CHỈ CHỖ ĐIÊN ĐẢO - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

CHỈ CHỖ ĐIÊN ĐẢO

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Thân tâm và thế giới, chúng sanh, đều hiện ra trong bản tâm diệu minh, như các bóng hiện trong gương. Bản tâm diệu minh ấy là tấm gương của tánh Không, nó chấp nhận tất cả các bóng nhưng chẳng nhiễm ô bởi bóng nào.
CHỈ CHỖ ĐIÊN ĐẢO - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

CHỈ CHỖ ĐIÊN ĐẢO

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ Phật, chắp tay quỳ bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nếu cái thấy nghe này thật không sanh diệt thì tại sao Thế Tôn gọi chúng con bỏ quên chân tánh, làm việc điên đảo? Cúi mong Thế Tôn khởi lòng từ bi rửa sạch trần cấu cho chúng con.

Liền khi ấy Như Lai buông cánh tay sắc vàng, ngón tay chỉ xuống, bảo A Nan rằng: Nay ông thấy cánh tay với ấn của ta là thuận (chánh) hay ngược (đảo)?

A Nan thưa: Chúng sanh trong thế gian cho đó là ngược, còn con chẳng biết cái nào là thuận, cái nào là ngược.

Phật bảo A Nan: Nếu người thế gian cho đây là ngược, thì họ cho thế nào là thuận?

A Nan thưa: Khi Như Lai đưa cánh tay với ấn lên, ngón tay chỉ lên không, thì gọi là thuận.

Phật liền đưa cánh tay lên và bảo A Nan: Điên đảo là như thế. Chỉ là đầu đuôi thay đổi lẫn nhau, mà người thế gian tất cả đều nhìn thấy như vậy.

Nay lấy cái thân ông và Pháp thân thanh tịnh của chư Như Lai so sánh để phát minh thì thân Như Lai gọi là chánh biến tri, còn thân của các ông gọi là tánh điên đảo.

Ông nên xét kỹ thân ông, thân Phật, cái gọi là điên đảo ấy do ở chỗ nào mà gọi là điên đảo?

Khi ấy A Nan và cả đại chúng sửng sốt nhìn Phật không nháy mắt, không biết nơi thân tâm chỗ nào điên đảo.

Đức Phật đưa ngón tay chỉ xuống đất rồi chỉ lên trời để cho đại chúng thấy sự điên đảo. Cũng một cánh tay chỉ lên chỉ xuống mà cho là thuận là ngược. Chung quy của điên đảo chẳng qua là chạy theo cái động của trần tướng bên ngoài mà quên mất tánh thấy bất động đang thấy cái động kia.

Thân tâm bất tịnh, biến diệt luôn luôn của chúng sanh so với Pháp thân thanh tịnh thường trụ của chư Phật thì gọi là điên đảo. Điên đảo là không nhận lấy Pháp thân mà cho cái thân tâm chuyển động, biến diệt, vô thường này là duy nhất thật, và phục vụ cho nó suốt đời này sang đời khác.

Phật khởi từ bi thương xót A Nan và đại chúng, phát tiếng hải triều, bảo khắp hội chúng:

Các thiện nam tử! Ta thường nói rằng: sắc, tâm, các duyên, các tâm sở cùng các pháp sở duyên đều chỉ do tâm mà hiện. Thân ông, tâm ông đều là những vật hiện ra ở trong Tâm diệu minh thuần chân. Tại sao các ông bỏ mất bổn tâm viên mãn minh diệu, bản tánh minh diệu quý báu ấy để nhận cái mê trong cái vốn giác ngộ?

Tâm và tánh là một. Tâm thì nhấn mạnh vào con người hơn; tánh thì chung cả con người và thế giới.

Thân tâm và thế giới, chúng sanh, đều hiện ra trong bản tâm diệu minh, như các bóng hiện trong gương. Bản tâm diệu minh ấy là tấm gương của tánh Không, nó chấp nhận tất cả các bóng nhưng chẳng nhiễm ô bởi bóng nào. Ở trong tấm gương tánh Không, các bóng đều là tánh Không, vốn tự giải thoát.

Nhưng sanh tử xảy ra khi các bóng ấy được cho là hiện hữu thật ở trong tâm đã bị nhiễm ô và hạn hẹp bởi cái ta và cái của ta. Các bóng ấy được cho là có tự tánh, từ đây là có những hành động hay nghiệp thương ghét, lấy bỏ, thuận nghịch, vui buồn... Nếu thấy tất cả mọi hiện tướng thân tâm, thế giới, chúng sanh đều đang hiện ở trong tấm gương chân tâm diệu minh thuần chân, không có gì là ta và của ta, không có gì dính chết cứng vào gương được, ngay lúc ấy là giải thoát.

Trong mê, mờ tối thành có hư không. Trong hư không mờ tối ấy, kết cái tối tăm thành sắc. Sắc xen lẫn với vọng tưởng, lấy tướng của vọng tưởng làm thân. Nhóm các duyên dao động bên trong, rong ruỗi theo bên ngoài, rồi lấy cái tướng mù mịt lăng xăng ấy làm tâm tánh. Một khi mê lầm cái tướng ấy là tâm thì chắc chắn lầm cho tâm ở trong thân.

Chẳng biết rằng từ sắc thân cho đến núi sông, thế giới, hư không, hết thảy đều là vật ở trong chân tâm diệu minh. Ví như bỏ cả trăm ngàn biển lớn trong lặng, chỉ nhận một cái bọt nước mà cho là toàn thể biển nước.

Các ông là những người trong mê, khác gì như cánh tay ta buông rủ xuống. Như Lai nói là đáng thương xót đó.

Chân tâm là ánh sáng (Minh) và trống không (Không). Không trực tiếp thấy và sống chân tâm Minh Không này thì tâm thức trở nên mờ tối vì đã mất tánh Minh. Mờ tối thì thấy tánh Không thành ra hư không, một cái không trống rỗng trơ trơ.

Trong chân tâm Minh Không thì không có thân tâm và thế giới, vì tất cả đều là chân tâm Minh Không. Nhưng khi ra khỏi chân tâm Minh Không, thì có mờ tối và hư không, thế là thân tâm và thế giới bắt đầu.

Cái tối tăm kết thành sắc.Hóa ra sắc là ánh sáng, là minh, khi đã mê thì được nhìn thành ra bóng tối. Sắc xen lẫn với vọng tưởng, khởi từ một tâm thức mờ tối, mà thấy có thân tâm. Trong thì dao động, ngoài thì rong ruỗi theo tiền trần, đó là tâm chúng sanh, tâm sanh diệt, tâm sanh tử. Tâm ấy ở trong một thân vọng tưởng, thành một thân tâm bọt nước trong toàn thể đại dương thuần chân.

Bám giữ cái thấy này, cho thân tâm và thế giới của nó là thật có, giữ một bọt nước mà không thấy tất cả là đại dương, đó là cái thấy điên đảo. Còn thấy tất cả đều ở trong đại dương Minh Không thuần chân, đều là đại dương Minh Không thuần chân, thì đây là cái thấy giải thoát.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan