TRUNG ẤM THIỀN ĐỊNH - NHỮNG GIÁO LÝ PHOWA VÀ BARDO - GARCHEN RINPOCHE

Một khi chúng ta chứng ngộ rằng một hoạt động hoặc kinh nghiệm có bản tánh như huyễn, thì việc thọ hưởng nó sẽ không có hại gì vì chúng ta đã hiểu bản tánh của tâm giống như không gian. Khi bạn thực hành Trung ấm Thiền định, và quán sát bản tánh của tâm bằng cách không chạy theo những tư tưởng quá khứ, hiện tại hoặc tương lai, bạn sẽ tìm thấy một bản tánh vượt khỏi ba thời.
TRUNG ẤM THIỀN ĐỊNH - NHỮNG GIÁO LÝ PHOWA VÀ BARDO - GARCHEN RINPOCHE

TRUNG ẤM THIỀN ĐỊNH

NHỮNG GIÁO LÝ PHOWA VÀ BARDO

NHỮNG GIÁO HUẤN HƯỚNG DẪN CỦA H.E. GARCHEN RINPOCHE

---(-)---

Bây giờ khi trung ấm thiền định hiện lên cho tôi,

Tôi sẽ bỏ lũ phóng dật và mê lầm rối rắm,

Và trụ trong trạng thái vô biên mà không bám nắm hay nhiễu loạn;

Vững chắc trong hai thực hành: quán tưởng và thành tựu,

Vào lúc thiền định này, nhất tâm, thoát khỏi mọi hoạt động,

Tôi sẽ không rơi vào sức mạnh của những cảm xúc mê lầm.

Những dòng đầu tiên trong câu kệ gốc về Trung ấm Thiền định hướng dẫn chúng ta tránh bị xao lãng, và đặc biệt đề cập đến các thực hành khác nhau mà chúng ta đi vào, “Bốn Chuyển Tâm”, shamatha (định, chỉ), vipashyana (huệ, quán), và chứng ngộ bản tánh của tâm. Mục đích thực sự của thiền định là gì? Chúng ta thiền định để chứng ngộ bản tánh của tâm, bản tánh thực sự của chúng ta. Đầu tiên và quan trọng nhất, chúng ta phải ổn định tâm, bởi vì nếu chúng ta không làm vậy, tâm sẽ ở trong “một lũ phóng dật và mê lầm rối rắm”. Khi bạn lần đầu tiên nhìn vào tâm, bạn sẽ thấy rất nhiều những tư tưởng, giống như những hạt bụi trong một tia nắng. Có rất nhiều những tư tưởng của bám luyến, ghét bỏ, và vân vân. Đầu tiên, một đối tượng bên ngoài, chẳng hạn như một sự khó chịu hoặc một vấn đề gây nên một cảm giác, vì vậy bạn phản ứng, sau đó một ý nghĩ khởi sanh và bạn bám vào nó. Khi bạn tiếp tục theo đuổi những tư tưởng này, tâm của bạn trở nên ngày càng bị mắc kẹt và bạn tạo nghiệp. Như vậy, sai lầm là bám nắm vào những tư tưởng. Ví dụ, hãy quán tưởng một người đang xúc phạm bạn. Làm bạn khó chịu và bạn tiếp tục suy nghĩ về nó. Suy nghĩ này đâm vào bạn như những cái gai, và chỉ có sự tức giận tăng lên. Sự bám víu dẫn đến mê lầm, và mê lầm là trạng thái xao lãng. Bạn trở nên mất chánh niệm, bất cẩn theo đuổi bất kỳ tư tưởng nào khởi sanh. Có hai loại hoạt động khác nhau. Đầu tiên bao gồm đến các hoạt động trần tục của chúng ta, hoạt động vô nghĩa mà không dẫn đến một kết quả có ý nghĩa. Ví dụ, chúng ta đi chơi và giải trí, chúng ta đánh bạc, xem TV, hoặc dạo xung quanh. Không có gì ý nghĩa bởi việc hoàn thành những hành động này. Chúng chỉ là sự xao lãng của tâm. Vì vậy, trước khi bắt đầu bất kỳ hoạt động nào, bạn nên nghĩ về nó: mục đích của việc này là gì và nó sẽ hoàn thành cái gì? Nếu bạn nhận thấy rằng hoạt động đang được hỏi không ý nghĩa mấy và cũng không có gì quan trọng trong việc hoàn thành nó, bạn nên nhận định rằng đó là hành vi gây xao lãng và tránh xa là tốt hơn cả. Mặt khác, có những hoạt động có ý nghĩa sẽ mang lại những kết quả tích cực, và đây là những hoạt động chúng ta nên tham gia vào. Bạn nên nghĩ về các hoạt động của mình và lập một kế hoạch. Nhưng một khi bạn đã thực hiện một quyết định và tạo ra một kế hoạch hành động, bạn không nên có bất kỳ hy vọng về việc hoàn thành nó. Thông thường, chúng ta cứ khăng khăng vào thành công trong mọi hoạt động của mình. Bạn nên cố gắng hết sức, nhưng bạn có thành công hay không chủ yếu phụ thuộc vào nghiệp của bạn. Nếu bạn hiểu được điều này, tâm của bạn sẽ trở nên bao la và nhẹ nhàng. Nếu bạn hoàn thành được những kế hoạch của mình thì tốt. Bạn nên nghĩ rằng đó là ân điển của Đạo sư và Tam Bảo. Nhưng nếu bạn không hoàn thành nó, bạn cũng không nên quá lo lắng về điều đó. Khi bạn bám trụ vào một kết quả nào đó, tâm của bạn trở nên mê lầm và nếu mọi thứ không diễn ra như mong đợi của bạn, bạn sẽ đau khổ. Đây là cách bạn nên tiếp cận bất kỳ hoạt động nào.

Vậy, mục đích của thiền định là gì? Chúng ta thiền định để ổn định chánh niệm, và cuối cùng để nhận biết trạng thái tự nhiên của tâm. Lúc đầu, chúng ta thực hành shamatha (định, chỉ:) đầu tiên tâm suy nghĩ phải lắng xuống. Những tư tưởng giống như nước bẩn. Chúng ta bị mê lầm bởi vì chúng ta bám víu vào những tư tưởng. Những tư tưởng này trước hết phải lắng xuống như chất bẩn trong nước. Bấy giờ chúng ta có thể thấy bản tánh tinh khiết của nước thực sự. Tương tự, khi những tư tưởng lắng xuống, “chúng ta có thể thấy bản tánh thanh tịnh của tâm. Đức Jigten Sumgon đã nói, “tự tâm giống như không gian và những tư tưởng thì giống như những đám mây trên bầu trời.” Cuối cùng, khi những tư tưởng lắng xuống, chúng ta sẽ thấy bản tánh của tâm. Trong “Ba Mươi Bảy Pháp Tu Bồ Tát”, kệ số 29 có nói, “Nên biết rằng những cảm xúc phiền não bị tiêu trừ bởi thiền chỉ và thiền quán, vì thế hãy luyện tập định tâm để siêu vượt cả bốn tầng thiền vô – sắc. Đó là pháp tu của Bồ tát”. Điều này đề cập đến nội quán, hay vipashyana, dựa trên shamatha hay định, chỉ.

Khi chúng ta bị xao lãng, tâm không thể đứng yên, chúng ta liên tục phải nghĩ về điều gì đó, chẳng hạn như những ký ức trong quá khứ. Ví dụ, nếu bạn đã có một kinh nghiệm tốt đẹp trong quá khứ, bạn tiếp tục nghĩ về nó nhiều lần, bạn bám víu vào kinh nghiệm. Hoặc nếu có điều gì xấu xảy ra, bạn tiếp tục nghĩ về những kinh nghiệm xấu. Ví dụ, bạn nghĩ về cách cha mẹ của bạn đã bạo hành bạn trong quá khứ, và bây giờ bạn vẫn còn giận họ. Hoặc ngay cả khi bạn không tức giận, bạn vẫn giữ suy nghĩ về những đau khổ của quá khứ. Thậm chí có người tự tử. Quá khứ đã qua. Đôi khi chúng ta nghĩ về tương lai và lập đủ mọi kế hoạch. Việc chúng ta có hoàn thành những kế hoạch của mình hay không là điều không biết chắc được.

Đó là tùy thuộc vào nghiệp, và chúng ta không có nhiều lựa chọn. Những người bình thường lập nhiều kế hoạch và bám vào ý tưởng về sự hoàn thành, và để đạt được những mong muốn của mình, họ nghĩ về nó liên tục, về cách họ có thể hoàn thành nó, và vân vân. Nếu họ không hoàn thành nó, họ sẽ chán nản và nghĩ rằng họ đã thất bại, rằng họ không đủ tốt, và rồi họ tức giận với bản thân. Nhưng đó không phải là chuyện đủ tốt hoặc thậm chí đủ năng lực. Điều đó tùy thuộc công đức và nghiệp của chúng ta. Nếu chúng ta không có nghiệp, thì chúng ta sẽ không hoàn thành nó. Nghiệp quyết định mọi thứ. Vì vậy, không có ích gì khi tự trừng phạt mình.

Mê lầm là tin vào sự thực có của những tư tưởng của bạn, những tư tưởng về những gì đã xảy ra trong quá khứ và những tư tưởng về những gì sẽ xảy ra trong tương lai, và vân vân. Ví dụ, bạn nghĩ, “điều này sẽ xảy ra và điều đó sẽ xảy ra” hoặc “đây là cách nó là thế, và cần phải được làm”. Đây là những tư tưởng mê lầm và chúng che khuất tâm. Vì vậy, khi bạn thực hành, đừng bám víu vào quá khứ. Bất cứ điều gì xảy ra trong quá khứ đã qua. Nó giống như một giấc mộng không còn hiện hữu nữa. Hơn nữa, đừng lo dự đoán trước tương lai: bạn nên lập những kế hoạch, nhưng việc bạn có hoàn thành được chúng hay không là do nghiệp quyết định. Nếu mọi việc được hoàn thành, thì bạn nên nghĩ, “đó là bởi vì tôi đã thực hiện những hành động thiện hạnh được thúc đẩy bởi tình yêu thương.” Hãy vui mừng vì điều đó và được truyền cảm hứng để trau dồi tình yêu thương lớn hơn. Và nếu mọi việc không diễn ra tốt đẹp như vậy, thì biết rằng đó là do những hành động của chính bạn được thúc đẩy bởi sự chấp ngã, ghen tị, tức giận, và vân vân.

Chúng ta phải nhìn vào tâm mình để thấy mình có mê lầm hay không. Khi bạn nhìn vào tâm của mình, hãy phân biệt rõ ràng giữa “đây là khoảnh khắc mê lầm” và “đây là khoảnh khắc không mê lầm”. Ví dụ, khi bạn đang ở trong một chiếc xe ô tô chạy dọc theo một con đường cao tốc, với hàng ngàn chiếc xe hơi chạy ngang qua, nếu bạn ngồi và thiền định trong xe, dù một ngàn chiếc xe chạy ngang qua, khi không bám vào chúng, bạn sẽ không trụ vào bất kỳ một trong số chúng. Chúng sẽ không ảnh hưởng đến bạn nếu không có sự bám nắm. Nhưng nếu tôi nói với bạn, “hôm nay bạn phải phát hiện ra một chiếc ô tô với biển số cụ thể này,” thì có sự trói buộc vào bám trụ, bởi vì bạn sẽ phải trông chừng chiếc xe đó để không bỏ qua nó. Sau đó, bạn sẽ trở nên mệt mỏi, đầu bạn sẽ bắt đầu rối, và bạn sẽ không nhận ra chiếc xe. Đây là lỗi của sự bám trụ.

Khi thực hành shamatha hoặc định (chỉ), người ta có thể nghĩ “tôi phải nên thoát khỏi tất cả những tư tưởng.” Nhưng đó cũng là một tư tưởng sai lầm. Chúng ta không cần phải thoát khỏi những tư tưởng nhưng chúng ta phải nhận biết bản tánh của những tư tưởng này. Khi những tư tưởng khởi sanh, bạn nên chỉ nhận biết chúng. Khi bạn quen với điều này, cuối cùng bất cứ cái gì xuất hiện, những hình tướng, những âm thanh, và vân vân, sẽ không ảnh hưởng đến bạn nữa. Ví dụ, trong một Khóa tu Thành Tựu Vĩ Đại (Drubchen,) khi chúng ta phải ngủ trong chùa, âm thanh của thần chú vẫn tiếp tục, cả ngày lẫn đêm. Đôi khi mọi người không thể ngủ vì điều đó, bởi vì họ đang bám nắm âm thanh. Ví dụ, khi chúng ta bám nắm vào âm thanh, nếu ai đó nói điều gì đó tốt đẹp với chúng ta, chúng ta thích nó; khi họ xúc phạm chúng ta, chúng ta tức giận. Một người nào đó bám nắm vào âm thanh có thể nói, “tôi thực sự muốn đến với những giáo lý nhưng tiếc là có người này tôi không thích và đó là lý do tại sao tôi không thể đến.” Đây là sai lầm của việc bám nắm. Nếu người ta không bám nắm vào bất cứ điều gì, thì sự hiện diện của một người sẽ không ảnh hưởng đến người ta. Ngay cả khi mọi người đấu tranh với bạn trong một trăm cuộc tranh luận, điều đó sẽ không ảnh hưởng đến bạn bởi vì bạn biết “anh ấy vẫn có Phật tánh và chỉ tạm thời bị những phiền não che lấp, và cuối cùng, tôi cũng có những phiền não này.” Ngài Longchen Rabjam đã nói trong Kho tàng của Những Giáo huấn Cốt lõi, “Khi bạn nhận biết bản chất huyễn ảo của bất cứ cái gì xuất hiện, bạn không cần phải từ bỏ việc thọ hưởng của các đối tượng cảm giác.” Một khi chúng ta chứng ngộ rằng một hoạt động hoặc kinh nghiệm có bản tánh như huyễn, thì việc thọ hưởng nó sẽ không có hại gì vì chúng ta đã hiểu bản tánh của tâm giống như không gian. Khi bạn thực hành Trung ấm Thiền định, và quán sát bản tánh của tâm bằng cách không chạy theo những tư tưởng quá khứ, hiện tại hoặc tương lai, bạn sẽ tìm thấy một bản tánh vượt khỏi ba thời.

Dòng thứ ba của câu kệ gốc thứ ba nói rằng chúng ta nên “trụ trong trạng thái vô biên mà không bám nắm hay nhiễu loạn.” Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, tâm tham gia vào các hoạt động khác nhau. Chúng ta nghĩ những điều chúng ta cần làm; những tư tưởng này đến và đi; chúng không bao giờ ở lại. Cho dù những tư tưởng có hay không, vẫn luôn có một thức không bao giờ rời đi. Tâm này đặt ra một mục đích làm điều gì đó, thì người ta nghĩ về nó, và các tư tưởng đến và đi. Nhưng bên dưới điều này, có một thức, luôn luôn ở đó. Bạn nên nhận biết và làm vững chắc sự tỉnh giác về nó.

Đó vẫn là một và cùng một tâm. Tâm được phóng chiếu ra bên ngoài, nhận biết các đối tượng bên ngoài khác nhau và ý thức về chúng. Khi bạn trực tiếp nhìn vào tâm ý thức này và nhìn thấy bản tánh của nó, bạn sẽ thấy một sự hợp nhất giữa tánh Không và sáng tỏ như không gian, không có thực chất. Trong khi nó trống không như không gian, vẫn có một tánh giác sáng tỏ biết bản tánh trống không của chính nó. Sự chứng ngộ trạng thái tự nhiên của tâm được gọi là trí huệ nguyên sơ. “Nguyên sơ,” bởi vì nó đã có từ vô thủy; "trí huệ" vì nó biết tất cả. Khi tánh giác an trụ vững chắc và luôn duy trì, người ta đạt được trạng thái giác ngộ. Như vậy, tinh túy của Trung ấm Thiền định là làm vững chắc tánh giác.

Dù bạn làm gì, bạn cũng nên duy trì tánh giác sáng tỏ, không xao lãng, đó là giữ gìn và tập trung. Một khi bạn đã nhìn thấy trực tiếp tâm ý thức, nó cần được duy trì. Bất cứ khi nào bạn không giữ tỉnh giác, bạn đang thiếu chánh niệm. Nếu bạn chỉ chánh niệm lúc có lúc không, thì bạn sẽ mắc nhiều sai lầm trong những hoạt động khác nhau. Sự thiếu tỉnh giác này là vô minh. Trong việc chứng ngộ bản tánh của tâm, có hai loại người. Có những người biết cách thiền định. Khi họ thiền định, có những khoảnh khắc khi những tư tưởng trong quá khứ đã dừng và những tư tưởng trong tương lai vẫn chưa xuất hiện. Sau đó khi họ nhìn vào không gian giữa những tư tưởng, họ có thể thấy rõ bản tánh của tâm này, ngay cả khi nó chỉ trong một thời gian ngắn. Không gian này giữa những tư tưởng là Đại Ấn. Nó là cái biết sáng tỏ và trống không, giống như không gian, rộng lớn, vô hạn, và bao trùm tất cả, bao trùm toàn bộ sanh tử và Niết bàn. Tánh giác này biết bản tánh trống không của chính nó. Trong Cầu nguyện Phổ Hiền có nói, “Nếu con nhận biết nó, con là một vị Phật; nếu con không nhận biết nó, con là một chúng sanh lang thang trong sanh tử”. Tánh giác này là luôn luôn ở đó; nó không bao giờ đi đâu hoặc ngừng dứt. Trước tiên, bạn phải nhận biết nó và sau đó tiếp tục an trụ bên trong nó. Có một số người nhận biết nó và sau đó họ có thể đơn giản tiếp tục an trụ trong nó một cách dễ dàng mọi lúc mọi nơi. Những cá nhân này được gọi là những người chứng ngộ ngay lập tức.

Bản tánh vô biên giống như không gian. Thư giãn trong nó, thậm chí không nghĩ, “tôi phải thiền.” Không gian thì như nó là, cho dù chúng ta có cố ý thiền định về nó hay không. Nó thoát khỏi đến và đi. Như vậy, không có ích gì khi thiền định “chú tâm trên” bản tánh này. Nó là vô hạn, thoát khỏi mọi giới hạn. Có rất nhiều quan điểm hạn chế, nhưng tất cả đều gồm trong chủ nghĩa vĩnh cửu (thường kiến) và chủ nghĩa hư vô (đoạn kiến). Bản tánh của tâm giống như không gian trống không xua tan sai lầm của chủ nghĩa vĩnh cửu. Bản tánh của tánh giác sáng tỏ sẽ xua tan sai lầm của chủ nghĩa hư vô. Sự hợp nhất của tánh giác sáng tỏ và tánh Không giống như không gian biết chính nó; đó là tánh giác tự biết chính nó. Nó được thể hiện bằng các hình tướng đức Phật Phổ Hiền hay Kim Cương Trì yab-yum. Sự kết hợp giữa Bổn tôn và phối ngẫu là một dấu hiệu của sự hợp nhất của tánh giác sáng tỏ và tánh Không mà bản tánh là cực kỳ lạc phúc. Đó là đại lạc không thay đổi. Do đó, bản tánh của tâm là thoát khỏi các cực đoan của chủ nghĩa vĩnh cửu và chủ nghĩa hư vô. Khi bạn thấy bản tánh của tâm, bạn sẽ biết cái bạn đang thấy. Bạn sẽ biết rằng cái này là bản tánh của tâm; sẽ không có nghi ngờ nào. Đây là cách chư Phật quá khứ thấy bản tánh của tâm. Ngoài việc liên tục an trụ bên trong nó, không có gì khác phải được thực hiện. Ngay cả khi những tư tưởng xuất hiện, chúng xuất hiện như sóng trên mặt nước và không thể ảnh hưởng đến bạn vì tánh giác được giữ ổn định. Do đó, tất cả những tư tưởng và những cảm xúc đều bất lực. Một số cá nhân không thể dễ dàng thấy bản tánh này. Một số có thể nhìn thấy nó nhưng chỉ nhìn thoáng qua nó trong một thời gian ngắn, và sau đó nó lại biến mất. Điều này là do họ đã không thực hành nhiều trong những đời trước, kết quả là tâm của họ không thực sự sáng tỏ. Có một số người nghĩ rằng họ hoàn toàn không thấy nó. Tâm của họ giống như sữa trộn với nước, khiến họ gần như không thể tin vào bản tánh của nước trong. Trong bốn con quỷ, đây là con quỷ của sự nghi ngờ, hình thức tối hậu, căn bản của vô minh. Khi điều này xảy ra, hãy cố gắng buông bỏ ý tưởng nghi ngờ và xác quyết rằng bản tánh của tâm chỉ là thức hiện tại thoát khỏi những tư tưởng lan man. Không nên có bất kỳ nghi ngờ gì về điều đó bởi vì tâm luôn ở đây và không có gì mới để được tìm thấy. Nó không ở đâu khác; vấn đề duy nhất là chúng ta không tin vào nó. Đức Jigten Sumgon nói, “Bây giờ tôi biết rằng tâm mà tôi chưa bao giờ tách rời chính nó chính là Phật.” Phật là tâm của chúng ta, chỉ là chúng ta chưa nhận biết nó, chúng ta không tin vào nó. Cho nên, điều quan trọng là phải buông bỏ những nghi ngờ và kiên quyết rằng tâm thoát khỏi tất cả những trụ chấp là Phật.

Lý do tại sao chúng ta nghi ngờ bản tánh của tâm là do chúng ta tin vào sự thật của những tri giác và những ý tưởng của chúng ta về chúng. Không hiểu bản tánh thực sự của mọi sự vật, chúng ta bám nắm vào sự thật của các đối tượng đang xuất hiện và coi chúng là có thực. Chúng ta tin rằng đây là cách những sự vật là, và ta và người thực sự hiện hữu độc lập. Thuốc giải đối trị cho điều đó là thực hành của các giai đoạn phát sanh và thành tựu.

Dòng thứ tư của câu kệ của Trung ấm Thiền định chỉ ra những thực hành cơ bản mà nhờ đó chúng ta hoàn thành quen thuộc, cố gắng trở nên “vững chắc trong hai thực hành: quán tưởng và thành tựu”. Sự quán tưởng có lợi ích hay mục đích gì trong giai đoạn phát sanh? Có rất nhiều lợi ích.

Một lợi ích là thông qua giai đoạn phát sanh, chúng ta tu tập cách mà mình được sinh ra. Có bốn cách mà người ta có thể được sinh ra. Người ta có thể được sinh ra từ trong bụng mẹ, hay qua một quả trứng, từ sự hóa sanh, hoặc là bởi nhiệt và độ ẩm. Tương ứng, có bốn loại giai đoạn phát sanh. Mục đích của chúng là tu tập bốn cách được sanh ra này. Nói tóm lại, qua giai đoạn phát sanh, chúng ta giảm bớt sự bám nắm vào một thực tại vật chất, niềm tin vào sự hiện hữu thật của những hiện tướng. Để nhắc nhở chúng ta về bản tánh trống không của tất cả các hiện tượng trong sanh tử và Niết bàn, bản tánh thực sự của chúng, trong phần đầu của hầu hết các thực hành Sadhana, chúng ta niệm thần chú, “om svabhava shuddhah sarva dharmah svabhava shuddho ham.” Những vật thể bên ngoài xuất hiện, có vũ trụ và chúng sanh. Tất cả những gì xuất hiện và hiện hữu thì được tạo ra bởi những nghiệp và những dấu ấn quen thuộc của tâm mà tạm thời giống như một khối băng. Cái được tạo ra là hợp tạo hữu vi và do đó bản chất vô thường. Nó sẽ không kéo dài; phải chịu sự tan rã. Và khi chúng ta nhìn vào người đã tạo ra tất cả, bản thân tâm, chúng ta sẽ thấy một bản tánh trống không, giống như không gian. Hiểu được như vậy, sự bám nắm vào sự có thật của các tri giác sẽ giảm đi. Bấy giờ người ta thấy những sự vật như thế nào? Người ta tri giác những hiện tướng nhưng thấy chúng như những cầu vồng, những ảo ảnh hoặc những đám mây thoáng qua. Ban đầu, chúng ta phải tu tập tâm theo một tri giác thanh tịnh về vũ trụ bên ngoài và những chúng sanh bên trong vũ trụ ấy. Vũ trụ bên ngoài bao gồm năm nguyên tố, và năm nguyên tố này là biểu hiện của năm trí huệ. Từ một bối cảnh bất tịnh, tâm của chúng sanh chứa đầy năm cảm xúc phiền não. Nhưng nếu người ta phát khởi Bồ đề tâm, thì năm cảm xúc phiền não này trở thành năm trí huệ. Sự tỏa chiếu của năm trí huệ này, biểu hiện của năm trí huệ là năm nguyên tố. Nếu bạn hiểu điều này, bạn sẽ có thể trau dồi một tri giác thanh tịnh. Trong thực hành của giai đoạn phát sanh, có một phương diện tương đối là trau dồi một tri giác thanh tịnh và một phương diện tối hậu là nhận biết sự thanh thản của tất cả các hiện tướng. Đây là mục đích của thực hành giai đoạn phát sanh. Bất cứ Bổn tôn nào bạn thực hành, nếu bạn không bao giờ tách rời với Bổn tôn trong tâm của bạn, nếu tình yêu thương và sự tin tưởng đối với Bổn tôn luôn ở trong tâm bạn, và nếu bạn không bao giờ quên Bổn tôn, thì trước tiên bệnh tật tạm thời và những trở ngại bên ngoài khác có thể bị xua tan. Bằng cách thực hành Bổn tôn, sự chấp ngã sẽ giảm bớt. Tất cả bệnh tật, trở ngại và những khó khăn của chúng ta đều bắt nguồn từ sự chấp ngã. Khi chúng ta nhớ Bổn tôn, thì chúng ta là một Bổn tôn chứ không phải là cái tôi bình thường của chúng ta. Nếu không có cái tôi, thì không có những hậu quả nghiệp nào liên quan đến một cái tôi: mọi đau khổ đều phát sanh từ nghiệp. Vì vậy, khi chúng ta thực hành một Bổn tôn, tạm thời chúng ta có thể vượt qua những hình tướng bên ngoài của đau khổ, các bệnh tật, những khó khăn, những lời nguyền rủa, sự nguy hại ma thuật, và vân vân. Hơn nữa, chúng ta có được một khả năng để giúp đỡ những người khác. Và trong tương lai, khi chúng ta ở trong trung ấm, chúng ta sẽ có thể nhớ đến Bổn tôn, và do đó trở thành Bổn tôn. Vì thế, trước khi chết, chúng ta phải luôn luôn thực hành Bổn tôn một cách rõ ràng. Có một số hành giả thành tựu thân cầu vồng. Nhưng ngay cả khi chúng ta không thực hiện được điều đó, nếu ít nhất chúng ta không bao giờ quên Bổn tôn, nếu chúng ta luôn luôn an trụ không tách rời Bổn tôn, thì sau khi chúng ta chết, chúng ta sẽ hợp nhất bất nhị với Bổn tôn, như ngọn đèn bơ thắp sáng ngọn khác, như ngọn lửa hòa vào ngọn lửa khác. Có thể hòa hợp với Bổn tôn nhờ Phật tánh và Bồ đề tâm, bởi vì nếu chúng ta trưởng dưỡng Bồ đề tâm, sự chấp ngã sẽ giảm đi. Ở cấp độ của Phật tánh, chúng ta đã đồng nhất với Bổn tôn. Do đó, con người trí huệ và con người phạm tội về cơ bản là một. Như vậy, thực hành giai đoạn phát sanh sẽ mang lại những lợi ích tạm thời và tối hậu.

Sự quán tưởng Bổn tôn trong giai đoạn phát sanh bao gồm ba phương diện: l) sáng tỏ 2) ổn định, và 3) thanh tịnh.

Đối với sự sáng tỏ: Những người có tỉnh giác nhạy bén có thể quán tưởng Bổn tôn rõ ràng. Hơn nữa, Bồ Đề Tâm, tình yêu thương và lòng bi mẫn của bạn càng lớn thì Bổn tôn sẽ xuất hiện càng rõ ràng hơn. Hiện tướng là trống không trong tinh túy và sáng tỏ một cách tự nhiên. Đây là sự sáng tỏ - hiện tướng rõ ràng của Bổn tôn.

Đối với sự ổn định: Bổn tôn xuất hiện trong tâm bạn thì không tách rời khỏi tâm bạn - bạn thực sự là Bổn tôn. Khi bạn quán tưởng Bổn tôn, hãy làm như vậy một cách trực tiếp. Đừng nghĩ về bất cứ điều gì. Đừng nghĩ về điều này điều kia, ta và người, hoặc thậm chí cả Bổn tôn. Đừng tham gia vào việc hình thành khái niệm. Thay vào đó, hãy trực tiếp để Bổn tôn xuất hiện trong không gian của tâm bạn. Nếu Bổn tôn khởi sanh từ trong trạng thái của tình yêu thương và lòng bi mẫn và không có bất kỳ tư tưởng bình thường nào, bạn sẽ thấy cách Bổn tôn hiện diện trong tâm của bạn. Nó xuất hiện như một bông hoa mọc trong tâm bạn. Khi bạn quán tưởng Bổn tôn, trước tiên, bạn nên nảy sanh một ý định vị tha, mong muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Thật vậy, bản thân này đã là Bổn tôn thực sự. Từ ý định đó, Bổn tôn hiển lộ rõ ràng xuất hiện nhưng trống không, như cầu vồng. Bạn cần tin chắc đây là Bổn tôn thực sự. Quán tưởng Bổn tôn rõ ràng chỉ là phụ, sự tin chắc Bổn tôn thực sự là phương diện quan trọng nhất của giai đoạn phát sanh.

Khi chúng ta nhớ lại sự thanh tịnh, chúng ta phải nhớ lại những phẩm tính thanh tịnh của tâm của Bổn tôn. Bổn tôn có những pháp khí, một màu sắc, những trang sức, và v.v... Tất cả những cái này là đại diện cho những phẩm tính nào đó trong tâm của Bổn tôn. Ví dụ, các Bổn tôn hòa bình có mười ba món trang sức. Các Bổn tôn hung nộ có sáu món trang sức bằng xương. Những điều này thể hiện phẩm tính giác ngộ trong tâm của Bổn tôn. Ví dụ, trang sức vương miện của Ngũ Trí Như Lai đại diện cho sự chuyển hóa của năm cảm xúc phiền não thành năm trí huệ. Bốn chân tượng trưng cho bốn vô lượng. Mỗi pháp khí của Bổn tôn tượng trưng cho phẩm tính giác ngộ trong tâm Bổn tôn. Tóm lại, ba phương diện của giai đoạn phát sanh là: sáng tỏ, ổn định và thanh tịnh. Trong số này, điều quan trọng nhất là sự ổn định hoặc tin chắc khi biết “tôi thực sự là Bổn tôn”. Với tỉnh giác này, bạn thực hành sự hợp nhất của các giai đoạn phát sanh và giai đoạn thành tựu. cho đến khi bạn thật sự tin chắc, bạn phải quen thuộc. Trong một lần trước đây, ngài Drukpa Kunlek đã đến Lhasa để thăm tượng Jowo và khi bày tỏ lòng tôn kính với Tượng, ngài đã nói: “Ban đầu, ngài và tôi đều giống nhau. Nhưng tôi, do sự lười biếng của mình, vẫn đang lang thang trong sanh tử. Và ngài, sau khi thực hành với tinh tấn, đã đạt được giác ngộ. Bây giờ tôi đảnh lễ ngài, Đức Phật.” Sự khác biệt duy nhất giữa Bổn tôn và bản thân mình là ý định.

Khi chúng ta đạt được sự ổn định trong giai đoạn thành tựu, điều đó cũng tương tự như nhận biết tịnh quang của trạng thái ngủ sâu và nhờ đó chúng ta đạt được giác ngộ trong trung ấm đầu tiên, trong Pháp thân. Thông qua thực hành của giai đoạn thành tựu, chúng ta tu tập theo cách mà chúng ta chết, và thông qua thực hành của giai đoạn phát sanh, chúng ta tu tập theo cách mà chúng ta được sanh ra. Liên quan đến giai đoạn phát sanh, Đạo sư Drikung Dharmaraja đã nói, “Hiểu rằng mọi sự xuất hiện và hiện hữu là Bổn tôn là giai đoạn phát sanh hoàn hảo của Mật thừa.” Vì vậy, cho dù chúng ta có làm quen với giai đoạn phát sanh hay không, chỉ để hiểu bản tánh của tất cả các hiện tượng là lợi ích không thể nghĩ bàn. Bản tánh của vũ trụ và tất cả chúng sanh vốn là thanh tịnh. Cho dù vũ trụ bên ngoài có rộng lớn đến đâu, cũng bao gồm năm nguyên tố và năm nguyên tố là những Hóa thân của Phật. Họ là năm người mẹ vĩ đại, hay các vị Phật nữ. Bất kể có bao nhiêu chúng sinh, tất cả họ đều có năm cảm xúc phiền não. Tất cả chúng sanh, dù có hay không có một thân thể, đều có những cảm xúc phiền não như nhau, và họ đều có Phật tánh. Không có chúng sanh nào mà không có Phật tánh, bởi vì tất cả chúng sanh đều có tâm. Vũ trụ bên ngoài được đại diện bên trong thân thể của một người. Thân thể của một người là mô hình thu nhỏ của vũ trụ bên ngoài và tâm của một người là kiểu mẫu của tất cả chúng sanh trong vũ trụ. Như vậy, vũ trụ và chúng sanh hoàn toàn ở trong thân và tâm của một người. Chúng sanh chỉ tạo sanh tử tạm thời, do chấp ngã. Không có một chúng sanh nào mà không có Phật tánh. Vì vậy, bất cứ cái gì xuất hiện và hiện hữu đều có bản tánh của Ngũ Trí Như Lai và phối ngẫu của các vị.

Hiểu được điều này, bạn sẽ có thể buông bỏ sự bám nắm nhị nguyên, sự bám nắm vào các khái niệm của thanh tịnh và bất tịnh, tốt và xấu, và vân vân. Tâm bạn sẽ trở nên rộng lớn và bao la. Chúng ta càng bám nắm nhiều, chúng ta càng khuấy động những dơ bẩn và chúng ta tri giác những sự vật một cách bất tịnh. Đức Phật đã nói, “Hãy thuần hóa trọn vẹn tâm của chính mình.” Khi bạn chứng ngộ bản tánh của tâm, bạn sẽ thấy rằng ở cấp độ nền tảng đó, tất cả chúng sanh, bất cứ cái gì xuất hiện và hiện hữu, đều hoàn toàn thanh tịnh. Hiểu được điều này thì khi bạn thấy một con rắn độc, bạn sẽ nghĩ rằng nó xuất hiện như con rắn ấy, chỉ do những nghiệp và những nhân duyên tạm thời. Nhưng tâm vẫn như nhau; đó là Phật tính. Rồi, sự trụ chấp nó là một con rắn hoàn toàn thật sẽ biến mất. Bạn sẽ hiểu rằng nó chỉ là biểu hiện của một cảm xúc phiền não nhất thời. Điều rất quan trọng là phải hiểu điểm này. Nếu bạn hiểu được bản tánh thanh tịnh của tất cả hiện tượng, bạn sẽ trau dồi lòng sùng mộ ngay cả với năm nguyên tố. Nếu bạn thấy các nguyên tố thanh tịnh, ví dụ nước và có lòng sùng mộ ngay cả với nước, thì sức mạnh và phước lành của nó sẽ rất lớn. Do đó, thực hành và ổn định giai đoạn phát sanh là cần thiết và lợi lạc.

“Hai thực hành” là giai đoạn phát sanh và giai đoạn thành tựu. Khi bạn đạt được sự ổn định trong giai đoạn phát sanh, những tư tưởng và tri giác bất tịnh thông thường sẽ không khởi sanh. Trong giai đoạn thành tựu, không có sự bám nắm vào sự thực của những hình tướng huyễn ảo. Những sự vật xuất hiện, bạn có thể nhìn thấy chúng, nhưng không có những tư tưởng nào về sự hiện hữu thực sự của chúng. Những sự vật xuất hiện như một ảo ảnh. Mặc dù những tư tưởng và những cảm xúc khởi sanh, chúng biến mất khi khởi sanh, khi người ta đã đạt được sự ổn định trong giai đoạn phát sanh và giai đoạn thành tựu.

Qua giai đoạn thành tựu, chúng ta tu tập theo cách mà chúng ta chết. Khi chúng ta chết, mọi thứ tan biến, một thành phần tan vào thành phần kia, giống như trong giai đoạn thành tựu. Đầu tiên, nguyên tố đất hòa tan vào nước, sau đó nước vào lửa, lửa vào gió, và gió vào thức. Đây là sự hòa tan thô. Cuối cùng, sinh lực của hơi ấm sẽ rời khỏi thân thể của bạn. Nếu bạn đã đạt được sự ổn định trong giai đoạn thành tựu, đôi khi, bạn sẽ có một cái thấy sáng tỏ về Bổn tôn và trong khoảnh khắc tiếp theo, bạn có thể đặt tâm mình vào trạng thái tự nhiên của nó. Nó trở nên trống không - hoàn toàn trống không như không gian, thông qua sức mạnh của chánh niệm tỉnh giác. Sau đó, bạn tiếp tục an trụ trong trạng thái tự nhiên của tâm. Đây là giai đoạn thành tựu tối thượng.

Mục đích của thiền định được trình bày ngắn gọn trong dòng thứ năm và thứ sáu của câu kệ thứ ba: “Vào lúc thiền định này, nhất tâm, thoát khỏi mọi hoạt động, con sẽ không rơi vào sức mạnh của những cảm xúc mê lầm.” “thoát khỏi hoạt động” có nghĩa là trong khi người ta tham gia vào các hoạt động khác nhau, người ta nhận biết rằng tất cả các hiện tượng của sanh tử và Niết bàn đều không có sự hiện hữu cố hữu: chúng là vô thường và không có bất kỳ vật chất thực sự nào. Do đó, không có sự dính mắc trong việc hoàn thành bất cứ điều gì. Không có sự bám nắm vào bất kỳ sự có thật nào. Mặc dù chúng ta vẫn tham gia vào các hoạt động khác nhau, nhưng không có những hy vọng hay những lo sợ nào về kết quả của những hoạt động này.

Kết thúc câu kệ thứ ba là nguyện vọng “tôi sẽ không rơi vào sức mạnh của những cảm xúc mê lầm”. Đôi khi, do những điều kiện khởi sanh trong chốc lát, những cảm xúc phiền não mạnh mẽ có thể khởi sanh, và chúng ta cho rằng chúng là thật. Chúng ta nghĩ về vấn đề và dính mắc vào những cảm xúc. Tư tưởng này nối tiếp tư tưởng khác, cảm xúc ngày càng mạnh mẽ và trở nên mê lầm. Một khi chúng ta đã đạt đến trạng thái này, rất khó để buông bỏ. Vì lý do này, điều quan trọng là phải nhận biết tất cả những tư tưởng nhỏ hơn. Ít nhất là đủ để nhận biết rằng những tư tưởng này có ở đó. Nếu chúng ta thực sự nhận biết chúng với một tỉnh giác sắc bén, chúng sẽ tan biến. Chỉ khi chúng ta không có tỉnh giác đầy đủ, chúng ta mới trở nên bị điều khiển bởi những tư tưởng này, sau đó chúng che khuất và làm nhiễm ô tâm. Nếu chúng ta chưa thuần thục tỉnh giác, thì mặc dù chúng ta có thể thấy bản tánh của tâm trong chốc lát, nhưng tỉnh giác không đủ mạnh để vượt qua những cảm xúc phiền não. Vì vậy, điều cốt yếu là an trụ không tách rời khỏi chánh niệm. Nếu bạn duy trì chánh niệm, những tư tưởng sẽ khởi sanh nhưng chúng cũng sẽ tan biến khi khởi sanh. Có nhiều loại tư tưởng khác nhau. Có những tư tưởng bình thường, không được nhận biết và có những tư tưởng được nhận biết. Những tư tưởng bình thường là những tư tưởng khởi sanh mà không có bất kỳ chánh niệm nào. Vì vậy, người ta hoàn toàn không nhận biết những tư tưởng của họ. Một tư tưởng như vậy là một tư tưởng bình thường, không được nhận biết và không bị kiềm chế. Nếu bạn chánh niệm khi một tư tưởng khởi sanh, mặc dù bạn có thể không thể buông bỏ nó, nhưng ít nhất bạn cũng có một ít tỉnh giác. Trong trường hợp này, ít nhất nó không trở thành một tư tưởng bình thường. Bạn có thể tạo ra nghiệp xấu, nhưng cũng sẽ phải hối hận. Cuối cùng, thông qua việc quen thuộc chánh niệm, những tư tưởng sẽ tự tan biến. Sự tan rã của bám nắm được gọi là “chuyển hóa cảm xúc phiền não thành tánh giác nguyên sơ.” Ví dụ, khi cơn giận khởi sanh và bạn nhận biết nó, thì trước tiên bạn biết rằng cơn giận là không tốt, và sau đó dần dần cơn giận tan biến. Sự tỉnh giác nhận biết sai lầm trong chính cơn giận thì cơn giận tiêu tan, và sau đó được gọi là trí huệ như tấm gương. Nếu bạn có thể buông bỏ những cảm xúc phiền não theo cách này, tỉnh giác của bạn đã tăng lên. Tánh giác trí huệ này giống như lửa và những tư tưởng giống như củi. Khi bạn thực hành quen thuộc tỉnh giác, những tư tưởng vẫn có thể khởi sanh, nhưng chúng sẽ tan biến khi khởi sanh. Cái cần được quen thuộc là tỉnh giác.

Tóm tắt về Trung ấm Thiền định: Khi chúng ta thấy rằng tất cả các hiện tượng của sanh tử và Niết bàn đều có bản tánh là hư ảo, chúng ta trau dồi Định như Anh Hùng vì không còn sợ hãi nữa. Nếu không có chấp ngã và không bám nắm vào cái thực, thì cũng không còn sợ hãi nữa. Và nếu không có sợ hãi, không có những tư tưởng bám luyến và ghét bỏ. Như vậy, Phật tánh sẽ không bị che lấp. Đây là sự chứng ngộ của Định như Kim Cương, sự chứng ngộ của Phật tánh vượt qua sanh tử. Trong Bài nguyện Phổ Hiền có nói, “Ngay cả khi ba thế giới bị hủy diệt, không có gì phải sợ hãi. Không có bám luyến vào năm ham muốn của lạc thú giác quan. Không cần suy nghĩ, hãy nghỉ ngơi trong tánh giác tự nhiên.” Đó là phẩm tính cần đạt được trong Trung ấm Thiền định.

Ngài Milarepa đã hát một bài hát để đáp lại yêu cầu của cô gái Paldarbum (Trăm Ngàn Ngọn Cờ Vinh Quang) có dòng chữ này: “Đời sống tương lai sẽ đen tối hơn đời sống này, vì vậy, bạn nên chuẩn bị một ngọn đuốc. Nếu bạn không chuẩn bị một ngọn đuốc, sẽ không có ánh sáng để bạn tìm thấy con đường”. Nếu bạn không chứng ngộ tinh túy của tâm ngay bây giờ, thì sau này, những hiện tướng của trung ấm sẽ tối tăm và u ám. Nếu bạn dành cả đời mình trong bóng tối tinh thần, thì trung ấm sẽ rất đáng sợ. Bản chất của vô minh là bóng tối. Vì vậy, nó được gọi là bóng tối của mê lầm. Khi bạn chứng ngộ bản tánh của tâm, bạn sẽ tìm thấy con mắt thiêng liêng của tịnh quang. Khi tâm sáng suốt, chúng ta thấy rõ ràng bất cứ cảm xúc và tư tưởng phiền não nào khởi sanh. Đây là tịnh quang. Nếu bạn quen thuộc với tịnh quang, thì nó sẽ luôn tỏa sáng. Phật Di Lặc đã nói, “Ngay từ đầu, bản tánh của tự tâm là sáng tỏ.”

---*---

Người dịch : Ngộ Châu

Hiệu đính : Ban dịch thuật Thiện Tri Thức

Bài viết liên quan