BỐN KHÍA CẠNH CỦA THỰC HÀNH PHÁP BỔN TÔN - GARCHEN RINPOCHE  - ĐỨC QUÁN ÂM TARA

BỐN KHÍA CẠNH CỦA THỰC HÀNH PHÁP BỔN TÔN

GARCHEN RINPOCHE 

ĐỨC QUÁN ÂM TARA

----o0o-----

Việc hành trì pháp bổn tôn được thực hiện theo truyền thống dòng truyền thừa thực hành của sự gia trì. Chúng ta có thể viên thành tất cả mọi mục đích dù cho chúng ta có thực hành bất kỳ nghi quỹ bổn tôn nào đi chăng nữa. Đó là bởi vì bên trong một bổn tôn có tất cả các vị bổn tôn khác.
BỐN KHÍA CẠNH CỦA THỰC HÀNH PHÁP BỔN TÔN - GARCHEN RINPOCHE  - ĐỨC QUÁN ÂM TARA

Việc hành trì pháp bổn tôn được thực hiện theo truyền thống dòng truyền thừa thực hành của sự gia trì. Chúng ta có thể viên thành tất cả mọi mục đích dù cho chúng ta có thực hành bất kỳ nghi quỹ bổn tôn nào đi chăng nữa. Đó là bởi vì bên trong một bổn tôn có tất cả các vị bổn tôn khác. Thông qua việc thực hành một pháp bổn tôn duy nhất, trước mắt, chúng ta sẽ được sinh vào các cõi giới cao hơn và cuối cùng, chúng ta sẽ đạt được giác ngộ. Khi chúng ta thành tựu bổn tôn, chúng ta đạt được hai thành tựu, là thành tựu thông thường và thành tựu phi thường. Những thành tựu này có oai lực của bổn tôn và phẩm tánh của trí huệ.

Các bổn tôn biết được khi nào chúng ta phát khởi ba loại tín tâm và khẩn nguyện các vị với niềm tin tưởng. Các vị chăm sóc chúng ta bởi vì trước khi đạt được giác ngộ, tất cả chư Phật trong ba thời đã phát khởi bồ đề tâm và phát thệ nguyện hành động vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Các vị tiếp tục giữ lời thệ nguyện này thông qua việc gia hộ cho chúng ta.

Các vị bổn tôn có ba phẩm tánh, đó là tri thức toàn hảo, tình yêu thương toàn hảo, và năng lực toàn hảo. Tất cả mọi bổn tôn đều sở hữu ba phẩm tánh này, là những phẩm tánh có bản tánh của báo thân. Tất cả các vị bổn tôn đều phát khởi từ một nguồn duy nhất.

Có bốn phẩm tánh hay bốn khía cạnh của việc thực hành bổn tôn mà chúng ta phải hoàn thiện để đạt được kết quả. Khi bốn khía cạnh này chưa được hoàn thiện thì ngay cả khi chúng ta có phát khởi tín tâm trong thực hành thì sự hoài nghi và chướng ngại vẫn có thể xuất hiện. Chúng ta vẫn sẽ không đạt được thành tựu tối thượng rốt ráo, thậm chí cũng không đạt được những thành tựu thông thường hoặc thành tựu phi thường, bởi vì chúng ta đã không hiểu được bốn khía cạnh này để có thể khẩn nguyện một cách hoàn hảo.

Khía cạnh thứ nhất là cảm giác hứng khởi bởi một câu chuyện về một vị bổn tôn hoặc một vị đạo sư, làm phát khởi một cảm giác đặc biệt [trong ta] về phẩm tánh của vị bổn tôn hay vị đạo sư. Trước đó, chúng ta không cảm thấy hứng khởi về vị bổn tôn hay vị đạo sư. Nhưng thông qua lắng nghe câu chuyện và học hỏi về phẩm tánh của họ, chúng ta nhận thấy sự trân quý của vị bổn tôn hay đạo sư và [chúng ta] trở nên hứng khởi.

Khía cạnh thứ hai là có được tín tâm đối với bổn tôn. Ở đây, chúng ta hiểu và tin tưởng rằng thông qua thực hành và nương tựa vào bổn tôn, chúng ta có thể đạt được hạnh phúc tạm thời và hạnh phúc rốt ráo, và đạt được hai loại thành tựu.

Khía cạnh thứ ba là trưởng dưỡng tín tâm quy ngưỡng. Sau khi chúng ta cảm thấy hứng khởi về vị bổn tôn và phát khởi tín tâm với ngài, chúng ta hoàn toàn phó thác [bản thân mình] cho bổn tôn. Điều này có được từ việc hiểu rằng tất cả mọi bổn tôn đều được bao hàm trong tâm của bổn tôn trí huệ. Tất cả các đạo sư đều được bao hàm trong một đạo sư duy nhất. Hiểu được điều này, chúng ta hoàn toàn nương tựa và phó thác [bản thân mình] cho bổn tôn trong đời này, trong các đời vị lai và trong trung ấm. Thông qua sự trưởng dưỡng tín tâm quy ngưỡng lực gia trì [của bổn tôn] sẽ đi vào dòng tâm thức của chúng ta.

Khía cạnh thứ tư là loại bỏ sự hoài nghi để có thể viên thành mọi nguyện ước, động cơ và mục đích trong cuộc đời này, trong các đời vị lai và trong trung ấm. Một số người có những mong đợi không đúng đắn từ việc thực hành bổn tôn. Họ nghĩ rằng những gì trổ quả trong cuộc đời này đều đến từ việc thực hành bổn tôn. Ví dụ, khi họ kinh nghiệm một số hạnh phúc tạm thời, họ nói rằng bổn tôn đã ban cho họ. Nhưng khi có điều gì đó tiêu cực xảy ra, họ nói rằng bổn tôn đã không bảo vệ họ. Đây là một sự hiểu biết sai lầm. Do chúng ta thực hiện các hành động [thiện hạnh và bất thiện hạnh] khác nhau, chúng ta có những trải nghiệm khác nhau về hạnh phúc và khổ đau. Rất khó để luôn đạt được tất cả mọi hạnh phúc mà chúng ta mong đợi trong cuộc đời này. Do vậy ngay cả khi chúng ta khẩn nguyện và giao phó đời mình cho bổn tôn, nghiệp quả của chúng ta từ các đời quá khứ vẫn tiếp tục chín muồi, và chúng ta vẫn phải nhận lấy hậu quả.

Thầy có nhiều kinh nghiệm về điều này. Thầy đã hoàn toàn nương dựa vào Đức Tara trong suốt cuộc đời mình. Thầy đã cầu nguyện và có một sự tín tâm tuyệt đối với ngài, nhưng thầy vẫn bị bắt và bị cầm tù. Rất nhiều lần các viên chức giám sát nhà tù và cai ngục đã quát mắng quý thầy, hỏi rằng: “Lợi ích của pháp là gì? Các người cầm tràng hạt và ngồi trong hang động, nhưng làm như vậy để làm gì? Giờ đây, tất cả các người đều ở trong tù cùng nhau, có phải không?” Thỉnh thoảng, thầy đã nghĩ về những gì họ nói và có một số hoài nghi đã xuất hiện trong tâm thầy.

Người ta nói rằng nếu bạn muốn biết bạn đã làm gì trong quá khứ, hãy nhìn vào thân thể hiện tại của bạn. Thân này chỉ là tạm bợ và đang tan rã trong từng khoảnh khắc. Do vậy mục đích thực hành bổn tôn là để được bảo vệ một cách rốt ráo từ đời này sang đời khác. Bất kể điều gì xảy ra, hạnh phúc hay đau đớn, chúng ta hoàn toàn giao phó bản thân mình cho bổn tôn. Nếu chúng ta hạnh phúc, đó là do lòng từ ái của bổn tôn. Bổn tôn có bản tánh của bồ đề tâm, và vì đã phát khởi bồ đề tâm trong quá khứ, chúng ta đã gieo trồng các hành động thiện lành với thân, khẩu, và ý. Sau đó, chúng ta trải nghiệm hạnh phúc do bổn tôn ban tặng. Nếu chúng ta đau khổ, đó là do nghiệp lực của chúng ta, là những hành động chúng ta đã phạm phải với tâm bất cẩn. Chúng ta làm hỏng tình yêu thương và trí huệ khi tham dự vào các hành ảnh động tiêu cực bị các cảm xúc ô nhiễm sai xử. Những hành động này, hay nghiệp quả này, cuối cùng sẽ chín muồi.

Nghiệp tiêu cực trổ quả theo hai cách. Con quy y, nhận giới và có một số nhận thức là mình không được giận dữ. Ngay cả khi con có giận dữ, con nhận ra được rằng đó là một lỗi lầm đi ngược lại với các giới mà con đã thọ nhận và con sám hối về cơn giận dữ của mình. Điều này sẽ tịnh hóa một nửa nghiệp tiêu cực [mà con đã tạo]. Một phần nghiệp sẽ trổ quả trong một đời vị lai, nhưng do bởi con sám hối nên con sẽ được cứu độ, sẽ có một cái gì đó đến để bảo vệ con.

Kiểu thứ hai mà nghiệp tiêu cực trổ quả là những người không có một chút quan tâm nào đến tâm linh nghĩ rằng họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Họ phạm phải một hành động tiêu cực tương tự [như hành động tiêu cực họ đã làm trước đó], nhưng chắc chắn hành động tiêu cực này sẽ trổ quả. Bởi vì họ không nhận ra hoặc không sám hối các hành động tiêu cực của họ nên không có gì được tịnh hóa. Khi nghiệp trổ ra, sẽ không có một sự cứu độ hay gia hộ nào [cho họ cả]. Thậm chí chữa trị y tế cũng không bảo vệ được họ. Tất cả đều do nghiệp. Nghiệp quả thực sự là cốt tủy. Do vậy, chúng ta nên nghĩ rằng khi chúng ta hạnh phúc, đó là do lòng tốt của Tam Bảo; khi chúng ta đau khổ, đó là do nghiệp quả tiêu cực của chính chúng ta [trổ ra].

Thầy đã hiểu được thời gian thầy phải ngồi tù là do nghiệp báo của mình. Nhận thức này đã giúp ích được gì cho thầy? Đầu tiên, thì đã gặp được vị đạo sư của mình khi bị ngồi tù. Thầy đã phát khởi tín tâm vững chắc vào luật nhân quả và đạt được [một số] trải nghiệm trong đau khổ. Theo cách suy nghĩ này thì thời gian ngồi tù của thầy thật là hữu ích. Đó là sự gia trì của bổn tôn. Thông qua việc hiểu được điều này, thầy có thể chuyển hóa khổ đau thành những phẩm tánh tốt lành. Do vậy, khía cạnh thứ tư là khi không còn hoài nghi, tất cả mọi chủ định đều sẽ được viên thành. Một số nghiệp báo sẽ trổ ra khi chúng ta tham dự vào các hành động tiêu cực; chúng ta không thể nói rằng Đức Tara đã không bảo vệ được chúng ta.

Thầy luôn luôn quy y Đức Tara. Cho dù thầy có chết hay không nếu có ai đó chĩa súng vào thầy thì đó là nghiệp quả của thầy. Thậm chí nếu họ giết thầy thì họ cũng chỉ có thể giết chết được thân thầy mà không thể giết chết được tâm thầy. Miễn là thầy không quên Đức Tara, thầy sẽ ổn. Khi tâm nghĩ về điều gì thì nó sẽ trở thành như vậy. Nếu thầy nhớ nghĩ đến Đức Tara trong trung ấm, tâm của thầy sẽ trở thành Đức Tara. Đó là một phẩm tánh của Phật tánh. Bất kể chúng ta nghĩ đến một vị Phật nào, chúng ta sẽ trở thành vị Phật đó sau khi chúng ta không còn chấp ngã. Tâm của Đức Tara và Phật Tánh của chính chúng ta là hoàn toàn giống nhau. Chúng như hai cái bình đang chứa nước. Thông thường, đứng trên quan điểm bám chấp nhị nguyên và những tập khí mà chúng ta nghĩ rằng có người nam và người nữ. Nhưng thật sự thì tâm không có giới tính. Không có nam hay nữ. Mặc dù Đức Tara là một vị bổn tôn nữ, tâm của ngài không là nữ mà cũng chẳng là nam. Đó là do bởi bám chấp nhị nguyên và những tập khí mà chúng ta quán tưởng một vị bổn tôn là một vị nam hay một vị nữ. Do vậy, bất kể bổn tôn nào con nhớ nghĩ đến thì tâm con sẽ trở thành vị đó và con sẽ được cứu độ khỏi khổ đau.

------o0o------

Trích: Đức Quan Âm Tara – Đấng Phật Mẫu Bảo Vệ Khỏi Tám Chướng Nạn

Tác Giả: Garchen Rinpoche

Trần Thị Hương Giang dịch

NXB: Hồng Đức, 2019

Bài viết liên quan