BỒ TÁT HIỀN THIỆN THỦ - KINH VIÊN GIÁC LƯỢC GIẢNG - ĐƯƠNG ĐẠO

KINH VIÊN GIÁC LƯỢC GIẢNG- ĐƯƠNG ĐẠO

CHƯƠNG: BỒ TÁT HIỀN THIỆN THỦ

---o0o---

Thiện nam tử! Kinh này gọi là Đại thừa đốn giáo, chúng sanh đốn căn từ đây mà khai ngộ, cũng gồm nhiếp tiệm tu tất cả mọi loại. Ví như biển lớn không bỏ ngoài các dòng nước nhỏ, cho đến nhỏ như muỗi mòng và A tu la uống nước này đều được no đủ.
BỒ TÁT HIỀN THIỆN THỦ - KINH VIÊN GIÁC LƯỢC GIẢNG - ĐƯƠNG ĐẠO

Bồ tát Hiền Thiện Thủ thưa hỏi về tên gọi và công dụng của Kinh

Bấy giờ Bồ tát Hiền Thiện Thủ ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, chấp tay quỳ thẳng mà bạch Phật rằng:

Thế Tôn đại bi! Ngài đã vì chúng con và chúng sanh đời rốt sau rộng khai ngộ sự không thể nghĩ bàn như thế.

Bạch Thế Tôn, giáo pháp Đại thừa này tên gọi là gì? Làm sao phụng trì? Chúng sanh tu tập được công đức gì? Chúng con làm thế nào để ủng hộ người thọ trì Kinh này? Nên truyền bá kinh giáo này đến nơi nào?

Nói xong năm vóc làm lễ sát đất. Cầu thỉnh như vậy lặp lại ba lần.

Kết thúc một bộ kinh được gọi là phần Lưu thông, có bốn vấn đề chính: tên Kinh, làm sao phụng trì, tu tập có công đức gì, và nên truyền bá đến chỗ nào.

Đức Phật khen ngợi

Bấy giờ Thế Tôn bảo cùng Bồ tát Hiền Thiện Thủ:

Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Các ông mới có thể vì các Bồ tát và chúng sanh đời rốt sau mà thưa hỏi Như Lai tên gọi và công đức của kinh giáo như vậy. Nay các ông lắng nghe, ta sẽ nói rõ.

Khi ấy Bồ tát Hiền Thiện Thủ hoan hỷ vâng lời dạy, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.

Ở đây Đức Phật khen ngợi tâm đại bi, tâm trách nhiệm đối với tất cả chúng sanh đời sau của hàng Bồ tát và chư vị hộ pháp mà đại diện là ngài Hiền Thiện Thủ. Bởi muốn sự lợi lạc gội thấm cho tất cả chúng sanh đời sau, muốn giữ gìn bảo tồn tâm ấn Phật, tri kiến Viên Giác của chư Như Lai, cái mà vì đó Đức Phật ra đời, thuyết pháp, Bồ tát Hiền Thiện Thủ đứng dậy thưa hỏi để tổng kết ý nghĩa, sức mạnh và trường hoạt dụng của Kinh Viên Giác.

Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh Viên Giác cho nên ý nghĩa của Kinh trùm khắp các thế giới vô tận chẳng thể nghĩ bàn. Phật tánh Viên Giác ấy chẳng hề lìa khỏi nói năng cử chỉ của chúng sanh nên ý nghĩa của nó hiển lộ khắp sắc thanh hương vị xúc pháp, mắt tai mũi lưỡi thân ý chẳng thể nghĩ bàn. Tất cả các chúng sanh bổn lai thành Phật, cho nên sức mạnh của Kinh là hiển bày thật tướng, diệt tận vô minh, tất cả các pháp vốn tự viên thành. Tất cả thế giới chúng sanh đều là Viên Giác, cho nên trường hoạt dụng của Kinh là pháp giới vô ngại, tất cả các tướng đều là thật tánh.

Tên Kinh

Thiện nam tử! Kinh này trăm ngàn vạn ức hằng sa chư Phật nói ra, là chỗ thủ hộ của ba đời chư Như Lai, là chỗ quy y của mười phương Bồ tát, là con mắt thanh tịnh của mười hai bộ kinh.

Kinh này có tên là Đại Phương Quảng Viên Giác Đà La Ni, cũng tên là Tu Đa La Liễu Nghĩa, cũng tên là Bí Mật Vương Tam Muội, cũng tên là Như Lai Quyết Định Cảnh Giới, cũng tên là Như Lai Tạng Tự Tánh Sai Biệt. Các ông phải phụng trì.

Kinh là Ngữ của chư Phật để hiển bày Tâm của chư Phật. Kinh này trăm ngàn vạn ức hằng sa chư Phật nói ra, nghĩa là Kinh này là Bản Tâm của tất cả chư Phật, là Tri Kiến vô thượng của tất cả chư Phật, do đó được chư Phật thủ độ, giữ gìn. Kinh Viên Giác này là nhân địa tu hành của chư Phật, cũng là quả địa thành Phật của ba đời chư Như Lai. Bồ tát lấy Viên Giác để mà tự giác, lấy Viên Giác để mà giác tha, cho nên Kinh này là chỗ quy y của mười phương Bồ tát. Quy y được đến đâu thì Nhân Quả Viên Giác hiển lộ đến đó.

Kinh này là Nhân thành Phật của chư Như Lai, là Hạnh thành Phật của mười phương Bồ tát, là Quả thành tựu của ba đời chư Phật. Kinh này gồm trọn Nhân, Hạnh, Quả của ba đời chư Phật, nghĩa là nhiếp trọn Phật đạo, như tánh vàng nhiếp trọn thế giới chúng sanh làm bằng vàng. Cho nên biết nhân, hạnh, quả của Phật đạo, nhân là nhân Viên Giác, hạnh là hạnh Viên Giác, quả là quả Viên Giác, bèn chứng trọn vẹn con đường thành tựu Phật đạo của tất cả Như Lai.

Kinh này gồm trọn nhân Phật, hạnh Phật, quả Phật, cứu cánh Phật, phương tiện Phật, nghĩa là gồm trọn Phật pháp nên là con mắt thanh tịnh của mười hai bộ kinh.

Kinh này có năm tên gọi:

Đại Phương Quảng Viên Giác Đà La Ni: Đại Phương Quảng là trùm khắp pháp giới, ba đời mười phương, hiển bày Thật tướng. Đà La Ni là tổng trì các pháp vào trong Pháp giới tánh Viên Giác, hiển bày sự sự vô ngại.

Tu Đa La Liễu Nghĩa: Tu đa la (Sutra) là Kinh. Kinh liễu nghĩa là Kinh nói rốt ráo, trọn vẹn. Nói rốt ráo, trọn vẹn Thật tướng và Thật tánh của đời sống chung quanh đồng thời ở trong chúng ta.

Bí Mật Vương Tam Muội: Tam muội là chánh định. Chánh định này là chánh định của tất cả pháp giới, nên được gọi là Vua. Nó vốn là như vậy từ vô thủy đến vô chung, có tu hay không tu vẫn thế, có phiền não hay không phiền não thì vẫn thế. Đây mà cái mà Kinh Pháp Hoa gọi là “Thọ mạng vô lượng của Như Lai” trong phẩm Như Lai Thọ Lượng. Gọi là bí mật vì cái này ai ai cũng có và dầu biết hay không thì sanh mạng của chúng ta luôn luôn trùng khít với sanh mạng của chư Phật, hay là thọ mạng, hay chánh định của chư Phật. Tất cả các pháp, tánh tướng không sanh không diệt, đó gọi là Bí mật tam muội hay Thọ mạng vô lượng của chư Phật.

Như Lai Quyết Định Cảnh Giới: là cảnh giới quyết định của Như Lai, trong đó các pháp đều quyết định không sanh không diệt, như kim cương.

Như Lai Tạng Tự Tánh Sai Biệt: Tự tánh Như Lai tạng là nói về cái Tịch của tánh Giác. Sai biệt nói về cái Chiếu của tánh Giác. Một cái là Lý (tánh) một cái là Sự (tướng), hai cái này vô ngại tương tức tương nhập để thành Pháp giới sự sự vô ngại của Như Lai tạng.

Phụng trì Kinh này là phụng trì tự tâm Viên Giác của mình, cũng là Tâm Giác của ba đời chư Phật, hiển bày qua năm danh hiệu của Kinh.

Nghĩa gồm nhiếp của Kinh

Thiện nam tử! Kinh này duy chỉ hiển bày cảnh giới Như Lai, duy chỉ Phật, Như Lai mới có thể tuyên thuyết trọn vẹn, cùng tột. Nếu các Bồ tát và chúng sanh đời rốt sau y đây tu hành, thứ lớp tăng tiến, thì đến Phật địa.

Thiện nam tử! Kinh này gọi là Đại thừa đốn giáo, chúng sanh đốn căn từ đây mà khai ngộ, cũng gồm nhiếp tiệm tu tất cả mọi loại. Ví như biển lớn không bỏ ngoài các dòng nước nhỏ, cho đến nhỏ như muỗi mòng và A tu la uống nước này đều được no đủ.

Ở đây, Đức Phật trả lời về sự phụng trì. Phụng trì thế nào, ai phụng trì và sự truyền bá mở rộng đến đâu.

Tất cả chúng sanh đều có tự tánh Viên Giác cho nên kinh này thông suốt tất cả các địa vị phàm thánh trời người. Mặc dầu Kinh này duy chỉ hiển bày cảnh giới Như Lai, trực chỉ Tri Kiến Phật để đốn chứng Viên Giác, nhưng nó cũng gồm nhiếp tất cả mọi thứ lớp tiệm tu. Cảnh giới Như Lai thì không đốn tiệm; đốn tiệm là do nghiệp chướng nặng nhẹ con người. Nhưng không vì thế mà cảnh giới Như Lai không gồm nhiếp đốn tiệm, thứ lớp, tất cả địa vị tu hành, như hư không thì gồm nhiếp tất cả các vật lớn nhỏ. Và chính nơi mỗi vật lớn nhỏ đều có hư không, thế nên nơi một địa vị đều có đầy đủ, toàn thân cảnh giới Như Lai. Như biển lớn không bỏ ngoài các dòng nhỏ, thậm chí nhỏ như muỗi mòng hoặc lớn như A tu la đều được no đủ vì một giọt nước hay một lượng nước lớn đều chứa đại dương.

Như thế sự truyền bá Kinh này là rộng khắp, vì tất cả đang ở trong tánh Viên Giác Như Lai. Và như thế, dầu nhỏ dầu lớn, tất cả đang phụng trì Kinh này, dù biết rõ hay không biết.

Công đức người trì Kinh

Thiện nam tử! Giả sử có người dùng bảy báu chứa đầy tam thiên đại thiên thế giới đem ra bố thí cũng không bằng có người nghe tên và nghĩa một câu của Kinh này.

Thiện nam tử! Giả sử có người giáo hóa chúng sanh nhiều đến trăm lần số cát sông Hằng đắc quả A La Hán cũng không bằng có người tuyên nói rành rẽ nửa bài kệ Kinh này.

Thiện nam tử! Nếu lại có người nghe tên Kinh này, lòng tin chẳng nghi, phải biết người ấy chẳng phải vun trồng phước huệ ở một, hai đức Phật, mà đã vun trồng thiện căn, nghe Kinh giáo này nơi Hằng hà sa chư Phật.

Đức Phật nói bố thí bảy báu chứa đầy thế giới tam thiên đại thiên không bằng nghe tên hay nghĩa một câu của Kinh này. Tại sao thế? Bởi vì tên hay nghĩa một câu của Kinh này biến toàn bộ pháp giới, gồm vô số thế giới tam thiên đại thiên, thành bảy báu, nghĩa là thành Tịnh độ. Thực hành Chỉ Quán liên tục một câu kinh chính là khai thị ngộ nhập tâm Viên Giác, pháp giới Viên Giác của chư Phật.

Tuyên nói rành rẽ nửa bài kệ của Kinh này có công đức lớn hơn giáo hóa chúng sanh nhiều như số cát sông Hằng đắc quả A La Hán, vì sao thế? Bởi vì nửa bài kệ có thể đắc được Ba thân của Phật.

Người tin được, khai ngộ được từ Kinh này là do có thiện căn phước huệ đã vun trồng ở nhiều nơi Đức Phật, vì Kinh này là tâm ấn của ba đời chư Phật. Kinh này là “cảnh giới Như Lai, duy chỉ có Phật mới có thể tuyên thuyết trọn vẹn, cùng tột”.

Đức Phật dặn phải hộ trì người tu Kinh

Thiện nam tử! Các ông phải hộ trì những người tu hành như thế ở đời rốt sau, chớ để cho các ác ma và ngoại đạo làm cho não loạn thân tâm họ, khiến họ sanh tâm lui sụt.

Đây là trả lời về sự ủng hộ.

Kinh này là Phật đạo tinh ròng, nên các ác ma và ngoại đạo, vì sống ngược lại sự thật của Kinh này, luôn làm não loạn người tu Kinh. Thế nên Đức Phật bảo các Bồ tát hộ trì cho những tu hành ấy.

Chư Thiên, các thần phát nguyện ủng hộ người tu hành

Bấy giờ trong hội có Hỏa Thủ Kim Cương, Tồi Toái Kim Cương, Ni Lam Bà Kim Cương… tám vạn Kim Cương cùng với quyến thuộc từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, rồi bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn, nếu tất cả chúng sanh đời rốt sau có thể thọ trì Đại thừa quyết định này, chúng con sẽ giữ gìn như giữ con mắt mình, cho đến bất cứ chỗ đạo tràng tu hành nào, hàng Kim Cương chúng con tự thống lãnh đồ chúng ngày đêm bảo vệ, khiến cho chẳng thối chuyển, cho đến nhà ở của họ không bao giờ bị tai chướng, bệnh dịch được tiêu trừ, của cải sung túc, thường không thiếu thốn.

Khi ấy Đại Phạm Vương, hai mươi tám Thiên Vương, cùng Tu Di Sơn Vương, Hộ Quốc Thiên Vương… từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, rồi bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn! Chúng con xin thủ hộ giữ gìn người trì kinh này khiến cho họ thường an ổn, tâm chẳng thối chuyển.

Khi ấy có Đại Lực Quỷ Vương tên là Cát Bàn Trà cùng mười vạn Quỷ Vương từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, rồi bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn! Chúng con xin thủ hộ người trì kinh này, ngày đêm túc trực bên họ khiến cho họ chẳng lui sụt. Chỗ người ấy ở trong vòng một do tuần, nếu có quỷ thần xâm phạm cảnh giới đó, chúng con sẽ đập nát như bụi nhỏ.

Trong Mật thừa hay Kim Cương thừa, Kim Cương bộ là một trong Năm Bộ (bộ Kim Cương, bộ Bảo Sanh, bộ Liên Hoa, bộ Nghiệp, và bộ Phật). Những hộ pháp và những Bồ tát, những bậc Giác ngộ của bộ này có oai lực lớn, mạnh mẽ như kim cương. Chúng ta cũng cần nhớ rằng tánh Viên Giác cũng là tánh Kim Cương, cho nên các vị giữ gìn cho người tu hành Kinh này như giữ con mắt mình.

Hai mươi tám Thiên Vương là vua của tất cả các cõi trong ba cõi. Các Quỷ Vương là các vị thần giữ gìn, bảo vệ cho người trì Kinh. Chúng ta thấy sự tu hành thành khẩn thì luôn luôn được sự bảo vệ, giữ gìn của tất cả những ai có nhiệm vụ hộ pháp trong tất cả ba cõi.

Cho nên nếu người tu hành không bỏ quên, không cách hở với tánh Viên Giác thì tất cả những vị hộ trì Phật pháp đều ở bên họ. Thật không có sức mạnh giúp đỡ, giữ gìn nào bằng.

Hoan hỷ tin nhận vâng làm của tất cả đại chúng

Phật thuyết kinh này xong, tất cả Bồ tát, tám bộ thiên vương, quỷ thần… cùng quyến thuộc và các Thiên vương, Phạm vương… tất cả đại chúng nghe lời Phật nói đều rất hoan hỷ, tin nhận, vâng làm.

Kinh Phật bao giờ cũng bắt đầu bằng “Như thế tôi nghe, một thời Phật tại…”, điều đó nói lên rằng Kinh Phật vĩnh viễn đang được tuyên thuyết. Và chấm dứt bằng “đại chúng hoan hỷ, tin nhận, vâng làm”, điều đó nói lên rằng Kinh Phật vĩnh viễn đang được tất cả đại chúng thọ trì trong suốt cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai.

Phước thay cho những ai đang ở trong cái tất cả đại chúng đó. Cái đại chúng muôn đời hiện tại vì đang vĩnh viễn thọ trì Viên Giác trong cái Hiện tại Một thời trùm khắp ba đời mười phương này trong cái Chánh thọ thần thông Đại Quang Minh Tạng, chỗ Trụ trì quang nghiêm của tất cả Như Lai, cái giác địa thanh tịnh của tất cả chúng sanh, thân tâm tịch diệt, bình đẳng không hai cùng pháp giới viên mãn thanh tịnh khắp mười phương này.

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam mô Đương lai Hạ sanh Di Lặc Tôn Phật.

---o0o---

Trích: "Kinh Viên Giác Lược Giảng"

Giảng giải: Đương Đạo

Nhà Xuất Bản: Thiện Tri Thức, 2015

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan