CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH - HƯỚNG DẪN THỰC TẾ VỀ CÁCH SỐNG CHÂN CHÁNH

CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH

HƯỚNG DẪN THỰC TẾ VỀ CÁCH SỐNG CHÂN CHÁNH

Lời Phật Dạy

-----o0o-----

Đức Phật dạy rằng chúng ta nên kính trọng sáu hướng Chân lý rồi sau đó chúng ta phải hành xử khôn ngoan và đức hạnh, do đó sẽ tránh được mọi bất hạnh.
CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH - HƯỚNG DẪN THỰC TẾ VỀ CÁCH SỐNG CHÂN CHÁNH

1. Thật sai lầm khi nghĩ rằng bất hạnh đến từ phương Đông hay từ phương Tây, bắt nguồn từ trong tâm trí của con người. Vì thế, thật điên rồ khi cảnh giác đối với bất hạnh đến từ thế giới bên ngoài nhưng lại không kiểm soát được thế giới nội tâm.

Có thói quen từ ngàn xưa mà người bình thường vẫn còn áp dụng, đó là khi thức dậy vào buổi sáng, trước tiên họ rửa mặt, súc miệng, sau đó họ vái lạy sáu hướng – đông, tây, nam, bắc, trên, dưới – cầu nguyện rằng không có bất hạnh nào đến với mình từ các hướng ấy và để họ có được một ngày sống yên bình.

Nhưng trong lời dạy của Đức Phật có khác. Đức Phật dạy rằng chúng ta nên kính trọng sáu hướng Chân lý rồi sau đó chúng ta phải hành xử khôn ngoan và đức hạnh, do đó sẽ tránh được mọi bất hạnh.

Để bảo vệ các cửa trong sáu hướng này, người ta diệt sự ô uế trong “bốn việc làm”, kiểm soát “bốn ác kiến” và bít “sáu lỗ” làm cho tổn hao tiền của.

“Bốn việc làm” nghĩa là sát sinh, trộm cắp, tà dâm và dối trá.

“Bốn ác kiến” là tham, sân, si và sợ.

“Sáu lỗ” làm cho tổn hao tiền của là: thèm muốn thức uống làm sao cho say và hành xử thật ngu ngốc; Thức khuya và mất trí trong những hành động phù phiếm, đắm mình trong những tiêu khiển âm nhạc và sân khấu, bài bạc; Kết giao với bạn xấu; Và xao lãng nhiệm vụ của mình.

Sau khi diệt được bốn điều ô uế này, tránh bốn tâm trạng không tốt của tâm trí, và bít sáu lỗ bỏ đi này, môn đệ của Đức Phật phải tỏ lòng kính trọng sáu hướng Chân lý.

Vậy sáu hướng Chân lý này là gì? Đó là hướng đông đối với đạo cha con, hướng nam đối với đạo thầy trò, hướng tây đối với đạo vợ chồng, hướng bắc đối với đạo con người và bè bạn, hướng phía dưới đối với đạo chủ tớ và hướng phía trên đối với đạo môn đệ của Đức Phật.

Con phải kính trọng cha mẹ và phải làm tròn bổn phận làm con đối với cha mẹ. Con phải phụng dưỡng cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ làm việc, nuôi dưỡng huyết thống gia đình, bảo vệ tài sản gia đình, và phải cúng giỗ sau khi cha mẹ qua đời.

Cha mẹ có năm bổn phận đối với con cái: - tránh làm điều xấu, làm gương cho con cái bằng việc làm tốt, giáo dục con cái, giúp con yên bề gia thất, và để con cái kế thừa tài sản gia đình vào thời điểm thích hợp. Nếu cha mẹ và con theo những quy tắc này thì gia đình luôn êm ấm.

Trò phải đứng dậy chào khi thầy bước vào lớp, phải chờ thầy, theo lời dạy của thầy, không được chểnh mảng trong việc học tập, kính trọng lắng nghe lời dạy của thầy.

Đồng thời, thầy phải hành động hợp tình hợp lý trước trò, thầy phải làm gương cho trò, thầy phải truyền đạt đúng điều mình đã học cho trò, thầy nên áp dụng phương pháp hiệu quả và cố làm cho trò giỏi giang, thầy không nên quên bảo vệ trò tránh mọi điều xấu trong mọi cách có thể. Nếu thầy trò tuân thủ quy tắc này thì tình thầy trò thật tốt đẹp.

Chồng phải đối xử với vợ bằng sự tôn trọng, thương yêu và chung thủy. Chồng nên chừa phần cai quản gia đình cho vợ. Đồng thời, vợ phải quán xuyến chuyện nhà cửa, quản lý người hầu khôn khéo, giữ đức hạnh của một người vợ hiền. Người vợ không nên lãng phí tiền bạc, và nên quán xuyến gia đình một cách đảm đang. Nếu tuân theo những quy tắc này, thì sẽ giữ được hạnh phúc gia đình và không còn cãi cọ nữa.

Quy tắc tình bạn phải là sự cảm thông lẫn nhau giữa bạn bè, mỗi người cung cấp những gì mà người khác đang cần, và cố gắng giúp đỡ bạn, lúc nào cũng dùng lời lẽ thân thiện và thành thật.

Người ta nên giúp bạn mình tránh xa điều lầm lỗi, nên bảo vệ tài sản, của cải của bạn bè, và giúp đỡ bạn bè khi hoạn nạn.

Chủ trong đối xử với người làm phải theo năm điều sau: chủ phân công việc thích hợp với khả năng của người làm, phải có sự đền bù xứng đáng, chăm sóc khi đau ốm, chia sẻ niềm vui, và cho người làm có thời gian nghỉ ngơi cần thiết.

Môn đệ của Đức Phật phải hiểu rằng nên làm cho gia đình tuân theo lời dạy của Đức Phật. Họ nên ấp ủ lòng kính trọng đối với người thầy phật tử của mình, nên đối xử với thầy bằng sự lễ phép, và làm theo lời hướng dẫn của thầy.

Người thầy thuyết pháp lời dạy của Đức Phật sẽ hiểu đúng lời dạy, không giải thích sai, nhấn mạnh điều thiện, tìm cách dẫn dắt tín đồ đi theo đúng đạo. Khi gia đình theo cách này, lấy lời dạy chân chính làm tâm điểm, sẽ luôn sống trong hạnh phúc.

Người vái lạy sáu hướng không làm như thế để thoát khỏi nghịch cảnh bên ngoài. Anh ta làm như thế để ngăn không cho những điều xấu phát sinh trong tâm trí.

2. Người ta nhận biết mình nên quen ai và không nên quen ai trong số bạn bè.

Người mà người ta không nên quen là những người tham lam, ăn nói đưa đẩy, thích tâng bốc hay hoang phí.

Người nên quen là những người hay giúp người khác, những người sẵn sàng chia sẻ hạnh phúc cũng như đau khổ với người khác, những người đưa ra lời khuyên sáng suốt và có sự cảm thông.

Người bạn đích thực, người bạn nên quen, luôn đi theo chánh đạo, lo lắng cho phúc lợi của bạn bè, an ủi bạn bè khi gặp nghịch cảnh, giúp đỡ bạn bè khi túng thiếu, giữ bí mật của bạn bè và luôn đưa ra lời khuyên sáng suốt.

Thật khó tìm được người bạn như thế. Khi mặt trời sưởi ấm đất có ích, người bạn tốt cũng thế, sẽ chiếu sáng trong xã hội với những việc làm tốt đẹp của anh ta.

3. Đối với con, không thể đền đáp công ơn cha mẹ vì lòng thương bao la của cha mẹ dành cho mình, thậm chí có cõng cha bên vai phải và cõng mẹ trên vai trái suốt hàng trăm năm đi nữa.

Nhưng nếu đưa cha mẹ đến với Đức Phật và giải thích cho cha mẹ nghe lời dạy của Đức Phật, và thuyết phục cha mẹ từ bỏ con đường xấu đi theo chánh đạo, làm cho cha mẹ từ bỏ lòng tham và tham gia cúng dường, người con đã đền đáp rất nhiều đối với công dưỡng dục của cha mẹ.

Phúc lành của Đức Phật luôn ở trong nhà nào có con biết kính trọng cha mẹ.

4. Gia đình là nơi tâm trí tiếp xúc với nhau. Nếu những tâm trí này thương yêu nhau thì gia đình giống như vườn hoa xinh đẹp, nhưng nếu tâm trí luôn bất hòa, gia đình chẳng khác nào bão táp tàn phá khu vườn.

Nếu bất hòa phát sinh trong gia đình, người ta không nên đỗ lỗi cho nhau mà phải tìm hiểu lý do tận tường và đi theo chánh đạo.

5. Khi xưa một người có đức tin sâu sắc. Cha anh ta mất khi anh còn nhỏ, nhưng anh ta sống hạnh phúc với người mẹ, sau đó anh ta lấy vợ.

Lúc đầu, ba người sống với nhau hạnh phúc, do có sự hiểu lầm nhỏ, người vợ và mẹ chồng không thích nhau. Sự việc này ngày càng nhiều cho đến khi người mẹ phải ra sống riêng.

Sau khi mẹ sống riêng, cặp vợ chồng trẻ sinh được một đứa con trai. Người ta đồn rằng chính con dâu bà nói, “mẹ chồng tôi lúc nào cũng quấy rầy tôi, lúc còn sống chung vợ chồng tôi chưa hề hạnh phúc, nhưng ngay sau khi mẹ chồng ra ở riêng, chúng tôi mới có được hạnh phúc này”.

Tiếng đồn khiến bà mẹ chồng tức giận đến mức bà gào lên, “Nếu đuổi mẹ chồng ra khỏi nhà mới có hạnh phúc và mọi thứ mới diễn ra đúng theo dự định. Sự công bằng phải biến mất khỏi thể gian này”.

Sau đó bà mẹ hét to, “Vậy thì chúng ta phải tổ chức đám tang cho sự ‘công bằng’ này. Giống như bà điên, bà mẹ chồng chạy ra nghĩa trang để tổ chức đám tang.

Một vị thần, nghe được câu truyện, hiện ra trước mặt bà mẹ chồng và cố giải thích cho bà ta nhưng chỉ hoài công.

Sau đó thần mới nói và với bà, “Nếu thế, ta phải đốt cháu và con dâu của ngươi cho đến chết. Như thế có làm vừa lòng ngươi không?”

Nghe câu này, bà mẹ chồng mới biết được lỗi của mình, xin tạ lỗi vì sự giận dữ của mình, và cầu xin thần hãy cứu mạng đứa cháu và con dâu. Đồng thời, người vợ trẻ cùng chồng nhận biết được mình đã đối xử bất công với mẹ, nên ra nghĩa trang để tìm. Vị thần hòa giải cho cả ba người, sau đó họ sống chung hạnh phúc.

Sự công bằng không hề bị đánh mất trừ phi người ta từ bỏ bản thân mình. Sự công bằng đôi khi có vẻ biến mất nhưng thật ra nó không hề biến mất. Khi có vẻ như sự công bằng biến mất, là vì nó đang đánh mất sự công bằng trong tâm trí của con người.

Tâm trí bất hòa thường mang theo tai họa. Hiểu lầm vụn vặt tiếp theo sau là đại họa, nên đề phòng chuyện này trong cuộc sống gia đình.

6. Trong cuộc sống gia đình, vấn đề là phải đáp ứng chi phí hàng ngày như thế nào là việc quan trọng. Mọi thành viên trong gia đình phải làm việc chuyên cần giống như loài kiến chăm chỉ và loài ong luôn bận rộn. Không ai ỷ lại vào lao động của người khác, hoặc mong đợi lòng hảo tâm của họ.

Trái lại, người ta không nên nghĩ những gì mình kiếm được đều hoàn toàn thuộc về riêng mình. Một số những gì mình kiếm được phải san sẻ cho người khác, phải để dành một số hộ thân, để riêng một số cho cộng đồng và quốc gia, và một số để cúng dường cho các thầy mộ đạo.

Người ta nên ghi nhớ không gì trên thế gian này có thể gọi là “của tôi”. Những gì đến với con người đến với anh ta chỉ là sự kết hợp nguyên nhân và điều kiện, anh ta chỉ giữ được nó trong nhất thời, vì thế, anh ta không nên sử dụng nó một cách ích kỷ hoặc sử dụng những mục đích không xứng đáng.

Khi Syamavati, hoàng hậu – vợ vua Udayana, tặng cho Ananda 500 bộ quần áo, Ananda tiếp nhận, trong lòng vô cùng mừng rỡ.

Nhà vua, nghe chuyện này, nghi Ananda không thành thật, vì thế nhà vua gặp Ananda để hỏi xem Ananda sẽ làm gì với 500 bộ quần áo này.

Ananda đáp: “Tâu bệ hạ, đa số anh em đều ăn mặc rách rưới, thần sẽ đi phân phát số quần áo này cho anh em”.

“Người làm gì với số quần áo cũ?”

“Chúng thần làm tấm drap trải giường cho anh em”.

“Người làm gì với số drap trải giường cũ?”

“Chúng thần sẽ may áo gối”.

“Ngươi làm gì với số áo gối cũ?”

“Chúng thần sẽ làm tấm lót sàn cho anh em”.

“Ngươi làm gì với tấm lót sàn cũ?”

“Chúng thần sẽ làm tấm lau chân”.

“Ngươi làm gì với tấm lau chân cũ?”

“Chúng thần sẽ làm tấm lau sàn”.

“Ngươi làm gì với tấm lau sàn cũ?’

“Tâu Bệ hạ, chúng thần sẽ xé vụn thành từng mảnh, trộn chung với bùn và dùng bùn làm vữa trát tường ạ.”

Mỗi mặt hàng được giao cho chúng ta phải được sử dụng với sự thận trọng theo cách hữu dụng nhất, vì nó không phải là “của chúng ta” nhưng chỉ được giao cho chúng ta trong nhất thời mà thôi.

-----o0o-----

Trích: “Bukkyõ Dendõ Kyõkai” - (Hội Truyền Bá Phật Giáo)

Nguyễn Văn Lâm Dịch

NXB Tôn Giáo, 2007.

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan