XÃ HỘI PHẬT TÁNH - Tác giả Nguyễn Thế Đăng

XÃ HỘI PHẬT TÁNH

(Tác giả Nguyễn Thế Đăng)

--o0o--

Lỗi lầm thứ nhất là chỉ thấy “mọi sự có thể biết được đều là Không” mà không biết rằng nơi mình có Phật tánh “liên tục bất biến”, nên tự coi thường mình, và khi có khổ đau xảy ra, còn tự khinh miệt mình, tự hành hạ mình.
XÃ HỘI PHẬT TÁNH - Tác giả Nguyễn Thế Đăng

 

Khi đa số người trong một xã hội không có niềm tin về chính mình, không biết “tôi là ai”, người khác là ai” thì xã hội ấy sẽ mất phương hướng, dẫn đến hỗn loạn. Những lỗi lầm đối với chính mình và đối với người khác sẽ tạo ra một xã hội nhiểu lỗi lầm, thiếu nhiều đức tính để tạo thành một xã hội hài hòa và tiến bộ.

Theo Luận Phật tánh (Buddha Nature, Mahayana Uttaratantra Shastra, by Arya Maitreya), con người bình thường ở đời có các lỗi lầm đối với chính mình và đối với những người khác như sau.

156. Phật đã dạy ở những chỗ khác nhau rằng mọi sự có thể biết được bao giờ cũng là Không, như một đám mây, một giấc mộng hay một ảo ảnh. Thế rồi tại sao ngài lại nói tinh túy của Phật quả là ở nơi mọi chúng sanh?

Trong lần thuyết pháp thứ hai, đức Phật nói nhiểu về tánh Không, mọi sự là Không, nhưng đức Phật còn nói về tánh Như, Chân Như, sự thanh tịnh của các pháp… Còn ở đây, lần thuyết pháp thứ ba, ngài nói về Phật tánh, trong mọi sự là Không ấy, có một thực tại thường hằng, gọi là Phật tánh.

157. Có năm lỗi lầm: yếu lòng, khinh người khả năng kém, tin vào cái hư giả, nói về chân tánh một cách xấu tệ, và yêu chuộng mình trên mọi người.

Đây là năm lỗi lầm đối với chính mình và đối với những người khác. Chính năm lỗi lầm này làm cho đời sống chính mình và đời sống xã hội rơi vào bất an, vô trật tự, đưa đến hỗn loạn.

158. Chân tánh tối hậu luôn luôn là không hợp tạo (duyên sanh), nên nói rằng những nhiễm ô và nghiệp, nghiệp quả giống như một đám mây…

159. Những nhiễm ô được nói giống như mây, nghiệp như kinh nghiệm trong mộng, quả của nghiệp và nhiễm ô – các uẩn – giống như trò ảo thuật.

160. Trước đã nói như vậy, cuối cùng, hơn nữa, dạy sự hiện diện của Phật tánh trong “sự tương tục bất biến” ở đây, khiến năm lỗi lầm có thể loại bỏ.

Lần thuyết pháp thứ hai nhấn mạnh vào tánh Không, như huyễn, như mộng của mọi sự, chú ý đến những nghiệp, nghiệp quả và những nhiễm ô. Chúng là hợp tạo, duyên sanh, không có tự tánh nên có thể tẩy sạch, loại bỏ.

“Mọi sự có thể biết được” là tất cả kinh nghiệm tạo thành thế giới của con người. Chúng là Không, thế giới như chúng ta kinh nghiệm là tánh Không.

Ở đây nói về lần thuyết pháp thứ ba, lần chót, trong đó nêu lên “chân tánh tối hậu là không hợp tạo”. Chân tánh, Phật tánh, Như Lai tạng, “tinh túy của Phật quả ở nơi mọi chúng sanh” là chủ đề của lần thuyết pháp thứ ba này.

“Sự tương tục bất biến” cũng là nhan đề của luận này, “uttara tantra”.

So với Phật tánh, chân lý tuyệt đối với tối hậu (chân đế), thì những nhiễm ô, nghiệp và nghiệp quả là duyên sanh, hợp tạo, vô thường nên chúng là chân lý quy ước và tương đối (tục đế hay thế đế). Duyên sanh, hợp tạo, vô thường nên chúng được ví như những đám mây so với hư không, như những giấc mộng so với trạng thái thức tỉnh, những ảo ảnh của một trò ảo thuật so với cái thấy như thật.

Những tương quan giữa mình và những người khác tạo thành xã hội. Năm lỗi lầm trong tương quan với chính mình và với những người khác cũng là năm lỗi lầm biểu hiện trong xã hội. Năm lỗi lầm ấy sẽ được loại bỏ khi tin và sống trong niềm tin, “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.”

161. Không học theo thực trạng này, một số người nản lòng, do tự khinh mình một cách sai lầm, và tâm bồ đề không phát triển nơi họ.

Lỗi lầm thứ nhất là chỉ thấy “mọi sự có thể biết được đều là Không” mà không biết rằng nơi mình có Phật tánh “liên tục bất biến”, nên tự coi thường mình, và khi có khổ đau xảy ra, còn tự khinh miệt mình, tự hành hạ mình.

Tự coi thường, khinh miệt mình khiến sinh ra một thái độ tự ti mặc cảm, một trầm cảm liên tục, và khi có những biến cố lớn xảy ra cho cá nhân, người ấy có thể đi đến tự tử.

Ở mặt tích cực, con đường đưa đến giải thoát và thức tỉnh, sự yếu lòng, nản lòng, thiếu tự tin này khiến tâm bồ đề không thể khai triển trong cuộc đời. Sáu ba la mật bố thí, giữ kỷ luật, kham nhẫn, tinh tấn, thiền định và trí huệ, phải dựa trên Phật tánh của mình và của người để hoạt động.

Tóm lại, phát tâm bồ đề, làm Bồ tát hạnh, đều phải dựa vào Phật tánh làm nền tảng.

162. Một số người, khi kiêu mạn, nghĩ rằng, ‘Ta giỏi nhất’, bởi vì tâm bồ đề đã xuất hiện nơi họ và họ cố chấp vào ý tưởng rằng nơi những người nào tâm bồ đề chưa xuất hiện thì thấp kém.

Lỗi lầm thứ hai là:

Một số người khi tâm bồ đề đã bắt đầu xuất hiện, như mặt trời bắt đầu mọc lên, thì bởi vì bầu trời tâm vẫn còn nhiều đám mây nhiễm ô phiền não còn nhiều sự che chướng của nghiệp và nghiệp quả nên sanh ra ý nghĩ sai lầm (vọng tưởng) rằng ta có, người không có. Chính những phiền não nhiễm ô này, bóng tối che chướng còn nhiều này – so với ánh sáng của tâm bồ đề – khiến khởi lên kiêu mạn, ‘ta có bồ đề tâm đã sáng, còn những người khác chưa sáng’, và khinh thường người khác.

Ta tu học nhiều, người khác tu học ít, đó là kiêu mạn. Thay vì hồi hướng sự tu học của mình cho chúng sanh, lại ôm lấy làm riêng của mình, rồi khởi lên kiêu căng, khinh thường những người khác. Kinh điển thường nói, “khen mình chê người”, đây là một chướng ngại lớn.

Kiêu mạn, khinh người, đây là sự biểu lộ thô của phiền não nhiễm ô, sự biểu lộ của chấp ngã và chấp pháp ở cấp độ thô. Trong khi đó, tâm bồ đề, Phật tánh thì không có ngã (vô ngã) và không có đối tượng là thế giới hiện tượng (vô pháp). Phật tánh chỉ có một vị tự do giải thoát và an lạc.

Cho nên, loại trừ, xóa bỏ kiêu mạn, khinh người thì bồ đề tâm, Phật tánh hiện ra. Và càng ở trong bồ đề tâm, Phật tánh, thì kiêu mạn, khinh người càng mất dần.

Phật tánh hiện hữu nơi tất cả mọi người, dù có người sáng hơn, người tối hơn, do người ấy tự tạo ra ít hay nhiều phiền não. Ở rất nhiều người, Phật tánh vẫn còn là một tiềm năng, một kho tàng chôn dưới đất, dưới đất tâm của họ. Nhưng nhìn toàn bộ, Phật tánh là cái toàn thể có mặt ở tất cả.

Thế nên, nếu kiêu mạn, khinh người thì chúng ta đã chia cắt cái toàn thể ấy thành của ta và của người, ta có và thế giới ngoài kia, không có. Chúng ta không còn tiếp thông được với Một Phật tánh, với Một thừa. Đây là sự mất mát lớn lao nhất cho người có tâm khinh mạn.

Phật tánh là trí huệ thấy cái Một, và là từ bi bao trùm và thấm nhuần tất cả.

163. Hiểu đúng không thể sanh khởi nơi người nghĩ như vậy, bởi vì họ giải thích sai lầm sự thật, họ sẽ không hiểu chân lý.

Lỗi lầm thứ ba là không hiểu đúng về cái thật là Phật tánh vốn có nơi mỗi chúng sanh, mà lại tin vào cái hư giả là những hình tướng, kể cả những hình tướng phiền não nhiễm ô đang tạm thời che lấp họ và cho chúng là có thật và thường còn.

Giải thích sai lầm về sự thật, tin vào cái hư giả là tin vào “thế giới có thể biết được” là có thật, trong khi mơ hồ về Phật tánh, môi trường, nền tảng cho thế giới ấy xuất hiện.

Tóm lại, sai lầm ở đây là lầm lẫn giữa tục đế và chân đế. Nói theo kinh Đại Bát Niết Bàn, một kinh chuyên dạy về Phật tánh, thì sự lầm lẫn ấy là: cho rằng vô thường là thường, khổ là lạc, vô ngã là ngã, và bất tịnh là thanh tịnh, và ngược lại, cho thường là vô thường, lạc là khổ, ngã là vô ngã, và tịnh là bất tịnh.

164. Những khuyết điểm của chúng sanh đều không thật, chỉ là tạo tác và duyên sanh. Thật ra, những lỗi lầm ấy không phải là những thực thể, trong khi những phẩm tính thì vốn thanh tịnh.

Lỗi lầm thứ tư:

Chân tánh tối hậu thì không hợp tạo (câu 158) trong khi đó những khuyết điểm của chúng sanh chỉ là tạo tác, hợp tạo và duyên sanh, cho nên không thật, so với Phật tánh là thật.

Những lỗi lầm ấy không phải là những thực thể, chúng vô tự tánh, như mây, như mộng, như ảo thuật, trong khi những phẩm tính của Phật tánh thì vốn thanh tịnh.

Biết phân biệt hai phạm trù này, biết phân biệt lỗi lầm của mình và người so với Phật tánh vốn luôn luôn thanh tịnh, đó là bắt đầu con đường đi đến Phật tánh rốt ráo, trong đó không còn lỗi lầm.

Nếu cho những lỗi lầm của chúng sanh là những thực thể không thể xóa bỏ, chính những kiến chấp này che lấp sự có mặt của Phật tánh nơi chúng sanh. Như thế là xa lìa từ bi và trí huệ của chính mình.

165. Nếu người bám chấp vào các lỗi lầm, cái không thật, và xem thường, chê bai những phẩm tính, cái thật, người ta sẽ không có lòng từ của bậc trí thấy được sự bình đẳng của những người khác và chính mình.

Lỗi lầm thứ năm:

Nếu bám chấp vào những lỗi lầm không thật của những người khác và coi rẽ những phẩm tính của Phật tánh vốn có ở họ, người ta sẽ không thấy biết tính bình đẳng hiện diện nơi tất cả chúng sanh. Thấy và sống được tính bình đẳng của Phật tánh, đó là thấy và sống trong tâm từ bi.

Từ bi và Phật tánh là một. Không có Phật tánh thì không có từ bi và bình đẳng.

Thấy và sống được Phật tánh, người ta sống trong một xã hội và thế giới thấm nhuần Phật tánh, nghĩa là một xã hội tràn đầy từ bi và trí huệ bình đẳng.

Phật tánh là nền tảng cho một xã hội hài hòa và tốt đẹp, xã hội đó có đầy đủ những phẩm tính của Phật tánh.

166. Học theo cách như thế sẽ sanh khởi nhiệt thành, tôn trọng như đối với Phật, trí huệ và tình thương bao la.

Học theo năm phẩm tính ở trên, nhiệt thành, tôn trọng, trí huệ, tình thương bao la… sẽ sanh khởi.

Nhiệt thành với con đường thành Phật của mình, con đường ấy vốn ở nơi mình, chính là Phật tánh. Nhiệt thành với những người khác, vì “họ là những vị Phật sẽ thành”. Khi thấy ra sự thật là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, chúng ta tự nhiên có sự tôn trọng.

Trí huệ và tình thương không phải do hợp tạo, mà có sẵn trong Phật tánh. Chỉ cần lấy đời sống bình thường mỗi ngày làm nhân duyên, làm môi trường, hoàn cảnh để khai mở chúng, để chúng tràn đầy khắp xã hội và thế giới.

167. Nhờ sự khai triển năm phẩm tính này, những phương diện xấu sẽ không còn và tính bình đẳng sẽ thấy được. Nhờ không có lỗi lầm, qua những phẩm tính nội tại vốn có và qua từ bi, người ta thấy được tính bình đẳng của mình và người, Phật quả sẽ chóng thành tựu.

Đến đây là chấm dứt chương thứ nhất về Như Lai tạng.

Nhờ sự khai triển, tinh lọc, năm phẩm tính vốn có trong Phật tánh này, người ta loại bỏ được những cái xấu đang che chướng Phật tánh. Ánh sáng trí huệ, từ bi, bình đẳng, nhiệt thành, tôn trọng… sẽ dần dần tỏa chiếu trong cuộc đời người ấy. Năng lực làm ích lợi cho đời sống xã hội của người ấy là năng lực của Phật tánh, và những phẩm tính của Phật tánh sẽ tỏa chiếu sang những người khác qua các hành động thân, khẩu, ý của người ấy.

Cần phải thấy rằng Phật tánh gồm đủ mọi phẩm tính để đưa cá nhân và xã hội đến hoàn thiện, đó là đạo đức, nhận thức đúng, tình thương bao la, hành động cho sự tốt đẹp của người khác, sự hòa hợp cảm thông…

Chỉ cần làm cho những người trong xã hội tin rằng mình và những người khác đều có Phật tánh, năm lỗi lầm lớn (giết. trộm cướp, tà dâm, nói dối, say sưa) sẽ bớt đi cho đến không còn. Xã hội sẽ dần dần tiến đến sự hài hòa, tốt đẹp vốn có của nó.

Đây là một xã hội Phật tánh.

Ảnh nguồn internet

 

Bài viết liên quan