DI SẢN LỊCH SỬ - TAITETSU UNNO - SÔNG LỬA, SÔNG NƯỚC

Trường phái mới nổi trội nhiều mặt so với những truyền thống có trước nó, đặc biệt trong cách hòa nhập với cuộc đời bình thường, thường ngày. Phật giáo Chân tông không phân biệt gay gắt giữa tăng lữ và người thường trong khả năng đạt được giác ngộ. Mọi người, bất kể sự khác biệt tuổi tác, giai cấp, phái tính, nghề nghiệp hay tội lỗi đều có thể đạt được Phật quả do...
DI SẢN LỊCH SỬ - TAITETSU UNNO - SÔNG LỬA, SÔNG NƯỚC

DI SẢN LỊCH SỬ

TAITETSU UNNO - SÔNG LỬA, SÔNG NƯỚC

“Một giới thiệu vào Truyền thống Tịnh Độ của Phật giáo Chân Tông Nhật Bản”

---o0o---

 

Khởi nguyên của truyền thống Tịnh Độ có từ thời xuất hiện của Phật giáo Đại thừa vào thế kỷ thứ nhất Công nguyên, khoảng năm thế kỷ sau sự thành lập Phật giáo của đức Phật lịch sử ở Ấn Độ. Con đường Tịnh Độ đặt giáo lý của mình trên ba bộ kinh Đại thừa : Đại Kinh Tịnh Độ, Tiểu Kinh Tịnh Độ và Kinh Quán A Di Đà Phật. Ngày nay được biết với tên là Ba Bộ Kinh, chúng phát nguyên từ Ấn Độ và Trung Á và đến Nhật vào thế kỷ thứ sáu ngay sau khi Phật giáo đi vào đảo quốc này. Nhưng trong thời kỳ sơ khởi ấy ít có ai chú ý đến những bản văn này. Thậm chí những vị tăng học giả lỗi lạc nhất cũng xem chúng là thứ yếu.

Một sự làm quen với những kinh chính yếu này giúp chúng ta cảm nhận một số mặt độc đáo của Phật giáo Tịnh Độ. Đại Kinh, cũng được biết là Kinh Vô Lượng Thọ, là một thuyết giảng của đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở núi Linh Thứu thành Vương Xá, Ấn Độ. Ngài kể lại câu chuyện của Dharmakara (Pháp Tạng) phát bốn mươi tám lời nguyện cứu độ tất cả chúng sanh, cuối cùng thành tựu những lời nguyện đó và đạt đến giác ngộ tối thượng để thành Phật A Di Đà – Phật của Ánh Sáng Vô Lượng và Đời Sống Vô Lượng. Đây là một câu chuyện không chỉ là một câu chuyện mà là sự đột khởi của thực tại nền tảng trong đời sống một con người.

Tiểu Kinh là một bản văn ngắn hơn nhiều miêu tả vẻ đẹp vô ngần của Tịnh Độ bằng hình tượng diệu kỳ, biểu trưng của trạng thái giác ngộ tối thượng. Kinh Quán A Di Đà phác họa mười sáu cách thực hành thiền định dẫn đến giải thoát và tự do.

Phật giáo ở Nhật lớn lên nhanh chóng trong thế kỷ thứ sáu dưới sự trị vì của vương triều và quý tộc. Nó được chào đón như là cái chuyên chở cho nền văn minh đại lục, truyền cảm hứng cho nghệ thuật và kiến trúc, hội họa và điêu khắc, thơ và văn xuôi. Nó cũng làm phong phú đời sống dân chúng bằng cách cải thiện phẩm chất đời sống – xây dựng bệnh viện, cô nhi viện, nhà tắm công cộng – và thúc đẩy học vấn – nông nghiệp, xây cầu, nghề trồng dâu nuôi tằm, y học và thiên văn học. Những học phái lớn của Đại Thừa Tam Luận tông, Hoa Nghiêm tông và những tông khác, phát nguyên từ Ấn hay Hoa được thiết lập vững chắc trong thời Nara (710-794) ; Thiên Thai tông và Chân Ngôn tông nở rộ trong giới quý tộc trí thức ở thời Heian (794-1185). Trong thời gian này, những giáo lý và thực hành Tịnh Độ dần dần được biết đến giữa những cá nhân tu sĩ và lan ra trong dân chúng.

Tuy nhiên sức mạnh và ảnh hưởng của Phật giáo của giai cấp thượng lưu dần dần suy do những biến đổi lịch sử không thể tránh vào thế kỷ mười một và mười hai. Vì trật tự xã hội đã thiết lập bị tan vỡ, Tịnh Độ lan truyền trong mọi giai cấp, đặc biệt được hoan nghênh trong giới bị trục xuất khỏi con đường tu viện. Bổn Nguyện Nguyên Sơ của A Di Đà, Phật của Ánh Sáng và Đời Sống Vô Lượng, giờ đây xuất hiện như lực lượng chính yếu trên sân khấu lịch sử.

Năm 1175 sư Pháp Nhiên của Thiên Thai tông từ bỏ núi Tỷ Duệ, trung tâm của tông này, tuyên bố thành lập một tông Tịnh Độ độc lập. Những thực hành Tịnh Độ thường được theo đuổi trong các tông đã có, nhưng nó luôn luôn được gắn với những cách thức tu hành truyền thống. Chẳng hạn sự quán tưởng về những đức hạnh của A Di Đà và Tịnh Độ đã được thực hành trong những nhóm nhỏ của giai cấp cao, nhưng nó chưa bao giờ là một con đường riêng biệt tự thân. Với sự thành lập một tông Tịnh Độ độc lập, Pháp Nhiên khước từ cách tiếp cận thiền quán và ủng hộ sự thực hành niệm Phật đơn giản, “Nam mô A Di Đà Phật”. Sự thực hành đơn giản này là việc làm do chính đức Phật chọn lựa cho tất cả mọi người trong thời mạt pháp. Thời mạt pháp đã đến, rõ ràng với những trận động đất, bão lụt, nạn đói, bệnh dịch, nội chiến và hỏa hoạn nhận chìm thủ đô và nông thôn. Vì thế giới không ngừng trở nên bất an và hỗn loạn ; Phật giáo truyền thống được hỗ trợ bởi các giai cấp đặc quyền càng lúc càng không thích hợp với thời đại, và đòi hỏi bức thiết phải có một phong trào tôn giáo mới thỏa mãn được nhu cầu tâm linh của thời đại trở nên bức bách.

Sự trống rỗng được lấp đầy bởi giáo lý Tịnh Độ mới thiết lập là niệm Phật. Nó đáp ứng cho sự đói khát tâm linh của dân chúng và hấp dẫn quần chúng đi theo. Đối với những người đã bị trục xuất khỏi con đường Phật giáo, nó là ơn cứu độ. Những người ở “ngoài vòng” là những người đánh cá và thợ săn sống bằng sự phạm giới “bất hại”, những nông dân được xem là “thấp kém”, ngu dốt và “xấu xa”, phụ nữ trong mọi giai cấp với những phiền não nhiễm ô của họ, và những tăng ni đã phạm giới của đời sống tu viện.

Trong những đệ tử của Pháp Nhiên có Thân Loan (1173-1263), một nhà sư tương đối vô danh, đã bỏ tu viện ở núi Thiên Thai ở núi Tỷ Duệ và trở thành đệ tử sùng tín của ngài vào năm 1201. Không lâu sau đó, vào năm 1207, bị tố cáo đã gây nên những xáo trộn xã hội vì truyền dạy con đường Tịnh Độ, Pháp Nhiên và các đệ tử, gồm cả Thân Loan, bị kết án và đi lưu đày ở những tỉnh hẻo lánh. Phong trào Tịnh Độ dân dã đã tạo ra một sự ly giáo trong xã hội, và những giai cấp thấp, cháy bỏng với sự nồng nhiệt tôn giáo, lên án và báng bổ những đức Phật khác với A Di Đà và những thần linh địa phương. Pháp Nhiên khiển trách những tín đồ về những quá khích này, tuy nhiên ngài nhận trách nhiệm về mình.

Pháp Nhiên tịch năm 1212, ít lâu sau sự ân xá cho ngài ở Kyoto, nhưng Thân Loan vẫn ở các tỉnh xa để truyền bá niệm Phật. Sau vài thập niên, cuối cùng ngài về Kyoto và mất ở đó năm 1263. Từ đó, các vị kế thừa và các tín đồ lập ra một phái riêng rẽ gọi là Tịnh Độ Chân tông và xem ngài là người sáng lập. Chính ngài không có ý định như vậy, vì mục đích của ngài chỉ là diễn bày “giáo lý chân thật (Chân tông, Shinshu) về Tịnh Độ (Jodo)” như thầy mình là Pháp Nhiên đã dạy. Tịnh Độ Chân tông cũng được biết là Phật giáo Chân tông, và đôi khi nó được dùng đồng nghĩa với Phật giáo Tịnh Độ. Sự đồng hóa này là hiểu lầm bởi vì có những hình thức khác của những giáo lý Tịnh Độ ngoài Phật giáo Chân tông ở Nhật, Đại Hàn, Trung Hoa và Việt Nam.

Thân Loan đặt nền giáo lý trên ba bản văn Tịnh Độ và tuyên bố một dòng truyền lấy cảm hứng từ Bổn Nguyện của Phật A Di Đà và đầu tiên được Phật Thích Ca nói ra trong Kinh Vô Lượng Thọ. Dòng Tịnh Độ Nhật Bản được truyền thừa qua lịch sử từ Ấn Độ đến Trung Hoa bởi bảy đạo sư : Nagarjuna (Long Thọ, 150-250) và Vasubandhu (Thế Thân, thế kỷ thứ năm) của Ấn Độ ; Đàm Loan (476-542), Đạo Xước (562-645) và Thiện Đạo (613-687) của Trung Hoa ; Nguyên Tín (942-1017) và Pháp Nhiên (1133-1212) của Nhật.

Trường phái mới nổi trội nhiều mặt so với những truyền thống có trước nó, đặc biệt trong cách hòa nhập với cuộc đời bình thường, thường ngày. Phật giáo Chân tông không phân biệt gay gắt giữa tăng lữ và người thường trong khả năng đạt được giác ngộ. Mọi người, bất kể sự khác biệt tuổi tác, giai cấp, phái tính, nghề nghiệp hay tội lỗi đều có thể đạt được Phật quả do sự vận hành của đại bi. Từ đó, tự nhiên là con đường đạo này hài hòa với đời sống gia đình. Do vậy hôn nhân được chấp nhận, và sự độc thân đã thành truyền thống của đời sống tu viện được lật lại, bắt đầu với chính Thân Loan, khi ngài lập gia đình và công khai từ chối lý tưởng độc thân của truyền thống tu viện. Đạo tràng cho sự thực hành Phật giáo là cuộc đời thường nhật, thế tục chứ không phải một chốn ẩn cư rào kín hay một không gian ưu đãi nào. Việc Pháp Nhiên và Thân Loan khám phá ra đường lối đem chân lý Phật giáo sống động vào giữa đời sống gia đình quả là một thiên tài. Những lời nói của Thân Loan :

Mọi người – đàn ông, đàn bà, địa vị cao hay thấp –
Không hạn chế gì trong việc xướng lên danh hiệu
A Di Đà
Khi đi, đứng, ngồi, hay nằm,
Cũng không thời gian, nơi chốn hay điều kiện.

 

SẮC VÀNG

Dù Phật giáo Chân tông sáng tác ra một hình thức thực hành mới từ căn bản, mục tiêu của nó là một và như nhau với mục tiêu của Đại Thừa. Mục tiêu là đánh thức chân tánh như là một biểu lộ của pháp hay “thực tại như nó là”. Điều này có nghĩa là gì đã được minh họa bởi vài ẩn dụ phổ thông trong truyền thống Tịnh Độ.

Trước tiên là ẩn dụ sắc vàng. Qua nhiều thời đại, kim loại này được xem là sở hữu quý nhất. Nó cũng được liên kết với những sự vật có một bản chất tâm linh, và mỗi tôn giáo tìm thấy nơi nó một biểu tượng phong phú. Vàng trang sức cho hộp đựng Mười Điều Răn ; vàng được các tín đồ Thiên Chúa giáo nhớ đến như là món quà quý giá của Magi cho Jesus mới sanh ; người dâng cúng vàng trong Rig-Veda được nhận lại một đời sống ánh sáng và vinh quang ; và Thiên đường thứ năm của Hồi giáo làm bằng vàng. Tóm lại, vàng là biểu tượng phổ quát của cái gì quý nhất.

Trong Phật giáo màu sắc của vàng cũng quý không kém, tượng trưng cho sự thức tỉnh tối thượng hay giác ngộ. Lời nguyện thứ ba trong bốn mươi tám lời nguyện của Phật A Di Đà trong Đại Kinh nói rằng :

Nguyện tôi không đạt giác ngộ nếu một khi tôi viên thành Phật quả, bất kỳ ai, người và trời, trong cõi của tôi không có sắc vàng ròng.

Trong cõi của những người giác ngộ, tức là Tịnh Độ, mỗi người đều có màu sắc vàng ; nghĩa là, mọi người không trừ ai đều đạt đến sự thức tỉnh tối thượng. Sự phân biệt đặt trên màu sắc, giới tính, tuổi tác, giai cấp xã hội, khả năng trí thức v.v... đều vô nghĩa và không có căn cứ. Mỗi người được xác nhận trở thành như anh ta hoặc cô ta thực sự vốn là, trọn thành tiềm năng bẩm sinh ẩn dấu bên trong. Tất cả mọi chúng sanh được bảo đảm về Phật quả qua sự vận hành của pháp, pháp ấy tự hiện thành trong một con người.

Pháp có vài hàm ý trong những tôn giáo Nam Á, nhưng trong Phật giáo có hai nghĩa căn bản, tương liên : pháp là “giáo lý” như trong thành ngữ Phật pháp, và pháp là “thực tại như nó là” (adhigama-dharma). Giáo lý là sự diễn tả thành lời của thực tại như nó là, nó gồm hai phương diện – chủ thể thực hiện và đối tượng được thực hiện. Chúng cùng tạo thành “thực tại vốn là” ; nếu mặt nào thiếu, đó không phải là “thực tại vốn là”. Nghĩa này của pháp hay thực tại vốn là cũng được gọi là tánh như (tathata) hay tánh như thị (tattva) trong Phật giáo.

Ẩn dụ thứ hai là hoa sen. Hoa sen nói lên nghĩa đặc biệt của tánh như hay tánh như thị. Hoa sen là một biểu tượng tôn giáo quan trọng trong thế giới châu Á từ hơn năm ngàn năm với nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong truyền thống Tịnh Độ nó biểu trưng tính độc nhất của mỗi nhân cách, hay mỗi thực tại như nó là, phân biệt với tất cả các cái khác bằng tính độc nhất của riêng nó. Khi giác ngộ tối thượng được tượng trưng bởi vàng nhấn mạnh đến sự không phân biệt, thì tánh như hay tánh như thị xác nhận tính độc nhất của mỗi phần tử cụ thể. Điều này căn bản đối với sự hiểu của Phật giáo về “bình đẳng” (samata), nó không phải là một tánh như nhau không phân biệt mà là sự xác định tánh như của phần tử cụ thể – mỗi cái hoa là như vậy, mỗi cái lá là như vậy, mỗi con bướm là như vậy, mỗi con người là như vậy...

Sự đa thù này là căn bản đối với thế giới quan Đại thừa về tính tương hệ và tương thuộc của đời sống. Sự rực rỡ nhiều màu sắc này được diễn tả một cách thi ca trong Tiểu Kinh :

Trên mặt nước ao hồ
Có những hoa sen lớn như những bánh xe.
Những hoa màu xanh, óng ánh xanh ;
Màu vàng, óng ánh vàng ;
Màu đỏ, óng ánh đỏ ;
Màu trắng, óng ánh trắng ;
Chúng thanh nhã và ngát hương.

Những màu sắc muôn vẻ của cành hoa sen, mỗi hoa chiếu rọi sự rực rỡ của nó, tạo thành sự vinh quang của cõi giác ngộ. Đây là cõi Tịnh Độ, thế giới của giác ngộ. Nhưng thế giới này không phải là một cái gì được đem tới cho ; nó phải được thực hiện trải qua một chuyển hóa nền tảng.

Sự chuyển hóa này được chỉ dẫn trong ẩn dụ thứ ba về gạch vụn được chuyển hóa, căn cứ trên câu kinh điển : “Chúng ta như những thứ gạch ngói vụn được chuyển hóa thành vàng.” Bao gồm khắp và không loại trừ, con đường này chấp nhận mọi người, thậm chí người thấp thỏi nhất được xem không khác “những thứ gạch ngói vụn” trong con mắt của xã hội. Nhưng bất kể người nào hay là ai, mọi người được chuyển hóa qua thần lực đại bi để đích thực trở thành một người thức tỉnh. “Những thứ gạch ngói vụn” là sự thấu biết của những người buộc phải thấy sự hữu hạn, bất toàn và phải chết nằm trong căn bản của mình, do được soi sáng bởi Ánh Sáng Vô Lượng và Đời Sống Vô Lượng tức là A Di Đà. Sự thấu biết này có vẻ không quá gây phấn khích, nhưng xác định sự thực căn bản của mình là tác nhân quyết định trong tiến trình chuyển hóa. Tạo ra một sự chuyển hóa như vậy là ý định duy nhất của Bổn Nguyện Nguyên Sơ của A Di Đà, sự vận hành của đại bi suốt qua vũ trụ.

Ẩn dụ này về một chuyển biến có tính “luyện kim” đặt nền trên giáo lý Đại thừa về tính bất nhị của sanh tử và Niết bàn, mê lầm và giác ngộ, gạch vụn và vàng ròng. Đấy không phải là một đồng nhất đơn giản, vì nó bao gồm một căng thẳng biện chứng giữa hai cực, giữa những chúng sanh hữu hạn và nghiệp báo với đại bi vô biên. Hai cái cách lìa nhau, nhưng chúng là một ; chúng là một, nhưng luôn luôn cách lìa. Điều này đòi hỏi vài sự giải thích, nhưng trước đó chúng ta hãy đặt truyền thống Tịnh Độ trong bối cảnh Phật giáo, liên hệ đến các tông phái khác.

 

TINH THẦN THUNG LŨNG

Lý tưởng của Phật giáo tu viện là sự siêu vượt khỏi hiện hữu thế gian, như thể người ta leo lên đỉnh núi. Ngược lại, thực tiễn của Phật giáo Tịnh Độ là đi xuống trong thung lũng, bóng của ngọn núi. Chúng ta tìm thấy một đối nghịch tương tự trong văn minh Trung Hoa. Như Phật giáo tu viện, lý tưởng Khổng giáo có thể tượng hình bằng những đỉnh núi vươn cao, biểu hiện những thành tựu cao nhất của giới trí thức. Và giống như Tịnh Độ, Lão giáo được tìm thấy trong thung lũng và vùng đất thấp, một nơi trú ẩn cho những người không thích hợp với xã hội quy ước vì lý do nào đó. Nhưng chính trong thung lũng này mà đời sống và sự sáng tạo nở hoa. Đạo Đức kinh nói :

Tinh thần Thung Lũng không bao giờ chết.
Gọi là Mẹ nhiệm Mầu.
Cửa của Mẹ Nhiệm Mầu
Là gốc từ đó Trời và Đất xuất sinh.
Nó ở đó trong chúng ta mọi lúc
Dùng nó như bạn muốn, nó không hề khô kiệt.

Trong thung lũng, sự trù phú được nuôi dưỡng và sáng tạo năng động được sanh ra. Từ chiều sâu của nó năng lực đời sống tạo ra Trời và Đất. Được bất tử hóa như Tinh Thần Thung Lũng và đồng nhất với nguyên lý âm, sinh khí sáng tạo của nó không bao giờ cạn kiệt. Từ đó mà có tên của văn bản Lão giáo này, Đạo (con đường) và Đức (Năng Lực của Đạo). Thung lũng cuối cùng là nơi an nghỉ cho mọi sự bị trôi từ đỉnh núi, thu gom mọi loại bị từ chối và rác rưởi của xã hội và chào đón cái không cần đến, cái thừa, cái gây thất vọng, cái tan nát.

Ở Nhật, truyền thống tu viện Phật giáo – dù Thiên Thai, Chân Ngôn hay Thiền – đều nhắm đến sự “siêu vượt lên” khỏi những đam mê trần thế. Những nguyên tắc căn bản của nó cốt ở từ bỏ mọi ràng buộc gia đình, giữ sự độc thân, làm chủ những kỷ luật gắt gao, tránh tiếp xúc với người khác phái và dấn thân vào những lễ nghi tỉ mỉ. Ngược lại, Tịnh Độ là sự “siêu vượt xuống” vào thế giới đối nghịch, sự tự thức tỉnh với sự chìm ngập trong bùn lầy của giận dữ, ghen ghét, không an toàn, sợ hãi, nghiện ngập, kiêu căng, đạo đức giả. Thật tự nhiên khi giáo lý Tịnh Độ được chào đón một cách thật đặc biệt bởi những người của các tầng lớp thấp, bị xem là vô phương cứu chuộc trong con mắt của giới được đặc ân. Nhưng trong những mảnh vỡ vô giá trị và bị thải bỏ này, một tính tâm linh phong phú được nuôi dưỡng, cung cấp nghị lực vô tận và sinh khí vô biên cho một con người.

Phật giáo Chân tông làm sống lại những người sống trong thung lũng và trong bóng núi. Nó thách thức người ta khám phá ý nghĩa tối hậu của cuộc đời trong vực thẳm của bóng tối vô minh. Khi chúng ta đáp ứng đầy đủ cho thách thức, giáo lý Chân tông giúp chúng ta vượt qua mê cung của cuộc đời sanh tử. Sự kỳ diệu của giáo lý này là giải thoát có thể dành cho chúng ta không phải bởi vì chúng ta thông thái mà bởi vì chúng ta ngu dốt, hạn hẹp, bất toàn và hữu hạn. Trong ngôn ngữ của Tịnh Độ, chúng ta là những chúng sanh ngu ngốc được chuyển hóa thành rất ngược lại bởi năng lực của đại bi.

Pháp Nhiên tóm kết những con đường khác nhau của Phật giáo trong phát biểu của mình : “Trong Con Đường của những vị Thông Tuệ người ta hoàn thiện trí huệ và thành tựu giác ngộ ; trong Con Đường Tịnh Độ người ta trở lại chính sự ngu dốt để được cứu độ bởi A Di Đà.” Sơ khởi, sự thức tỉnh tôn giáo không tùy thuộc vào việc chúng ta là gì hay chúng ta làm gì, mà nó trở nên tương hợp với sự vận hành của đại bi ở trong lòng hiện hữu. Sự tương hợp này được thực hiện nhờ cái lắng nghe sâu xa được tiếng gọi từ sâu thẳm. Chúng ta không bị đòi hỏi gì cả ngoại trừ việc đi vào sự lắng nghe sâu xa. Bởi vì đây là đòi hỏi độc nhất – không giới luật, không thực hành thiền định, không hiểu biết giáo lý, nó được biết như là “con đường dễ”.

Tuy nhiên, con đường dễ chỉ diễn tả sự đơn giản của con đường, chứ không phải cấp độ khó khăn khi thực hiện của nó, vì con đường dễ không “dễ” chút nào. Lắng nghe sâu xa là một thách thức thật sự và có thể là một cuộc chiến đấu dữ dội, nhất là đối với người kiêu hãnh, bởi vì sự kêu gọi phải trở nên hiện thân trong một con người. Hiện thân có nghĩa là sống sự niệm Phật từ đó tuôn chảy một cách tự nhiên lời niệm Nam mô A Di Đà Phật. Tiến trình hiện thực như vậy có thể không quá đơn giản, như chúng ta nhớ lại trong Tịnh Độ có nói : “Dù con đường thì dễ, ít người chịu dùng nó.” Những trở ngại gặp phải thì khác với những trở ngại khi tuân thủ những kỷ luật tu viện trên con đường của những bậc Thông Tuệ bởi vì người ta phải tranh đấu với chính mình giữa mọi loại cạm bẫy trong xã hội. Như James Hallman chỉ ra, “Con đường đi qua thế giới thì khó tìm thấy hơn con đường vượt qua thế giới.”

Phật giáo Tịnh Độ có thể gợi lên một định hướng về một thế giới khác, nhưng tiêu đích chủ yếu của nó đặt vào cái tại đây và bây giờ. Không phải là cái tại đây và bây giờ do kiểm soát tự ngã mà nắm được, mà cái tại đây và bây giờ thân thiết như một quà tặng của chính đời sống để sống đầy sáng tạo và tạ ơn, ban cho chúng ta bởi lòng bi vô hạn. Tính hào phóng của đại bi làm cho sự giải thoát của chúng ta khỏi cái cũi sắt do chúng ta tự tạo trở nên có thể.

 

LÀM RA PHÂN VƯỜN NHÀ

Như một phần trong nỗ lực làm cho người ta ý thức về môi trường hơn, thị xã Northampton của tôi, bang Massachusetts, đã khuyến khích mọi người dân lấy rác làm phân trong vườn. Rốt cuộc, mỗi chút gì cũng góp phần giải quyết những vấn nạn môi sinh : rác choán mất đất, nhiễm chất hóa học, phá rừng, đất bị xói mòn và tầng ô-zôn biến mất. Mỗi gia đình được giao cho những cẩm nang làm ra với những chỉ dẫn chi tiết dùng các vật thải bỏ. Như vậy không chỉ làm giảm khối lượng rác mà còn làm đất mầu mỡ hơn. Khi tôi đọc cuốn cẩm nang, tôi nhớ một bài thơ Chân tông của Chisho Yanagida :

Khi đất đai nhận những chất thải bỏ
Chất thải bỏ biến thành đất
Không cần thiết phải biến đổi thành đất
Để trở thành phần của đất.
Đất đai nhận bất cứ cái gì cho nó
Không có yêu cầu, đòi hỏi nào.

Nam mô A Di Đà Phật nhận lấy
Một người như chính nó.
Khi niệm Phật nhận lấy một người,
Bất kể là ai hay là gì,
Người ấy được chuyển hóa thành niệm Phật,
Tôn vinh và ban phước cuộc đời.

Niệm Phật nhận tôi như tôi là,
Bất toàn và khiếm khuyết,
Với những lo âu và vấn nạn,
Và chuyển hóa mọi sự
Thành những nội dung của đức hạnh cao nhất.

Sự kỳ diệu của con đường niệm Phật là nó không đòi hỏi một người phải trở nên thông thái hơn, tốt hơn hay hoàn hảo hơn. Nhưng nó đòi hỏi chúng ta chính thức trở thành thật sự như những con người bằng cách thức giấc với lòng bi vô biên đang hộ trì chúng ta. Khi làm thế chúng ta nhận ra những giới hạn và bất toàn của chúng ta như là những chúng sanh mang nghiệp và cuối cùng những cái ấy được chuyển hóa thành những nội dung của đức hạnh cao nhất. Khi “những thứ gạch vụn được chuyển hóa thành vàng”, sự tràn đầy phong phú của Phật pháp được biểu lộ trong đời sống của một con người.

Vài năm trước, vợ tôi và tôi sống trong một căn nhà ở Los Angeles với đứa con hai tuổi. Một hôm, tôi hỏi nó khi lớn lên muốn trở thành cái gì. Đấy có vẻ là một câu hỏi lừa gạt đối với một đứa bé hai tuổi, nhưng nó tức thì la lên, “Người đổ rác !” Vâng, tôi không nhất thiết hy vọng nó nói, “Học giả Phật giáo !” nhưng sự lựa chọn nghề nghiệp của nó khá gây ngạc nhiên. Tuy nhiên tôi nhớ đến sự say mê của nó với chiếc xe tải vệ sinh trắng bóng đến nhà chúng tôi mỗi sáng thứ ba lấy thùng đựng rác. Khi phần sau của chiếc xe tải khổng lồ rầm rầm mở ra, nó nuốt mọi thứ rác công nhân vệ sinh ném vào. Tôi nghĩ thằng bé ngạc nhiên biết bao – giống như một con quái vật nuốt đồ ăn. Bấy giờ tôi nói, “OK, nhưng trở thành người Phật giáo sưu tập rác tốt nhất thế giới !”

Cho đến lúc đó tôi đã không ngừng nhìn xem những chiếc xe hốt rác và những công nhân vệ sinh, nhưng do luôn luôn tìm một ẩn dụ lớn, tôi bắt đầu suy nghĩ những ám chỉ siêu hình của việc ấy. Bởi vì rác chúng ta mang theo chung quanh chúng ta – sự vô minh, những lỗi lầm, những nghiện ngập, những tự phụ và những bệnh loạn thần – tất cả đều được nhận lấy không một lời hỏi han, A Di Đà giống như một người sưu tập rác sẵn sàng nhận những thứ bị khước từ và đổ vào bãi rác Tịnh Độ (được tạo ra một cách thích hợp bởi một người bạn láu lĩnh). Bởi vì mọi thứ đều được biến thành phân vi sinh trong cánh tay bi mẫn của A Di Đà, bãi rác tự chuyển hóa thành chất dinh dưỡng có thể giúp cho một đời sống phong phú và mầu mỡ.

Một bài thơ của Tz’u-min, một vị tổ Tịnh Độ Trung Hoa thế kỷ thứ tám, tóm kết công việc vận hành của lòng bi chân thật :

Đức Phật ấy, trong giai đoạn Bồ tát, đã phát lời nguyện toàn vũ trụ :
Khi chúng sanh nghe đến Danh Hiệu tôi và nghĩ đến tôi, tôi sẽ đến rước họ.
Không phân biệt gì giữa người nghèo, người giàu và người sang quý,
Không phân biệt gì giữa người hạ lưu và người thượng lưu ;
Không chọn lựa người học nhiều và người giữ giới,
Không từ chối người phạm giới và người nghiệp nặng.
Chỉ cần chúng sanh quay lại và niệm nhiều Danh hiệu,
Tôi có thể làm gạch vụn biến thành vàng.

Như đã bàn ở chương trước, “gạch vụn” là ẩn dụ cho những người bất toàn, không giác ngộ, họ là mối quan tâm chính yếu của đại bi. Rộng ra, nó ám chỉ đến những khó khăn, xung đột và thất vọng trong đời chúng ta. Mọi thứ tiêu cực được biến thành vàng. Hành giả niệm Phật Ichitaro kinh nghiệm một sự chuyển hóa như vậy bất cứ lúc nào ông gặp những vấn nạn trong cuộc đời. Một lần ông nói : “Bạn đừng trốn chạy khỏi những rắc rối của bạn và thế là bạn tìm thấy hạnh phúc. Hơn nữa, bạn đừng nghĩ đến những rắc rối như là những rắc rối nữa. Và những rắc rối tự chúng biến thành hạnh phúc, nam mô A Di Đà Phật.”

Một số vấn đề khó khăn trong đời sống không có những giải đáp hợp lý, nhưng điều ấy không có nghĩa là tận thế. Thật vậy, trong một giây phút bất ngờ của sự phát hiện, một chương mới của đời người có thể mở ra. Brian Schulz, khổ đau vì bệnh thấp khớp nhận ra trong Một Con Đường Chữa Lành của Mark Ian Barasch : “Trước kia mong muốn của tôi là trốn khỏi cơn bệnh đau như thể nó là một cái gì ngoại lai, một kẻ xâm nhập. Bây giờ tôi bắt đầu đối xử với nó như là một phần của tôi có thể sờ chạm được.” Một tư tưởng tương tự của Joseph Cardinal Bernadin ở Chicago, trước khi chết vào ngày 14 tháng 11 năm 1996, đã nói : “Cái chết là bạn tôi.” Đấy chính xác là tình cảm biểu lộ trong câu nói phổ thông của Chân tông : “Bệnh tật cũng là người bạn tốt (thiện tri thức) của tôi.”

Trước chương trình tái sinh rác ở thị xã của tôi, tôi không ngừng nghĩ đến rác rưởi có chút giá trị gì không. Nhưng trên con đường Tịnh Độ chính những cái của mình mà chúng ta muốn vứt đi, chúng là vô giá, vì chúng là mối quan tâm chủ yếu của lòng đại bi và chính nhờ lòng đại bi này chuyển hóa chúng thành những sở hữu quý giá và thân yêu.

---o0o---

- Trích “Sông Lửa, Sông Nước - Một giới thiệu vào Truyền thống Tịnh Độ của Phật giáo Chân Tông Nhật Bản”.

Tác giả: Taitetsu Unno.

Dịch giả: An Cư.

NXB. Thiện Tri Thức, 2001.

Photo: Internet.

Bài viết liên quan