CHỈ RÕ TÁNH THẤY - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

CHỈ RÕ TÁNH THẤY

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Chân tâm thì vốn định, thường trụ như vậy từ xưa đến nay. Thường trụ bởi vì là tánh Không, mà theo Kinh Đại Bát Nhã, ‘‘dù Phật có ra đời, có thuyết pháp hay không, tánh Không vẫn như vậy từ vô thủy đến vô chung’’. Chân tâm thì vốn định, bởi vì nó là tánh Không.
CHỈ RÕ TÁNH THẤY - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

CẦU ĐẾN CHỖ CHÂN THẬT

Bấy giờ A Nan ở trong đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo phải, đầu gối bên phải quỳ xuống đất, chắp tay cung kính mà bạch Phật rằng :

Con là em nhỏ nhất của Thế Tôn, nhờ Thế Tôn thương yêu, nay tuy đã xuất gia, nhưng còn ỷ lại nơi lòng thương của Phật. Vì thế học rộng nghe nhiều mà chưa được quả vô lậu, không chiết phục nỗi chú thuật Ta tỳ la, bị nó xoay chuyển mà chìm nơi nhà dâm. Chính do vì không biết chỗ đến Chân Tế (Chân Tâm).

Cúi mong Thế Tôn đại từ thương xót, chỉ bày cho chúng con con đường xa ma tha (thiền định) cũng khiến cho những kẻ không tin (nhất xiển đề) thoát khỏi tà kiến.

Thưa như vậy xong, năm vóc gieo xuống đất, cùng cả đại chúng chờ được nghe chỉ dạy.

Nói cho đủ là xa ma tha (thiền định), tam ma bát đề (thiền quán), và thiền na (thiền).

Bước đầu tu tập ba pháp, đó chỉ là tu tập trong cõi sanh diệt, có nhập định, có xuất định, có dừng tâm chống lại loạn tâm. Cho đến lúc thực sự bước vào chánh định, chánh quán, chánh thiền thì mới biết được Chân tâm.

Chân tâm thì vốn định, thường trụ như vậy từ xưa đến nay. Thường trụ bởi vì là tánh Không, mà theo Kinh Đại Bát Nhã, ‘‘dù Phật có ra đời, có thuyết pháp hay không, tánh Không vẫn như vậy từ vô thủy đến vô chung’’. Chân tâm thì vốn định, bởi vì nó là tánh Không.

Chân tâm thì vốn quán, vì luôn luôn sáng soi, như Kinh Lăng Nghiêm nói là Minh Diệu. Nó thường rỗng lặng mà thường chiếu soi, nên nó vốn là thiền.

Thấy được nó thì đâu đâu cũng là nó, cái gì cũng là nó, cho nên ở đâu mà chẳng định, quán, thiền, cái gì mà chẳng phải là định, quán, thiền ?

 

PHÓNG QUANG NÊU RA TÁNH THẤY TRÒN SÁNG

Bấy giờ từ trên mặt Thế Tôn phóng ra các thứ ánh sáng rực rỡ như trăm ngàn mặt trời. Khắp các thế giới chư Phật, sáu thứ chấn động. Các cõi nước mười phương nhiều như số vi trần đồng thời hiện ra. Oai thần của Phật khiến các thế giới ấy hợp thành một cõi. Trong các thế giới ấy, tất cả chư Đại Bồ tát ở nơi cõi nước của mình đều chắp tay lắng nghe lời Phật dạy.

Sự phóng quang này từ Chân Tâm Phật tánh lưu xuất và hiển bày Chân Tâm Phật tánh mà mỗi chúng sanh đều có. Ánh sáng ấy khiến các thế giới hợp thành một cõi: trong Chân Tâm Phật tánh tất cả là một, một pháp giới Nhất Chân, một Tịnh độ vô biên. Ánh sáng ấy làm cho các thế giới chấn động. Thế giới thanh tịnh thì chấn động vì hoan hỷ ; thế giới dơ nặng thì chấn động vì ánh sáng nghịch lại với bản chất bất tịnh của thế giới mình.

Với người đã chuẩn bị đầy đủ thì ngay đây có thể ngộ được Phật tánh: Phật tánh là ánh sáng hợp nhất tất cả, tất cả tướng đều là tánh, trong Phật tánh thì tất cả đồng thời, nghĩa là không có thời gian…

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan