TU HÀNH BỒ ĐỀ TÂM NGUYỆN - GAMPOPA - TRÀNG NGỌC GIẢI THOÁT

TU HÀNH BỒ ĐỀ TÂM NGUYỆN

GAMPOPA

Trích: Tràng Ngọc Giải Thoát; Khenpo Konchog Gyaltsen Rinpoche dịch; NXB Thiện Tri Thức.

---o0o---

Điều thứ nhất là phương pháp không để mất Bồ đề tâm. Điều thứ hai là phương pháp nhờ đó Bồ đề tâm không yếu đi. Điều thứ ba là phương pháp để tăng trưởng sức mạnh của Bồ đề tâm. Điều thứ tư là phương pháp làm sâu thêm Bồ đề tâm. Điều thứ năm là phương pháp để không quên Bồ đề tâm.
TU HÀNH BỒ ĐỀ TÂM NGUYỆN - GAMPOPA - TRÀNG NGỌC GIẢI THOÁT

XII. Tu hành.

Sau khi trau dồi Bồ đề tâm, có hai loại tu hành:

A. tu hành Bồ đề tâm nguyện, và

B. tu hành Bồ đề tâm hạnh.

A. Tu hành Bồ đề tâm nguyện. Tóm tắt:

Không từ bỏ chúng sanh trong tâm mình,

Nhớ những hiệu quả lợi lạc của tâm ấy,

Gom góp hai sự tích tập,

Thực hành lập đi lập lại tâm giác ngộ,

Chấp nhận bốn thiện hạnh và từ bỏ bốn hạnh xấu.

Năm điều này gồm trong tu hành Bồ đề tâm nguyện.

Điều thứ nhất là phương pháp không để mất Bồ đề tâm. Điều thứ hai là phương pháp nhờ đó Bồ đề tâm không yếu đi. Điều thứ ba là phương pháp để tăng trưởng sức mạnh của Bồ đề tâm. Điều thứ tư là phương pháp làm sâu thêm Bồ đề tâm. Điều thứ năm là phương pháp để không quên Bồ đề tâm.

1. Không từ bỏ chúng sanh trong tâm mình.

Thứ nhất, sự tu hành không từ bỏ chúng sanh trong tâm mình là phương pháp để không mất Bồ đề tâm. Kinh Long Vương Amavatapta Thỉnh Vấn nói:

Một bồ tát sở hữu một phẩm tính nắm giữ được mọi phẩm tính tuyệt hảo của chư Phật. Một đặc tính ấy là gì? Một tâm không từ bỏ chúng sanh từ trong tâm mình.

Giả sử có người hành động ác ý đối với bạn, và bạn có thái độ giữ khoảng cách với người ấy và không quan tâm đến nó. Dù nếu có cơ hội giúp đỡ người ấy trong tương lai, bạn cũng từ chối làm điều đó. Dù nếu có lúc để bảo vệ người ấy khỏi bị hại, bạn từ chối làm điều đó. Đó gọi là “từ bỏ chúng sanh”.

Hơn nữa, “từ bỏ chúng sanh” nghĩa là gì? Tất cả chúng sanh hay chỉ một? Dù những bậc Thanh Văn hay Độc Giác sẽ không từ bỏ tất cả chúng sanh, diều hâu và chó sói cũng làm được như vậy. Thế nên, nếu người ta từ bỏ dù chỉ một chúng sanh và không áp dụng cái đối trị trong một thời công phu, bấy giờ Bồ đề tâm bị mất. Hoàn toàn vô lý khi từ bỏ chúng sanh từ trong lòng mà vẫn được gọi là một bồ tát và duy trì sự tu hành. Chẳng hạn, điều đó giống như giết đứa con độc nhất của mình và rồi tích tập tài sản nhân danh nó.

Dĩ nhiên người ta sẽ không từ bỏ thái độ này đối với những người làm lợi ích cho mình, nhưng có nguy cơ bỏ nó đối với những người làm hại mình. Với họ, đặc biệt người ta cần trau dồi lòng bi và cố gắng đem lại cho họ lợi lạc và hạnh phúc. Đây là truyền thống của những bậc Cao Cả. Có nói rằng:

Khi làm hại đáp trả cho những hành vi tốt đẹp,

Dù như thế cũng được đáp lại bằng đại bi.

Những vị tuyệt hảo của thế gian này

Đền đáp một thiện hạnh cho một ác hạnh.

2. Nhớ những hiệu quả lợi lạc của Bồ đề tâm.

Thứ hai, tu hành nhớ những hiệu quả lợi lạc của Bồ đề tâm là phương pháp nhờ đó Bồ đề tâm không thể yếu đi. Ngọn Đèn cho Con Đường Giác Ngộ nói:

Phẩm tính trau dồi

Tâm của nguyện vọng

Đã được Maitreya giải thích

Trong Kinh Trồng Thân Cây Cao Cả.

Trong kinh ấy, những hiệu quả lợi lạc của Bồ đề tâm được minh họa bởi khoảng 230 thí dụ tương tự. Tất cả những hiệu quả lợi lạc ấy được tóm gọn thành bốn phạm trù. Như vậy: “Thiện nam tử! Bồ đề tâm thì giống như hạt giống của tất cả chư Phật”, và “nó xua tan mọi nghèo khó giống như Vaisravana”... nói đến những hiệu quả lợi lạc cho chính mình.

“Nó bảo vệ đầy đủ mọi kẻ lưu lạc như một chỗ cư trú” và “ nó nâng đỡ mọi chúng sanh nên nó giống như đất”... nói đến những hiệu quả lợi lạc cho những người khác.

“Bởi vì nó chiến thắng mọi kẻ thù phiên não, nó giống như một cái giáo” và “nó cắt đứt hoàn toàn cây khổ đau như một cái rìu”... nói đến những hiệu quả lợi lạc cắt đứt mọi điều bất lợi.

“Nó hoàn thành mọi nguyện vọng giống như cái bình cao quý”, và “nó hoàn thành mọi mong muốn giống như ngọc như ý quý báu”... nói đến hiệu quả lợi lạc thiết lập mọi điều kiện thuận lợi.

Theo cách ấy, khi người ta nhớ tất cả những công đức này người ta sẽ yêu quý Bồ đề tâm sâu sắc. Theo cách ấy, khi người ta thực hành, người ta duy trì tâm này không yếu đi. Thế nên người ta cần kiên trì nhớ mọi hiệu quả lợi lạc này; ít nhất, người ta cần nhớ chúng một lần trong mỗi lần công phu.

3. Gom góp hai tích tập.

Thứ ba, sự tu hành gom góp hai tích tập là phương pháp tăng trưởng sức mạnh của Bồ đề tâm. Ngọn Đèn cho Con Đường Giác Ngộ nói:

Sự tích tập công đức và trí huệ

Là bản chất của nguyên nhân hoàn thiện.

Sự “tích tập công đức” ám chỉ mười thiện hạnh, bốn phương pháp và vân vân, thuộc về những phương tiện thiện xảo. Sự “tích tập trí huệ bổn nguyên” ám chỉ những thực hành này được thực hiện hoàn toàn thoát khỏi ba phạm trù (chẳng hạn, người cho, vật cho và hành động cho)... thuộc về trí huệ hoàn thiện. Theo cách này, gom góp hai tích tập thiết lập sức mạnh của Bồ đề tâm trong tâm thức người ta. Bởi thế, hãy kiên trì gom góp hai sự tích tập; thậm chí tụng thêm một thần chú ngắn cũng có thể gom góp hai sự tích tập, thế nên điều này cần làm ít nhất một lần mỗi thời công phu. Lời Nói cho một Chúng Hội nói:

Hôm nay, tôi tích tập công đức và trí huệ thế nào?

Tôi có thể làm lợi lạc cho chúng sanh thế nào?

Những bồ tát thường xuyên nhận xét như vậy.

4. Thực hành tâm giác ngộ.

Thứ tư, thực hành tâm giác ngộ lập đi lập lại là phương pháp để làm sâu thêm Bồ đề tâm. Ngọn Đèn cho Con Đường Giác Ngộ nói:

Sau khi khai triển Bồ đề tâm nguyện

Người ta cần nỗ lực lớn để làm sâu thêm nó.

Trong phần này, có ba chủ đề: thực hành tâm nguyên nhân của giác ngộ, thực hành tâm giác ngộ thực sự, và thực hành tâm của hành động giác ngộ. Thực hành ba điều này làm sâu thêm Bồ đề tâm.

Với cái thứ nhất, hãy kiên trì khai triển từ và bi đối với tất cả chúng sanh ít nhất một lần mỗi thời công phu.

Thực hành tâm giác ngộ thực sự là mong muốn có được giác ngộ vì lợi lạc của chúng sanh. Hãy chiêm nghiệm điều này ba lần trong ngày và ba lần trong đêm. Hãy sử dụng lễ chi tiết cho việc trau dồi Bồ đề tâm hay ít nhất lập lại câu sau một lần trong mỗi thời công phu:

Con quy y Phật, Pháp, Tăng cho đến khi hoàn thành giác ngộ. Do công đức bố thí và những thiện hạnh khác, nguyện con đạt đến giác ngộ cho lợi lạc của tất cả chúng sanh.

Có hai phần nhỏ trong tâm của hành động giác ngộ: thực hành thái độ làm lợi lạc những người khác và thực hành tịnh hóa tâm mình. Thứ nhất, hãy trau dồi tâm hồi hướng và cho đi thân thể, tài sản và mọi thiện hạnh của ba thời vì lợi lạc và hạnh phúc của những người khác. Thứ hai, hãy thực hành tịnh hóa tự tâm. Luôn luôn canh chừng giới luật và tránh những hành vi xấu và những phiền não.

5. Từ chối bốn hành vi xấu và chấp nhận bốn hành vi tốt.

Thứ năm, tu hành từ chối bốn hành vi xấu và chấp nhận bốn hành vi tốt là phương pháp không quên Bồ đề tâm. Ngọn Đèn cho Con Đường Giác Ngộ nói:

Người ta cần giữ gìn trọn vẹn sự tu hành như đã được giải thích

Để nhớ Bồ đề tâm này thậm chí trong cả những đời khác.

Điều này được giải thích ở đâu? Kinh Kashyapa Thỉnh Vấn nói:

Bốn hành vi xấu được phát biểu. Kashyapa, bồ tát có bốn tính cách sẽ quên Bồ đề tâm. Bốn tính cách nào? Đó là..., và vân vân. Nói gọn, chúng là: lừa dối thầy và những người đáng tôn thờ; khiến những người khác ăn năn khi ăn năn là không thích hợp; do ác cảm, nói những lời không thích hợp về một bồ tát đã trau dồi Bồ đề tâm; và cư xử một cách dối gạt đối với chúng sanh.

Bốn hành vi bất thiện cũng được giải nghĩa cách như vầy:

Kashyapa, bồ tát có bốn phẩm tính sẽ nhớ Bồ đề tâm tức thời khi sanh ra trong mọi đời khác cho đến khi đạt được tâm giác ngộ. Bốn phẩm tính ấy là gì? Đó là:..., và vân vân. Nói gọn, chúng là: không nói dối một cách có ý thức dù khi nguy đến tính mạng; an lập một cách tổng quát tất cả chúng sanh trong đức hạnh, đặc biệt trong những đức hạnh Đại thừa; thấy những Bồ tát đã trau dồi Bồ đề tâm như thấy chư Phật và tuyên bố những phẩm tính của các ngài khắp mười phương; và thành thật duy trì thái độ vị tha đối với tất cả chúng sanh.

Giải thích hành vi xấu thứ nhất. Khi người ta lừa dối vị thầy tâm linh, vị trụ trì, vị thầy hay người xứng đáng cúng dường bằng cách nói dối với một tâm không thành thật, Bồ đề tâm của bạn bị mất nếu không áp dụng cái đối trị trong một thời công phu dù các vị ấy có biết hay không, có vui lòng hay không, dù lớn hay không, hay dù các vị có bị lừa hay không. Hành vi thiện thứ nhất là cái đối trị cho nó. Hãy chấm dứt một cách có ý thức sự nói dối, ngay cả dù nguy hiểm đến tính mạng.

Giải thích hành vi xấu thứ hai. Khi người nào làm những hành vi xấu và bạn có ý định làm cho họ hối tiếc, Bồ đề tâm của bạn bị mất nếu không áp dụng cái đối trị trong một thời công phu dù họ có thực sự cảm thấy hối hận hay không. Hành vi thiện thứ hai là cái đối trị cho nó. Hãy an lập tất cả chúng sanh trong đức hạnh, đặc biệt những đức hạnh của Đại thừa.

Giải thích hành vi xấu thứ ba. Khi với sự thù ghét, bạn dùng những lời không thích đáng với một người đã trau dồi Bồ đề tâm, Bồ đề tâm của bạn bị mất nếu không áp dụng cái đối trị trong một thời công phu, hoặc bạn bàn luận những lỗi lầm bình thường hay những lỗi lầm về Pháp, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù nhẹ nhàng hay thô bạo, dù các vị ấy có nghe hay không, có vui lòng hay không. Hành vi thiện thứ ba là cái đối trị cho nó. Hãy nhìn thấy các bồ tát đã trau dồi Bồ đề tâm là chư Phật và nỗ lực tuyên bố những đức hạnh của các ngài trong tất cả mười phương.

Giải thích hành vi xấu thứ tư. Khi với sự lừa dối, bạn phạm tội lừa đảo đối với bất kỳ chúng sanh nào, Bồ đề tâm bị mất nếu không áp dụng cái đối trị trong một thời công phu dù người ấy có biết hay không, việc ấy có gây tai hại hay không. Hành vi thiện thứ tư là cái đối trị cho nó. Hãy duy trì thái độ vị tha đối với tất cả chúng sanh và ý muốn làm lợi cho cho những người khác mà không để ý đến phúc lợi của mình.

---o0o---

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan