CHẤP TÂM NÚP SAU CON MẮT - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

CHẤP TÂM NÚP SAU CON MẮT

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

A Nan thưa: Tâm rõ biết này đã không biết bên trong mà lại thấy bên ngoài. Theo con suy xét thì nó nấp sau con mắt. Ví như có người lấy chén lưu ly úp lên hai mắt, tuy có vật úp mà chẳng bị ngăn ngại. Con mắt vừa thấy thì liền phân biệt được ngay.
CHẤP TÂM NÚP SAU CON MẮT - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

A Nan bạch Phật : Bạch Thế Tôn, như lời Phật dạy, vì không thấy trong thân nên tâm chẳng phải ở trong thân. Vì thân tâm cùng biết không lìa nhau nên tâm chẳng ở ngoài thân, nay con suy nghĩ biết nó ở một chỗ.

Phật hỏi: Nay ở chỗ nào ?

A Nan thưa: Tâm rõ biết này đã không biết bên trong mà lại thấy bên ngoài. Theo con suy xét thì nó nấp sau con mắt. Ví như có người lấy chén lưu ly úp lên hai mắt, tuy có vật úp mà chẳng bị ngăn ngại. Con mắt vừa thấy thì liền phân biệt được ngay.

Cái tâm hay biết rõ ràng của con chẳng thấy được bên trong là vì nó ở nơi con mắt, nhưng lại thấy bên ngoài rõ ràng không ngăn ngại vì tâm nấp sau con mắt.

Phật bảo A Nan : theo chỗ ông nói, tâm nấp sau con mắt như con mắt nấp sau chén lưu ly. Vậy người kia đang khi úp chén lưu ly vào mắt, trông thấy núi sông thì có trông thấy chén lưu ly không ?

Bạch Thế Tôn, đúng thế, khi người ấy úp chén lưu ly vào mắt, thật có thấy chén lưu ly.

Phật bảo A Nan : Nếu tâm ông nấp sau con mắt như con mắt nấp sau chén lưu ly, thì khi trông thấy núi sông sao không trông thấy con mắt ? Nếu thấy con mắt thì con mắt đồng với cảnh được thấy, không thể mắt thấy mà tâm liền biết được. Nếu không thấy con mắt, thì sao lại nói rằng tâm nấp sau con mắt như con mắt núp sau chén lưu ly. Thế nên phải biết, ông nói cái tâm hay biết rõ ràng nấp sau con mắt như con mắt nấp sau chén lưu ly, điều ấy không thể có.

Cho tâm là một vật, có hình dạng, có màu sắc…rồi đi tìm chỗ ẩn nấp của nó thì không thể nào tìm thấy. Nó không có hình tướng nào cả, là vô tướng. Nó không trụ ở đâu cả, là vô trụ. Nó không có niệm tưởng nào cả, là vô niệm. Cho nên nó vốn là giải thoát.

Nhưng nó lại có mặt ở nơi tướng, nơi trụ và nơi niệm vì như hư không nó ở khắp tất cả. Thế nên cái đặc sắc của Kinh Lăng Nghiêm là chỉ ra cái tâm vô tướng vô trụ vô niệm ấy ở nơi các giác quan cho tất cả chúng ta. Đó là con đường giải thoát và giác ngộ ở ngay nơi các giác quan của chúng ta, ngay nơi cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Ngày nay chúng ta có nhiều cái được thấy, được nghe hơn bất kỳ thời đại nào. Nhưng cũng vì chạy theo nhiều cái được thấy, được nghe ấy mà chúng ta bị lưu chuyển hơn bất kỳ thời đại nào. Chỉ cần dừng lại, nghiên cứu để tìm ra cái đang thấy, đang nghe thì chúng ta bình đẳng trong giải thoát với những vị thánh thời Đức Phật. Bởi vì cái đang thấy, đang nghe là cái thường trụ, nghĩa là có mặt và bình đẳng ở tất cả mọi thời, mọi chỗ.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan