CÁC THỨ TIÊN VÀ CÁC CÕI TRỜI DỤC GIỚI - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

CÁC THỨ TIÊN VÀ CÁC CÕI TRỜI DỤC GIỚI 

KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Người tu đạo Phật thì cứu cánh là giải thoát và giác ngộ, và phương tiện là tam muội kim cương như huyễn, đưa cái dụng của sáu căn về nguồn tánh vô sanh. Còn nếu nhân địa là vọng tưởng thì kết quả chỉ nằm trong tưởng mà thôi.
CÁC THỨ TIÊN VÀ CÁC CÕI TRỜI DỤC GIỚI - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

KHÔNG TU THEO CHÁNH GIÁC THÀNH CÁC THỨ TIÊN

 

A Nan, lại có chúng sanh từ loài người, không nương vào chánh giác tu tam ma đề, lại riêng tu theo vọng niệm, tồn giữ tưởng, kiên cố hình hài, đi vào rừng núi chỗ người ta chẳng đến, thành mười loại tiên.

A Nan, các chúng sanh kia kiên cố dùng đồ bổ không ngừng nghỉ, khi đạo thực phẩm được thành, gọi là địa hành tiên.

Kiên cố dùng cỏ cây không ngừng nghỉ, khi đạo thuốc được thành, gọi là Du hành tiên.        

Kiên cố làm những động tác không ngừng nghỉ, khi đạo khí tinh được thành, gọi là Không hành tiên.

Kiên cố luyện nước bọt không ngừng nghỉ, khi nhuận đức được thành, gọi là Thiên hành tiên.

Kiên cố hấp thụ tinh hoa không ngừng nghỉ, khi hấp thụ được thành, gọi là Thông hành tiên.

Kiên cố làm chú thuật không ngừng nghỉ, khi thuật pháp được thành tựu, gọi là Đạo hành tiên.

Kiên cố chuyên chú tâm niệm không ngừng nghỉ, khi chuyên niệm được thành tựu, gọi là Chiếu hành tiên.

Kiên cố về thủy hỏa giao cấu không ngừng nghỉ, khi cảm ứng được thành tựu, gọi là Tinh hành tiên.

Kiên cố tập luyện biến hóa không ngừng nghỉ, khi hiểu biết được thành tựu, gọi là Tuyệt hành tiên.

A Nan, người này ở trong loài người mà luyện tâm, không tu theo chánh giác, chỉ riêng được sanh lý, thọ ngàn vạn năm, ở ẩn trong núi sâu hay trên hoang đảo giữa đại dương, dứt tuyệt với cảnh người. Đó cũng là vọng tưởng lưu chuyển của luân hồi. Không tu tam muội nên khi quả báo hết thì trở lại lạc vào trong sáu nẻo.

 

Tu hành là kiên cố nhắm đến cứu cánh bằng cách kiên cố vào phương tiện. Cứu cánh của mười loài tiên là một cuộc sống cao cấp, thanh tịnh, có những quyền năng, nhưng không thể thoát khỏi trái đất này. Phương tiện là những vật vô thường của cõi này: cỏ cây, kim thạch, nước bọt, chú thuật, biến hóa…. Dựa trên cứu cánh và phương tiện hữu hạn, vô thường, nên khi quả báo hết thì trở lại lạc vào sáu nẻo, như ở trước Kinh nói, nấu cát không thể thành cơm.

Người tu đạo Phật thì cứu cánh là giải thoát và giác ngộ, và phương tiện là tam muội kim cương như huyễn, đưa cái dụng của sáu căn về nguồn tánh vô sanh. Còn nếu nhân địa là vọng tưởng thì kết quả chỉ nằm trong tưởng mà thôi.

 

CÁC CÕI TRỜI DỤC GIỚI

 

A Nan, các người thế gian chẳng cầu cái thường trụ, chưa thể lìa bỏ được ân ái, thê thiếp, nhưng tâm không buông lung trong tà dâm. Do tâm lắng trong sanh ra sáng suốt, sau khi mạng chung ở gần mặt trời mặt trăng. Một hạng như vậy gọi là Tứ thiên vương thiên.

Đối với vợ nhà, dâm ái ít ỏi, trong lúc tịnh cư chưa được toàn vị. Sau khi mạng chung, vượt sức sáng mặt trời mặt trăng, ở trên đỉnh của nhân gian. Một hạng như vậy gọi là Đao lợi thiên (Tam thập tam thiên).

Gặp cảnh dâm dục tạm theo, đã qua rồi thì không nghĩ nhớ, ở trong nhân gian động ít tĩnh nhiều. Sau khi mạng chung, an trụ sáng rỡ ở trong hư không, ánh sáng mặt trời mặt trăng soi chiếu chẳng tới. Những người như vậy tự có ánh sáng. Một hạng như thế, gọi là Tu diệm ma thiên.

Luôn luôn yên tĩnh, nhưng khi có cảm xúc đến chưa thể chống lại được. Sau khi mạng chung bay lên chỗ tinh vi, không giao tiếp với cảnh nhân thiên cõi dưới,cho đến thời kiếp hoại, ba tai họa cũng không đến được. Một hạng như vậy gọi là Đâu suất đà thiên.

Chính mình không có lòng dâm, đáp ứng với người khác mà làm, trong lúc phô diễn vô vị như ăn sáp. Sau khi mạng chung, sanh lên cảnh biến hóa. Một hạng như vậy gọi là Lạc biến hóa thiên.

Không có tâm thế gian, chỉ đồng như thế gian mà hành sự, trong khi làm việc ấy suốt thông siêu thoát. Sau khi mạng chung, vượt trên cảnh biến hóa và không biến hóa. Một hạng như vậy gọi là Tha hóa tự tại thiên.

A Nan, sáu cõi trời như vậy, hình thức tuy ra khỏi động nhưng dấu vết tâm còn dính mắc. Từ các cõi ấy trở xuống gọi là Dục giới.

 

Chư thiên (deva) là những chúng sanh có ánh sáng. Càng ít dục thì càng lên cao, năng lực càng mạnh. Trong sáu cõi trời Dục giới ấy có cõi Đâu suất, là nơi Bồ tát Nhất sanh bổ xứ ở, trước kia là đức Thích Ca, hiện nay là đức Di Lặc.

Tại sao các vị Nhất sanh bổ xứ ở cõi thứ tư trong sáu cõi Dục giới mà không ở những cõi cao hơn? Có lẽ vì ở Đâu suất còn có chút ít dục thì mới cùng một nghiệp với trái đất này.

Ở trái đất thấp nhất trong các cõi dục này, nếu biết “trong khi làm việc ấy suốt thông siêu thoát” thì thân tâm nhẹ nhàng, tỏa sáng như những cõi trời. Rồi dùng thân tâm nhẹ nhàng tỏa sáng ấy để thực hành Phật giáo thì hẳn sẽ đi được trên con đường giải thoát, giác ngộ.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan