CHÚNG SANH CHỊU TỘI CÓ PHẬT TÁNH CHĂNG - ĐỐN NGỘ NHẬP ĐẠO YẾU MÔN - THIỀN SƯ TUỆ HẢI (ĐẠI CHÂU)

- Nói Phật với Pháp, là Phật có trước hay Pháp có trước ? Nếu Pháp có trước thì Pháp ấy do Phật nào nói? Nếu Phật có trước thì nương giáo pháp nào được thành đạo? - Phật cũng có trước Pháp, cũng có sau Pháp.
CHÚNG SANH CHỊU TỘI CÓ PHẬT TÁNH CHĂNG - ĐỐN NGỘ NHẬP ĐẠO YẾU MÔN - THIỀN SƯ TUỆ HẢI (ĐẠI CHÂU)

ĐỐN NGỘ NHẬP ĐẠO YẾU MÔN - THIỀN SƯ TUỆ HẢI (ĐẠI CHÂU)

Dịch H.T Thích Thanh Từ

---*---

- Nói Phật với Pháp, là Phật có trước hay Pháp có trước ? Nếu Pháp có trước thì Pháp ấy do Phật nào nói? Nếu Phật có trước thì nương giáo pháp nào được thành đạo?

- Phật cũng có trước Pháp, cũng có sau Pháp.

- Nhân đâu nói Phật, Pháp có trước sau ?

- Nếu căn cứ Pháp tịch diệt mà nói thì Pháp trước Phật sau. Nếu căn cứ Pháp văn tự mà nói thì Phật trước Pháp sau. Vì cớ sao ? - Vì tất cả chư Phật đều nhân nơi Pháp tịch diệt mà được thành Phật, tức là Pháp trước Phật sau.

Kinh nói : “Làm thầy chư Phật, ấy là Pháp vậy”. Sau khi thành đạo rồi, Phật mới nói rộng mười hai bộ kinh dẫn dắt giáo hóa chúng sanh, chúng sanh nương nơi pháp Phật giáo hóa tu hành được thành Phật, ấy là Phật trước Pháp sau.

*

- Thế nào là thuyết thông tông chẳng thông ?

- Nói và làm trái nhau, tức là thuyết thông tông chẳng thông.

- Thế nào là tông thông thuyết cũng thông ?

- Nói và làm không sai biệt, tức là thuyết thông tông cũng thông.

- Kinh nói : “Pháp đến chẳng đến, chẳng đến đến” là thế nào ?

- Nói đến mà làm chẳng đến, gọi là đến chẳng đến. Làm đến mà nói chẳng đến, gọi là chẳng đến đến. Làm nói đều đến, gọi là đến đến.

*

- Phật pháp chẳng hết hữu vi, chẳng trụ vô vi. Thế nào là chẳng hết hữu vi ?

Thế nào là chẳng trụ vô vi ?

- Chẳng hết hữu vi là từ mới phát tâm cho đến ở dưới cội Bồ-đề thành Đẳng chánh giác, sau đến Song lâm vào Niết-bàn, trong khoảng giữa đó tất cả pháp đều không bỏ. Ấy là chẳng hết hữu vi.

Chẳng trụ vô vi là tuy tu vô niệm mà chẳng dùng vô niệm làm chỗ chứng.

Tuy tu Không mà chẳng lấy Không làm chỗ chứng. Tuy tu Bồ-đề Niết-bàn vô tướng vô tác, mà chẳng dùng vô tướng vô tác làm chỗ chứng. Ấy là chẳng trụ vô vi.

*

- Có địa ngục hay không có địa ngục ?

- Cũng có cũng không.

- Tại sao cũng có cũng không ?

- Vì tùy tâm tạo tất cả nghiệp ác thì có địa ngục. Nếu tâm không nhiễm, vì tự tánh Không thì không địa ngục.

*

- Chúng sanh chịu tội có Phật tánh chăng ?

- Cũng đồng Phật tánh.

- Đã có Phật tánh thì chính khi vào địa ngục Phật tánh đồng vào chăng ?

- Chẳng đồng vào.

- Vậy chính khi chúng sanh vào địa ngục Phật tánh ở chỗ nào ?

- Cũng đồng vào.

- Đã đồng vào thì khi chúng sanh chịu tội Phật tánh cũng đồng chịu tội chăng ?

- Phật tánh tuy theo chúng sanh đồng vào, mà chúng sanh chịu tội khổ, Phật tánh xưa nay vẫn không chịu.

- Đã đồng vào nhân đâu chẳng chịu ?

- Chúng sanh là có tướng, có tướng thì có thành hoại, Phật tánh là không tướng, không tướng thì tánh Không. Thế nên, tánh chân không không có hoại. Ví như có người chất củi trong hư không, củi lâu ngày bị mục, hư không chẳng mục.

Hư không dụ Phật tánh, củi dụ chúng sanh. Vì thế, nói đồng vào mà không đồng chịu.

Bài viết liên quan