ĐỊNH HUỆ ĐỒNG TU - CHƠN TÂM TRỰC THUYẾT – THIỀN SƯ PHỔ CHIẾU

Người liễu đạt đối với nghĩa định huệ đồng tu, không rơi vào dụng công, nguyên tự nó vô vi, lại không một đặc biệt thời tiết nào. Khi thấy sắc nghe tiếng chỉ có vậy. Khi mặc áo ăn cơm chỉ có vậy. Khi đi ỉa đi đái chỉ có vậy. Khi bàn chuyện với người chỉ có vậy. Cho đến đi đứng nằm ngồi, hoặc nói nín, hoặc vui, hoặc giận. Tất cả thời mỗi mỗi đều như thế. Giống như...
ĐỊNH HUỆ ĐỒNG TU - CHƠN TÂM TRỰC THUYẾT – THIỀN SƯ PHỔ CHIẾU

ĐỊNH HUỆ ĐỒNG TU

CHƠN TÂM TRỰC THUYẾT – THIỀN SƯ PHỔ CHIẾU

---oOo---

Hỏi: Trong pháp môn hậu tu có nghĩa “định huệ đồng tu”, tôi thật chưa rõ. Lại xin tuyên giải khiến mở mê để dẫn vào cửa giải thoát.

Ðáp: Nếu lập pháp nghĩa để vào lý, thì ngàn pháp môn không pháp môn nào chẳng định huệ. Nắm được cương yếu của nó thì trên tự tánh thể dụng có hai nghĩa. Trước đã nói “không-tịch hư tri” ấy vậy. Ðịnh là thể, huệ là dụng. Ngay nơi thể là dụng, nên huệ chẳng lìa định. Ngay nơi dụng là thể, nên định chẳng lìa huệ. Ðịnh tức huệ nên tịch mà thường tri. Huệ tức định nên tri mà thường tịch. Như Tào Khê nói: “Ðất tâm không loạn là tự tánh định, đất tâm không si là tự tánh huệ”. Nếu ngộ được như thế thì mặc tình tịch mà tri, chiếu soi hay che đậy không hai. Ðấy là cửa “Ðốn”, và là Ðịnh Huệ song tu vậy.

Nếu nói trước dùng lặng lẽ để trị duyên lự, sau lấy tỉnh táo để trị hôn trầm, trước sau đối trị điều phục hôn loạn để nhập vào chỗ tĩnh. Ðấy là cửa tiệm, là chỗ sở hành của người căn cơ kém. Tuy nói tỉnh táo và lặng lẽ gồm giữ nhưng chưa khỏi giữ tịnh làm pháp hạnh. Ðâu như người liễu sự chẳng lìa bổn tịch bổn tri nhậm vận song tu. Cho nên Tào Khê nói: “Tự ngộ mà tu hành chớ chẳng phải ở nơi chỗ tịnh. Nếu mắc nơi tịnh trước sau là người mê”.

Người liễu đạt đối với nghĩa định huệ đồng tu, không rơi vào dụng công, nguyên tự nó vô vi, lại không một đặc biệt thời tiết nào. Khi thấy sắc nghe tiếng chỉ có vậy. Khi mặc áo ăn cơm chỉ có vậy. Khi đi ỉa đi đái chỉ có vậy. Khi bàn chuyện với người chỉ có vậy. Cho đến đi đứng nằm ngồi, hoặc nói nín, hoặc vui, hoặc giận. Tất cả thời mỗi mỗi đều như thế. Giống như chiếc xuồng rỗng nương theo sóng mặc tình lên xuống. Như dòng nước chảy trong núi, gặp lúc cong, gặp lúc thẳng mà tâm tâm vô tri. Ngày nay bay nhảy mặc tình, ngày mai mặc tình bay nhảy. Tùy thuận các duyên không chướng ngại. Nơi thiện ác chẳng đoạn chẳng tu. Chất trực không dối, thấy nghe tầm thường. Lại không một mảy bụi để đối đãi, nhọc gì ra sức chùi rửa? Không một niệm để sanh tình, chẳng nhờ mượn sức quên duyên.

Tuy nhiên người nghiệp chướng sâu tập khí nặng, huệ quán kém, tâm trôi nổi nhiều, sức vô minh lớn, sức bát nhã nhỏ. Nơi cảnh giới thiện ác chưa khỏi bị động tịnh thay đổi. Tâm không lạnh nhạt. Chẳng thể không quên duyên khiến công phu lau chùi. Như nói: “Sáu căn nhiếp cảnh, tâm chẳng theo duyên gọi đó là định. Tâm cảnh đều không, soi xét không lầm gọi đó là huệ”. Ðây là môn tùy tướng định huệ, là pháp môn tiệm, là chỗ sở hành của người căn cơ kém.

Nhưng trong pháp môn đối trị không thể không. Nếu trạo cử lẫy lừng thì trước dùng định môn, xứng hợp với lý mà nhiếp tâm tán loạn, chẳng theo duyên khế hợp với bổn tịch. Nếu hôn trầm quá nhiều thì dùng huệ môn trạch pháp quán không, soi xét không lầm để khế hợp với bổn tri. Lấy định trị loạn tưởng, lấy huệ trị vô ký. Ðộng tịnh đều hết công phu đối trị cũng xong. Thế thì đối cảnh mà mỗi niệm về nguồn, gặp duyên mà tâm tâm khế hợp với đạo. Nhậm vận song tu mới là người vô sự. Nếu như thế mới có thể gọi thật là “định huệ đồng tu”, thấy rõ Phật tánh ấy vậy.

---oOo---

Trích “Chơn Tâm Trực Thuyết”

HT. Thích Đắc Pháp dịch

Tu Viện Chơn Không, 1973

 

Bài viết liên quan