ĐIỂM THIẾT YẾU THỨ BA - Garab Dorje Với Bình Giảng Của Dza Patrul Ripoche

ĐIỂM THIẾT YẾU THỨ BA

Garab Dorje Với Bình Giảng Của Dza Patrul Ripoche

-----o0o-----

Bởi thế, điểm thiết yếu của thực hành là, bất kể tư tưởng nào khởi lên, nó được để cho tự do sanh khởi không cố gắng đè nén hay ngăn chặn dù bằng cách gì, và bất cứ tư tưởng nào sanh khởi đều được đưa vào tiến trình tịnh hóa thành trạng thái tự nhiên của nó, (bằng cách cho phép nó tự do tan biến trở lại vào trạng thái trống không mà từ đó nó đã khởi sanh). Do vậy, có...
ĐIỂM THIẾT YẾU THỨ BA - Garab Dorje Với Bình Giảng Của Dza Patrul Ripoche

Bây giờ, vào những lúc ấy, nếu người ta không có niềm tin vào phương pháp của tự-giải thoát và chỉ thiền định buông xả trong một trạng thái bình lặng của tâm thức, thì người ta sẽ không vượt khỏi sự trệch hướng tiêu biểu bằng sự tái sanh vào những thế giới cao hơn. Bởi thế, người ta sẽ không thể kiểm soát những nguyên nhân phụ của sân và tham, những hoạt động của những thúc đẩy (hành) của chúng ta sẽ không đoạn dứt và tâm thức sẽ mất niềm tin vào sự khám phá của nó. Bởi thế, (tin vào phương pháp tự giải thoát) là rất quan trọng.

Lại nữa, dù có khởi lên tham muốn mạnh mẽ với một đối tượng mong muốn hay ghét bỏ nặng nề với một đối tượng không mong muốn, hoặc vui thích có được của cải, những hoàn cảnh êm ả và những hưởng thụ; hay những cảm nhận buồn phiền với những hoàn cảnh chống trái, những cái xấu, những bệnh tật…, bởi vì cái gì khởi lên lúc đó chỉ biểu thị những biểu lộ của năng lực sáng tạo của tánh Giác nội tại vốn sẵn, rất quan trọng cần nhận biết tánh giác bổn nguyên (trí huệ) như là nền tảng nguyên tuyền của giải thoát. Do vậy, có nói trong bản văn: “Vào lúc đó, bất cứ tham hay sân, bất cứ vui hay buồn…”

Khác đi, nếu sự giải thoát của những tư tưởng ngay khi chúng khởi lên không tạo thành điểm thiết yếu của thực hành, bấy giờ bất cứ thứ gì sanh ra (trong tâm), bao gồm toàn bộ dòng chảy ngầm của những tư tưởng lưu xuất (mà không được để ý) từ tâm, sẽ tích tập nghiệp tương lai (không dứt) cho cá nhân trong sanh tử. Bởi vì người ta phải tiếp tục giải thoát bất cứ tư tưởng nào đã sanh ra không để lại dấu vết, dù thô hay tế, đây là điểm thiết yếu (của thực hành), bản văn nói “bất cứ tư tưởng lan man nào thình lình khởi lên”.

Bởi thế, với bất kỳ tư tưởng phiêu dạt nào có thể sanh ra, không để cho chúng trở thành một dòng ngầm sinh sôi những mê vọng hay để cho chúng trở thành một mạng lưới rối rắm của ký ức do tâm thức tạo ra, chúng ta cần nhận biết bản tánh của những tư tưởng khởi lên này khi vẫn an trụ trong một trạng thái không tách lìa khỏi tỉnh giác tự nhiên vốn có. Cần thiết tiếp tục trong trạng thái này, nơi người ta để cho chúng giải thoát ngay khi chúng sanh khởi mà không chạy theo chúng. Điều này cũng giống như vẽ những bức tranh trên mặt nước. Do vậy, có nói trong bản văn: “(Khi ở) trong trạng thái nhận biết chúng, người ta không theo chúng”.

Tuy nhiên, vào lúc đó, nếu người ta không tịnh hóa những tư tưởng lan man bằng cách tự giải thoát, bấy giờ chỉ nhận biết những tư tưởng lan man như vậy sẽ không cắt đứt dòng hoạt động mê vọng (của tâm). Nhưng trước kia đã nhận biết tánh giác bổn nguyên và tương tục trong trạng thái này, những tư tưởng lan man được tịnh hóa không để lại dấu vết, bởi vì đồng thời với sự nhận biết chúng, người ta thấy khuôn mặt (hay bản tánh) của chúng một cách trần trụi. Như thế, về sự quan trọng của điểm thiết yếu này, bản văn nói: “Từ đó người ta nắm giữ sự nhận biết Pháp thân về mặt giải thoát”.

