BÀI VĂN TRỮ TỪ TỰ RĂN - TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC GIẢNG GIẢI

BÀI VĂN TRỮ TỪ TỰ RĂN

TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC GIẢNG GIẢI

HT. THÍCH THANH TỪ Dịch và Giảng

–––––o0o–––––

Ngày tháng nước chảy Giàu sang mây trôi. Gió lửa tan rồi Trẻ già thành bụi. Hồn phách lìa, sắc thân như mộng Cuộc mưu sinh, con rối kéo lôi, Hằng ngày đùa, đưa tay bắt bóng.
BÀI VĂN TRỮ TỪ TỰ RĂN - TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC GIẢNG GIẢI

Ngày tháng nước chảy
Giàu sang mây trôi.
Gió lửa tan rồi
Trẻ già thành bụi.

Hồn phách lìa, sắc thân như mộng
Cuộc mưu sinh, con rối kéo lôi,
Hằng ngày đùa, đưa tay bắt bóng.
Hạc cửu cao đầu đỏ có thừa
Cá vũ môn đuôi hồng chẳng đổi.
Chẳng quay đầu, hồi quang phản chiếu
Hợp tâm yếu, thức tánh thông minh.
Cầu giải thoát, chánh giác viên thành
Nơi trần tục, tâm thanh diệu dụng.
Trong mộng tạo tác
Thức rồi đều không.
Trong mộng tạo, sanh thô sanh tế
Tỉnh giấc rồi, không mảy tóc kẽ tơ.
Tâm thanh tịnh chẳng nhơ chẳng bợn
Thân kiên cố không trước không sau.
Sắc xuân hoa đóa đóa tươi hồng
Trăng thu bóng tròn tròn viên diệu.
Buộc niệm phàm Thánh
Chỉ hiềm là trái hẳn tướng chân.
Lòng quên tử sanh
Liền liễu ngộ xưa nay tánh thật.
Còn mảy tình tam đồ báo ứng
Tơ hào niệm lục đạo tiếp nhân.
Tùy bảy thức có chán có ưa
Phá ba độc không chân không vọng.
Tướng nhân ngã khó thâu khó nhiếp
Kiếp hà sa luân hồi tứ sanh.
Tham sân si cùng đấu cùng tranh
Số tăng-kỳ lang thang chín loại.
Nhận hướng theo khuôn phép vô minh
Luống uổng mất sắc thân tứ đại.
Khéo chuyển đổi các căn hữu lậu,
Liền chứng vào chánh định chân như.

Điên đảo nhị kiến
Là đem lưới bủa cá đầu non.
Tịch diệt nhất như
Cỡi ngược lừa tiến lên bờ giác.
Trong lòng nếu không thiên không đảng
Tai mặc nghe người mắng người chê.
Cầm lửa đốt trời luống tự nhọc
Mắt được thấy là xót là thương.

Cầu Chân như mà đoạn vọng niệm
Dường la to để át tiếng vang.
Bỏ phiền não mà giữ Niết-bàn
Tợ sợ bóng chạy vào nắng trốn.
Chợt vậy theo tâm viên ý mã
Khó tránh khỏi lợi buộc danh ràng.
Không quay về Tổ vức đạo tràng
Đâu tránh khỏi Diêm vương ngục tốt.

Đem bốn chữ “vô thường nhanh chóng”
Không thối chuyển, sáu giặc dẹp yên.
Nhóm lửa hồng chánh định đốt tiêu,
Chứng vào được vô dư Niết-bàn.
Giăng lưới lớn bủa bắt phượng hoàng
Chớ buông chí theo loài chim sẻ.
Nay muốn câu cá ngạc cá kình
Đừng bận bịu ễnh ương ếch nhái.

Chấp tay trân trọng
Bè bạn anh em!
Hoặc mỗi người có thánh có linh
Nên ghé mắt nhìn xem tiến tới.
Chao!

Giảng:

“Trữ từ tự răn” là bài văn Thượng Sĩ làm ra để tự răn nhắc mình. Trữ là tuôn chảy tất cả những gì chứa ở trong đều tuôn ra hết. Từ là lời nói hay câu văn. “Trữ từ tự răn” là lời nói, được tuôn ra hết không chứa chấp trong lòng, để tự răn nhắc mình.

Ngày tháng nước chảy
Giàu sang mây trôi.

Đây là hai câu mở đầu, Thượng Sĩ tự nhắc mình cũng như nhắc mọi người: ngày, tháng là thời gian trôi qua mau như nước chảy không dừng. Giàu có sang trọng giống như mây nổi trôi trên hư không, có đó rồi mất đó, hư ảo không bền chắc.

Gió lửa tan rồi
Trẻ già thành bụi.

Khi phong đại và hỏa đại nơi thân tứ đại này không tụ hội nữa, nó tan ra thì người già cũng như người trẻ trở thành cát bụi. Con người khi thở ra không hít vào thì tim ngừng đập, máu ngừng chảy, thân bất động nằm trơ ra đó. Thân thể từ đầu tới chân lạnh dần, rồi sình chướng to lên, da thịt nứt nẻ, nước vàng chảy ra, thịt da rữa nát, gân xương lìa từng khúc, mục nát thành cát bụi. Thượng Sĩ tự nhắc mình cũng như nhắc chúng ta nhớ cuộc đời từ thân tứ đại này cho đến sự giàu sang phú quí, nó phù du giả tạm, không bền, không chắc, không thật.

Hồn phách lìa, sắc thân như mộng
Cuộc mưu sinh con rối kéo lôi,
Hằng ngày đùa, đưa tay bắt bóng.

Hồn phách xa lìa thân xác này rồi thì thân xác này tan rã, mấy mươi năm sống ở cõi đời giống như giấc mộng, có gì đâu! Hiện tại tất cả chúng ta thân xác tuy chưa tan nát, nhưng gẫm lại chúng ta sống mấy mươi năm qua thấy như giấc mộng. Cuộc mưu sinh, lúc làm dân khi làm quan, nay làm nghề này mai làm nghề kia lăng xăng, rốt cuộc rồi nhìn lại thấy như con rối múa may, không có nghĩa gì. Chính chỗ này Ngũ Tổ Pháp Diễn một hôm ra giữa chúng nói:

Hôm qua Sơn tăng vào thành thấy một hàng rào trong là người gỗ, liền lại gần xem, hoặc thấy đẹp đẽ kỳ lạ, hoặc thấy xấu xa vô kể, chuyển động, đi, ngồi, xanh, vàng, đỏ, trắng mỗi mỗi thấy rõ, khi xem kỹ vốn là miếng vải xanh che lại ở trong có người. Lão tăng không thể chịu nổi, bèn đến hỏi:

- Ông tên gì?

Người kia nói:

- Hòa thượng già xem là xong, hỏi tên làm gì?

Người đi qua đi lại đẹp xấu đó là gì? - Là con rối, nó đi qua đi lại, thấy khi đẹp khi xấu. Sở dĩ nó hoạt động được như thế là do người ở phía sau giựt dây, hoặc gắn máy điện, nên nó mới múa may đi lại được. Như vậy, con rối hoạt động múa may mà chúng ta thấy đó nó không thật. Cũng thế, cuộc đời chúng ta khi thăng khi trầm, lúc thì phú quí, lúc thì bần cùng, lúc được người tán thưởng, lúc bị miệt khinh... giống như con rối quay cuồng không thật, thấy thì thấy đừng có hỏi. Đó chỉ là chuyện đùa đưa tay bắt bóng hằng ngày mà thôi. Trong cuộc sống chúng ta đuổi theo cái này, chụp bắt cái kia, giống như những đứa trẻ nhà quê xem phim, thấy dọn cơm thịnh soạn chạy tới bưng ăn, nó chỉ tốn công mà không được no dạ. Để thấy chúng ta say mê đắm đuối người cảnh chẳng khác gì người đưa tay bắt bóng, vừa nắm là mất chẳng được gì. Thượng Sĩ tự cảnh tỉnh Ngài, mà cũng cảnh tỉnh chúng ta nhìn cuộc đời là như vậy.

Hạc cửu cao đầu đỏ có thừa
Cá vũ môn đuôi hồng chẳng đổi.

Hạc cửu cao được dẫn từ sách Thanh Dị Lục của Đào Cốc, trong câu chuyện Vũ Tống khi làm Vĩnh vương, trong vườn ngự, ông nuôi nhiều chim, mỗi loài ông đặt cho một cái tên. Vịt trắng ông đặt tên là Sách Tiên Sinh, gà ông đặt là Trường Minh Đô Úy, rùa ông đặt là Linh Thọ Tử, hạc ông đặt tên Cửu Cao Xử Sĩ. Hạc cửu cao đầu đỏ ngầm ý nói con người có khả năng thuộc hạng tài giỏi. Cá vũ môn chỉ cho cá chày đuôi đỏ. Ở Vũ Môn bên Trung Hoa tới mùa hoa đào nở thì cá chày đua nhau nhảy, con nào nhảy qua ba cấp liền hóa thành rồng. Con hạc có tài, con cá chày hóa thành rồng, không đổi thay bản chất của nó. Vẫn là hình thức đó, cá chày vượt qua được ba cấp, nó biến thành rồng. Con hạc ở vườn ngự được đặt tên là Cửu Cao Xử Sĩ, nó cũng chỉ là con hạc thôi.

Chẳng quay đầu, hồi quang phản chiếu
Hợp tâm yếu thức tánh thông minh.

Tại sao chúng ta không quay đầu lại, để hồi quang phản chiếu cho hợp với Tâm yếu của mình, để thấy Thức tánh được sáng suốt?

Cầu giải thoát, chánh giác viên thành
Nơi trần tục tâm thanh diệu dụng.

Khi Thức tánh sáng suốt rồi, nếu cầu giải thoát sẽ được thành tựu chánh giác một cách viên mãn. Tóm lại, khi biết quay đầu hồi quang phản chiếu và hợp với Tâm yếu rồi thì Thức tánh được sáng suốt. Lúc bấy giờ muốn được giải thoát liền được thành tựu chánh giác viên mãn. Nếu chúng ta ở trong trần tục không cầu giải thoát thì tâm vẫn thanh tịnh đầy đủ diệu dụng không thiếu. Ở trước, Thượng Sĩ nêu lên những hình ảnh cảnh tượng buồn giả dối tạm bợ, sau nhắc cho mọi người: nếu có ý chí quyết vượt qua cảnh trần lao sanh tử thì sẽ được thành Phật. Nếu không thành Phật ở thế gian, tâm cũng được thanh tịnh có đủ diệu dụng.

Trong mộng tạo tác
Thức rồi đều không.

Trong mộng chúng ta thấy khi làm cái này khi làm cái kia, có lúc làm quan, có lúc làm giặc... Nhưng khi thức giấc rồi thì tất cả những cái đó không còn.

Trong mộng tạo sanh thô sanh tế
Tỉnh giấc rồi không mảy tóc kẽ tơ.

Trong mộng chúng ta tạo tác việc thô (xấu) việc tế (tốt) tức là thấy cảnh dữ cảnh lành, khi tỉnh giấc rồi chẳng còn mảy may nào cả. Cuộc sống của con người giống như giấc mộng. Thế mà chúng ta đâu có thấy như giấc mộng, cứ theo đuổi nắm bắt hoài, nên không nhận ra cái Thể chân thật ở nơi mình. Thể chân thật vốn không sanh không diệt, giống như mặt biển lúc nào cũng phẳng lặng, hễ có gió thổi thì sóng dậy ầm ầm, khi trồi lên khi lặn xuống. Những lượn sóng trồi lên lặn xuống, đối với mặt biển chỉ là cái tạm bợ chợt có chợt không, không thật. Cũng vậy, kiếp người nay còn mai mất đối với Tâm thể bất sanh bất diệt, giống như những lượn sóng chợt có chợt không đối với mặt biển phẳng lặng vậy. Những lượn sóng có trong thời gian rất ngắn, cuộc sống của kiếp người cũng ngắn ngủi chừng vài mươi năm hoặc năm bảy mươi năm. Nhìn lại thấy như giấc mộng. Trong mộng cũng có cuộc sống, cũng ăn cũng nói, cũng tranh giành danh lợi, cũng hơn cũng thua... đủ thứ. Khi tỉnh giấc thì mọi sanh hoạt trong mộng không còn. Cũng vậy, những cái hơn thua được mất của kiếp người, khi nhắm mắt vẫn là tay không, chỉ có Thể chân thật mới vĩnh cửu không mất, còn những cái chúng ta có trong đời chỉ là tạm bợ không chân thật, nên nói không còn mảy tóc kẽ tơ.

Tâm thanh tịnh chẳng nhơ chẳng bợn
Thân kiên cố không trước không sau.

Tâm thể chân thật có sẵn nơi mỗi người vốn thanh tịnh không bợn không nhơ, đó chính là Pháp thân kiên cố, không hình không tướng, nên không có trước có sau. Nếu sống được với Tâm thể thanh tịnh không nhơ không sạch, hay Pháp thân kiên cố thì thấy mọi cái trên đời này đều tươi đẹp trong sáng.

Sắc xuân hoa đóa đóa tươi hồng
Trăng thu bóng tròn tròn viên diệu.

Mùa xuân từng đóa hoa từng đóa hoa nở sắc hồng tươi thắm, mặt trăng mùa thu tròn sáng thật mầu nhiệm. Người tu khi nhận ra Tâm thể thanh tịnh không chút bợn nhơ, đó là thể nhập được Pháp thân, không còn bị thời gian ngoại cảnh chi phối. Lúc ấy nhìn thấy muôn vật trước mắt đẹp tươi sáng sủa không còn u tối nữa.

Buộc niệm phàm Thánh
Chỉ hiềm là trái hẳn tướng chân.

Người còn buộc niệm phân chia hai bên đây là phàm kia là Thánh thì trái với Tướng chân thật, vì Tướng chân thật không phàm không Thánh. Nếu còn thấy hai bên, còn phân biệt thì Tướng chân thật bị khuất lấp.

Lòng quên tử sanh
Liền liễu ngộ xưa nay tánh thật.

Trong lòng không còn chấp, không còn thấy sanh tử hai thứ đối đãi nhau, ngay khi ấy liền liễu ngộ được Tánh chân thật của chính mình.

Còn mảy tình tam đồ báo ứng
Tơ hào niệm lục đạo tiếp nhân.

Nếu còn một mảy tình cảm dấy khởi là bị báo ứng trong ba đường ác là địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh; chỉ một niệm nhỏ nhiệm như sợi tơ cũng là còn cái nhân tiếp nối trong lục đạo.

Tóm lại, nếu chúng ta còn chấp, còn khởi vọng niệm là còn tiếp tục đi trong tam đồ lục đạo.

Tùy bảy thức có chán có ưa
Phá ba độc không chân không vọng.

Nếu sống chạy theo bảy thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt-na thức) thì có chán có ưa, có khen có chê, có thương có ghét… Vì bảy thức này là bảy thức tạo nghiệp, chỉ có thức thứ tám là A-lại-da thức không tạo nghiệp, song nó chứa tất cả chủng tử nhiễm tịnh. Nếu chạy theo bảy thức là tạo tác các nghiệp sanh tử. Nếu phá được ba độc tham, sân, si thì không còn thấy có chân có vọng nữa.

Tướng nhân ngã khó thâu khó nhiếp
Kiếp hà sa luân hồi tứ sanh.

Tướng nhân ngã khó nhiếp phục được, vì lúc nào cũng thấy mình thật người thật, nên thương mình, quí trọng mình, lo cho mình; ai làm vừa ý thì yêu, ai làm trái ý thì ghét... do đó mà tạo bao nhiêu thứ nghiệp. Nếu còn thấy có mình có người thì không bao giờ ra khỏi vòng luân hồi sanh tử, hoặc sanh ra trong loài sanh bằng thai, sanh bằng trứng, sanh ra trong loài ở nơi ẩm thấp, trong loài do biến hóa mà có thân.

Tham sân si cùng đấu cùng tranh
Số tăng-kỳ lang thang chín loại.

Nếu còn thấy ta thấy người thì còn tham, còn sân, còn si, còn nuôi dưỡng nó thì còn tranh giành hơn thua với người, sẽ đi trong luân hồi sanh tử... Còn nhân ngã thì lang thang trong tứ sanh, còn tham sân si thì lang thang trong chín loài lâu vô số kiếp.

Nhận hướng theo khuôn phép vô minh
Luống uổng mất sắc thân tứ đại.

Nếu cứ thấy, biết, nói làm theo chiều hướng vô minh thì luống uổng cái thân tứ đại này sanh ra đời không làm lợi ích cho ai hết.

Khéo chuyển đổi các căn hữu lậu
Liền chứng vào chánh định chân như.

Nếu khéo chuyển sáu căn, không để sáu căn chạy theo sáu trần, không dính với sáu trần thì sẽ hợp với Tâm thể chân như. Ở trước, Thượng Sĩ chỉ cho con đường đưa tới tứ sanh cửu loại. Cửu loại là những chúng sanh sanh bằng thai, sanh bằng trứng, sanh ở chỗ ẩm ướt, sanh bằng cách biến hóa, chúng sanh có sắc, chúng sanh vô sắc, chúng sanh có tưởng, chúng sanh vô tưởng, chúng sanh phi hữu tưởng phi vô tưởng. Sau đó Thượng Sĩ nhắc chúng ta khéo chuyển sáu căn hữu lậu, không để cho nó dính mắc với sáu trần mới thể nhập được chánh định chân như.

Điên đảo nhị kiến
Là đem lưới bủa cá đầu non.

Nếu còn điên đảo thấy hai bên: có không, phải quấy, hơn thua... mà cầu Chân như là đem lưới bủa trên ngọn núi để bắt cá. Muốn bắt cá mà đem lưới giăng bủa trên núi để bắt là việc làm của người điên. Cá ở dưới hồ dưới sông, giăng lưới ở hồ sông mới bắt được cá, chớ đem lưới giăng bủa trên non làm sao có cá? Không điên là gì? Người tu mong cầu giải thoát mà chấp hai bên giống như bủa lưới trên núi để bắt cá vậy. Tôi xin hỏi quí vị hiện có mặt ở đây, có ai không chấp hai bên không? Muốn được giải thoát mà chấp hai bên, giống như ai? Hôm nào có một Phật tử lên đây hỏi: “Quí thầy quí cô có còn thấy mình thấy người không? Còn thấy phải thấy quấy không?” Quí vị gật đầu nói còn. Phật tử ấy không nói gì hết, đem lưới lên giăng ngay trên rừng thông. Quí vị hỏi: “Đạo hữu làm gì đó?” Phật tử ấy trả lời: “Tôi bủa lưới để bắt cá.” Chừng đó quí vị mới giựt mình thức tỉnh. Nhiều người tu mong cầu giải thoát, mà kiến chấp hai bên không chừa thì làm sao giải thoát được? Nếu buông hết kiến chấp hai bên, không còn kẹt không còn dính pháp nào mới được giải thoát.

Tịch diệt nhất như
Cỡi ngược lừa tiến lên bờ giác.

Người tu không còn kiến chấp, tâm lặng lẽ nhất như sẽ có diệu dụng như cỡi ngược lừa mà lên được đầu núi vậy. Thượng Sĩ chỉ cho thấy khi tâm còn điên đảo thì thường làm việc vô ý nghĩa, khi tâm được tịch diệt nhất như rồi, thì từ cái vô ý nghĩa biến thành có ý nghĩa, được công dụng lợi ích không thể nghĩ lường giống như cỡi ngược lừa mà vẫn tiến lên bờ giác.

Trong lòng nếu không thiên không đảng
Tai mặc nghe người mắng người chê.

Nếu lòng không còn thiên lệch tư vị bè phái, thì tai nghe người chê mắng, thấy cũng như không, chẳng có gì phiền muộn, lòng an nhiên tự tại. Sở dĩ nghe chê mắng lòng buồn phiền giận tức, tại vì tâm có thiên lệch tư vị bè phái.

Cầm lửa đốt trời luống tự nhọc
Mắt được thấy là xót là thương.

Đối với người tâm không còn thiên vị bè phái mà chửi mắng họ, giống như người cầm đuốc đốt trời, trời không cháy, làm như thế chỉ tự nhọc mà vô ích. Cũng vậy, nếu lòng mình không có thiên vị phe đảng thì trước lời chê cười mắng chửi vẫn thản nhiên vô ngại, tâm rỗng rang như hư không, không một chút vướng bận, giống như châm lửa đốt trời, trời không cháy vậy. Ngược lại, thấy họ mắng chửi tạo nghiệp bất thiện sẽ thọ quả báo khổ, lại càng thương xót. Giả sử có người cầm đuốc ra đứng giữa sân đưa cây đuốc lên hư không, nói “tôi đốt trời, tôi đốt trời”, quí vị có thấy thương họ không? Thật ngu si làm việc vô nghĩa không có kết quả tốt, chỉ nhọc sức, thật đáng thương! Người tu, tâm không còn vướng bận trước mọi khen chê, thấy người mê mặt mày đỏ gay tới mắng chửi đến sôi bọt mồm, mệt lả, lòng thương vô hạn, vì thấy họ mê mờ tạo nghiệp bất thiện thọ quả khổ. Nhưng, bây giờ đụng tới thì quí vị nổi giận là tại vì lòng còn thiên vị bè đảng, động tới thấy xốn xang khó chịu.

Cầu chân như mà đoạn vọng niệm
Dường la to để át tiếng vang.

Nếu còn thấy Chân như ngoài vọng niệm, vọng niệm ngoài Chân như, hai cái khác nhau, nên muốn cầu Chân như dứt vọng niệm. Nhưng kỳ thật thì vọng niệm không rời Chân như. Giống như sóng dấy lên từ mặt biển, bây giờ muốn thấy mặt biển phẳng lặng đùa sóng qua chỗ khác. Làm như vậy có thấy được mặt biển phẳng lặng không? Chừng nào thấy? Muốn thấy được mặt biển phẳng lặng phải chờ cho gió dừng thì sóng lặng, sóng lặng thì mặt biển lặng yên. Khỏi phải ra công đùa sóng làm gì cho nhọc sức. Mặt biển phẳng lặng là nước, sóng cũng là nước, vì gió thổi nên nước dấy lên thành động, dù cho triệu triệu lượn sóng cũng ở trên mặt biển thôi. Khi gió dừng thì sóng lặng mặt biển yên. Cũng vậy, tôi dạy quí vị tu là thấy vọng tưởng khởi, buông, không theo; chỉ nhìn thấy nó khởi, buông là nó lặng, không cần xua đuổi đi đâu cả, vì vọng tưởng khởi động từ Tâm thể lặng yên. Đó là chủ yếu của sự tu hành. Chúng ta khéo tu thì công phu ít, kết quả nhiều. Ngược lại, vụng tu thì công phu nhiều kết quả chẳng bao nhiêu. Có nhiều người nghe nói vọng tưởng là cái nhân tạo nghiệp nên sợ, muốn xua đuổi nó đi cho hết nghiệp được giải thoát. Nhưng làm sao đuổi? Thấy nó, biết nó là vọng, không theo, nó tự lặng. Không cần phải làm gì khác nữa. Quí vị nắm vững then chốt tu hành thì dụng tâm tu không khó. Biết rõ vọng tưởng là động cơ tạo nghiệp dẫn đi trong luân hồi sanh tử. Nhưng vọng tưởng không phải là thứ thật, nên đừng có quan trọng quá, khiến cho việc tu hành trở thành khó khăn. Đó là cầu Chân như mà đoạn vọng niệm và la to để át tiếng vang. La to để át tiếng vang có được không? Tiếng vang dội lại từ tiếng la, bây giờ la to lên để át tiếng vang, đó là việc làm vô nghĩa của người mê muội.

Bỏ phiền não mà giữ Niết-bàn
Tợ sợ bóng chạy vào nắng trốn.

Thấy phiền não là xấu xa hèn hạ, cần phải bỏ, Niết-bàn là tốt đẹp quí báu, mong cầu để được. Bỏ cái này để được cái kia, giống như đi ngoài nắng, thấy bóng đi theo, muốn không có bóng theo nữa mà cứ đi mãi ngoài nắng, càng đi bóng càng đuổi theo, không bao giờ hết. Muốn hết bóng là phải đi vào trong mát. Chúng ta đừng quan niệm phiền não là thật, lo bỏ để đạt được Niết-bàn. Nhưng, không bỏ phiền não thì tu cái gì? Tôi xin hỏi quí vị phiền não là gì? Nghe người ta nói trái tai nổi giận là phiền não. Thấy sắc đẹp, thấy tiền tài khởi lòng tham muốn là phiền não. Vậy, tu đối với những thứ này phải làm sao? - Khi nổi nóng chỉ cần nhìn tường tận thấy rõ cơn nóng giận không thật, không khởi thêm một niệm nào khác nữa thì cơn giận từ từ lặng mất, ngay đó là Niết-bàn. Chớ không phải bỏ cái này cầu cái kia. Cái gì cụ thể mới bỏ, chẳng hạn hòn sỏi đang nằm trong túi vất nó đi là bỏ. Nếu trong túi không có sỏi không có cát thì bỏ cái gì? Tuy nhiên, cơn sân giận dấy lên thì hùng hổ lắm, có khi la quát inh ỏi. Chợt tỉnh nhìn lại thấy rõ bản chất nó không thật, chỉ là hơi nóng từ dưới xông lên, hà ra một hồi thì hết. Có gì thật đâu? Tham cũng vậy, khi đối cảnh thấy cảnh đẹp khởi lòng ưa muốn, khi cảnh mất rồi thì tham cái gì? Không có đối tượng thì lòng tham tự mất. Tham sân nó không có chỗ nơi, gặp duyên thì khởi, hết duyên thì dừng vì bản chất nó không thật. Chỉ cần dùng trí Bát-nhã nhìn thẳng nó, thấy rõ không thật thì tự nó tan. Từ lâu chúng ta cho rằng phiền não là thật, nên cố bỏ nó, đâu có ngờ phiền não là những ý niệm, là những từ ngữ không thật. Chỉ cần thấy rõ không thật thì không bị nó chi phối. Nếu thấy nó thật thì bị nó làm não loạn thân tâm. Tu hành mà có quan niệm bỏ phiền não giữ Niết-bàn, chẳng khác nào trốn bóng mà chạy ra nắng vậy.

Chợt vậy theo tâm viên ý mã
Khó tránh khỏi lợi buộc danh ràng.

Tâm viên ý mã là vọng tưởng dấy khởi chạy chỗ này chạy chỗ kia, nhanh như khỉ như ngựa. Người tu mà để tâm chạy rong, thấy cảnh đẹp thì ưa, thấy của quí thì thích, nghe lời khen thì mừng, nghe lời chê thì giận. Người như thế nhất định sẽ bị danh lợi ràng buộc không thể nào thoát được.

Không quay về Tổ vức đạo tràng
Đâu tránh khỏi Diêm vương ngục tốt.

Tổ vức đạo tràng là nơi tu hành đạt quả vị Phật Tổ. Nếu không quay về chỗ tu hành, để tu cho thành Phật Tổ thì không tránh khỏi Diêm vương ngục tốt khảo tra, vì chạy theo tâm viên ý mã tranh danh đoạt lợi tạo tội ác.

Đem bốn chữ vô thường nhanh chóng
Không thối chuyển, sáu giặc dẹp yên.

Người tu luôn luôn phải nhớ bốn chữ “Vô thường nhanh chóng” không được quên, để nỗ lực tu, không thối chuyển, lo điều phục sáu thằng giặc ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Mắt thấy sắc không chạy theo sắc, tai nghe tiếng không chạy theo tiếng, mũi ngửi mùi không chạy theo mùi, lưỡi nếm vị không chạy theo vị, thân xúc chạm không đắm nhiễm, ý duyên pháp trần liền biết dừng ngay. Vì lúc nào cũng thấy cuộc đời là vô thường, tham làm gì? sân làm gì? Ngang đó dừng, không đắm nhiễm không chạy theo sáu trần là đã dẹp được sáu thằng giặc yên rồi.

Nhóm lửa hồng chánh định đốt tiêu
Chứng vào được Vô dư Niết-bàn.

Người tu Thiền, khi tâm được an định thì trí tuệ phát sáng, những thứ lậu hoặc như tham lam, sân giận, si mê... tự tan vỡ không còn nữa, nên nói nhóm lửa chánh định đốt tiêu. Khi vô minh lậu hoặc đã sạch hết rồi, tâm bất động trước mọi duyên cảnh thuận nghịch, không nhập Vô dư Niết-bàn là gì!

Giăng lưới lớn bủa bắt phượng hoàng
Chớ buông chí theo loài chim sẻ.

Muốn bắt chim phượng hoàng là loài chim lớn, phải giăng lưới cho thật rộng và thật cao, đừng để ý đến loài chim sẻ nhỏ đang bay lượn ở dưới. Cũng vậy, người tu nếu vì việc giải thoát sanh tử là việc lớn là việc cao thượng, thì việc nhỏ mọn như hơn thua, phải quấy, tốt xấu không đáng phải lưu tâm để ý. Vậy mà có nhiều người lưu tâm để ý. Ý chí thì lớn, tu muốn thành Tổ thành Phật, ai nói hơn một chút là không nhịn được. Như vậy, chẳng khác nào bủa lưới để lưới phượng hoàng mà lại rình bắt chim sẻ, thật là khờ khạo.

Nay muốn câu cá ngạc cá kình
Đừng bận bịu ễnh ương ếch nhái.

Muốn câu những con cá lớn là cá ngạc cá kình, thì đối với loài nhỏ như ễnh ương ếch nhái đừng có bận tâm. Người tu, ý chí xuất gia là ý chí siêu quần bạt chúng, chớ đâu phải thường, thế mà vô chùa nghe một vài câu nói nhẹ nhẹ mà nhịn cũng không được, buồn, thối chí bỏ đi. Hoặc gặp cảnh không vui thì muốn ra đời. Thật là muốn làm chuyện to bằng trời, mà chỉ vì một vài chuyện nhỏ bằng sợi tơ sợi tóc, để hỏng cả đời tu. Bốn câu này Thượng Sĩ cảnh tỉnh người có chí muốn làm việc lớn thì đừng có màng đến việc nhỏ. Ai mà bám vào việc nhỏ thì không bao giờ thực hiện được việc lớn. Bốn câu này Tăng chúng phải thuộc lòng không được quên. Từ nay về sau có việc gì xảy ra không được thưa gởi mà phải tự xử. Nếu thưa kiện thì tôi hỏi: “Muốn giăng lưới lớn bắt phượng hoàng hay buông chí theo loài chim sẻ?” Hoặc hỏi: “Muốn câu cá ngạc cá kình hay bận bịu với ễnh ương ếch nhái?” Hỏi như vậy quí vị mới xấu hổ. Đem ý chí thực hiện việc trên trời trên mây mà tay chân thì cứ bắt trùng bắt dế, thật là trái ngược!

Chấp tay trân trọng
Bè bạn anh em!
Hoặc mỗi người có thánh có linh
Nên ghé mắt nhìn xem tiến tới.
Chao!

Thượng Sĩ chấp tay trân trọng tất cả anh em bạn bè, nhắc rằng ai cũng có thánh có linh nơi mình, nên để mắt nhìn xem mà tiến tới, đừng để kẹt dính mà thối lui. Chao! Nghĩa là than ôi!

Thượng Sĩ làm bài kệ này tự răn mình, mà cũng là răn nhắc tất cả chúng ta nên nỗ lực tiến tu. Cứ mỗi đoạn Ngài nêu lên những cái sai lầm, rồi nhắc tới nhắc lui bảo chúng ta nên khéo tu.

Cuối cùng Ngài dạy chúng ta, hễ có chí lớn muốn vươn lên thì phải thực hiện cho kỳ được, đừng quan tâm đến những cái nhỏ nhặt không ra gì làm hỏng mất chí lớn.

Trích “Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải”

HT. Thích Thanh Từ Dịch và Giảng

NXB Văn Hoá Nghệ Thuật

 

Bài viết liên quan