ĐẠI TỪ ĐẠI BI CỦA PHẬT – ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN

Lại nữa, tiểu từ chỉ có tâm nghĩ đến chúng sanh vui mà không có vui thật sự, tiểu bi là thấy chúng sanh bị thân khổ tâm khổ, thương xót mà thôi, chứ không cứu thoát được. Đại từ là nghĩ làm cho chúng sanh được vui và cũng cho vui thật sự. Đại bi là thương xót bị khổ và cùng làm cho thoát khổ thật sự.
ĐẠI TỪ ĐẠI BI CỦA PHẬT – ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN

ĐẠI TỪ ĐẠI BI CỦA PHẬT – ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN

 ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN - BỒ TÁT LONG THỌ

---*---

Đại từ, đại bi đã phân biệt ở trong đoạn nói về bốn tâm vô lượng rồi, nay sẽ nói lược thêm: Đại từ cho vui tất cả chúng sanh, đại bi cứu khổ tất cả chúng sanh; đại từ đem nhân duyên hỷ lạc cho chúng sanh, đại bi đem nhân duyên lìa khổ cho chúng sanh; ví như có người; các con bị lao tù, sắp chịu xử tử, cha nó thương xót, dùng đủ cách khiến cho nó được khỏi, ấy là đại bi. Khi được khỏi khổ rồi, lấy năm điều dục lạc cấp cho nó ấy là đại từ. Như thế là sai biệt từ và bi.

? Hỏi: Đại từ đại bi là như thế, thế nào là tiểu từ tiểu bi? Nhân tiểu ấy mà gọi là đại chăng?

? Đáp: Từ bi thuộc trong bốn vô lượng tâm gọi là tiểu, đại từ đại bi được lần lượt nói trong 18 pháp không chung, gọi là đại.

Lại nữa, từ bi trong tâm Phật gọi là đại, từ bi trong tâm người khác gọi là tiểu.

? Hỏi: Nếu như vậy, cớ sao nói Bồ tát thật hành đại từ đại bi?

? Đáp: Đại từ của Bồ-tát, đối với Phật là tiểu, đối với người Nhị thừa là đại. Ấy là giả danh là đại. Đại từ đại bi của Phật, chơn thật tối đại.

Lại nữa, tiểu từ chỉ có tâm nghĩ đến chúng sanh vui mà không có vui thật sự, tiểu bi là thấy chúng sanh bị thân khổ tâm khổ, thương xót mà thôi, chứ không cứu thoát được. Đại từ là nghĩ làm cho chúng sanh được vui và cũng cho vui thật sự. Đại bi là thương xót bị khổ và cùng làm cho thoát khổ thật sự.

Lại nữa, từ bi của người phàm phu, hàng Thanh văn, Bích-chi-phật, Bồ-tát, gọi là tiểu, từ bi của Phật mới gọi là đại.

Lại nữa, đại từ là từ trong tâm đại nhân sanh ra mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười tám pháp bất cọng, từ trong đại pháp xuất ra, có thể phá đại khổ của ba đường ác, có thể cho ba thứ vui là vui trời, vui người, vui Niết-bàn.

Lại nữa, đại từ trùm khắp chúng sanh mười phương ba đời, cho đến côn trùng, từ thấu xương tủy, tâm không lìa bỏ, chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới, đọa ba đường ác, nếu có người thay thế hết khổ đó, làm cho được thoát rồi lại lấy năm thứ dục lạc, thiền định lạc, thế gian tối thượng lạc, tự do đem cho được đầy đủ tất cả, đem so với từ bi của Phật trong ngàn vạn phần không kịp một, vì cớ sao? Vì cái vui thế gian giả dối không thật, không lìa khỏi sanh tử.

? Hỏi: Pháp ở trong tâm Phật, hết thảy đều đại, cớ sao chỉ nói từ bi là đại?

? Đáp: Các pháp công đức của Phật đều đại.

? Hỏi: Nếu như vậy, sao chỉ nói từ bi là đại?

? Đáp: Từ bi là căn bản của Phật đạo, vì sao? Vì Bồ tát thấy chúng sanh bị sanh, già, bệnh, chết, khổ, thân khổ, tâm khổ, đời này đời sau bị các khổ bức não, sanh tâm đại từ đại bi cứu các khổ như vậy, rồi sau phát tâm cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cũng vì lực đại từ bi ở trong sanh tử trải vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, tâm không chán bỏ. Do lực đại từ bi nên đáng được Niết-bàn từ lâu mà không thủ chứng. Vì vậy nên từ bi trong pháp của chư Phật là đại. Nếu không tâm đại từ đại bi thì đã sớm vào Niết-bàn.

Lại nữa, khi đắc Phật đạo, thành tựu vô lượng thiền định sâu thẳm, các Tam-muội giải thoát, sanh cái vui thanh tịnh, xả bỏ không lảnh thọ; đi vào xóm làng thành ấp dùng các thí dụ nhân duyên để thuyết pháp, biến hiện thân hình, vô lượng âm thanh, nhẫn chịu chúng sanh mắng nhiếc phỉ báng, cho đến tự làm kỹ nhạc, đều là do lực đại từ đại bi.

Lại nữa, đại từ đại bi, tiếng đại ấy chẳng phải tự nói, mà do chúng sanh nói, ví như sư tử lực đại, không tự nói lực đại mà đều do muôn thú xưng gọi, chúng sanh nghe diệu pháp của Phật, biết Phật vì cứu hộ chúng sanh nên trong vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, làm việc khó làm, chúng sanh nghe thấy việc ấy, mà gọi pháp ấy là đại từ đại bi; ví như một người có hai bạn thân, người ấy vì có tội phải bị giam lao tù, một bạn lo cung cấp sự cần dùng, một bạn chịu chết thay. Người bạn chịu chết thay ấy là đại từ bi. Phật cũng như vậy, đời đời vì hết thảy chúng sanh đem đầu mắt tủy não bố thí; đều vì hết thảy chúng sanh, chúng sanh thấy việc ấy, cùng nhau gọi đó là đại từ đại bi. Như vua Thi-tỳ (Sibi) vì cứu chim bồ câu, đem hết thịt trong thân thay thế, vẫn không cân bằng thân bồ câu, lại lấy tay vịn cân muốn đem cả thân thay thế. Bấy giờ đại địa chấn động sáu cách, nước biển nổi sóng, chư thiên đem hương hoa cúng dường vua, chúng sanh xưng tán rằng: Cảm thương một con chim nhỏ đến như vậy; thật là đại từ đại bi. Phật nhân chúng sanh gọi nên nói là đại từ đại bi. Vô lượng chuyện Bổn sanh như vậy, đều có nói rộng ở trong đó.

 

? Hỏi: Các công đức khác như thiền định v.v… vì người ta không biết, nên không xưng là đại, còn trí tuệ hay thuyết pháp v.v… khiến người vào đạo, cớ sao không xưng là đại?

? Đáp: Công năng trí tuệ của Phật không ai biết hết được, còn vì đại từ đại bi, đời đời không tiếc thân mạng bỏ cái vui thiền định để cứu chúng sanh, thì ai nấy đều biết. Đối với trí tuệ Phật chỉ có thể suy loại mà biết, chứ không thể biết rõ ràng, còn tâm từ bi thì mắt thấy, tai nghe, nơi nơi biến hóa, rống lớn tiếng sư tử, cho nên có thể biết được.

Lại nữa, trí tuệ Phật trí diệu, các Bồ tát, Xá-lợi-phất còn không thể biết, huống gì người khác. Tướng từ bi có thể mắt thấy tai nghe, nên người tin thọ được; còn trí tuệ thâm diệu không thể lường biết.

Lại nữa, đại từ đại bi ấy, hết thảy chúng sanh đều ưa thích, thí như thuốc hay người ta ưa uống, còn trí tuệ như uống thuốc đắng, phần nhiều không ai ưa. Người phần nhiều ưa, nên xưng từ bi là đại.

Lại nữa, trí tuệ thì người đắc đạo mới tin thọ được, còn tướng đại từ bi hết thảy loại tạp đều tin được, như thấy hình tượng, hoặc nghe nói, đức tin thọ được, và vì làm lợi ích nhiều nên xưng là đại từ đại bi.

Lại nữa, đại trí tuệ là tướng xả, tướng xa lìa, còn đại từ bi là tướng thương xót chúng sanh. Sự thương xót lợi ích ấy, được hết thảy chúng sanh ưa thích, cho nên gọi là đại. Đại từ đại bi ấy, như trong kinh Trì Tâm nói: Đại từ đại bi có 32 thứ thật hành ở giữa chúng sanh. Tướng nhiếp thuộc và các duyên của đại từ đại bi như đã nói trong đoạn bốn tâm vô lượng ở trước.

Lại nữa, công đức đại từ bi của Phật, không nên phân biệt tìm cầu hết tướng nó như trong pháp của Ca-chiên-diên đã làm. Các luận nghị sư trên đây dùng pháp của Ca-chiên-diên để phân biệt hiển bày, không nên tin hết vào đó, vì cớ sao ? Vì Ca-chiên-diên nói đại từ bi, hết thảy trí tuệ là pháp hữu lậu, pháp hệ thuộc, pháp thế gian. Việc ấy không đúng. Vì đại từ bi là căn bản của hết thảy Phật pháp, cớ sao nói là pháp hữu lậu, pháp hệ thuộc, pháp thế gian?

? Hỏi: Đại từ bi là căn bản Phật pháp, nên là hữu lậu, như trong bùn sanh hoa sen, không được nói bùn cũng đẹp, đại từ bi cũng như vậy, tuy là căn bản Phật pháp, cũng không thể là vô lậu?

? Đáp: Đại từ bi nơi vị Bồ tát khi chưa thành Phật, hoặc nói là hữu lậu, sự sai lầm ấy còn ít, nay Phật đã được trí giải thoát vô ngại, nên hết thảy pháp đều thanh tịnh, tất cả phiền não và tập khí dứt sạch. Thanh văn, Bích-chi-phật không được trí giải thoát vô ngại, phiền não tập khí không hết, nhiều chỗ nghi không dứt, cho nên tâm phải hữu lậu, còn chư Phật thì không có việc ấy, cớ sao nói đại từ đại bi của Phật nên là hữu lậu?

 

? Hỏi: Tôi không dám không kính Phật, lấy tâm từ bi vì chúng sanh nên hiện sanh thì ưng là hữu lậu?

? Đáp: Thế lực chư Phật không thể nghĩ bàn, các Thanh-văn, Bích-chi-phật không thể lìa ý tưởng chúng sanh mà sanh từ bi, còn chư Phật có thể lìa ý tưởng chúng sanh mà sanh từ bi, vì cớ sao? Vì như tướng chúng sanh mười phương là bất khả đắc, mà các A-la-hán, Bích-chi-phật, lại chấp thủ tướng chúng sanh mà sanh từ bi, còn nay chư Phật tìm tướng chúng sanh mười phương là bất khả đắc, cũng không chấp thủ tướng chúng sanh mà vẫn sanh từ bi, như trong kinh Vô Tận Ý nói: Có ba thứ từ bi, là chúng sanh duyên, pháp duyên, vô duyên.

Lại nữa, đối với hết thảy chúng sanh chỉ có Phật tận cùng hành pháp không dối. Nếu Phật đối với chúng sanh chấp thủ tướng mà hành từ bi tâm, thời không gọi là hành pháp không dối, vì sao? Vì chúng sanh rốt ráo là bất khả đắc, Thanh văn, Bích-chi-phật không gọi là tận hành pháp không dối, cho nên Thanh văn, Bích-chi-phật đối với chúng sanh, với pháp, hoặc chấp thủ tướng, hoặc không chấp thủ tướng, không nên nạn vấn, vì không tận hành pháp không dối. Nhất thiết trí dứt hết thảy các lậu, có thể từ pháp hữu lậu mà đi ra, có thể làm nhân duyên cho vô lậu, pháp ấy sao tự là hữu lậu được!

? Hỏi: Trí vô lậu mỗi mỗi có sở duyên, không thể duyên hết thảy pháp, chỉ có trí thế tục mới có thể duyên hết thảy pháp, vì vậy nên nói Nhất thiết trí là hữu lậu?

? Đáp: Trong giáo pháp ông có thuyết ấy. Chẳng phải trong Phật pháp nói; như người cầm cân đi vào chợ, không đứng với cân của quan, không ai dùng đến, ông cũng như vậy tự dùng pháp của mình không đúng với Phật pháp, không ai dùng đến. Trí tuệ vô lậu cớ sao nói không thể duyên hết thảy pháp trí hữu lậu là giả danh hư dối, thế lực ít ỏi, không thể chơn thật duyên hết thảy pháp, mà trong giáo pháp ông tự nói trí ấy duyên được hết thảy pháp!

Lại nữa, trong pháp Thanh-văn có mười trí, trong pháp Đại thừa có mười một trí, gọi là như thật trí (trí thứ mười một). Mười trí ấy vào trong như thật trí này, đều thành một trí, đó là trí vô lậu; như nước mười phương chảy vào trong biển lớn, đều thành một vị. Đại từ đại bi ấy nhiếp vào Tam-muội vương Tam-muội, sư tử du hý Tam-muội của Phật.

Như vậy, đã lược nói nghĩa của đại từ đại bi.

---*---

Trích: Luận Đại Trí Độ – Chương 39: Giải thích Đại từ bi, hãy tập hành Bát-nhã ba-la-mật; Dịch Phạn ra Hán: Cưu Ma La Thập; Dịch Hán ra Việt: HT. Thích Thiện Siêu; Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam; 1997

 

Bài viết liên quan