Chẳng hạn, ngay khi người ta vẽ một bức tranh trên nước, nét vẽ tự tan biến – nét vẽ và sự tan biến của nó là đồng thời – cũng thế sự sanh ra của một tư tưởng lạc lõng và sự tự-giải thoát là đồng thời. Không có một gián đoạn cách hở nào giữa sự tự-sanh khởi và sự tự-giải thoát của nó. Như thế, có nói trong bản văn: “Bấy giờ giống như vẽ hình trên mặt nước”.

Bởi thế, điểm thiết yếu của thực hành là, bất kể tư tưởng nào khởi lên, nó được để cho tự do sanh khởi không cố gắng đè nén hay ngăn chặn dù bằng cách gì, và bất cứ tư tưởng nào sanh khởi đều được đưa vào tiến trình tịnh hóa thành trạng thái tự nhiên của nó, (bằng cách cho phép nó tự do tan biến trở lại vào trạng thái trống không mà từ đó nó đã khởi sanh). Do vậy, có nói trong bản văn: “Không có cách hở giữa tự-sanh khởi (của tư tưởng) và tự giải thoát của chúng”.

Trong cách đó, những tư tưởng phiêu dạt được tịnh hóa qua năng lực sáng tạo của Pháp thân. Như thế, bất cứ khi nào tư tưởng khởi lên, chúng vốn được tịnh hóa do tiềm năng sẵn có của tánh Giác hiện tiền. Tư tưởng sanh ra làm cho năm phiền não biểu lộ càng thô đến đâu, thì tỉnh giác hiện diện ngay nơi sự giải thoát của chúng càng mạnh mẽ và sáng tỏ hơn đến đó. Như thế, có nói trong bản văn: “Bất cứ cái gì khởi lên (trong tâm) đều thành thực phẩm cho tánh Giác rỗng không trần trụi”.

Tư tưởng lan man nào xảy ra sẽ sanh khởi như tiềm năng vốn sẵn của bản thân tánh Giác trực tiếp thấu suốt và nội tại tức thời. Bởi vì người ta tiếp tục trong trạng thái ấy mà không lấy bỏ một cái gì, ngay khoảnh khắc tư tưởng sanh khởi, chúng trở thành giải thoát và chúng không đi đâu ngoài trạng thái của Pháp thân. Như thế, có nói trong bản văn: “Khi nào những chuyển động của tư tưởng xảy ra, chúng tiêu biểu năng lực sáng tạo của vua Pháp thân”.

Bởi vì những tư tưởng ở trong tâm chỉ là những hình thức của vô minh và mê lầm, chúng được tịnh hóa trong cõi giới bao la của Pháp thân, bất cứ chuyển động nào của tư tưởng xảy ra đều khởi lên trong cùng một cõi giới bao la của Tịnh Quang bất tuyệt và đều không có tự tánh. Vì thế, có nói trong bản văn: “Không để lại dấu vết, những tư tưởng này là tự-tịnh hóa. A-la-la!”.

Khi người ta quen thực hành trong một thời gian dài, tiếp tục tiến hành trên con đường theo cách này, bấy giờ những tư tưởng lan man sẽ khởi sanh như chính là bản thân thiền định. Và bởi vì những biên giới giữa trạng thái tĩnh lặng và những chuyển động của tư tưởng đã tiêu tan, không có chướng ngại hay tổn hại nào sẽ đến với trạng thái tĩnh lặng. Bởi thế, có nói trong bản văn: “Cách sanh khởi cũng sẽ y như trước”.

Bản thân những tư tưởng lan man tiêu biểu tiềm năng hay trò chơi của năng lực sáng tạo (của tâm), dù là hạnh phúc hay đau buồn, hy vọng hay sợ hãi. Và dù (đối với Thiền giả), cách mà những tư tưởng này sanh khởi cũng giống y như tiến trình trong tâm thức của người bình thường, tuy nhiên (với Thiền giả) điều đó không giống như kinh nghiệm của người bình thường trong đó người bình thường cố gắng tạo ra hay đè nén tư tưởng, và kết quả là, do tích tập những hoạt động của các hành (samskara), họ bị tham sân thống trị từ bên ngoài. (Ngược lại), Thiền giả chứng giải thoát ngay trong khoảnh khắc khởi sanh của tư tưởng. (Ở đây có ba cấp độ của giải thoát.) Thứ nhất, giải thoát bằng nhận biết những tư tưởng (ngay khi chúng sanh khởi), giống như gặp một người đã từng gặp trước đó. Thứ hai, những tư tưởng được giải thoát bởi chính chúng (ngay khi chúng sanh khởi), giống như một con rắn đang cuộn mình tự mở cuộn. Và cuối cùng, những tư tưởng được giải thoát mà không làm lợi hay làm hại (cho trạng thái tham thiền của mình), giống như một kẻ trộm vào một cái nhà trống không. Bởi vì Thiền giả có được điểm thiết yếu này về cách giải thoát những tư tưởng, có nói trong bản văn: “Nhưng điểm thiết yếu cốt tử đặc biệt là cách những tư tưởng được giải thoát”.

Ở một chỗ nào có nói: “Dù người ta biết được làm sao thiền định, nhưng không biết làm sao giải thoát những tư tưởng, thế thì chẳng giống với những cấp độ định (dhyana) của chư thiên sao?” Nếu sự thiền định của người ta thiếu điểm rất thiết yếu này về phương pháp giải thoát những tư tưởng, và người ta chỉ tin vào định tâm, điều này biểu thị sự trệch hướng cứ trụ trong các cảnh định, bao gồm những thế giới cao hơn.

Những người cho rằng chỉ nhận biết trạng thái tĩnh lặng hay sự chuyển động của tư tưởng là đủ thì không khác với người bình thường bị phiền não bởi những tư tưởng mê vọng. Và dù cho một cá nhân như vậy có thể vui vẻ xem xét những ý niệm như “tánh Không” và “Pháp thân” được xác nhận bằng những tạo tác ý niệm do trí óc tạo ra, thì khi họ gặp những hoàn cảnh nghịch, cá nhân đó sẽ không thể giữ điềm tĩnh bởi vì những cái đối trị như thế trở nên rõ ràng vô hiệu. Bởi thế, có nói trong bản văn: “Không có điều sau này, thiền định sẽ chỉ biểu hiện một con đường của vọng tưởng sai lầm”.

Đối với “giải thoát qua sự chú ý thuần túy”, hay “giải thoát ngay khi khởi sanh”, hay “tự-giải thoát”, hay bất cứ tên gì khác để chỉ điều đó, phương pháp giải thoát này, tịnh hóa những tư tưởng lan man qua tự giải thoát mà không để lại chút dấu vết nào là điểm thiết yếu độc nhất và phi thường của Đại Toàn Thiện tự nhiên. Nếu người ta có điểm thiết yếu này, bấy giờ bất kể phiền não và tư tưởng phóng dật nào sanh ra, chúng đều chỉ khởi sanh trong Pháp thân. Như thế, những tư tưởng mê vọng được tịnh hóa thành tánh giác hay trí huệ bổn nguyên, và những nghịch cảnh giờ đây khởi lên như người bạn giúp đỡ. Những phiền não được chuyển hóa thành bản thân con đường, và đã tịnh hóa chúng thành một trạng thái tĩnh lặng mà không bỏ rơi sanh tử, cá nhân giải thoát khỏi sự trói buộc vào cả sanh tử lẫn Niết bàn. Người ta vượt khỏi (mọi giới hạn) vào một trạng thái nơi không có gì còn lại để làm, nơi người ta thoát khỏi mọi nỗ lực để thành tựu bất cứ điều gì. Do vậy, có nói trong bản văn: “Nhưng nếu người ta có điểm thiết yếu này, bấy giờ không-thiền định chính là trạng thái của Pháp thân”.

Nhưng nếu người ta không có niềm tin vào một cách thức giải thoát những tư tưởng như vậy, bấy giờ dù người ta có thể tuyên bố một cách kiêu hãnh rằng cái thấy hiểu của người ta cao hơn và thiền định sâu hơn, thì cũng không có lợi lạc gì cho tâm thức họ, (cái thấy hiểu và thiền định) cũng chẳng thể là những đối trị cho những phiền não. Tóm lại, đấy không phải là con đường đúng. Nhưng nếu người ta có được điểm thiết yếu (tính đồng thời của) tự-khởi sanh và tự-giải thoát của những tư tưởng, bấy giờ sẽ không thể nào không giải thoát cho dòng thức khỏi những ràng buộc của nhị nguyên, thậm chí nếu người ta không có nhiều hơn một vốc tay cái thấy hiểu cao hơn hay nhiều hơn một hạt bụi thiền định sâu hơn. Như thể người ta đi đến một đảo vàng, và một khi đến đó, dù người ta chỉ tìm một hòn đá, một cục đất bình thường, người ta cũng tìm không ra; cũng thế, bất kỳ lúc nào tư tưởng lan man sanh ra, dù trong trạng thái bình lặng hay chuyển động của tư tưởng, dù người ta tìm những vọng tưởng với những đặc trưng bẩm sinh của chúng, người ta sẽ không tìm thấy. Đây độc nhất là biện pháp để xác định sự thực hành của người ta có tiến hành hợp với điểm thiết yếu này hay không. Đó là tại sao có nói trong bản văn: “Bởi thế, liên tục tin thẳng vào tự-giải thoát là điểm thiết yếu thứ ba”.

-----o0o-----

Trích: Những Chữ Vàng Thiền Tối Thượng Thừa Của Phật Giáo Tây Tạng

Garab Dorje, Đạo Sư Nhân Loại Đầu tiên của Đại Toàn Thiện

Việt Dịch: Ban Dịch Thuật Thiện Tri Thức, NXB Thiện Tri Thức, 2002

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan