CHỈ TÁNH THẤY KHÔNG SANH DIỆT - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

CHỈ TÁNH THẤY KHÔNG SANH DIỆT

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Cái đang thấy các sự tướng lay động biến diệt, cái ấy chẳng lay động biến diệt. Cái đang thấy các tướng lăng xăng, cái ấy chẳng lăng xăng. Có cái biến diệt nơi thân thì ngay khi ấy phải có cái không biến diệt như là không gian, môi trường cho sự biến diệt.
CHỈ TÁNH THẤY KHÔNG SANH DIỆT - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

Bấy giờ A Nan và đại chúng nghe Phật chỉ dạy, thân tâm thư thái, nghĩ mình từ vô thủy đến nay đánh mất bản tâm, vọng nhận bóng dáng duyên trần phân biệt. Ngày nay khai ngộ, như bé thơ mất sữa bỗng gặp mẹ hiền. Ông chắp tay lễ Phật, mong được nghe Như Lai chỉ bày cái chân vọng, thật hư ở nơi thân tâm, ở ngay hiện tiền phát minh ra hai cái sanh diệt và chẳng sanh diệt.

Thật thấy được cái gì là chân tâm không phân biệt, không sanh diệt, cái gì là bóng dáng duyên trần phân biệt và sanh diệt nơi thân tâm mình, đó là ngộ. Rồi sống cái không phân biệt, không sanh diệt ấy cho thật nhuần nhuyễn, đó là nhập. Cho tới khi vô sanh pháp nhẫn là không còn có một mảy may cái gì sanh, không có một mảy may cái gì diệt, đó là “sanh diệt đã diệt, tịch diệt hiện tiền”, tức là giải thoát rốt ráo.

Khi ấy vua Ba Tư Nặc đứng dậy bạch Phật: Trước kia con chưa được Phật chỉ dạy, con gặp nhóm Ca Chiên Diên, Tỳ La Chi Tử đều nói thân này sau khi chết sẽ đoạn diệt, tiêu mất, gọi là Niết bàn.

Con nay tuy được gặp Phật nhưng vẫn còn hồ nghi. Làm sao rõ ràng chứng biết chỗ chẳng sanh chẳng diệt nơi tâm này. Nay những hàng hữu lậu trong đại chúng đều mong được nghe điều ấy.

Đây là vấn đề căn bản của mỗi người: chết là hết hay còn, và còn thì còn cái gì. Hiện giờ cái chẳng sanh chẳng diệt có nơi thân tâm này hay không. Nếu không có thì tu làm gì, có ích gì cuộc đời này?

Phật bảo: Đại vương, thân ông hiện đây, nay ta hỏi ông. Thân xác thịt này của ông có giống như kim cương thường trụ bất hoại hay là biến hoại?

Bạch Thế Tôn, thân con hiện giờ rốt cuộc cũng thay đổi và hoại diệt.

Phật bảo: Đại vương, ông chưa từng diệt, làm sao biết là phải bị diệt?

Bạch Thế Tôn, cái thân vô thường biến hoại của con tuy chưa diệt, nhưng con xem hiện giờ niệm niệm dời đổi mãi mãi chẳng ngừng, như lửa đốt thành tro, dần dần tiêu mất. Tiêu mất chẳng dừng nên con biết chắc thân này rồi sẽ diệt mất.

Phật nói: Đại vương, đúng như vậy. Nay ông tuổi đã già yếu, dung mạo so với lúc còn bé thì thế nào?

Bạch Thế Tôn, hồi con còn bé nhỏ, da dẻ mịn màng, đến lúc trưởng thành, khí huyết đầy đủ, nay thì tuổi già, hình sắc già yếu ốm gầy, tinh thần không còn sáng suốt, tóc bạc mặt nhăn, sống chẳng còn lâu, so sánh thế nào được với thời trẻ mạnh?

Phật bảo: Đại vương, thân thể của ông đâu có hư hao ngay?

Vua thưa: Bạch Thế Tôn, sự biến hóa âm thầm dời đổi nên con chẳng hay biết. Lạnh nóng đổi dời lần lần đến ngày nay. Vì sao thế? Con khi hai mươi tuổi tuy còn trẻ nhưng sắc mặt đã già hơn lúc mười tuổi. Khi ba mươi tuổi lại suy sút hơn hồi hai mươi. Đến nay sáu mươi hai, so với lúc năm mươi thì khi ấy còn cường tráng hơn.

Bạch Thế Tôn, con thấy nó âm thầm thay đổi như thế, tuy sự già nua này thay đổi trong mỗi kỳ mười năm. Nếu con suy nghĩ kỹ hơn nữa, chẳng những nó thay đổi trong khoảng một kỳ, hai kỳ mà thật ra thay đổi từng năm. Lại đâu phải mỗi năm mỗi thay đổi mà là mỗi tháng mỗi thay đổi, không những mỗi tháng mỗi thay đổi mà là mỗi ngày mỗi thay đổi. Suy cùng xét kỹ thì nó thay đổi trong từng sát na, trong khoảng mỗi niệm, không thể dừng trụ. Thế nên con biết thân này trọn phải chịu biến đổi và hoại diệt.

Tất cả thế gian là tài liệu, dữ liệu để nghiên cứu tìm ra cái xuất thế gian. Sắc là tài liệu, dữ liệu để nghiên cứu tìm ra tánh Không, bởi vì “sắc tức là Không”.

Một sát na có ít nhất là 60 lần sanh diệt.

Sự biến đổi và hoại diệt của thân được quán sát ở mức độ vi tế là sát na hay niệm, suy cùng xét kỹ sẽ tìm ra cái không biến đổi, không hoại diệt, “giống như kim cương”. Bởi vì mọi sự “thay đổi trong từng sát na”, thì ngay nơi sự thay đổi nhỏ nhiệm ấy phải có cái không gian bất biến cho sự thay đổi. Đó là Pháp thân tánh Không. Đi sâu vào khoảng giữa hai sát na, khoảng giữa hai niệm, đó chính là tánh Không. Rồi khi xét kỹ một đơn vị là sát na hay niệm, phân tích, chia nhỏ ra cho đến tận cùng thì thấy ra bản chất vô tự tánh của nó, bèn thấy ra tánh Không của nó. Cái thấy ấy phải trực tiếp, không qua khái niệm. Đây là cái thấy trực tiếp tánh Không và sanh tử bắt đầu sụp đổ với cái thấy ấy.

Phật bảo: Đại vương, ông thấy sự biến hóa thay đổi không ngừng, nên ngộ biết thân mình hoại diệt. Ngay khi biến diệt ấy, ông có biết trong thân có cái gì không biến diệt chăng?

Vua Ba Tư Nặc chấp tay bạch Phật: Con thật không biết.

Cái đang thấy các sự tướng lay động biến diệt, cái ấy chẳng lay động biến diệt. Cái đang thấy các tướng lăng xăng, cái ấy chẳng lăng xăng. Có cái biến diệt nơi thân thì ngay khi ấy phải có cái không biến diệt như là không gian, môi trường cho sự biến diệt.

Cái ấy đang có tại đây, bây giờ, trùm khắp ba thời quá khứ, hiện tại, tương lai, trùm khắp tất cả mười phương thế giới.

Phật bảo: Nay ta chỉ cho ông tánh không sanh không diệt. Đại vương, lúc ông mấy tuổi thì thấy nước sông Hằng?

Vua thưa: Khi con lên ba, mẹ dẫn con đi lễ thần Kỳ Bà (thần Trường Thọ), có đi qua sông này, khi ấy con biết đó là nước sông Hằng.

Phật bảo: Như lời ông nói, lúc hai mươi tuổi thấy mình già hơn mười tuối, cho đến sáu mươi tuổi, năm tháng ngày giờ, niệm niệm dời đổi. Vậy khi ông ba tuổi, thấy nước sông này, rồi đến khi mười ba tuổi thì thấy nước ấy thế nào?

Vua thưa: Vẫn như khi ba tuổi rõ ràng không khác, và đến nay tuổi đã sáu mươi hai, cũng vẫn không khác.

Phật bảo: Nay ông tự buồn tóc bạc mặt nhăn, mặt ông nhất định phải nhăn hơn hồi trẻ. Vậy cái thấy sông Hằng hiện giờ của ông so với cái thấy sông Hằng của ông lúc nhỏ có già có trẻ gì không?

Vua thưa: Bạch Thế Tôn, không.

Phật bảo: Đại vương, mặt ông tuy nhăn mà tánh của cái thấy (kiến tinh tánh) chưa hề bị nhăn. Cái bị nhăn thì biến đổi, còn cái không bị nhăn thì chẳng biến đổi.

Cái biến đổi thì phải chịu hoại diệt, còn cái không biến đổi kia vốn không có sanh diệt, làm sao trong ấy có sanh tử cho ông thọ nhận, mà ông còn dẫn lời của nhóm Mạt Già Lê nói rằng ‘thân này chết rồi thì diệt mất hẳn’.

Vua nghe lời ấy, tin biết thân này về sau, bỏ đời này thì qua đời khác, nên cùng với đại chúng vui mừng, được sự chưa từng có.

Đây là tiến trình khai thị của Đức Phật. Vua Ba Tư Nặc tư duy, quán tưởng theo tiến trình đó, để cuối cùng “tin biết tánh không sanh diệt”đang ở nơi chính mình, “được sự chưa từng có”.

Tiến trình ấy là phân biệt được cái gì động, cái gì bất động; cái gì biến diệt, cái gì không biến diệt; cái gì có sanh có tử, cái gì không có sanh không có tử. Tiến trình này chỉ chấm dứt khi hành giả rơi vào tánh Không bất động, rơi vào trí vô phân biệt, trí căn bản, trí vô sư, tìm ra sự sống bất tử, mới nhảy nhót vui mừng, từ nay hết chết: “làm sao trong ấy có sanh tử cho ông thọ nhận?”

Quan sát cho kỹ, tất cả đều vô thường, đều đang sanh diệt, vậy thì phải có không gian, môi trường không sanh không diệt cho các thứ sanh diệt ấy. Các thứ sanh diệt ở khắp nơi cho nên không gian không sanh không diệt ấy cũng ở khắp cả.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan