TÙY DUYÊN, KHÔNG NẮNG RÁO CŨNG CHẲNG GIÓ MƯA - SỨC MẠNH CỦA TĨNH TÂM - HẢI HOA

TÙY DUYÊN, KHÔNG NẮNG RÁO CŨNG CHẲNG GIÓ MƯA

SỨC MẠNH CỦA TĨNH TÂM - HẢI HOA

Người dịch: Thu Trần

-----o0o-----

Mưa gió bên ngoài không có phút giây nào ngừng nghỉ, nhưng chúng ta thì có thể khống chế được giông bão trong nội tâm. Chỉ cần tĩnh tâm, tùy duyên là có thể xoa dịu được mưa gió trong lòng. Duyên đến duyên đi, để lại cho chúng ta tiếng cười, nước mắt, hạnh phúc hay nuối tiếc, tất cả đều tùy duyên, mọi điều khó xử trong cuộc đời rồi sẽ trở thành quá khứ. Khi duyên đến, ta trân...
TÙY DUYÊN, KHÔNG NẮNG RÁO CŨNG CHẲNG GIÓ MƯA - SỨC MẠNH CỦA TĨNH TÂM - HẢI HOA

Sách Đàn kinh viết: “…Ở trong niệm niệm chẳng nhớ cảnh trước. Nếu như niệm trước, niệm nay, niệmsau, niệm niệm nối nhau chẳng dứt, thì gọi là trói buộc; còn đối với các pháp mà niệm niệm chẳng trụ, tức là không có gì trói buộc; ấy là nghĩa lấy vô trụ làm bổn…”

Đoạn kinh này ý nói: nếu chỉ biết nhớ nhung quá khứ, cố chấp hiện tại, khổ sở theo đuổi tương lai thì sẽ bị mọi ý nghĩ làm cho lao tâm khổ tứ quá độ, tự mua dây buộc mình. Ngược lại, nếu không cố chấp với tất cả mọi thứ trên thế gian thì cũng sẽ không bị trói buộc.

Cuộc đời luôn có rất nhiều việc đợi chúng ta làm, nhưng chúng ta không thể đòi hỏi rằng việc gì cũng phải theo ý mình. Nếu chỉ biết đòi hỏi thì sẽ chỉ làm tăng thêm phiền não cho chính mình, chỉ có biết thuận theo “duyên” thì “mưa gió” trong lòng mới lắng xuống.

“Tùy duyên” là biết đối mặt với cuộc đời bằng một trái tim yên tĩnh và tấm lòng trong sáng vô tư, có được không vui mừng, mất đi không phiền muộn, coi sự được - mất, tiến - thoái là lẽ đương nhiên trong cuộc đời.

Có câu chuyện lưu truyền như sau:

Một lần, Tô Đông Pha đi chơi cùng Tần Thiếu Du. Trong quán cơm, có người ăn mày bẩn thỉu, thân mình đầy chấy rận tới xin ăn.

Đông Pha trông thấy người ăn mày này, liền nói với Tần Thiếu Du: “Người này đúng là bẩn thật, toàn thân bẩn thỉu, chấy rận khắp người”. Tần Thiếu Du không đồng tình: “Ông nói như vậy là không đúng rồi, rận đâu phải sinh ra từ cáu bẩn, rõ ràng là chúng ở trong chiếc áo bông trên người hắn!” Hai người tranh cãi mãi, cuối cùng đành mời tới Phật Ấn Thiền sư để phân xử đúng sai, đồng thời cá cược một bàn rượu thịt.

Để thắng được lần cá cược này, Tô Đông Pha và Tần Thiếu Du đều lần lượt lén nhờ Phật Ấn Thiền sư làm “tay trong”, để ông phân xử cho mình thắng. Phật Ấn Thiền sư đều nhận lời với họ. Cả hai người đều tưởng đã nắm chắc phần thắng trong tay, nên an tâm chờ ngày phân xử tới.

Cuối cùng tới ngày phân xử, Phật Ấn Thiền sư bèn ung dung nói: “Đầu rận mọc trong cáu bẩn, nhưng chân lại ở áo bông, vì thế hai người đều thua!” Nghe lời phân xử này, hai người đành dở khóc dở cười, không còn gì để nói. Phật Ấn Thiền sư lại nói: “Rất nhiều người đều cho rằng, ‘ta’ là ‘ta’, ‘vật’ là ‘vật’, nhưng chính vì sự đối lập giữa ‘vật’ và ‘ta’ nên mới sinh ra mâu thuẫn. Nhưng theo ta thấy, ‘vật’ và ‘ta’ là một thể, ngoại giới và nội tại là một thể, cũng có thể điều hòa được. Ví dụ như một cái cây, chỉ khi nó được tiếp nhận không khí, ánh nắng và nước từ bên ngoài thì mới có thể hòa hợp thống nhất để phát triển tươi tốt. Còn như con rận, cho dù là được sinh ra từ cáu bẩn hay từ trong áo bông cũng đều phải xóa bỏ sự đối lập giữa ‘vật’ và ‘ta’ thì mới có thể nhìn thấy được chân tướng của sự vật. Đây chính là ‘tùy duyên’.”

Tuy đây chỉ là trận cá cược vui giữa Tô Đông Pha và Tần Thiếu Du, nhưng cũng cho chúng ta thấy được đạo lí “tùy duyên”. Có người cho rằng tùy duyên là cách nói về số kiếp, là một thái độ sống tiêu cực. Thực ra không phải, so với quan niệm về số kiếp, tùy duyên cao sâu hơn nhiều. Quan niệm về số kiếp là kết quả bất đắc dĩ mà con người rút ra khi đấu tranh không lại với số phận, còn tùy duyên lại là thái độ sống cao siêu và rộng mở, không phải ai cũng có thể làm được. Để làm được điều đó cần có tấm lòng phóng khoáng để có thể nhìn thấu phù vân trước mắt, nếm trải mùi vị của cuộc đời. Không có trải nghiệmlàm sao có thể nói bừa rằng bản thân có thể làm được tất cả tùy duyên?

Tùy duyên, nói một cách đơn giản là tâm thái thanh bạch, yên tĩnh, là thái độ sống phóng khoáng, rộng lượng. Giữa “tùy duyên” và sự tích cực vươn lên không hề có sự mâu thuẫn mà ngược lại, cả hai hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau.

Năm xưa, Tô Đông Pha vì “Ô Đài thi án” mà bị giáng chức tới Hoàng Châu, trong lòng không khỏi uất ức. Một lần, khi ông đi ra ngoại ô thì gặp cơn mưa bão bất ngờ ập tới, mưa như trút nước, chỉ trong chốc lát, con đường trước mắt nhão nhoẹt bùn lầy. Đoàn người nhanh chóng bị ướt từ đầu đến chân, trong lòng càng thêm chán nản, ai cũng kêu ca oán thán. Chỉ có mình Tô Đông Pha là tinh thần vẫn thảnh thơi, nổi hứng làm thơ, ngâm bài Định phong ba:

Rừng động đừng nghe chuyển lá cành

Ngâm nga chậm bước chẳng đi nhanh

Gậy trúc giầy rơm say chếnh choáng

Nào ngán

Áo tơi mưa khói mặc bình sinh.

Vi vút gió xuân say chợt tỉnh

Hơi lạnh

Đầu non bóng ngả cũng tương nghinh

Ngoảnh lại những nơi tiêu sắt trước

Rời bước

Cũng không mưa gió cũng không hanh.

Có những người cả đời bị câu thúc vì danh lợi, không thể thoát ra khỏi sự ràng buộc của công danh lợi lộc. Tô Đông Pha mặc dù bị ngấm mưa nhưng lại ngộ ra được đạo lí lớn của cuộc đời. Thực ra trong rất nhiều vấn đề của cuộc sống, bạn nhìn nhận bằng cái nhìn như thế nào thì nó sẽ là như vậy. Nếu nội tâm của bạn yên tĩnh và lạc quan thì cho dù gặp tình thế khó khăn đến đâu cũng không run sợ; còn nếu bạn mang tâmthái lo lắng bi quan thì cho dù đang vui vẻ cũng có thể nảy sinh u sầu.

Cuộc đời này nếu nói là dài cũng đúng, mà nói nó ngắn ngủi thì cũng chẳng sai, như con thoi thấm thoắt đưa không ngừng nghỉ, như sông lớn cuộn trôi một đi không trở lại, như trăng trên trời có khi tròn khi khuyết. Khi còn trẻ, con người không biết sợ hãi, mạnh dạn rong ruổi, xông pha, nhưng tuổi tác càng tăng lên thì con người cũng mất dần đi sự tự do và hồn nhiên vốn có nên có xu hướng giấu đi mọi buồn vui trong lòng, như trong bài từ của Tân Khí Tật:

Trẻ trung chẳng biết buồn chi hết

Thích bước lên lầu

Thích bước lên lầu

Khi biết vần thơ gượng nói sầu

Đến nay mới thấy buồn da diết

Nói lại ngừng câu

Nói lại ngừng câu

Chỉ rằng “Trời thu, mát đẹp sao”.

Giống như câu nói của Tử Hà Tiên Tử trong bộ phim Đại thoại tây du: “Ta đoán được mở đầu của câu chuyện nhưng không đoán được kết cục này”. Đúng vậy, cuộc đời con người trải qua vô vàn phong ba bão táp, làm sao mà tất cả mọi chuyện đều có thể xảy ra giống như mình dự tính được? Nếu đã không thể thì cố chấp quá mức sẽ khiến nảy sinh vô số phiền não không đâu, khiến bản thân vô cùng mệt mỏi.

Mưa gió bên ngoài không có phút giây nào ngừng nghỉ, nhưng chúng ta thì có thể khống chế được giông bão trong nội tâm. Chỉ cần tĩnh tâm, tùy duyên là có thể xoa dịu được mưa gió trong lòng. Duyên đến duyên đi, để lại cho chúng ta tiếng cười, nước mắt, hạnh phúc hay nuối tiếc, tất cả đều tùy duyên, mọi điều khó xử trong cuộc đời rồi sẽ trở thành quá khứ. Khi duyên đến, ta trân trọng nhưng không nên tỏ ra quá đỗi vui mừng; khi duyên đi, chúng ta có thể buồn nhưng không nên quá bi lụy.

Chúng ta hãy học theo phong thái của tiền nhân, thêm một phần tâm tĩnh, một phần phiêu diêu, một phần rộng lượng, một phần thản nhiên trước mọi thăng trầm, không để mọi nỗi phiền muộn chất chứa trong lòng. Nếu chúng đã “theo gió” mà tới, vậy thì hãy để chúng “theo gió” cuốn đi!

-----o0o-----

Trích “Sức Mạnh Của Tĩnh Tâm”

Tác giả: Hải Hoa

Người dịch: Thu Trần

NXB Thanh Niên

 

Bài viết liên quan