ĐƯA VÀO GIÁC NGỘ

ĐƯA VÀO GIÁC NGỘ

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

‘‘Phải không có sự sanh diệt mới gọi là tự nhiên’’. Tự nhiên là xưa như vậy, nay như vậy, và mai sau như vậy.Thấy cái như vậy trước mắt, thì ‘‘tâm quá khứ chẳng thể đắc, tâm hiện tại chẳng thể đắc, tâm vị lai chẳng thể đắc’’, chẳng còn mảy mún thời gian.
ĐƯA VÀO GIÁC NGỘ

Thế nên ta nói : Ba duyên lìa dứt, tức là tâm giác ngộ. Tâm giác ngộ sanh, tâm sanh diệt diệt, đó chỉ là sanh diệt. Diệt và sanh đều hết ráo, đây là vô công dụng đạo.

Nếu có tự nhiên, như vậy là tâm tự nhiên sanh, tâm sanh diệt diệt, thế cũng là có sanh diệt. Phải không có sự sanh diệt mới gọi là tự nhiên.

Cũng như thế gian, các tướng lìa nhau hòa hợp lại thành một thể, gọi là tánh hòa hợp, còn cái chẳng hòa hợp gọi là tánh bản nhiên. Bản nhiên chẳng phải bản nhiên, hòa hợp chẳng phải hòa hợp. Hòa hợp và bản nhiên đều lìa, lìa và hợp đều chẳng phải. Câu nói ấy mới gọi là pháp không hý luận.

Niết bàn, Giác ngộ còn xa, nếu ông không trải qua nhiều kiếp siêng năng tu chứng, thì tuy có ghi nhớ diệu lý thanh tịnh trong mười hai bộ kinh của mười phương Như Lai như số cát sông Hằng cũng chỉ tăng thêm hý luận.

Quan niệm rằng ba duyên lìa dứt, tức là tâm sanh diệt diệt, liền đó tâm giác ngộ hiển lộ, cho rằng đây là tâm giác ngộ sanh, thì đó là cái mê lầm. Vì có bao giờ mà tâm giác ngộ chẳng hiển lộ, tâm sanh diệt có bao giờ là thật để có diệt. Không còn ý niệm sanh và diệt, nghĩa là không còn ý niệm về sự tương tục của thời gian, đây mới là vô công dụng đạo, vô sanh pháp nhẫn.

Cái mê lầm vi tế hơn là có tâm tự nhiên hay tánh bản nhiên có sẳn. Nhưng dù có sẳn thì vẫn sanh ra ở một thời điểm rất xa xôi nào đó, một khởi thủy nào đó. Rồi từ đó có vũ trụ, thế giới sanh ra. Muốn trở lại với tâm tự nhiên hay tánh bản nhiên này thì phải đưa vũ trụ về nguồn gốc của nó là tâm tự nhiên. Tâm tự nhiên đã có sanh, dù từ vô thủy, thì phải có tâm sanh diệt sau đó diệt. Thế cũng là có sanh diệt, có thời gian.

‘‘Phải không có sự sanh diệt mới gọi là tự nhiên’’. Tự nhiên là xưa như vậy, nay như vậy, và mai sau như vậy.Thấy cái như vậy trước mắt, thì ‘‘tâm quá khứ chẳng thể đắc, tâm hiện tại chẳng thể đắc, tâm vị lai chẳng thể đắc’’, chẳng còn mảy mún thời gian.

Áp dụng vào đời người. Nếu thấy có sanh ra vào một kiếp nào đó, có khổ đau, có sanh tử, có tu hành và có giải thoát, thì đây vẫn là có sanh diệt, có sự tương tục của thời gian.

Ở đoạn chót, nói về thế gian là sự hòa hợp thành một thể một bên và bên kia là cái chẳng hòa hợp, gọi là tánh bản nhiên. Ngộ được bản nhiên chẳng phải là bản nhiên, hoà hợp chẳng phải là hòa hợp, bèn chứng ngộ được tánh không hai. Trong đó, không có hòa hợp và bản nhiên, nên lìa hay hợp đều chẳng phải. Không có một động tác nào cả của tâm thức tánh cuồng phân biệt nào nữa, thì không có thời gian. Đây gọi là Vô tác, một trong ba môn Không, Vô tướng, Vô tác của cả Đại thừa lẫn Thanh Văn.

Ông tuy luận bàn nghĩa nhân duyên, tự nhiên, chắc chắn rõ ràng, người đời xưng ông là đa văn bậc nhất. Vậy mà lấy cái đa văn huân tập nhiều đời đó cũng không thể khỏi được nạn Ma Đăng Già, phải đợi thần chú Phật đảnh của ta khiến cho lửa dâm trong tâm Ma Đăng Già liền hết, đắc A Na Hàm, ở trong pháp ta thành rừng tinh tấn, sông ái cạn khô, mới khiến ông được giải thoát.

Thế nên A Nan, tuy ông nhiều kiếp ghi nhớ những bí mật diệu nghiêm của Như Lai, không bằng một ngày tu nghiệp vô lậu xa lìa thế gian hai thứ khổ ghét thương. Như Ma Đăng Già trước là dâm nữ do sức thần chú mà tiêu tan ái dục, nay ở trong Phật pháp có tên là Tánh Tỳ kheo ni. Cùng với Da Du Đà La là mẹ của La Hầu La, đồng ngộ nhân đời trước, biết tham ái là nhân khiến trải qua nhiều đời chịu khổ. Một niệm huân tu pháp thiện vô lậu, nên một người được ra khỏi trói buộc, còn một người được thọ ký. Sao ông còn tự coi thường mình, ở mãi trong vòng nghe, thấy.

‘‘Không bằng một ngày tu nghiệp vô lậu’’, ‘‘một niệm huân tu pháp thiện vô lậu’’, nghiệp vô lậu hay pháp thiện vô lậu là tâm nhân địa sắp giảng nói ở sau. Nhưng tâm nhân địa này cũng đã được nói đến từ đầu kinh, đó là Như Lai tạng diệu chân như tánh hay pháp thân mà ngài A Nan đã đốn ngộ. Ở đây vì đời sau mà nói thêm cho rõ ràng về cái nền tảng để tu hành, còn đốn hay tiệm, nhanh hay chậm là do hành giả.

Vả lại, tâm nhân địa chỗ nào cũng có, bước bước nào cũng là bước trên tâm nhân địa, nên nói về tâm nhân địa thì ở chỗ nào cũng nên nói, không dư không thiếu gì.

Một niệm tu nghiệp vô lậu là thế nào? Xa lìa hai thứ khổ ghét thương là thế nào? Không vọng tưởng phân biệt thì không có tướng để ghét thương, đó là tu nghiệp vô lậu. Khi không có tưởng, không có tướng đó là ‘‘ba duyên lìa dứt, tức là tâm giác ngộ’’.

Thiền Sư Cảm Thành (?_860), tổ thứ hai dòng Thiền Vô Ngôn Thông nói về tâm nhân địa như sau.

‘‘Một lần có vị Tăng đến hỏi : Thế nào là Phật ?

Sư đáp : Khắp tất cả chỗ.

Lại hỏi : Thế nào là tâm Phật ?

Sư đáp : Chưa từng che dấu.’’

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan