DƯ BÁO - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

DƯ BÁO 

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Nghiệp là do tự vọng tưởng mời tới rồi tự lảnh thọ quả báo. Chúng đều là vọng tưởng hư huyễn thành tập khí ngưng kết mà thành. Cho nên muốn phá hủy chúng phải phá hủy từ cái nhân vọng tưởng của chúng, không cho chúng ngưng kết.
DƯ BÁO - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

DƯ BÁO 

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

 

Lại nữa A Nan, nếu các chúng sanh ấy chê bai phá hoại luật nghi, phạm giới Bồ tát, hủy báng Niết bàn của Phật và các tạp nghiệp khác thì sau nhiều kiếp bị đốt cháy đền hết tội rồi thì chịu các hình quỷ.           

Nếu bản nhân do tham vật mà làm ra tội thì khi đền tội xong, gặp vật thành hình, gọi là Quái quỷ. Do tham sắc mà làm ra tội thì khi đền tội xong, gặp gió thành hình, gọi là Bạt quỷ. Do tham dối trá mà làm ra tội thì khi đền tội xong, gặp gia súc thành hình, gọi là Mị quỷ. Do tham hận thù mà làm ra tội thì khi đền tội xong gặp con trùng thành hình, gọi là Cổ độc quỷ. Do tham ghi nhớ chẳng bỏ mà làm ra tội thì khi đền tội xong, gặp sự suy tàn thành hình, gọi là Lệ quỷ. Do tham ngạo mạn mà làm ra tội thì khi đền tội xong, gặp khí thành hình, gọi là Ngạ quỷ. Do tham lừa gạt mà làm ra tội thì khi đền tội xong, gặp u ẩn thành hình, gọi là Áp quỷ. Do tham chỉ trích mà làm ra tội thì khi đền tội xong, gặp tinh hoa thành hình, gọi là Võng lượng quỷ. Do tham vu vạ mà làm ra tội thì khi đền tội xong, gặp bóng sáng thành hình, gọi là Dịch sử quỷ. Do tham bè đảng mà làm ra tội thì khi đền tội xong, gặp con người thành hình, gọi là Truyền tống quỷ.

A Nan, những người ấy đều do thuần tình mà đọa lạc, khi lửa nghiệp đốt xong thì lên làm quỷ. Các loài như thế đều do nghiệp tự vọng tưởng chiêu dẫn ra. Nếu ngộ được Bồ đề thì trong tánh diệu viên minh các thứ ấy vốn không có.

 

Những người chỉ có tình không có tưởng thì khi đền tội xong thì tái sanh làm mười loài quỷ, chưa được làm người để tiến tu. Tất cả đều do nghiệp tự vọng tưởng thành tập khí mà chiêu dẫn ra. Ngộ được Bồ đề, tức tánh giác thì các cảnh giới nghiệp báo ấy tiêu tan, vì trong tánh giác các thứ ấy vốn không có.

Cho nên để phòng ngừa bệnh khổ làm quỷ, thì ngay khi còn sống lúc này, hãy tin tưởng và tinh tấn huân tu tánh nghe, trở về nguồn tánh, nơi đó không còn ba cõi sanh tử.

 

Lại nữa, A Nan, khi nghiệp quỷ đã hết thì hai thứ tình và tưởng đều thành không, mới ở thế gian cùng với những người mình đã mắc nợ cũ oán đối gặp nhau, thân làm súc sanh để trả nợ trước.

Loài quái quỷ theo vật thì khi vật tiêu, quả báo hết, sanh nơi thế gian phần nhiều làm chim cưu. Loài bạt quỷ thì khi gió tiêu tan, quả báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài báo điềm kỳ dị. Loài mỵ quỷ thì khi súc chết báo hết, sanh nơi thế gian phần nhiều làm chồn cáo. Loài cổ quỷ thì khi sâu diệt báo hết, sanh nơi thế gian phần nhiều làm loài có độc. Loài lệ quỷ thì khi sự suy dứt, báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài giun. Ngạ quỷ thì khi khí tiêu, báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài ăn thịt. Loài áp quỷ thì khi u ẩn tiêu, báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài cung cấp đồ mặc. Loài võng lượng quỷ thì khi tinh hoa tiêu, báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài chim theo mùa. Loài dịch sử quỷ thì khi bóng sáng diệt, báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài báo điềm lành. Loài truyền tống quỷ thì khi người chết, báo hết, sanh nơi thế gian, phần nhiều làm loài thuần hóa.

A Nan, các loài ấy đều do lửa nghiệp đốt xong, sanh làm súc vật để trả nợ cũ. Hết thảy cũng đều tự hư vọng làm ra nghiệp chiêu dẫn mà có. Nếu ngộ Bồ đề thì các vọng duyên ấy vốn không có chỗ.

 

Từ hết báo nghiệp địa ngục thì lên làm quỷ, hết nghiệp quỷ thì lên làm súc sanh, hết nghiệp súc sanh mới lên làm người. Vì ở địa ngục, loài quỷ và loài súc sanh làm gì có cơ hội học pháp để đi tắt lên làm người, phải chờ cho nghiệp báo hết. Thế mới biết nghiệp vọng tưởng sanh tình sanh tưởng kiên cố khó phá chừng nào.

Khi thấy tiến trình đi lên gian nan như vậy, người tu hành vừa thấy lo cho mình, vừa thương xót cho chúng sanh. Người tu đạo Bồ tát là một chiến sĩ chống lại tất cả những mê vọng làm chúng sanh rơi xuống thấp. Nếu không có một động lực như vậy thì khó đảm đương được Bồ tát hạnh.

Các vọng duyên nghiệp và nghiệp báo, dù có đã lỡ lầm làm ra, thì luôn luôn hiện hữu trên tánh giác. Cho nên dù ở bất cứ đâu, thời gian nào, hoàn cảnh nào cũng có thể giải thoát bằng cách xoay lại để kinh nghiệm tánh giác xưa nay chưa từng rời lìa khỏi hiện hữu do nghiệp báo của mình.

Tốt nhất là khi còn làm người hãy nỗ lực tương ưng với Như Lai tạng. Mình là cái “thanh tịnh bản nhiên” thì có nghiệp xấu nào dính bám vào được, mình là cái “toàn khắp pháp giới” thì có gì giam nhốt được.

 

Như lời ông nói, nhóm Bảo Liên Hương, vua Lưu Ly, và Tỳ kheo Thiện Tinh đều tự mình phát tạo nghiệp dữ như thế. Nghiệp ấy không phải từ trời rơi xuống, cũng chẳng phải từ đất chui lên, cũng chẳng phải ai đem đến, mà chính là do họ tự vọng tưởng mời tới rồi tự lãnh thọ.      

Trong tâm Bồ đề chúng đều là vọng tưởng hư huyễn ngưng kết.

 

Nghiệp là do tự vọng tưởng mời tới rồi tự lảnh thọ quả báo. Chúng đều là vọng tưởng hư huyễn thành tập khí ngưng kết mà thành. Cho nên muốn phá hủy chúng phải phá hủy từ cái nhân vọng tưởng của chúng, không cho chúng ngưng kết.

Kinh này đoạn đầu đã chỉ rõ làm sao phá hủy từ cái nhân vọng tưởng của nghiệp và nghiệp báo. Như Bồ tát Quán Thế Âm, “xoay nghe, nghe tự tánh” thì không những hết nghiệp mà còn thành Đại Bồ tát mà độ chúng sanh.

 

Lại nữa, A Nan, các súc sanh ấy đền trả nợ trước mà nếu trong lúc trả nợ, trả quá nợ cũ thì các chúng sanh ấy trở lại làm người đòi lại chỗ dư. Nếu người kia có sức lực lại có phước đức, thì ở trong loài người không bỏ thân người mà hoàn lại chỗ thừa ấy, còn nếu không có sức lực phước đức thì phải làm súc sanh để đền trả lại chỗ thừa.

A Nan, phải biết, nếu dùng tiền của hoặc sức người thì đền đủ là xong, còn như trong ấy có giết thân mạng hoặc ăn thịt, như vậy trải qua nhiều kiếp ăn nhau giết nhau thì giống như bánh xe quay hoài, chỗ cao thấp thay đổi nhau liên hồi không nghỉ. Trừ pháp Xa ma tha hoặc gặp Phật ra đời chứ chẳng thể nào thôi nghỉ được.

 

Cuộc đời thường tình chỉ là vay trả, trả vay. Có nợ người nào thì phải trả, nhưng người ấy do phiền não hận thù mà đòi quá số phải trả thì lại mắc nợ người kia. Vòng sanh tử cứ quay hoài, chỗ thấp cao thay đổi nhau, đền bù cho nhau không ngừng nghỉ.

Người Bồ tát thấy như vậy bèn đem Phật pháp đã trải nghiệm mà cứu đời, không cho đời tạo nghiệp xấu để khỏi phải vay trả, trả vay khổ đau không dứt.

 

Nay ông nên biết, loài chim cưu kia, trả nợ đủ thì trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, xen hợp với hạng ngoan cố. Loài cửu trưng kia trả nợ đủ thì trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, xen hợp với hạng quái dị. Loài chồn kia trả nợ đủ thì trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, xen hợp với hạng ngu dại. Những loài có độc kia trả nợ đủ thì trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, xen hợp với hạng nham hiểm. Những loài giun kia trả nợ đủ thì trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, xen hợp với hạng hèn nhát. Những loài bị ăn thịt kia trả nợ đủ thì trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, xen hợp với hạng nhu nhược. Những loài cung cấp đồ mặc kia trả nợ đủ thì trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, xen hợp với hạng lao nhọc. Những loài chim mùa kia trả nợ đủ thì trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, xen hợp với hạng văn hoa. Những loài đem điềm lành kia trả nợ đủ thì trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, xen hợp với hạng thông minh. Những loài thuần hóa kia trả nợ đủ thì trở lại hình người, sanh trong nhân đạo, xen hợp với hạng thông đạt.
 

A Nan, các chúng sanh ấy trả hết nợ cũ, trở lại hình của cõi người đều do từ vô thủy đến nay điên đảo mà gây nghiệp, sanh nhau giết nhau, chẳng gặp Như Lai, chẳng nghe chánh pháp, ở trong trần lao cứ thế mà luân chuyển, thật đáng thương xót.

 

Đây là tổng kết về mười nhân, sáu giao báo, đều do điên đảo hư vọng sanh ra để rồi luân chuyển theo nghiệp hư vọng.

Một trong những lối thoát là pháp Xa-ma-tha, thấy như huyễn như mộng thì bèn tỉnh giấc không còn dính dáng đến sanh tử mà tạo nghiệp. Bồ tát tu pháp Xa-ma-tha như huyễn như mộng thì cứu mình cứu người. Xa-ma-tha là trí huệ, thấy chúng sanh điên đảo đáng thương xót là đại bi.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

­­­

Bài viết liên quan