CHÁNH TÍN CHƠN TÂM KINH HOA NGHIÊM - CHƠN TÂM TRỰC THUYẾT – THIỀN SƯ PHỔ CHIẾU (1158-1210)

Hỏi: Chữ tín của Giáo môn (Kinh) và chữ tín của Tổ môn (Thiền) có gì sai khác? Đáp: Có nhiều loại sai khác nhau: Giáo môn khiến người, trời tin ở nhơn quả. Như có người thích phước lạc, tin thập thiện là diệu nhơn, cõi người cõi trời là lạc quả. Có người thích không tịch, tin nhơn duyên sanh diệt làm chánh nhơn, khổ tập diệt đạo làm thánh quả. Có người thích Phật quả, tin ba kiếp...
CHÁNH TÍN CHƠN TÂM KINH HOA NGHIÊM - CHƠN TÂM TRỰC THUYẾT – THIỀN SƯ PHỔ CHIẾU (1158-1210)

CHÁNH TÍN CHƠN TÂM KINH HOA NGHIÊM

CHƠN TÂM TRỰC THUYẾT – THIỀN SƯ PHỔ CHIẾU (1158-1210)

---*---

Nói: “Tín là nguồn của Đạo, là mẹ của các công đức hay nuôi lớn tất cả căn lành”. Trong Duy Thức cũng nói: “Tín như hạt châu thủy thanh, hay làm cho nước dơ được sạch”. Cho nên, muôn điều thiện phát sanh là chữ tín dẫn đầu. Vì thế kinh Phật trước hết lập “như thị ngã văn” là cốt để sanh lòng tin vậy.

Hỏi: Chữ tín của Giáo môn (Kinh) và chữ tín của Tổ môn (Thiền) có gì sai khác?

Đáp: Có nhiều loại sai khác nhau: Giáo môn khiến người, trời tin ở nhơn quả. Như có người thích phước lạc, tin thập thiện là diệu nhơn, cõi người cõi trời là lạc quả. Có người thích không tịch, tin nhơn duyên sanh diệt làm chánh nhơn, khổ tập diệt đạo làm thánh quả. Có người thích Phật quả, tin ba kiếp sáu độ làm đại nhơn, bồ đề niết bàn làm chánh quả.

Tổ môn chánh tín chẳng đồng như trên. Tổ môn chẳng tin tất cả pháp hữu vi nhơn quả. Chỉ tin ở tự mình xưa nay là Phật, tự tánh thiên chơn người người đều đầy đủ. Diệu thể của niết bàn mỗi mỗi đều viên thành, chẳng nhờ cầu nơi người khác, từ xưa đến nay nó tự đầy đủ. Tam Tổ nói: “Tròn bằng thái hư, không thiếu không dư. Sở dĩ chẳng như, bởi do thủ xả”. Ngài Chí Công nói: “Trong thân có tướng là thân không tướng, trên đường vô minh là đường vô sanh”. Ngài Vĩnh Gia nói: “Thật tánh của vô minh là Phật tánh, thân huyễn hóa không thật tức pháp thân”. Cho nên, chúng sanh xưa nay là Phật.

Đã sanh chánh tín cần phải thêm hiểu biết nữa mới được. Ngài Vĩnh Minh nói: “Tin mà chẳng hiểu biết thì thêm lớn vô minh. Hiểu biết mà chẳng tin thì thêm lớn tà kiến”. Cho nên, tin hiểu gồm hai thì mau vào Đạo.

Hỏi: Mới phát lòng tin chưa được vào Đạo, có lợi ích chăng?

Đáp: Trong luận Khởi Tín nói: “Nếu nghe pháp này mà chẳng sanh khiếp nhược, thì nên biết, người này nhất định sẽ nối hạt giống Phật, và được chư Phật thọ ký cho. Thí như có người giáo hóa chúng sanh đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới, khiến họ hành thập thiện, chẳng bằng có người đối với pháp này khoảng một niệm chánh tư duy thì công đức cũng hơn người trước không thể thí dụ được”. Trong Kinh Bát Nhã nói: “Cho đến người chỉ sanh một niệm tịnh tín, Như Lai trọn thấy biết các chúng sanh này được vô lượng phước đức như vậy”. Cho nên muốn đi ngàn dặm, bước đầu cần phải chánh, bước đầu nếu sai ngàn dặm đều sai. Vào nước vô vi, niềm tin ban đầu đã mất, muôn thiện đều lui. Cho nên Tổ Sư nói: “Mảy may nếu sai, trời đất ngăn cách”. Đấy là lý này vậy.

---*---

Trích “Chơn Tâm Trực Thuyết”

HT. Thích Đắc Pháp dịch

Tu Viện Chơn Không, 1973

Bài viết liên quan