của họ liên quan tới thân, ngữ, và tâm và thiết lập họ trong trạng thái Phật quả. Ánh sáng quay trở lại và tan hòa vào bạn.

Để chấm dứt thời khóa, hãy tan hòa thân-Phật được quán tưởng của bạn thành ba chữ. Sau đó chữ OM trắng tan hòa thành AH đỏ, và AH tan hòa thành HUNG xanh dương. Kế đó HUNG tan hòa từ đáy hướng lên trên và biến mất vào tánh Không trùm-khắp. Hãy tư thản tâm thức và thiền định trong trạng thái không tạo tác đó. Cuối cùng, hãy hồi hướng công đức.

Thực hành này, đặc biệt là phần tan hòa, cung cấp mọi chuẩn bị sâu xa cho việc chứng ngộ vào lúc chết. Như ta đã mô tả trong luận giảng câu 18, ta kinh nghiệm nhiều cảm giác khác nhau trong tiến trình hấp hối. Sau khi bốn yếu tố tan biến, ba kinh nghiệm vi tế về hình tướng trắng, sự tăng trưởng đỏ, và bóng tối cận-thành tựu xảy ra. Những người bình thường không có kinh nghiệm thiền định trải nghiệm qua ba điều này một cách ngắn gọn không có sự tỉnh giác nào—hoàn toàn vô thức, như trong một giấc ngủ dài. Trái lại, các thiền giả có thể duy trì sự quân bình kiên cố có thể nhận ra mỗi giai đoạn này khi họ trải qua nó. Giai đoạn đi theo bóng tối cận-thành tựu là kinh nghiệm của sự chói sáng, khuôn mặt nguyên thủy của tâm, bản tánh trực tiếp của tâm thoát khỏi mọi ràng buộc. Những người không có kinh nghiệm thiền định hay không có các giáo huấn liên quan đến các thực hành này trải qua giai đoạn này và đi tới trạng thái bardo tùy theo nghiệp và những xu hướng tập quán của họ. Những người có thành tựu cao cấp trong thực hành thiền định có thể nhận ra kinh nghiệm về sự chói sáng như một cơ hội để trở nên tức thời giải thoát khỏi sinh tử và đạt được giác ngộ. Nếu được thực hành liên tục với sự chánh niệm, thực hành làm tan hòa các chữ trắng, đỏ, và xanh dương này cho phép giúp đỡ hành giả sử dụng tiến trình hấp hối như một cơ hội để đạt được chứng ngộ.

–––––o0o–––––

Trích “Một Hướng Dẫn Đầy Đủ Về Con Đường Phật Pháp”

Tác Giả: Khenchen Konchog Gyaltshen

Hiệu đính: Khenmo Trinlay Chödron

Người dịch: Thanh Liên

Nhà Xuất Bản Tôn Giáo

 

 

Bài viết liên quan