AN LẬP CÁC THÁNH VỊ - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

AN LẬP CÁC THÁNH VỊ 

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Từ Càn huệ địa, trải qua bốn mươi địa vị Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng và trong bốn Gia hạnh vị thì chỉ tiếp xúc, thấy biết gián tiếp Như Lai tạng diệu chân như tánh. Gián tiếp vì phải qua dụng công, qua thức, qua phiền não chướng và sở tri chướng đang còn, cho nên ngài Thiên Thai Trí Khải gọi là Tương tự giác, giác chỉ tương tự.  
AN LẬP CÁC THÁNH VỊ - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

AN LẬP CÁC THÁNH VỊ 

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

 

CÀN HUỆ ĐỊA

A Nan, người thiện nam ấy ái dục khô khan, căn cảnh chẳng dính hợp, thể chất còn sót hiện tại không tiếp tục sanh nữa. Giữ cái tâm rỗng sáng, thuần là trí huệ, tánh huệ tròn sáng khắp mười phương cõi. Mới có cái huệ khô khan, gọi là Càn huệ địa, tập khí năm dục mới khô, chưa tiếp thông được với dòng nước pháp của Như Lai.

 

Do dụng công khiến căn cảnh chẳng dính hợp, khiến sự rong ruổi không còn tiếp tục sanh, bấy giờ tâm trở nên rỗng sáng, thấy sáng khắp mười phương cõi.

Do vậy mà thấy từ xa Pháp thân Kim cương. Đây là sự tiếp xúc ban đầu từ xa. Chữ ‘‘xa’’ này lấy trong Kinh, chẳng hạn, ‘‘Giác ngộ, Niết bàn còn cách xa xôi’’ (Bồ đề, Niết bàn thượng tại diêu viễn-quyển Bốn). Hoặc ‘‘Nay ông muốn cái thấy, nghe, hay, biết xa hợp (viễn khế) với bốn đức Thường Lạc Ngã Tịnh của Như Lai’’-quyển Bốn.

Từ Càn huệ địa, trải qua bốn mươi địa vị Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng và trong bốn Gia hạnh vị thì chỉ tiếp xúc, thấy biết gián tiếp Như Lai tạng diệu chân như tánh. Gián tiếp vì phải qua dụng công, qua thức, qua phiền não chướng và sở tri chướng đang còn, cho nên ngài Thiên Thai Trí Khải gọi là Tương tự giác, giác chỉ tương tự.  

Phải vào Thập địa, từ Sơ địa trở lên mới trực tiếp thấy biết Pháp thân Như Lai tạng diệu chân như tánh. Ngài Thiên Thai gọi Thập địa là Tùy phần giác, vì giác được từng phần Pháp thân. Vì chung một phần Pháp thân với chư Phật mới được gọi là Phật tử.

Tuy Sơ tâm Càn huệ địa này là mặt trăng thứ hai, nhưng mặt trăng thứ hai này cũng từ mặt trăng thật mà có, không nằm ngoài mặt trăng thật. Quá trình điều chỉnh cho mặt trăng thứ hai trở về với mặt trăng thật nhanh hay chậm là tùy thiện căn của từng người.

 

THẬP TÍN

 

  1. Tức lấy cái tâm này, ngay chính giữa dòng nhập vào, theo cái diệu viên chân thật, càng phát thêm chân diệu. Diệu tín thường trụ, tất cả vọng tưởng hết sạch chẳng còn. Trung đạo thuần chân, gọi là Tín tâm trụ.

 

‘‘Tức lấy cái tâm này’’, nghĩa là từ sơ tâm cho đến tâm tối hậu cũng chỉ là Một Tâm.

Lấy cái tâm mới khô căn cảnh này, ngay chính giữa dòng nhập vào, theo tánh diệu viên, càng thêm sáng rõ. Đây là niềm tin thường còn, vì đã thấy từ xa chân tánh diệu viên.

Khi đã có niềm tin bèn là có ý an trụ vào đó, cho nên mới gọi là Tín tâm trụ.
 

  1. Chân tín sáng tỏ, tất cả đều viên thông, ba thứ ấm, xứ, giới không thể làm ngại. Như thế cho đến trong vô số kiếp quá khứ vị lai, tất cả tập khí bỏ thân, thọ thân đều hiện ở trước mắt, người thiện nam này đều có thể nhớ nghĩ được, không quên mất, gọi là Niệm tâm trụ.

 

Niềm tin chân chánh được sáng tỏ, không còn bị ấm, xứ, giới, nghĩa là cảnh, làm ngại. Do đó mà có thể nhớ được các kiếp quá khứ nghĩ được các kiếp vị lai. Sở dĩ có được sự nhớ (niệm) này là do sự sáng tỏ của tâm.

 

  1. Diệu viên thuần chân, chân tinh phát hóa khiến các tập khí vô thủy thông thành một tinh minh. Chỉ dùng tinh minh ấy tiến đến chỗ chân tịnh, gọi là Tinh tiến tâm.

 

Các tập khí thông thành một tinh minh sáng tỏ, nhắm theo sự sáng tỏ của tinh minh mà tiến tới để minh càng ngày càng tịnh khiến tập khí tiêu dần.

 

  1. Tâm tinh hiện tiền, thuần dùng trí huệ, gọi là Huệ tâm trụ.

 

Tâm tinh có thể dịch là sự thuần túy, tinh chất của tâm, chưa phải là tâm tánh, tức bản tánh của tâm.

Nói là hiện tiền, nhưng thấy mà chưa rõ, chưa thật thấy, mờ ảo khi có khi không. Nếu so với hiện tiền địa thứ 6, thì ở địa ấy mới thật thấy, luôn luôn hiện tiền. 
 

  1. Nắm giữ trí được sáng suốt, lặng trong cùng khắp, thường lặng đứng nhiệm mầu, gọi là Định tâm trụ.

 

Còn phải giữ gìn cho sáng, cho thường thì vẫn còn ở nơi thức, chưa thật vào trí. Kinh Lăng Già nói: ‘‘Cái sanh diệt là thức, cái chẳng sanh diệt là trí’’.

 

  1. Ánh sáng của định phát sáng, dùng cái sáng ấy mà thâm nhập, chỉ có tiến chớ không lui, gọi là Bất thối tâm.

 

Tin thì thấy sáng, nương theo cái sáng ấy mà thâm nhập, để có lúc thấu vào tánh giác.

 

  1. Tâm tiến tới một cách an nhiên, giữ gìn không cho mất, giao tiếp với khí phần của mười phương Như Lai, gọi là Hộ pháp tâm.

 

Giữ gìn không cho mất trong khi vẫn tiến tới, đó là giữ gìn pháp, hộ pháp. Giao tiếp với khí phần, tức là Sắc thân gồm Báo thân và Hóa thân, mà sắc thân thì sanh diệt, chứ chưa phải là Pháp thân, tức Phật tánh.

 

  1. Giữ gìn cái giác sáng tỏ, có thể dùng diệu lực xoay từ quang của Phật lại nơi mình, hướng về Phật mà an trụ, như hai tấm gương ánh sáng đối nhau, trong ấy các bóng diệu mầu trùng trùng tương nhập, gọi là Hồi hướng tâm.

 

Tâm đã sáng tỏ thì có thể tiếp nhận ánh sáng từ bi của Phật, như gương này đã sáng thì có thể phản chiếu áng sáng gương kia. Nếu gương sáng hoàn toàn thì phản chiếu hoàn toàn gương tâm hay Giác ngộ của Phật.

Đây mới ở giai đoạn Thập tín, nhưng Thập tín cũng ở trên Pháp thân Phật hay Tâm Phật. Thập tín vẫn luôn luôn thông với Pháp thân Phật, thế nên từ một cấp trong Thập tín có thể tương ưng được ngay và hoàn toàn với Giác ngộ của Phật.

 

  1. Tâm quang thầm xoay trở lại, được chỗ thường lắng đọng vô thượng diệu tịnh của Phật, an trụ vô vi, được không bỏ mất, gọi là Giới tâm trụ.

 

Ánh sáng của tâm thay vì phóng theo các trần tướng bên ngoài thì xoay lại gần với chỗ tịch tịnh của Phật. Giữ được ánh sáng an trụ như vậy không bỏ mất, gọi là Giới.

 

  1. Tự tại an trụ nơi giới ấy, có thể dạo khắp mười phương, đi đến đâu tùy theo nguyện, gọi là Nguyện tâm trụ.

 

An trụ được nơi giới là ánh sáng của tâm, thì có thể đi khắp mười phương tùy theo ý nguyện. Sự tự tại theo ý nguyện này là do sức mạnh của ánh sáng tâm.

Theo Kinh Hoa Nghiêm dạy về Viên giáo, thì ‘‘lúc sơ phát tâm liền thành Chánh giác. Biết tất cả pháp tức là tự tánh của tâm, thành tựu huệ thân chẳng do người khác’’ (Phẩm Phạm Hạnh, thứ 16), cho thấy rằng ở cấp độ nào cũng có thể trực tiếp thành Phật. Vấn đề là đầy đủ thiện căn Phật pháp để thành tựu hay chưa.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

 

Bài viết liên quan